Home Chuyên Đề 3 Hệ Niềm Tin Trộn Lẫn Trong Đạo Phật

3 Hệ Niềm Tin Trộn Lẫn Trong Đạo Phật

by Richard Huỳnh
30 đọc

Nhiều người thấy trong đạo Phật có các niềm tin trái nhau, như sao đã tin luân hồi lại còn thờ ông bà? Sao trên chùa có tượng cạo đầu khoác áo, còn có tượng ăn mặc giống đạo sĩ tướng quân Trung Quốc? Sao cũng có người nói đạo không thờ phượng thần linh? Đó là vì qua hơn 2500 năm lưu truyền, đạo Phật đã tích hợp và trộn lẫn nhiều tín ngưỡng dân gian Ấn Độ Trung Quốc. Sau đây là 3 hệ niềm tin trộn lẫn trong đạo Phật để giúp ta hiểu và chia sẻ Tin Lành cách phù hợp.

Tích phật Thích Ca [1] và thuyết 6 cõi luân hồi [2]

I. Hệ Niềm Tin Tu Tập

Các diễn tiến và biến đổi của đạo Phật theo dòng lịch sử được Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng phân thành “ba vòng quay của đạo pháp” như sau [3]:

Ở vòng quay thứ nhất là tứ diệu đế, bát chánh đạo, vô thường, vô ngã. Đây là lời dạy của Thích Ca Mâu Ni, tức nhà thông thái xứ Thích Ca (Mâu Ni tiếng Phạn là nhà thông thái, Thích Ca là tên xứ ông). Ông được ca ngợi như vậy vì đã truyền dạy đường lối tu tập để trở nên khôn ngoan, thoát khỏi u mê, tránh đau khổ vì ham muốn như sau:

1. Khổ đế (chân lý về sự khổ): con người khổ vì mọi vật đều vô thường (không bền vững, sẽ thay đổi, mất đi), vì không được như mình mong muốn, vì phải gánh chịu cái mình không thích.
2. Tập đế: nguyên nhân của sự khổ là do ta thèm muốn cách u mê, thiếu hiểu biết.
3. Diệt đế: cách diệt khổ là loại bỏ sự u mê.
4. Đạo đế: đường lối diệt khổ là bát chánh đạo (tám đường đúng) gồm:

  1. Chánh kiến (hiểu biết đúng).
  2. Chánh tư duy (suy nghĩ đúng)
  3. Chánh ngữ (ăn nói đúng)
  4. Chánh nghiệp (hành động đúng)
  5. Chánh mạng (sống đúng)
  6. Chánh tinh tấn (cố gắng đúng)
  7. Chánh niệm (ý thức đúng)
  8. Chánh định (tập trung đúng)

Ở vòng quay thứ nhất thì luân hồi là trạng thái xoay từ khổ đau này sang khổ đau khác, trái với Niết Bàn (tiếng Phạn là ngọn lửa đã tắt, chỉ tấm lòng dập hết ham muốn) là trạng thái an nhiên. Người tu tập đến giác ngộ (nghĩa là tỉnh thức mà hiểu rõ [4]) sẽ không còn bị khổ đau vì đã loại bỏ được những suy nghĩ sai lầm, chấp nhận sự vô thường, từ bỏ các ham muốn gây đau khổ, cam chịu điều mình không thích. Vậy nên họ thoát khỏi luân hồi (theo nghĩa vòng xoay khổ đau), trở nên vô ngã (không có cái tôi), và đạt sự an nhiên Niết Bàn. Phật là người “Điều cần biết, đã biết. Điều cần tu, đã tu. Điều cần trừ, đã trừ. Do vậy, Ta là Phật.” – kinh Brahmàyu [5].

Người phương Tây ngày nay rất thích hệ niềm tin tu tập này vì nó không thờ phượng thần linh, tập trung vào phát triển bản thân, học cách sống khôn ngoan. Ở Việt Nam thì dòng đại diện cho niềm tin này có lẽ là thiền tông, với tư tưởng “không cần tìm cầu ở bên ngoài, mà dùng trí tuệ để nhìn thấy chân tính của tâm mình thì có thể giác ngộ” [6].

Hồi nhỏ người viết đã có duyên đọc về cuộc đời phật Thích Ca và cũng rất ấn tượng với những lời dạy này [7]. Nó dạy ta ý thức học hỏi và rèn luyện đường lối đúng để tránh khổ, sống an nhiên. Nghe rất hay, nhưng vào thực tế có một số vấn đề như:

1. Đường lối thế nào là đúng?

Tinh thần tứ diệu tránh khổ diệt khổ thật hấp dẫn, luyện bát chánh đạo là hiểu đúng, nghĩ đúng, nói đúng… thật hợp lý. Nhưng thực hành kiểu đi tu cạo đầu khất thực, tôi thấy tự làm mình khổ thêm. Đi tu cũng là một loại ham muốn, và với tôi nó khổ hơn là cứ sống giản dị, làm việc nghỉ ngơi hợp lý. Cốt lõi chỉ là đừng để tham muốn u mê làm mình khổ. Vậy nên tôi học phật Thích Ca tinh thần học biết điều cần biết, tu tập điều cần tu, trừ bỏ điều cần trừ, nhưng không cạo đầu đi tu khất thực chi cho khổ.

2. Việc tu tập tránh khổ của cá nhân có thể là vô trách nhiệm với gia đình xã hội.

Suy nghĩ đúng (chánh tư duy) giờ có chỗ diễn giải là “từ bỏ đời sống gia đình và sự chấp nhận cuộc sống bậc xuất gia” [9]. Thích Ca Mâu Ni đặt tên con trai mình là “La Hầu La” tức Chướng Ngại, đang đêm trốn đi bỏ mặc vợ con đất nước [1]. Sau này ông không thể giúp gì khi vua nước láng giềng là Tỳ Lưu Ly thảm sát xứ Thích Ca [10]. Tôi thấy làm vậy vô trách nhiệm với gia đình xã hội. Ai cũng làm như ông thì đất nước sẽ ra sao?

3. Việc học hiểu tránh khổ quá mức cũng gây ra khổ cực và làm mất vui.

“Ta cũng chuyên tâm học biết sự khôn ngoan, học biết sự ngu dại và điên rồ. Ta nhận thấy điều đó cũng chỉ là theo luồng gió thổi. Vì càng nhiều khôn ngoan, càng thêm phiền não, Ai thêm tri thức là thêm khổ đau” (Truyền Đạo 1:17-18). Việc học cũng mất công sức, mà bể học thì vô biên mãi chẳng hết. Tri thức giúp ta thấy khổ mà tránh, nhưng cũng khiến ta thấy nhiều khổ đau. Niềm vui nỗi buồn hay đi kèm nhau, như chuyện xã hội, gia đình, con cái đúng là áp lực khổ cực, nhưng cũng là nguồn vui. Vậy nên việc học biết và tránh khổ cũng cần tính hiệu quả.

Do đó, dù niềm tin tu tập kêu gọi con người học hỏi rèn luyện từ bỏ tham muốn u mê để sống đúng tránh khổ là rất hay, ta cần một nguồn dạy đường lối sống ích lợi cho gia đình xã hội, đem lại nhiều niềm vui hơn công sức mất mát khi tu tập.

II. Hệ Niềm Tin Luân Hồi

Thuyết luân hồi và các chiều tiến hóa suy hóa [2]

Từ thời phật Thích Ca (năm 600BC), đạo Phật tích tụ thêm nhiều ý tưởng, tới 100BC – 300AD ra vòng xoay thứ 2 là nền móng Đại Thừa, tới 300AD – 600AD ra vòng thứ 3 [3]. Sau 1000 năm lưu truyền biến đổi, Luân Hồi và Niết Bàn từ 2 trạng thái nội tâm trở thành 2 cõi đau khổ an vui đối lập, rồi kết hợp với văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, cho ra thuyết luân hồi với 6 cõi [11] [2]:

1. Cõi trời: là nơi cư trú của chư tiên là những có phép thuật biến hóa, sống hưởng phước lành. Nhưng thần tiên cũng có thể chết rồi luân hồi, có tội phải xuống lại trần gian làm người.
2. Cõi a-tu-la: là nơi của những người có phép thuật mạnh mẽ nhưng còn tham sân si, khen thì vui, chê thì giận.
3. Cõi người: là nơi ở của con người. Ai có nghiệp tốt thì được sinh vào nhà trù phú, quốc gia văn minh phát triển. Còn ai nghiệp xấu thì sinh vào nhà bần hèn, nước man di.
4. Cõi súc sinh: là cõi động vật chỉ sống theo bản năng chứ không có lý trí. Những người sống vật chất, xác thịt, mê muội kiếp sau sẽ sinh vào.
5. Cõi ngạ quỷ: là cõi ma đói, là nơi người tham lam vô độ, vơ vét cướp bóc kiếp sau sẽ sinh vào. Linh hồn nào ở đây sẽ luôn bị đói khát.
6. Cõi địa ngục: là nơi người tàn ác kiếp sau sinh vào. Địa ngục có 18 tầng để trừng phạt các kẻ dối trá lừa đảo, gian dâm, chia rẽ, vu cáo, sát sinh, phá thai, giết trẻ sơ sinh, phí phạm đồ ăn, bất hiếu, phá mộ, bòn rút biển thủ, hiếp đáp kẻ yếu v.v… [12]

Việc sinh vào cõi nào, ở địa vị tốt xấu nào trong cõi đó sẽ do nghiệp thiện ác tích lũy ở kiếp trước quyết định. Ta tích ra nghiệp thiện khi có những hành động, lời nói, ý nghĩ đem lại an vui cho mình và mọi người. Còn tích nghiệp ác khi gây ra phiền não, đau khổ. Sau khi chết, linh hồn tích nhiều nghiệp thiện sẽ tiến hóa lên địa vị cao trọng hơn, còn tích nhiều nghiệp ác sẽ suy hóa xuống địa vị thấp hèn hơn. Hệ niềm tin này là nền tảng của nhiều phong tục Việt Nam như:

1.  Tục giỗ 49 ngày:  theo kinh Địa Tạng kể tích Quảng Mục cứu mẹ, sau khi chết, linh hồn còn ở dưới âm ty 49 ngày để thẩm định nghiệp quả, và con cháu vẫn có thể giúp họ tích thêm nghiệp thiện để kiếp sau tiến hóa lên chỗ tốt hơn [13].

“..Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó… Con Quỷ dữ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở các ty sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo…”

2. Các bồ tát, thần phật ăn mặc kiểu Trung Quốc: niềm tin luân hồi 6 cõi tạo nên thế giới với các thần phật, đạo sĩ, yêu quái, ma quỷ. Theo Phong Thần Diễn Nghĩa là truyện về nguồn gốc các thần của Trung Quốc (từ Na Tra Dương Tiễn đến thần tài thổ địa), khi phe Xiển Giáo đánh phe Triệt Giáo, thì Tây Phương giáo (là tên xưa của Phật giáo vì đến từ Ấn Độ phía tây Trung Quốc) có 2 đạo sư Tiếp Dẫn và Chuẩn Đề đến giúp. Thấy 2 vị đó quyền phép nên nhiều đạo sĩ tướng quân đã theo họ về Tây Phương [14], trong đó nổi bật có 3 đại đệ tử Xiển Giáo là Từ Hàng Chân Nhân qua thành Quan Thế Âm Bồ TátVăn Thù Thiên Tôn thành Văn Thù Bồ TátPhổ Hiền Đạo Nhân thành Phổ Hiền Bồ Tát. Đó là lý do các thần phật này ăn mặc kiểu đạo sĩ tướng quân Trung Quốc.

3. Phật A-di-đà: câu “nam mô A-di-đà phật” nghĩa là quyết vâng theo phật A-di-đà. Theo kinh Vô Lượng Thọ và kinh Bi Hoa, phật A-di-đà xuất thân từ cõi Tản Đề Lam thế giới (khác cõi Ta Bà của ta), từ hằng hà sa số kiếp trước, là Chuyển Luân Thánh Vương vua cả Đông Tây Nam Bắc. Phật đã tu vô lượng kiếp, đạt trí huệ vô lượng quang, công đức vô lượng thọ, và phát nguyện tạo ra cõi Tây Phương Cực Lạc. Nhờ đó, chúng sinh không cần phải tu luyện đời đời kiếp kiếp để thoát khỏi luân hồi mà chỉ cần “siêng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, đem tâm thanh tịnh hướng đến đức Phật cho đến mười niệm, nguyện được vãng sanh nước ngài thì khi mạng chung thấy Phật A-di-đà, được sanh về Cực Lạc”. Đây là Tịnh Độ Tông, tin thoát khỏi luân hồi không nhờ tu tập công đức, mà bởi đức tin và tụng niệm danh phật A-di-đà [15][17].

Cơ Đốc nhân có thể thấy Phật A-di-đà có nhiều điểm giống Chúa Giê-xu đến kỳ lạ: (1) Xuất hiện gần nhau trong lịch sử, Chúa Giê-xu vào 1 AD, tượng phật A-di-đà cổ nhất tìm thấy vào năm 173 AD, (2) đều có xuất xứ từ xa xưa, từ một thế giới khác, đều là vương thế giới đó, (3) đều được gọi là ánh sáng cứu rỗi, (4) đều có quyền năng tạo hóa, (5) đều đem đến sự cứu rỗi trong danh mình, bởi việc làm của mình, (6) đều đổi việc vào thiên đàng từ nhờ nỗ lực cá nhân sang được cứu bởi đức tin [18]. Khác là Chúa Giê-xu có bằng chứng vượt mọi nghi ngờ hợp lý về thần quyền siêu nhiên của mình: sự phục sinh của Ngài, là sự kiện đáng tin cậy nhất theo phương pháp nghiên cứu lịch sử. So với các danh nhân cổ đại như Julius Caesar, lượng sử sách viết về Chúa Giê-xu nhiều hơn, gần sát thời điểm xảy ra, ghi chép chính xác hơn, và những người chứng sẵn sàng chịu bắt bớ đến tử đạo, cho thấy sự đáng tin hơn nhiều lần [19].

Sứ đồ Thomas đến Ấn Độ và năm 52 và mở ở đó một nhánh hội thánh Cơ Đốc còn tồn tại đến ngày nay [20]. Như vậy người Ấn Độ đã biết chuyện Chúa Giê-xu từ năm 52, còn tượng Phật A-di-đà cổ nhất là năm 173 [21]. Có vẻ như ai đó đã nghe chuyện về Chúa Giê-xu, lấy mô-típ đấng có từ xa xưa, vương từ thế giới khác, là ánh sáng, đấng tạo hóa toàn năng, cho sự cứu rỗi bởi đức tin… chỉnh sửa lại theo văn hóa thế giới quan luân hồi của Ấn Độ, bỏ các chi tiết kỳ lạ như bị đóng đinh trên thập tự giá, rồi viết ra sự tích Phật A-di-đà.

III. Hệ niềm tin Vật Linh

Hệ niềm tin vật linh cho rằng trong mọi vật (người, muôn thú, cây cỏ, gỗ đá, sông núi, v.v..), mọi hiện tượng tự nhiên (sấm, chớp, mây, mưa), hay các thực thể tự nhiên khác (trời đất vũ trụ) đều có linh hồn, có thể nghe và đáp lời ta. Đây là niềm tin của các tín ngưỡng dân gian và một số phái Ấn giáo [22]. Ở Việt Nam thì hệ niềm tin này thể hiện qua tin vào các cõi âm dương, hầu đồng, thờ cúng ông bà tổ tiên, danh nhân vua chúa, thần sông núi rừng v.v… Gần đây thêm phong trào Yoga và tâm linh mới thì có thêm thực hành thông linh, truyền năng lượng tâm linh, tiếng nói vũ trụ… [23]

Niềm tin vật linh mâu thuẫn với niềm tin luân hồi trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên. “Kinh sách Phật giáo Bắc tông nói chung đều xác định người chết sau khoảng thời gian tối đa 49 ngày thì theo nghiệp mà tái sinh vào cõi tương ứng trong lục đạo… Cúng kiếng cũng vậy, người Phật tử cũng biết rõ, nếu ông bà tổ tiên tái sinh ngoài cõi ngạ quỷ – quỷ thần … thì không thể ăn uống hay thọ dụng những lễ phẩm dâng cúng ấy. Chỉ riêng loài ngạ quỷ (ma đói) – quỷ thần là có thể ăn đồ cúng của loài người…” [24]. Tục thờ ông bà là giao thoa với tín ngưỡng bản địa chứ không phải giáo lý gốc của đạo Phật.

IV. So sánh với niềm tin Cơ Đốc

Như vậy, ta thấy đạo Phât đã trải qua hơn 2500 năm lưu truyền với ba vòng quay biến đổi lớn cùng việc trộn lẫn với văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ Trung Quốc. Người tin theo phần lớn tin theo ông bà truyền lại hay lời ai đó nói, không “nói có sách mách có chứng”, nên cái gì nghe hay thì theo. Người bình dân thường thờ cúng ông bà thần phật để có chỗ dựa tâm linh, có đấng để cầu xin. Người tri thức hơn thì tu tập thiền chánh niệm. Chuyện đời sau thì vừa niệm A-di-đà phật để hy vọng được rước về Tây Phương Cực Lạc, vừa cúng 49 ngày để kiếp sau luân hồi được tiến hóa lên cấp, vừa thờ cúng ông bà để nếu lỡ thành ma đói vẫn có ăn. Đường nào cũng phòng, thần phật nào cũng cúng, nghe hay thì theo. Như vậy có phải hay hơn niềm tin Cơ Đốc chỉ một thần xa lạ?

Theo tôi, niềm tin Cơ Đốc chắc chắn hơn, quyền năng hơn, và rõ ràng hơn vì 3 lý do sau:

1. Có bằng chứng vượt mọi nghi ngờ hợp lý: sự phục sinh của Chúa Giê-xu [19]:

So sánh độ tin cậy của các sử sách so với Kinh Thánh Tân Ước [19]

Con người có thể tin bất cứ điều gì, cả chuyện họ có thể bay, nhưng nếu không thành sự thật thì niềm tin đó là vô ích. Để đánh giá độ chắc chắn một niềm tin sẽ có ích, ta cần xem xét các bằng chứng thực tế. Niềm tin Phật thường theo các tích xa xưa, như tích phật A-di-đà phát nguyện cõi Cực Lạc của kinh Bi Hoa, hay tích Quảng Mục xuống âm phủ cứu mẹ của kinh Địa Tạng. Sinh linh luân hồi thế nào mà giờ dân số loài người tăng từ 1 tỷ lên 8 tỷ? Chúng chỉ là chuyện ông bà dạy hay ai đó nói, chẳng có bằng chứng lịch sử nào.

Còn niềm tin Cơ Đốc có bằng chứng lịch sử cho quyền năng siêu nhiên chiến thắng cái chết: sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Kinh Thánh nói “nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích” (1 Cô-rinh-tô 15:14). Đây là một sự kiện đáng tin cậy nhất theo phương pháp nghiên cứu lịch sử. So với các sự kiện cổ đại, lượng tư liệu lịch sử về Chúa Giê-xu nhiều hơn trăm lần, gần hơn về thời điểm xảy ra, ghi chép chính xác hơn, và những người chứng sẵn sàng chịu bắt bớ đến tử đạo… cho thấy độ đáng tin gấp nhiều lần [19].

2. Tin Đấng có quyền năng cao nhất, gần gũi nhất, và có lời hứa rõ ràng nhất.

Nhiều người thờ cúng thần phật ông bà để cầu xin được bảo vệ ban phước. Vậy sao không cầu xin Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên trời đất, thần có quyền năng siêu nhiên chiến thắng cái chết, đã chứng minh qua sự phục sinh của Chúa Giê-xu? Ngài hứa cho ta sự sống đời (Giăng 3:16,36), nhận ta làm con nuôi (Ga-la-ti 4:5Ê-phê-sô 1:5), và hứa nghe lời cầu nguyện của ta (Mác 11:24, 1 Giăng 5:14). Có thần phật nào hứa các điều này, ghi rõ trong sách thánh, với bằng chứng thực tế lịch sử vững chắc như vậy?

 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:36)

“để chuộc những người ở dưới luật pháp, và nhờ đó chúng ta được nhận làm con nuôi của Ngài.” (Ga-la-ti 4:5)

“Đây là sự vững tâm mà chúng ta có được trước mặt Ngài: Ấy là nếu chúng ta cầu xin điều gì theo ý muốn Ngài thì Ngài nghe chúng ta.” (1 Giăng 5:14)

3. Có Kinh Thánh giúp ta biết chắc Chúa dạy gì, và dạy ta cách sống công chính, khôn ngoan, ích lợi gia đình xã hội

Lời ông bà dạy hay ai đó nói có thể hay, nhưng chắc gì đã đúng hay thật sự là điều thần đã nói. Đạo Phật qua 2500 năm lưu truyền đã biến đổi rất nhiều so với lời dạy của Thích Ca Mâu Ni [3]. Niềm tin Cơ Đốc có Kinh Thánh là lời mặc khải từ Chúa, con người chỉ có thể diễn giảng chứ không thể sửa đổi. Ta có thể canh theo mà biết diễn giải đúng hay sai, và cải chánh khi giáo hội sai lạc (Công Vụ 17:10).

“…họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không.” (Công Vụ 17:10b)

Niềm tin tu tập kêu gọi con người học hỏi rèn luyện từ bỏ tham muốn u mê để sống đúng, tránh khổ là rất hay. Nhưng tu kiểu lìa bỏ gia đình, cạo đầu khất thực, tôi thấy vừa tự làm khổ mình, vừa làm gia đình đất nước mất đi nhân lực. Từ khi tin Chúa, tôi nhận thấy Kinh Thánh là nguồn chỉ dẫn chánh đạo, dạy thế nào là nghĩ đúng nói đúng sống đúng mà tôi hằng tìm.

“Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17)

“Con thấu hiểu hơn tất cả những người dạy con, Vì con suy ngẫm các chứng ước Chúa. Con thông hiểu hơn các bậc lão thành, Vì con tuân giữ kỷ cương của Chúa.” (Thi Thiên 119:99-100)

Tổng Kết

Hy vọng bài này đã giúp ta hiểu được những biến đổi của Phật giáo sau 2500 lưu truyền và trộn lẫn với các tín ngưỡng Ấn Độ và Trung Quốc. Vậy nên ta đừng mặc định một người đạo Phật tin gì, mà hãy hỏi điều họ tin và kỳ vọng từ đạo, như tu tập tâm trí, giữ gìn phong tục, hay về cõi Tây Phương Cực Lạc? Nói phải có sách, mách phải có chứng, họ có kinh sách và bằng chứng lịch sử gì để chắc điều mình tin sẽ có ích, đúng thực tế? Từ đó ta mới biết chính xác điều họ kỳ vọng và cơ sở của chúng.

Rồi ta có thể trình bày niềm tin Cơ Đốc của mình, dẫu chỉ thờ một thần nhưng chất lượng, nói có sách mách có chứng. Ta có Kinh Thánh là sách ghi lại Lời Ngài để chắc chắn biết đúng thánh ý, không sợ bị thêm thắt chỉnh sửa khi lưu truyền. Ta có bằng chứng thực tế vượt mọi nghi ngờ hợp lý về quyền năng siêu nhiên chiến thắng cái chết: đó là sự phục sinh của Chúa Giê-xu được rất nhiều sử sách ghi chép. Ta tôn thờ Đức Chúa Trời, đấng toàn năng đã tạo dựng thế giới, đấng có quyền ban sự sống và sự phục sinh. Ngài đã hứa sẽ cho ta sự sống đời đời, nhận ta làm con nuôi, và nghe lời cầu nguyện của ta. Ngài cũng dạy ta đường lối sống công chính, khôn ngoan qua Kinh Thánh. Đây là những điều mà một niềm tin tổng hợp các ý tưởng của con người và tín ngưỡng dân gian của Ấn Độ, Trung Quốc không có được.

Richard Huynh (bachkhoa.name.vn)

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài Tham Khảo

[1] Bộ ảnh mô tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca
 https://phatgiao.org.vn/bo-anh-mo-ta-cuoc-doi-duc-phat-thich-ca-i34313.html

[2] 6 cõi luân hồi là gì
https://www.timhieuphatgiao.com/2011/03/6-coi-luan-hoi-la-gi.html

[3] BA VÒNG QUAY CỦA BÁNH XE ĐẠO PHÁP
https://thuvienhoasen.org/a16774/ba-vong-quay-cua-banh-xe-dao-phap

[4] GIÁC NGỘ LÀ GÌ?
https://thuvienhoasen.org/a33613/giac-ngo-la-gi-

[5] Kinh Brahmayu
https://buddhalessons.org/91-chuong-91-kinh-brahmayu-mn-91-brahmayu-song-ngu/

[6] Thiền tông Việt Nam với đời sống đương đại
https://tnti.vnu.edu.vn/thien-tong-viet-nam-voi-doi-song-duong-dai/

[7] Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca Đến Đấng Christ
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/tu-nha-thong-thai-xu-thich-ca-den-dang-christ/

[8] Vì sao Đức Phật để tóc trong khi mọi tăng ni đều cạo đầu?
https://phatgiao.org.vn/vi-sao-duc-phat-con-toc-ma-chu-tang-thi-khong-d41818.html

[9] Bát chính đạo
https://vi.m.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1t_ch%C3%ADnh_%C4%91%E1%BA%A1o

[10] Chuyện vua Tỳ Lưu Ly (Virudhaka) thảm sát xứ Thích Ca
https://www.lotus-happiness.com/historical-events-leading-end-shakyas-clan/

[11] THUYẾT LUÂN HỒI TRONG ĐẠO PHẬT
https://thuvienhoasen.org/a33959/thuyet-luan-hoi-trong-dao-phat

[12] 18 tầng địa ngục
https://phatgiao.org.vn/18-tang-dia-nguc-d81132.html

[13] Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
https://phatgiao.org.vn/kinh-dia-tang-bo-tat-bon-nguyen-d48900.html

[14] Phong Thần Diễn Nghĩa – Tây Phương giáo giúp Xiển giáo đánh bại Triệt giáo (hồi 78-84)
https://www.sachhayonline.com/tua-sach/phong-than-dien-nghia/hoi-78-tay-phuong-hai-vi-pha-tru-tien/2569
https://www.sachhayonline.com/tua-sach/phong-than-dien-nghia/hoi-84-keo-binh-lang-danh-ai-lam-dong/2575

[15] Sự tích Phật A-di-đà
https://phatgiao.org.vn/su-tich-duc-phat-a-di-da-d42906.html

[17] Tóm tắt kinh Vô Lượng Thọ
https://www.vnctongiao.org/kinh-vo-luong-tho-y-nghia-va-cach-tung-hieu-qua/

[18] Những Điểm Giống Nhau Và Khác Nhau Giữa Phật A Di Đà Và Chúa Giê-xu
https://bachkhoa.name.vn/2024/10/05/nhung-diem-giong-nhau-va-khac-nhau-giua-phat-a-di-da-va-chua-gie-xu/

[19] Bằng Chứng Vượt Mọi Nghi Ngờ Hợp Lý Của Niềm Tin Cơ Đốc: Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu
https://bachkhoa.name.vn/2025/03/13/bang-chung-vuot-moi-nghi-ngo-hop-ly-cua-niem-tin-co-doc-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu/

[20] Religion: St. Thomas in India
https://time.com/archive/6620039/religion-st-thomas-in-india/

[21] On the origins of Mahāyāna Buddhism
https://web.archive.org/web/20130612150915/http:/old.ykbi.edu.tw/htm/ykbi16/ykbi16_1.pdf

[22] Thuyết vật linh
https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BA%BFt_v%E1%BA%ADt_linh

[23] Thuyết thông linh
 https://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BA%BFt_th%C3%B4ng_linh

[24] Ý nghĩa thờ cúng Tổ tiên theo quan điểm Phật giáo
https://m.giacngo.vn/y-nghia-tho-cung-to-tien-theo-quan-diem-phat-giao-post44013.html

Bình Luận:

You may also like