Home Israel Tại Sao Lại Là Y-Sơ-Ra-Ên? – Các Giao Ước Với Y-Sơ-Ra-Ên (Phần 2)

Tại Sao Lại Là Y-Sơ-Ra-Ên? – Các Giao Ước Với Y-Sơ-Ra-Ên (Phần 2)

by Hong An
30 đọc

Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu sơ lược về bối cảnh lịch sử, mối quan hệ giữa tình yêu và giao ước đời đời Đức Chúa Trời thiết lập với Y-sơ-ra-ên khi Ngài quyết định lựa chọn dân Do Thái làm tuyển dân của Ngài. Phần này chúng ta sẽ bàn về những giao ước đó!

Bắt đầu từ hai giao ước giữa Đức Chúa Trời và Nô-ê trong Sáng thế ký 6:189:8-17. Đây là những giao ước được thiết lập giữa một số lời hứa từ Đức Chúa Trời và một số nghĩa vụ từ phía Nô-ê – đóng vai trò vô cùng quan trọng, mở đầu cho các giao ước khác trong Kinh Thánh.

* Một giao ước có thể được định nghĩa như sau:

  1. Giao ước thần thượng:  Là sự sắp đặt tối thượng của Đức Chúa Trời – một khế ước được thiết lập cách vô điều kiện. Ngài sẽ tự ràng buộc chính mình vào giao ước này bằng ân sủng, dưới thể thức “TA SẼ…”. Ấy là chính Ngài sẽ đem đến phước lành cho nhưng người đã được Ngài kết giao ước.
  2. Giao ước có điều kiện: Là một đề nghị của Đức Chúa Trời – một khế ước có điều kiện, để tương hỗ với con người, dưới thể thức “NẾU NGƯƠI…THÌ TA SẼ” – để ban phước lành đặc biệt cho con người nếu người ấy hoàn thành đầy đủ điều kiện nhất định.

Giao ước Thần Thượng hay còn gọi là giao ước vô điều kiện là những điều mà Đức Chúa Trời hứa sẽ làm cho dù bất kể điều gì xảy ra, không phụ thuộc vào hành vi của những người được Ngài thiết lập trong các giao ước. Vì vậy các giao ước Đức Chúa Trời lập cùng Y-sơ-ra-ên là đời đời.

ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ BỎ CON TRAI ĐẦU LÒNG CỦA NGÀI KHÔNG?

Vậy sau những gì Y-sơ-ra-ên đã làm, Ngài sẽ trừng trị hoặc tiêu diệt họ mãi mãi sao? Câu trả lời là: Không! “…Ta cầm sự nóng giận lại…”(Ô-sê 11:10)

Y-sơ-ra-ên là Con Trưởng Nam của Ngài. Sự sống sót của dân này thật kỳ diệu. Chính Đức Chúa Trời đã ban sự sống cho con trưởng nam của Ngài (Sáng thế ký 17:17, 18:11); Áp-ra-ham đã quá già và Sa-ra đã qua tuổi sinh con khi Y-sác ra đời – Chúa đã tạo ra một dân thuộc riêng về Ngài giữa vòng tất cả các dân tộc trên thế giới, để qua họ danh Ngài được biết đến trên khắp đất.

Nhiều lần trong lịch sử họ đã bị kỷ luật, dù vậy họ vẫn không bị bỏ rơi và khước từ. Ngày hôm nay dân Y-sơ-ra-ên đang trở lại vùng đất mà Đức Chúa Trời đã thề sẽ ban cho họ bởi một giao ước đời đời, đó chính là vùng đất Ca-na-an (Thi thiên 105:7-11).

Sợi dây liên hệ của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên chính là tình yêu thương – mà bởi đó Ngài đã lập giao ước và đã xác nhận với họ bằng một lời thề (xem Phục-truyền 7:7-9a).

Nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ nói “không” với người Do Thái và Y-sơ-ra-ên sẽ không còn là tuyển dân của Ngài nữa khi họ nói “không” với Chúa Giê-xu. Vị trí đó đã bị một dân tộc mới của Đức Chúa Trời tiếp lấy được gọi là Hội Thánh, gồm những người đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu. Lời dạy dỗ này của các nhà thần học trong Hội thánh được gọi là: Thần Học Thay Thế – Hội thánh thay thế Y-sơ-ra-ên làm tuyển dân của Đức Chúa Trời. Hội thánh nói rằng: “Người Do Thái đã chối bỏ Chúa  Giê-xu, vì vậy họ không còn là tuyển dân nữa… Há họ đã không nói: “…Xin huyết của nó đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi!” sao? ( Ma-thi-ơ 27:25)

Bất cứ phần nào trong Kinh Thánh chép về ơn phước dành cho Y-sơ-ra-ên, thì Hội Thánh coi là dành cho mình – một Y-sơ-ra-ên “thuộc linh” mới. Nhưng những hình phạt được chép, thì dành cho người Do Thái, cho Y-sơ-ra-ên về phần xác!

Các dịch giả Kinh Thánh xưa kia thậm chí còn đưa các chú thích lên đầu các chương trong Kinh Thánh nói về Y-sơ-ra-ên (ví dụ Ê-sai 60 – Vinh quang cho Hội thánh!), tuy nhiên các chú thích đó không có trong nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ hoặc Hi Lạp, nhưng đã được thêm vào về sau. Đó là cách nói, cách nghĩ còn tồn tại của đa số Cơ đốc nhân hiện nay: “Đức Chúa Trời không đặc biệt liên quan đến dân Do Thái. Người Do Thái phải nhận những trừng phạt và phán xét của Ngài. Còn Hội Thánh Cơ Đốc nhận được các phước lành phong phú”.

Đức Chúa Trời đã bỏ con trai đầu lòng của Ngài rồi sao? 

“Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ ấu, ta yêu dấu nó; ta gọi con trai ta ra khỏi Ai-cập.” Ô-sê 11:1

Là những Cơ-đốc nhân, hãy cùng suy nghĩ về Ma-thi-ơ 2:13-15“… Khi các nhà thông thái đi rồi, một thiên sứ của Chúa hiện đến với Giô-sép trong chiêm bao và truyền rằng: “Hãy thức dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài lánh sang Ai cập …Đang đêm, Giô-sép thức dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài lánh sang Ai Cập”. Việc nầy xảy ra để lời Chúa phán qua nhà tiên tri được ứng nghiệm: “Ta đã gọi Con Ta ra khỏi Ai Cập.”

Một số nhà thần học nói rằng: “Tất cả các lời tiên tri của Cựu Ước đều được ứng nghiệm trong Chúa Giê-xu.” Nhưng “ứng nghiệm” có nghĩa là gì? Đó là đường đi của Chúa Giê-xu là đường đi của Y-sơ-ra-ên và đường đi của Y-sơ-ra-ên là đường đi của Chúa Giê-xu. Tất cả đều là kết quả của việc Y-sơ-ra-ên được Chúa kêu gọi để bày tỏ chính Ngài cho thế giới và trở thành nguồn phước cho các dân tộc. Những đau khổ đến cùng với sự kêu gọi này sẽ được nhìn thấy trong lịch sử Y-sơ-ra-ên – tuyển dân của Ngài và thậm chí được bày tỏ nhiều hơn trong cuộc đời của Chúa Giê-xu – Con Một của Đức Chúa Trời (và cũng là người con tuyệt vời nhất của Y-sơ-ra-ên).

Chúa Giê-xu và Y-sơ-ra-ên có liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngài là lý do cho sự tồn tại của Y-sơ-ra-ên. Với dân Y-sơ-ra-ên, Ngài là Đấng Vượt Trội Duy Nhất Được Lựa Chọn – làm ứng nghiệm cuộc tuyển chọn dân Y-sơ-ra-ên. Ngài bày tỏ sự thành tín đời đời của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên . Mặc dù được lựa chọn có nghĩa là phải chịu đựng gian khổ trong một thế giới đầy tội lỗi, gian ác. Điều này có nghĩa rằng những gian khổ của dân Y-sơ-ra-ên chính là những gian khổ mà Chúa Giê xu đã trải qua!

AI MỚI THẬT SỰ CÓ LỖI?

Ma-thi-ơ 27:25b là một trong những câu Kinh Thánh được Hội thánh sử dụng trong nhiều thế kỉ để dạy rằng Y-sơ-ra-ên đã bị loại bỏ, bị đặt dưới sự nguyền rủa và xét đoán mãi mãi của Đức Chúa Trời, còn Hội thánh đã thay thế Y-sơ-ra-ên làm tuyển dân Đức Chúa Trời. “Xin huyết của nó đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi!…”, câu Kinh Thánh này là tiếng kêu kinh khủng của đám đông ở Giê-ru-sa-lem, thường được trích dẫn để bảo vệ quan điểm: “số phận bi thảm của Y-sơ-ra-ên trong suốt lịch sử là lỗi lầm của họ”.

Nhiều người nói rằng: “Thật khủng khiếp, tất cả những điều đó xảy ra trong suốt nhiều thế kỷ với người Do Thái và đây không phải là lời cảnh báo cho tất cả chúng ta sao? Phải chăng điều này sẽ xảy ra cho những người chối bỏ Chúa và Đấng Xức Dầu của Ngài? Đây là sự phán xét của Đức Chúa Trời!”. Và cứ thế Hội Thánh qua nhiều thế kỷ đã “giúp” đưa ra sự phán xét này bằng cách phát triển một nền thần học Cơ Đốc – có thể được đặt tên là “Chủ nghĩa Cơ Đốc bài Do Thái” – bằng cách kích động lòng hận thù và tạo ra một cuộc chống đối Do Thái. Các cuộc bức hại khủng khiếp xảy ra đối với người Do Thái thậm chí còn được Hội Thánh xem điều đó là đang làm đẹp lòng Chúa khi họ cho rằng: người Do Thái đã giết Chúa Giê-xu.

Thật ra người Do Thái không giết Chúa Giê-xu, mà người La-mã làm điều đó. Người Do Thái thậm chí còn không đủ quyền cai trị trong đất nước của họ để được phép thực hiện án tử hình cho tội nhân nào. Người La-mã phụ trách sự hành quyết tử tội tại xứ Do Thái. Bất cứ khi nào toà án Do Thái áp dụng hình phạt tử hình, họ phải xin phép từ biện lí Rô-ma (trong trường hợp của Chúa Giê-xu là Bôn-xơ Phi-lát) và nếu ông ta chấp nhập lời thỉnh nguyện, bản án sẽ được những người lính La mã thực hiện. Mặc dù Bôn-xơ Phi-lát không dễ bị hăm dọa.

Trong Phúc Âm Lu-ca, chương 13 chúng ta đọc về việc “Bôn-xơ Phi-lát giết những người Ga-li-lê, khiến máu của họ hòa lẫn với sinh tế họ đang dâng”. Người Do Thái không thể thực hiện bất kỳ hình phạt tử hình nào, bởi vì họ là dân thuộc địa của người La Mã.

Hội Thánh đầu tiên đã biết ai phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này. Trong bài tín điều các sứ đồ: “(Ngài) chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát, bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết, và chôn”. Ngoài Danh của Chúa Giê-xu và Ma-ri, tên tuổi duy nhất được đề cập là Bôn-xơ Phi-lát! Do đó về khía cạnh lịch sử, thật không đúng khi nói rằng chính những người Do Thái đã giết Chúa Giê-xu. Sứ đồ Giăng là người đứng bên cạnh thập tự giá đã thốt lên rằng: “Những điều nầy xảy ra để được ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Họ sẽ nhìn thấy người mình đã đâm”

Nếu hỏi vì sao Chúa Giê-xu phải chết,  thì đó là vì tất cả chúng ta đều có tội. Nói một cách cá nhân, mỗi chúng đã hô lên án tử hình cho Chúa, đã cầm búa, cầm đinh và cầm giáo (Ê-sai 53:5).

Chúa Giê-xu phán: “Không ai cất mạng sống Ta đi được, nhưng Ta tự nguyện hi sinh. Ta có quyền hi sinh mạng sống và có quyền lấy lại.” (Giăng 10:18).

Bạn và tôi đã đóng đinh Chúa Giê-xu. Người Do thái và người La Mã, cả thế giới đều chịu trách nhiệm về điều đó.

MỘT MIỀN ĐẤT MỘT DÂN TỘC MỘT NGUỒN PHƯỚC

Giao ước căn bản mà Đức Chúa Trời đã lập với tổ phụ của Y-sơ-ra-ên, khởi nguồn từ sự kêu gọi của Áp-ra-ham (Sáng thế ký 12:1-3) – là nền tảng cho tất cả các giao ước tiếp theo, mở rộng ra từ giao ước này. Ba yếu tố căn bản của giao ước dành cho Áp-ra-ham là: Một miền đất, một dân tộc, một nguồn phước. Phước lành cho chính Áp-ra-ham, cho Y-sơ-ra-ên, và qua Áp-ra-ham cho tất cả các quốc gia, dân tộc trên đất.

Nhiều người nghĩ đây chỉ là lời hứa cho cá nhân Áp-ra-ham mà thôi. Nhưng không phải vậy. “Vì từ đỉnh núi tôi thấy Y-sơ-ra-ên, Từ đỉnh cao, tôi nhìn họ: Kìa là một dân sống biệt riêng, Và không đồng hóa với các nước. Ai đếm được bụi cát của Gia-cốp? Ai tính được chỉ một phần tư của Y-sơ-ra-ên?…”; “… Đáng chúc phước cho người nào chúc phước ngươi, đáng nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa ngươi.” (Dân số ký 23:8-10; 24:9).

Ba-la-am đã áp dụng lời hứa của Đức Chúa Trời chúc phước cho cả quốc gia và dân tộc Y-sơ-ra-ên, không chỉ riêng với cá nhân Áp-ra-ham.

Đất của Y-sơ-ra-ên/Giao ước Ca-na-an:

“Ngài đã định cho Gia-cốp làm luật lệ, và cho Y-sơ-ra-ên làm giao ước ĐỜI ĐỜI, khi Ngài phán rằng: “Ta sẽ ban cho con đất Ca-na-an, làm phần sản nghiệp.” (1 Sử Ký 16:17-18 So sánh với Thi Thiên 105:10).

HỘI THÁNH CÓ THAY THẾ ĐƯỢC Y-SƠ-RA-ÊN?

Tại sao Chúa Giê-xu phải xuất thân là người Do Thái? Vì Đấng Cứu Rỗi phải giữ Giao Ước Luật Pháp – đã lập với Y-sơ-ra-ên trong sa mạc Si-nai với Môi-se làm trung gian hòa giải giữa Đức Chúa Trời và Y-sơ-ra-ên một cách trọn vẹn, để Ngài có thể là Chiên Con không tì vết, không chỗ chê trách, để chịu chết vì tội lỗi của cả thế gian (Ga-la-ti 4:4).

Chúa Giê-xu thực sự đã làm hai việc thế chỗ của chúng ta:

Thứ nhất, để giữ trọn luật pháp thay cho chúng ta.

Thứ hai, để chết thế cho hình phạt tội lỗi của chúng ta để chúng ta được tự do và được sự sống đời đời.

Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô bắt đầu hiểu được những gì đã xảy ra tại nhà của Cọt-nây. Những người này giống như những nhánh mới được ghép vào gốc rễ cũ (Rô-ma 11:24), vào Giao Ước Mới với Y-sơ-ra-ên.

Ngày nay, chúng ta cũng được ghép vào. Đức Chúa Trời bởi Ân điển Ngài đã thêm chúng ta vào Giao Ước Mới của họ.  Phao-lô đã cảnh báo những tín đồ Cơ Đốc ngoại bang rằng họ không chịu đựng cái gốc nhưng cái gốc chịu đựng họ (Rô-ma 11:18). Bằng ân sủng của Chúa, bạn là người ngoại bang được phép chia sẻ trong Giao Ước Mới với họ. Không tuyệt vời sao? Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên cũng là Đức Chúa Trời đã lập Giao Ước Mới với chúng ta! Chúng ta là tín đồ ngoại bang được tháp ghép vào Giao Ước Mới với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Ngài sẽ thành tín, bất chấp sự bất trung của chúng ta. Nếu Ngài có thể thành tín với một dân Y-sơ-ra-ên không vâng lời và giữ các lời hứa của Ngài với họ thì Ngài cũng có thể thành tín với Hội Thánh rất thường xuyên không vâng lời Ngài.  Điều này mang lại hi vọng cho chúng ta. Nhiều khi chúng ta không trung tín và bất tuân, nhưng Ngài sẽ nhìn chúng ta trong Chúa Giê-xu.

Đức Chúa Trời đã loại những người Do Thái của Ngài ra (những nhánh bị cắt bỏ) để chúng ta có thể được ghép vào (Rô-ma 11:19-20). Một ngày nào đó trong tương lai, Đức Chúa Trời sẽ làm điều này cho Y-sơ-ra-ên nữa , Ngài sẽ cứu cả Y-sơ-ra-ên. Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn và cất sự bất kính khỏi Gia-cốp, cất đi những tội lỗi của họ (Rô-ma 11:25-27).  Và Ngài sẽ tiếp tục ở với Y-sơ-ra-ên, hàn gắn lại những nhánh bị hư nát vào cây ô-li-ve, vì Ngài thành tín với chính Ngài và với các giao ước của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời không giữ các lời hứa và giao ước mà Ngài đã lập với Y-sơ-ra-ên cùng dân Do Thái, làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài sẽ giữ lời hứa Ngài đã ban cho chúng ta?

Hội Thánh và cộng đồng Cơ-Đốc không được kiêu ngạo, nhưng hãy sợ sệt! Hãy kinh ngạc trước Ân điển của Đức Chúa Trời. Vì Ngài sẽ nhớ đến Ân điển của Ngài và sẽ không bao giờ bỏ qua sự thành tín của mình đối với Y-sơ-ra-ên. Và hiện nay dân Do Thái đang hồi hương. Y-sơ-ra-ên đã được tái sinh như một quốc gia. Điều đó có nghĩa là Đấng Cứu Rỗi đang trên đường đến theo cách của Ngài, tại thời điểm của Ngài. Ngài sẽ tự tỏ mình với anh em Do Thái của Ngài.

Được lựa chọn, được tạo nên, được thiết lập và được gọi bằng Danh của Đức Chúa Trời – Đó là Y-sơ-ra-ên!

(Còn nữa)

Hồng Ân biên tập

Nguồn: Tại Sao Là Y-sơ-ra-ên? (Willem J.J Glashouwer)

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

TẠI SAO LÀ Y-SƠ-RA-ÊN? – Phần 1: Y-sơ-ra-ên – Con Trưởng Nam Của Đức Chúa Trời

Bình Luận:

You may also like