Home Chuyên Đề CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 10: Con Trẻ, Sự Đáp Lời Cầu Nguyện (Giăng Báp-tít)

CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 10: Con Trẻ, Sự Đáp Lời Cầu Nguyện (Giăng Báp-tít)

by Sưu Tầm
30 đọc

Một trong những cái tên quen thuộc nhất trong Kinh Thánh vẫn tiếp tục phổ biến cho đến ngày nay. Trên thực tế, tên này đứng thứ ba ở Nebraska trong danh sách các tên được sử dụng phổ biến nhất để đặt cho bé trai. Nhiều nhân vật quan trọng trong lịch sử, bao gồm cả trong lịch sử Hội Thánh, cũng mang cái tên này. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với tên này. Đó là Giăng.

Một trong những nhà tiên tri cuối cùng—và vĩ đại nhất—trong Cựu Ước là một người thường gọi là Giăng Báp-tít. Người được Đức Chúa Trời sai đến với mục đích rõ ràng là dọn đường cho Chúa Giê-su Christ. Ngoài ra, người còn là sự đáp lời cho những lời cầu nguyện của cha mẹ mình, Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét. Giống như Áp-ra-ham và Sa-ra, hai vợ chồng này cũng qua tuổi sinh sản mà vẫn chưa có con (xem Lu-ca 1:5-7).

Xa-cha-ri là thầy tế lễ phụng sự Đức Chúa Trời trung tín trong đền thờ. Một ngày nọ, khi ông đang dâng hương và cầu nguyện cho dân chúng, thì một thiên sứ hiện ra với ông (xem câu 8-11). Thiên sứ nói cùng ông rằng, “Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ, vì lời cầu nguyện ngươi đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng. Con trai đó sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở, và nhiều kẻ sẽ mừng rỡ về sự sanh người ra. Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa….Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ; chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa….đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” (câu 13-17). Cặp vợ chồng cao tuổi này đã cầu nguyện để có một đứa con, và giờ đây lời cầu nguyện của họ đã được nhậm. Họ không chỉ có một con trai khi về già, mà con trẻ này còn được Đức Chúa Trời sử dụng để chuẩn bị cho dân sự nghênh đón Đấng Mê-si sắp đến. Họ đã được trao cho một trong những vinh dự lớn nhất từng được Đức Chúa Trời ban tặng.

Ê-li-sa-bét thọ thai và hạ sinh một con trai đúng như lời thiên sứ báo trước. Theo phong tục Do Thái, cha mẹ đưa con trẻ đến đền thờ vào ngày thứ tám để được cắt bì. Những người có mặt ở đó cho rằng đứa trẻ này sẽ được đặt tên là Xa-cha-ri theo tên của cha (xem 57-59). Nhưng Ê-li-sa-bét nói rằng, “Không! Phải đặt tên con là Giăng” (câu 60). Họ không tin bà và cố gắng hỏi Xa-cha-ri, người đã không thể nói được kể từ khi thiên sứ xuất hiện. Vì lúc đầu Xa-cha-ri không tin lời Đức Chúa Trời, ông đã bị câm cho đến khi con trẻ ra đời như một dấu hiệu cho thấy điều Đức Chúa Trời sẽ làm (xem câu 18-20). Khi các viên chức đền thờ hỏi Xa-cha-ri nên đặt tên cho con trẻ là gì, ông viết ra rằng: “Giăng là tên nó” (câu 63). Ngay khi ông xác nhận điều này, “miệng ông mở ra, lưỡi được thong thả, nói và ngợi khen Đức Chúa Trời” (câu 64).

Tại sao Đức Chúa Trời lại chọn tên Giăng để đặt cho em bé đặc biệt này? Đó là cái tên mô tả những gì Chúa sẽ làm cho cặp vợ chồng này—và cho cả thế gian. Cái tên này bắt nguồn từ tên Giô-ha-nan trong Cựu Ước, một cái tên có nghĩa là “Đức Giê-hô-va nhân từ.” Đó là sự kết hợp giữa danh Giê-hô-va và một từ trong tiếng Do Thái có nghĩa là “được ưu ái, ban cho một cách đầy ơn, tỏ lòng thương xót.” Trong Cựu Ước, chúng ta tìm thấy mười người nam có tên là Giô-ha-nan. Năm người khác trong Tân Ước cũng mang cái tên này, bao gồm cả Sứ-đồ Giăng và Giăng Mác.

Khi đặt tên cho con của họ là Giăng, Đức Chúa Trời đang nhắc nhở Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét về việc Ngài đã nhân từ như thế nào khi ban cho họ người con trai đặc biệt trong lúc già nua. Nhưng cái tên này còn đại diện cho một lẽ thật thậm chí còn lớn hơn nữa. Giăng sẽ là một nhân chứng sống cho dân sự về ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời khi sai Con Ngài, Đấng Mê-si, đến thế gian làm Cứu Chúa của họ.

Mỗi khi chúng ta nhìn thấy hoặc nghe thấy tên Giăng, chúng ta nên được nhắc nhở về ân điển tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta. Chúng ta đọc trong Thi-thiên 86:15: “Nhưng, Chúa ơi, Chúa là Đức Chúa Trời hay thương xót và làm ơn, chậm nóng giận, có sự nhân từ và sự chân thật dư dật.” Đôi lúc chúng ta có thể bắt đầu tự hỏi liệu Đức Chúa Trời có thật nhân từ hay không. Chúng ta có thể nghi ngờ ơn thương xót của Đức Chúa Trời khi Ngài không đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta vào những lúc hoặc theo những cách chúng ta nghĩ Ngài nên làm. Khi đối mặt với nan đề và khổ đau, chúng ta có xu hướng hỏi, “Đức Chúa Trời há quên làm ơn sao?” (77:9). Câu trả lời là không. Chúa của chúng ta và Lời của Ngài không bao giờ thay đổi. Chúa luôn nhân từ và thương xót đối với chúng ta. Vậy nên, ngay cả khi bị đè nặng bởi những nan đề, chúng ta vẫn có thể tin rằng Đức Chúa Trời đang sử dụng những nan đề này vì lợi ích của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu hoặc sự quan tâm của Ngài dành cho mình.

Ân Điển của Đức Chúa Trời là gì?

Khi nghĩ về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, có hai câu hỏi nảy ra trong tâm trí chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải biết câu trả lời cho những câu hỏi này để hiểu một cách đầy đủ và biết quý trọng sự sống chúng ta có trong Đấng Christ. Câu hỏi đầu tiên chúng ta phải đặt ra là “Ân Điển của Đức Chúa Trời là gì?” Đó là lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đối cùng những tội nhân không xứng đáng.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có sự phân biệt rạch ròi giữa ân điển và lòng thương xót. Khi tỏ lòng thương xót với chúng ta, Đức Chúa Trời không cho chúng ta nhận lãnh những gì chúng ta xứng đáng nhận được. Mặt khác, Chúa bày tỏ cho chúng ta ân điển của Ngài bằng cách ban cho chúng ta những gì chúng ta không xứng đáng được hưởng. Tất cả những điều này thực hiện được thông qua thập tự giá.

Tất nhiên, ân điển của Đức Chúa Trời không có nghĩa là Ngài xem nhẹ tội lỗi của chúng ta. Chúa không phải là ông già lẩm cẩm nhắm mắt cho qua khi nói, “Chà, bọn trẻ không thể làm gì khác hơn.” Chúng ta phải nhớ rằng tình yêu thương và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời không bao giờ mâu thuẫn hay xung đột với nhau. Là một Đức Chúa Trời thánh khiết, Ngài phải phán xét tội lỗi. Là một Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài cứu những tội nhân. Làm thế nào Ngài có thể làm được cả hai điều này? Qua ân điển của Ngài.

Ân điển là gì? Ân điển là sự giàu có của Đức Chúa Trời nơi sự trả giá của Đấng Christ. Sự thánh khiết của Chúa đòi hỏi một của lễ hy sinh cho tội lỗi. Vì vậy Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta đã đi đến thập tự giá và trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Sau khi đã trả xong món nợ và giữ vững sự thánh khiết của Ngài, giờ đây Đức Chúa Trời có thể mở các cửa đập ân điển của Ngài và tuôn đổ ân điển một cách hào phóng trên chúng ta. Sứ-đồ Giăng đã viết: “Vả, bởi sự đầy dẫy của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn” (Giăng 1:16). Phi-e-rơ cũng nói rất nhiều về ân điển của Đức Chúa Trời. Ông mô tả Chúa là “Đức Chúa Trời của mọi ân điển” (I Phi-e-rơ 5:10) và nói rằng các tín hữu hãy tận hưởng “các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (4:10). Đức Chúa Trời ban hết ân điển này đến ân điển khác trên chúng ta, mặc dù chúng ta không xứng đáng với điều đó.

Làm thế nào bạn biết được liệu mình có đang sống nhờ vào ân điển của Đức Chúa Trời hay không? Nếu bạn nhìn nhận cuộc đời mình và mọi thứ bạn có như một món quà từ Chúa, thì bạn đang sống bởi ân điển. Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng bạn đã bỏ công sức ra để kiếm được—và do đó xứng đáng—với bất cứ niềm vinh dự và phước hạnh nào đến với bạn, thì bạn thực sự không biết nhiều về ân điển của Đức Chúa Trời. Tất cả những gì chúng ta có—tiền bạc, gia đình, công việc, đức tin, sự sống đời đời—đều là do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, không phải vì chúng ta xứng đáng đâu mà vì Ngài yêu chúng ta rất nhiều. Chúng ta càng bước đi với Chúa lâu chừng nào, chúng ta càng khám phá ra rằng chúng ta thực sự không xứng đáng với ân điển của Ngài chừng nấy.

Tại sao chúng ta cần Ân Điển của Đức Chúa Trời?

Phần này đưa chúng ta đến câu hỏi thứ hai về ân điển: Tại sao chúng ta cần Ân Điển của Đức Chúa Trời? Câu trả lời cho câu hỏi này không rõ ràng súc tích như chúng ta nghĩ. Trên thực tế, Kinh Thánh liệt kê một số lý do tại sao Đức Chúa Trời cần phải ban ân điển cho chúng ta. Trong những lý do này, chúng ta cũng tìm thấy một khuôn mẫu để sống trong ân điển.

Bởi vì chúng ta là tội nhân

Đầu tiên và rõ ràng nhất, lý do tại sao chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời là vì chúng ta là tội nhân. Ê-phê-sô 2:8,9 ghi lại, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.

Nhiều người ngày nay có quan niệm sai lầm rằng chỉ cần họ sống tốt, Chúa sẽ cho họ lên thiên đàng. Họ nói, “Tôi là một người cả đời sống ngay thẳng, đạo đức. Tôi chăm sóc gia đình mình đàng hoàng. Tại sao ư, tôi thậm chí còn đi nhà thờ và thỉnh thoảng có dâng hiến nữa! Tôi tốt hơn nhiều người trên đời này.” Tuy nhiên, khi họ đứng trước mặt Đức Chúa Trời trong Ngày Phán Xét, niềm kiêu hãnh của họ sẽ chẳng ích gì. Họ sẽ nhận ra rằng Đức Chúa Trời không cứu chúng ta vì những việc lành của chúng ta. Chỉ cần một tội nhỏ cũng đủ làm vấy bẩn vĩnh viễn hồ sơ của chúng ta để Chúa phải phán xét chúng ta. Chỉ có ân điển của Ngài qua Chúa Giê-su Christ mới có thể xóa bỏ mặc cảm tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên công bình trước mặt Ngài.

Mỗi người sinh ra đều mang trong mình bản chất tội lỗi. Chúng ta không là tội nhân bởi vì chúng ta phạm tội; đúng hơn là, chúng ta phạm tội bởi vì chúng ta là tội nhân. Đức Chúa Trời đã cho con người một sự lựa chọn, và chúng ta đã chọn không vâng lời. Như vậy, chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời vì chúng ta là tội nhân.

Bởi vì chúng ta là tôi tớ

Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời không chỉ vì chúng ta là tội nhân, mà còn vì chúng ta là tôi tớ của Ngài. Một khi chúng ta tin nhận Đấng Christ và nhận được ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Trời, chúng ta được giao cho công việc để làm. Nhiều lúc công việc của chúng ta trở nên khó khăn. Vào những lúc như thế này, Đức Chúa Trời ban thêm ân điển để chúng ta hoàn thành những công việc mà Ngài đã kêu gọi chúng ta làm.

Ân điển của Đức Chúa Trời không phải là sự ban cho một lần. Ngài không ngừng ban cho chúng ta nhiều ân điển hơn để hầu việc ngài. Sứ-đồ Phao-lô đã chịu nhiều đau khổ, nan đề và gánh nặng về thể xác, nhưng ông đã làm được những điều tưởng như không thể. Làm thế nào ông có thể làm được như vậy? Chỉ đơn giản là trông cậy vào ân điển của Đức Chúa Trời. Ông nói, “Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội-thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi” (I Cô-rinh-tô 15:9,10).

Trở thành tôi tớ Chúa không bao giờ là một việc dễ dàng. Bạn phải mang nhiều gánh nặng và giải quyết nhiều nan đề hóc búa. Người đời sẽ liên tục gây khó khăn cho cuộc sống của bạn. Giống như Phao-lô, bạn nhận ra bạn không thể hầu việc Chúa bằng sức riêng; bạn phải phụ thuộc vào ân điển của Ngài. Khi bạn dâng mình cho Đức Chúa Trời của mọi ân điển, thì Ngài sẽ ban cho bạn mọi ân điển mà bạn cần để hầu việc Ngài. Chúa không gọi bạn để rồi sau đó bỏ bạn một mình. Ngài sẽ trang bị cho bạn để thực hiện nhiệm vụ, giống như Ngài đã trang bị cho Môi-se, Phao-lô và nhiều người khác.

Bởi vì chúng ta là quản gia

Chúng ta cũng cần ân điển của Đức Chúa Trời vì chúng ta là những quản gia. Chúa đã ban phước cho chúng ta rất nhiều. Bất kể chúng ta có nhiều hay ít, thì bất cứ điều gì chúng ta có đều là từ bàn tay của Đức Chúa Trời, và Ngài muốn chúng ta sử dụng những thứ đó cho sự vinh hiển của Ngài.

Trong II Cô-rinh-tô 8:1,2 chúng ta tìm thấy bí quyết của việc ban ra. Chúng ta đọc: “Hỡi anh em, chúng tôi muốn anh em biết ơn Đức Chúa Trời đã làm cho các Hội-thánh ở xứ Ma-xê-đoan: Đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn thử thách, thì lòng quá vui mừng, và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình.” Mặc dù các Hội Thánh ở xứ Ma-xê-đoan đang sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, họ đã ban phát một cách hào phóng để đáp ứng nhu cầu của những người khác. Bí quyết của họ là gì? Họ đã sống theo công thức này: Thử thách lớn cộng với nghèo khó, thêm vào một cách hào phóng ân điển của Đức Chúa Trời cùng với niềm vui dư dật, tạo ra sự giàu có của lòng rộng rãi.

Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời để trở thành những quản gia mà Ngài muốn chúng ta trở thành. Việc ban ra là rất khó đối với một số người bởi vì họ đang sống dưới gánh nặng của luật lệ và việc làm. Trong mắt họ, ban ra là bổn phận hay nghĩa vụ. Tuy nhiên, những ai sống theo ân điển của Đức Chúa Trời nhận ra rằng bản thân sự sống này cũng là sự ban cho của Ngài. Như vậy, việc ban ra trở thành một niềm vui và đặc ân. Ân điển của Đức Chúa Trời bên trong chúng ta bắt buộc chúng ta phải sử dụng những gì Đức Chúa Trời đã ban vì sự vinh hiển của Ngài và cho lợi ích của người khác.

Bởi vì chúng ta là những con người khốn khổ

Lý do thứ tư tại sao chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời là vì chúng ta là những con người khốn khổ. Chúng ta đang sống trong một thế giới khốn khổ. Nhiều tín hữu ngày nay đang phải trải qua những đau khổ về thể xác hoặc tình cảm. Mỗi ngày họ sống trong đau đớn và thống khổ. Có thể các bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể cho họ. Có lẽ họ đã cầu nguyện, nhưng Đức Chúa Trời không thấy việc chữa lành cho họ lúc này là thích hợp. Điều này phải chăng có nghĩa là Chúa đã bỏ rơi họ? Dĩ nhiên là không. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong lúc chúng ta cần Ngài. Tuy nhiên, Ngài thường sử dụng sự đau khổ để cho chúng ta thấy chiều sâu của ân điển và sức mạnh của Ngài.

Sứ đồ Phao-lô đã mắc phải một vài căn bệnh trầm trọng trong suốt khoảng thời gian thi hành chức vụ của mình. Cũng như chúng ta, ông không muốn chịu khổ nên đã ba lần cầu xin Chúa chữa lành cho ông. Đức Chúa Trời đã không chọn cách cất đi căn bệnh này mà thay vào đó chỉ cho Phao-lô thấy mục đích của điều này. Trong II Cô-rinh-tô 12:7-9, Phao-lô tiết lộ mục đích sự đau khổ của ông: “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỷ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.”

Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép Phao-lô, người đang làm công việc lớn lao cho Ngài, phải chịu đau đớn lâu như vậy? Để ông không lên mình kiêu ngạo (câu 7). Đau khổ có cách hạ chúng ta xuống và hướng chúng ta đến với Chúa. Chỉ khi nào chúng ta quá yếu đuối không thể tự cứu lấy mình thì những lời của Đức Chúa Trời mới trở nên sống động trong chúng ta: “Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (câu 9).

Tất nhiên, Đức Chúa Trời có thể chữa lành chúng ta cả về thể chất và tình cảm nếu đây là ý muốn của Ngài. Tôi đã kinh nghiệm sự chữa lành của Đức Chúa Trời trong cuộc đời mình và đã chứng kiến điều tương tự xảy ra cho nhiều người khác. Tôi tin rằng Chúa của chúng ta đủ lớn cho mọi nan đề và gánh nặng mà chúng ta gặp phải. Tôi cũng tin rằng Chúa có thể được vinh hiển ngay cả khi dân sự không được chữa lành. Đôi khi Chúa thấy đến thời điểm để cất đi tật bệnh. Những lúc khác, Ngài nói, “Con cần sự khổ nạn này. Ta sẽ cho phép con chịu khổ thêm một thời gian nữa.”

Một vài người trong chúng ta có thể không hiểu tại sao Chúa lại cho phép chúng ta chịu khổ cho đến khi chúng ta lên thiên đàng, nhưng cuối cùng tất cả chúng ta sẽ khám phá ra rằng đó là vì lợi ích của chúng ta. Trong khi chúng ta chịu khổ, Chúa sẽ ban cho chúng ta ân điển cần có để vượt qua mọi thử thách. Mặc dù Đức Chúa Trời có thể không thay đổi hoàn cảnh của chúng ta, nhưng Ngài có thể—và Ngài sẽ—thay đổi chúng ta. Ân điển và sức mạnh của Ngài là đủ, và những điều đó trở nên rõ ràng nhất khi chúng ta yếu đuối nhất.

Bởi vì chúng ta là những người lính

Khi viết thư cho Ti-mô-thê, Phao-lô liệt kê lý do thứ năm tại sao chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời—bởi vì chúng ta là những người lính của Đức Chúa Trời. Trong II Ti-mô-thê 2:1,3 chúng ta đọc thấy: “Vậy, hỡi con, hãy cậy ân điển trong Đức Chúa Giê-su Christ mà làm cho mình mạnh mẽ… Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Giê-su Christ.

Đời sống Cơ-đốc không phải là một sân chơi; đó là một chiến trường. Những Cơ-đốc nhân liên tục bị vướng vào trận chiến với Sa-tan và đội ngũ lâu la của hắn. Sứ-đồ Phi-e-rơ đã cảnh báo chúng ta, “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5: 8). Thế gian ghét chúng ta và không ngừng ra sức hủy hoại chúng ta. Và bản chất cũ tội lỗi của chúng ta cũng rất thích đánh bại chúng ta. Thế gian, xác thịt và Ma-quỷ đều chống lại chúng ta, và chúng ta phải là những người lính giỏi để có thể tồn tại.

Làm thế nào để chúng ta trở thành một người lính giỏi? Bằng việc học cách chịu đựng khó khăn, hay gian khổ. Chúng ta đang sống trong một xã hội dạy chúng ta tận hưởng sự dễ chịu. Người đời nói với chúng ta rằng mục tiêu của chúng ta trong cuộc sống là phải có được tất cả những tiện nghi mà ta có thể có được. Nhưng như bất kỳ người lính nào cũng biết, cách duy nhất để chuẩn bị tốt cho sự khắc nghiệt của trận chiến là cố gắng đẩy bản thân đến mức giới hạn của sức chịu đựng trong quá trình luyện tập. Và trong trận chiến của chúng ta với Sa-tan, sức chịu đựng của chúng ta còn quá yếu. Chúng ta phải dựa vào sức mạnh của ân điển Đức Chúa Trời để giành chiến thắng trong trận chiến.

Bởi vì chúng ta là học trò

Nhưng Cơ-đốc nhân còn hơn cả những người lính; họ còn là học trò nữa. Và bởi vì chúng ta là học trò, chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời để hiểu được nhiều lẽ thật quan trọng và phức tạp được tìm thấy trong Lời của Ngài. Tít 2:11-13 cho chúng ta biết, “Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi. Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức, đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Giê-su Christ.

Trong phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy rằng ân điển của Đức Chúa Trời không chỉ mang lại sự cứu rỗi cho chúng ta mà còn dạy chúng ta cách sống như một Cơ-đốc nhân cho đến ngày Chúa trở lại. Trường đời là trường học khó khăn nhất trên thế giới, và tất cả chúng ta đều được ghi danh vào đó. Nếu không có ân điển của Đức Chúa Trời dạy dỗ chúng ta, thì chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua được bài kiểm tra.

Bạn đã bao giờ nghĩ xem việc trở thành một trong những học trò của Đức Chúa Trời thì tuyệt vời như thế nào chưa? Thầy của chúng ta không chỉ biết mọi điều, mà còn nhân từ, dịu dàng và kiên nhẫn với chúng ta. Vị Giáo Sư Lớn đã nói với chúng ta thế này, “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:29).

Khi bạn đọc Lời Chúa, Đức Thánh Linh dạy bạn lẽ thật của Đức Chúa Trời. Ân điển Chúa cho phép bạn áp dụng Lời Ngài vào trong những tình huống và nan đề hàng ngày của mình theo những cách cá nhân và thực tế nhất. Đức Chúa Trời biết bạn cần gì hôm nay và đã có sẵn bài học cho nhu cầu đó trong Lời của Ngài.

Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời vì chúng ta là tội nhân. Nếu chúng ta không được cứu bởi ân điển, thì chúng ta hoàn toàn không được cứu. Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời vì chúng ta là tôi tớ. Nếu việc làm của chúng ta không được thúc đẩy và tiếp thêm năng lực bởi ân điển Chúa, thì việc làm đó sẽ không kéo dài được lâu. Chúng ta cần ân điển vì chúng ta là quản gia của Đức Chúa Trời. Ân điển của Ngài cho phép chúng ta tận dụng tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời bởi vì chúng ta là những con người khốn khổ đang cần một chiến thắng trong, và trên những đau đớn cùng hoàn cảnh. Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời vì chúng ta là những người lính tham gia vào một trận chiến khốc liệt. Và chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời vì chúng ta là những học trò còn nhiều điều phải học trong trường đời của Ngài.

Bạn có đang sống nhờ ân điển của Đức Chúa Trời không? Liệu bạn sẽ nói giống như Phao-lô, “Tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 15:10)? Một khi chúng ta coi cuộc sống là một món quà, chúng ta sẽ ngừng gắng sức để trở nên xứng đáng—nhưng bắt đầu tin và nhận lãnh—ân điển dồi dào của Đức Chúa Trời. Giăng Báp-tít được sinh ra nhờ lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, và bạn cũng có thể nhận được ân điển giống như vậy. Vậy nên “chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng” (Hê-bơ-rơ 4:16).

Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible

Nguồn: Sưu Tầm

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like