Home Dưỡng Linh Ngày 08 – Sự Cai Trị Của Giô-Sép

Ngày 08 – Sự Cai Trị Của Giô-Sép

by Ban Biên Tập
30 đọc

Sáng Thế Ký 41:37-57

37 Lời đề nghị nầy làm hài lòng Pha-ra-ôn và các triều thần. 38 Pha-ra-ôn bàn với các triều thần: “Chúng ta tìm đâu ra một người như người nầy, một người có Thần của Đức Chúa Trời?” 39 Pha-ra-ôn nói với Giô-sép: “Vì Đức Chúa Trời bày tỏ cho ngươi biết tất cả những việc nầy, nên chẳng còn ai khôn ngoan sáng suốt hơn ngươi cả. 40 Vậy, ngươi sẽ cai trị nhà của trẫm, toàn dân của trẫm sẽ phục tùng mệnh lệnh của ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngai vua mà thôi.” 41 Pha-ra-ôn lại nói với Giô-sép: “Nầy, trẫm lập ngươi cai trị toàn cõi Ai Cập.” 42 Vua liền cởi chiếc nhẫn khỏi tay mình và đeo vào tay Giô-sép, truyền mặc cho ông y phục bằng vải gai mịn và đeo vòng vàng vào cổ. 43 Vua truyền cho ông ngồi trên chiếc xe dành cho nhân vật số hai sau vua và có người đi trước hô lên: “Hãy quỳ xuống!” Như vậy, Giô-sép được vua lập lên cầm quyền cả xứ Ai Cập. 44 Pha-ra-ôn lại nói với Giô-sép: “Trẫm là Pha-ra-ôn, nhưng nếu không có lệnh của ngươi, thì không ai trong cả đất Ai Cập nầy động đậy nổi tay chân.” 45 Pha-ra-ôn đặt tên cho Giô-sép là Xa-phơ-nát Pha-nê-ách và gả Ách-nát, con gái của Phô-ti-phê-ra, thầy tế lễ thành Ôn, cho ông làm vợ. Giô-sép thường tuần hành khắp xứ Ai Cập. 46 Giô-sép được ba mươi tuổi khi ra mắt Pha-ra-ôn, vua Ai Cập. Ông từ giã Pha-ra-ôn để đi kinh lý toàn cõi Ai Cập. 47 Trong bảy năm được mùa, đất sinh hoa lợi dư dật. 48 Giô-sép thu góp tất cả lương thực của bảy năm được mùa tại Ai Cập, và trữ lại trong các thành. Lương thực thu hoạch được từ các đồng ruộng chung quanh thành nào thì ông cho chứa vào thành đó. 49 Giô-sép thu trữ lúa mì rất nhiều, nhiều như cát biển, đến mức ông không đong lường nữa, vì không thể đong lường nổi. 50 Trước năm đói kém, Ách-nát, con gái của Phô-ti-phê-ra, thầy tế lễ thành Ôn, sinh cho Giô-sép hai con trai. 51 Giô-sép đặt tên cho con đầu lòng là Ma-na-se, và nói: “Đức Chúa Trời đã làm cho ta quên đi mọi gian khổ và cả nhà cha ta.” 52 Ông đặt tên cho con thứ nhì là Ép-ra-im, và nói: “Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng thịnh trong xứ mà ta chịu nhiều khốn khổ.” 53 Bảy năm được mùa dư dật tại Ai Cập chấm dứt 54 thì bảy năm đói kém bắt đầu, đúng như lời Giô-sép đã nói. Tất cả các xứ khác đều bị đói, nhưng trong toàn cõi Ai Cập thì có bánh ăn. 55 Rồi cả xứ Ai Cập cũng bị đói, dân chúng kêu xin Pha-ra-ôn cấp lương thực. Pha-ra-ôn nói với mọi người Ai Cập: “Hãy đến với Giô-sép và làm theo điều người chỉ bảo.” 56 Khi nạn đói lan rộng khắp xứ, Giô-sép mở các kho lúa mì và bán cho dân Ai Cập. 57 Các nước khác cũng kéo đến Ai Cập gặp Giô-sép để mua lúa mì, vì nạn đói hoành hành khắp nơi trên thế giới.

Suy ngẫm và hiểu

Khi Pha-ra-ôn nghe sự giải nghĩa giấc mộng và lời đề nghị của Giô-sép (c.33-36), ông đã nhận ra Giô-sép chính là người thích hợp để thực hiện kế hoạch, và vì vậy đã chỉ định Giô-sép là người cai trị của Ai Cập (c.37-44). Giô-sép đã trở thành tể tướng ở tuổi ba mươi, nhưng chàng không kiêu ngạo mà trung thành thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong suốt bảy năm được mùa dư dật, chàng đã chuẩn bị cho bảy năm đói kém sắp đến và đã xây dựng một nền tảng để cứu Ai Cập khỏi nạn đói khốc liệt. Trong thời gian đó, Giô-sép đã lập gia đình và có hai con trai, Ma-na-se và Ép-ra-im (c.45-57).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.40-45 Đức Chúa Trời đã khiến Giô-sép làm người cai trị của Ai Cập. Mặc dù ông đã có một quá khứ khó khăn, nhưng Giô-sép trung tín đã được Đức Chúa Trời ban phước và trở nên thành công. Nhưng trọng tâm của câu chuyện này không phải là sự thành công của Giô-sép. Tâm điểm của câu chuyện này là kế hoạch của Đức Chúa Trời để cứu dân Y-sơ-ra-ên qua Giô-sép và cách mà kế hoạch của Ngài được thực hiện từng bước một.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.56-57 Nạn đói xảy ra không chỉ ở Ai Cập mà khắp đất, vì thế mọi người từ khắp mọi nơi đều đến với Giô-sép để mua lúa mì. Lời hứa của Đức Chúa Trời là mọi dân tộc sẽ nhờ Áp-ra-ham mà được phước (Sáng Thế Ký 12:3) đang được thực hiện qua Giô-sép. 

Tham khảo   

41:40–41 Giô-sép được phong làm “tể tướng” cai trị trên toàn dân Ai Cập, chỉ xếp thứ hai sau chính Pha-ra-ôn (Một tài liệu lấy từ lăng mộ vua Réc-mi-ơ vào Hậu thời kỳ đồ đồng có nhắc đến vai trò của quan tể tướng ở Ai Cập. Ông là “quan cai trị tối cao trên toàn Ai Cập”, và mọi công việc quốc gia đều dưới quyền kiểm soát của ông).

41:54–57 Như được tiên đoán trong các giấc mộng của Pha-ra-ôn, sau bảy năm được mùa dư dật tiếp sau là nạn đói kéo dài trên toàn bờ cõi Ai Cập. Tuy nhiên, những sự chuẩn bị của Giô-sép đảm bảo lương thực sẵn có cho người Ai Cập và khắp nơi trên thế giới (c.57; tức toàn bộ miền phía đông vùng Địa Trung Hải). 

Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Trời, xin hãy giúp chúng con vâng lời Ngài, Đấng Tể Trị thế giới này, và xin hãy giúp chúng con hôm nay sống bằng Lời của Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Công Vụ 5-7

Được Sự Cho Phép Của Liên Đoàn Đọc Kinh Thánh Su Việt Nam

 

Bình Luận:

You may also like