Trong hội thánh cũng như trong khu vực xung quanh, đôi khi bãi cỏ trước nhà là nơi tốt nhất để xây dựng cộng đồng.
Tôi học được rất nhiều về sự phục vụ trong hội phụ huynh học sinh ở trường. Một bài học đặc biệt đã biến đổi chức vụ của tôi.
Khi tôi gia nhập hội phụ huynh học sinh (PTA), trường các con tôi là một tòa nhà cũ với một khoảng không gian xanh – một ốc đảo đô thị xanh cỏ, hoàn chỉnh với một số cây cối để leo trèo và cầu trượt dài nhất thị trấn. Khi để bọn trẻ vui đùa vận động ở không gian xanh đó sau giờ học, chúng tôi nghĩ rằng đó là vì lợi ích của chúng. Nhưng còn có rất nhiều điều khác xảy ra trong lúc đó. Trong khi bọn trẻ đang chơi ‘keng’, một bà mẹ chia sẻ rằng cô là kế toán vừa bị mất việc, và các bậc phụ huynh khác đề nghị sẽ giúp mang các bữa ăn đến cho cô. Trong khi bọn trẻ đang tranh giành xem ai là người tiếp theo leo lên cầu trượt, một cặp vợ chồng bị dị ứng thực phẩm trong gia đình đề nghị giúp đỡ một người cha vừa mới phát hiện ra cô con gái sáu tuổi của mình bị nhạy cảm với gluten (một thành phần protein trong lúa mì, lúa mạch…). Là thành viên PTA, chúng tôi lắng nghe mối bận tâm của các bậc phụ huynh và kêu gọi mọi người cùng giúp sức.
Giá trị vượt ngoài nhà trường của tất cả các mối liên hệ này đối với cộng đồng vẫn chưa được nhìn nhận cho đến khi trường chuyển đến một tòa nhà mới hơn nhưng không có khoảng sân xanh. Chúng tôi chứng kiến ngôi trường bắt đầu thực hành văn hóa dãy-xe-hơi-nối-đuôi-nhau, thả-xuống và đón-lên. Những khoảnh khắc ngọt ngào sau giờ học khi được vui chơi chia sẻ trên bãi cỏ đã biến mất. Là một thành viên PTA, chúng tôi nhận thấy có bao nhiêu cuộc điện thoại mà chúng tôi phải gọi thêm để tìm kiếm người tình nguyện tham gia, và vì sao mà các bậc cha mẹ không còn biết tên nhau nữa. Tính cộng đồng mà chúng tôi vui hưởng giờ đây đã thuộc về dĩ vãng.
Trong nỗ lực tìm cách tiếp cận môi trường hội thánh của chúng ta một cách đúng đắn, thật dễ xem nhẹ giá trị của không gian vật lý trong đời sống hội thánh và cộng đồng. Tuy nhiên, một bài báo gần đây trên tờ Vox đã giúp tôi đặt tên cho hiện tượng không gian xanh mà tôi đã trải nghiệm ở trường con tôi. Bài báo nhắc đến nhiều nghiên cứu khác nhau chứng minh rằng “khi điều kiện bên ngoài thay đổi, sẽ khó khăn hơn để đáp ứng ba điều kiện mà các nhà xã hội học từ những năm 1950 đã xem là rất quan trọng để có những người bạn thân: sự gần gũi; tương tác lặp đi lặp lại không định sẵn; môi trường khuyến khích mọi người không cảnh giác mà tin cậy lẫn nhau”. Bài báo tóm tắt những gì tôi đã học được trong hội phụ huynh: “Thành phần quan trọng cho sự hình thành của tình bạn là tương tác tự phát lặp đi lặp lại”.
Có lẽ khá khó khăn để chứng minh giá trị của các không gian này trong hội thánh – rốt lại, chúng ta có thể không bao giờ đo lường được mạng lưới kết nối, sự hỗ trợ của cộng đồng và sự chăn bầy đang diễn ra tự nhiên ở đó. Ngay cả những người thân thuộc cũng có thể không bao giờ nhớ rằng cửa hàng cà phê chúng tôi xây dựng là nơi họ đã chuyện trò và quyết định trở thành cha mẹ nuôi, hoặc khu vườn công cộng chúng tôi tạo ra là nơi họ biết về nhóm hỗ trợ trầm cảm ở địa phương. Mặc dù không gian chung có thể không trực tiếp dẫn đến sự tăng trưởng rõ ràng có thể đo lường được, nó vẫn đem đến nhiều lợi ích cho hội thánh khi đóng vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng của chúng ta.
Như vậy, đây là thời điểm để lãnh đạo hội thánh suy nghĩ nhiều hơn về không gian bên ngoài nơi thờ phượng. Làm thế nào để các nhà lãnh đạo và hội thánh Cơ Đốc chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu cần có một không gian chung để trò chuyện chia sẻ? Làm thế nào hội thánh chúng ta có thể tạo ra những nơi nuôi dưỡng các tương tác tự phát này? Làm thế nào để hội thánh không chỉ có mặt ở một nơi nào đó, mà còn tạo ra các không gian như vậy trong cộng đồng rộng lớn hơn của chúng ta?
Thảo Nguyên
ChristianityToday