Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện trong thời Qui-ri-ni-u làm tổng đốc xứ Sy-ri. Mọi người đều phải trở về nguyên quán để đăng ký. Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít nên cũng từ thành Na-xa-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, thuộc xứ Giu-đê, để đăng ký tên mình và tên Ma-ri, người đã đính hôn với mình, đang có thai. (Lu-ca 2:1–5)
Trong thời đại của chúng ta, việc tìm kiếm chân lý là xu hướng nhưng lại là điều cấm kỵ khi nói rằng chúng ta đã tìm thấy. Văn hóa của chúng ta khiến chúng ta tin rằng mặc dù có một khái niệm hay ý tưởng là điều bình thường, nhưng một người không nên nói rằng mình có sự chắc chắn về điều đó. Lu-ca thì khác. Ông không hài lòng với bất cứ điều gì kém hơn sự hiểu biết chắc chắn—cho chính mình và cho người khác. Thật vậy, đó là một trong những mục đích chính của ông khi viết Phúc Âm Lu-ca.
Trong bản ký thuật về sự giáng sinh của Chúa Giê-xu, Lu-ca cung cấp cho chúng ta những thông tin về chính trị, xã hội, địa lý và lịch sử có vẻ khá bình thường; nhưng tất cả đều quan trọng. Chúng ta được chỉ ra rằng trong bối cảnh xã hội học và tuân theo các cấu trúc chính trị của thời đại mình, Giô-sép, cùng với Ma-ri, đã thực hiện một cuộc hành trình địa lý đến quê hương của tổ tiên mình. Tất cả những điều này đã thực sự diễn ra trong lịch sử.
Thời đó không có Google hay phương tiện truyền thông xã hội, để một người nào đó có thể dễ dàng tìm đến hồ sơ đăng ký công khai và tra cứu tên của Giô-sép. Người viết Phúc Âm không đưa ra một triết lý, một ý tưởng hay thậm chí là một tôn giáo. Ông đang đưa ra một bản tường thuật trung thực về các sự kiện có thật—các sự kiện tập trung vào con trẻ trong bụng Ma-ri sẽ được sinh ra tại thành Đa-vít, tổ phụ về phần xác của Ngài, vị vua vĩ đại đã có những chiến công hiển hách và một triều đại huy hoàng là hình bóng của những chiến thắng mà con trẻ này một ngày nào đó sẽ giành được cho dân mình. Từng câu chữ, từng chi tiết mà Lu-ca viết ra, đã làm rõ câu chuyện về Chúa Giê-xu trong lịch sử.
Các nhà sử học thế kỷ thứ nhất và thứ hai không nghi ngờ gì về tính lịch sử của những sự kiện liên quan đến Chúa Giê-xu. Tacitus, một nhà sử học La Mã viết vào đầu thế kỷ thứ hai, không quan tâm đến việc ủng hộ các tuyên bố của Đấng Christ nhưng hoàn toàn tin rằng Chúa Giê-xu là một nhân vật có thật trong lịch sử chứ không phải thần thoại. Josephus, một nhà sử học người Do Thái viết vào năm 93 SCN, khẳng định sự thật về cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Giê-xu như đã được các môn đồ của Ngài công bố.
Tân Ước không kêu gọi bất kỳ ai trong chúng ta bước vào thế giới của đức tin mù quáng hay bóng tối của sự ngu muội. Không, lời Chúa mời gọi chúng ta bước vào ánh sáng của chân lý tuyệt đối. Trong không gian siêu nhiên này, nơi Chúa đã mặc lấy xác thịt con người, bạn và tôi có thể chắc chắn về cuộc đời, sự chết, sự phục sinh và sự thăng thiên của Giê-xu người Na-xa-rét. Và với sự chắc chắn về những gì đã diễn ra trong những ngày đó, bạn sẽ khám phá ra hy vọng, sự bình an, niềm vui và mục đích cho ngày hôm nay của bạn.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: truthforlife.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com