Home Chuyên Đề Hãy Cởi Giày Dép Khỏi Chân Con

Hãy Cởi Giày Dép Khỏi Chân Con

by Oneforisrael.org
30 đọc

Môi-se và Giô-suê phải cởi giày của mình ra vì nơi họ đang đứng là đất thánh (Xuất 3:5; Giô-suê 5:15), một cuộc trao đổi giày dép để xác nhận một giao dịch trong sách Ru-tơ (Ru-tơ 4:7-12), còn Thi-thiên thì nói về việc cởi dép ra trên Ê-đôm (Thi-thiên 60:8)… Vậy, giày dép có ý nghĩa như thế nào với dân Trung Đông?

Cố chen chân để lên được chuyến tàu đông đúc đến sân bay Tel Aviv với những chiếc va-li nặng trịch của mình, tôi thảng thốt nhìn theo khi một chiếc giày của tôi bị tuột ra và lăn lông lốc giữa bậc thềm của toa tàu và sân ga. Quá choáng, tôi nhìn chằm chằm một cách bất lực về phía chiếc giày, lúc đó đang nằm trên đường ray, rồi tôi đột nhiên hiểu được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc có thứ gì đó để mang vào chân. Tôi chỉ đơn giản là không thể tiếp tục đi mà không có nó. Tôi phải đưa ra quyết định – tôi có nên đi tiếp, nhảy lò cò bằng một chân và tìm đôi giày khác thay thế khi tới được sân bay hay không? Hay tôi phải bỏ lỡ chuyến tàu quan trọng mà có thể giúp tôi làm thủ tục hải quan đúng giờ? Nỗ lực lấy lại chiếc giày rồi cũng thành công vào phút chót, và mặc dù tôi đã không trễ chuyến bay của mình, nhưng tôi đã có rất nhiều điều phải suy ngẫm khi tiếp tục cuộc hành trình.

Cởi giày

Các giao ước (hay giao dịch) trong Cựu Ước thường được xác nhận bằng một số hình thức thỏa thuận có liên quan đến giày dép, và có lý do chính đáng cho việc này. Không có giày, chúng ta bất lực. Chúng ta khúm núm. Cảm thấy mình yếu đuối và tầm thường. Chúng ta không thể đi tiếp.

Một người lính không thể chiến đấu mà không mang ủng, một người nông dân không thể cày ruộng, một người lữ hành sẽ không đi được xa. Tôi từng biết một người bị cướp không một xu dính túi và buộc phải đi qua sa mạc bằng chân trần vì ngay cả giày của anh cũng bị lấy mất – nỗi thống khổ mà anh phải trải qua là không thể tưởng tượng được.

Chúa nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên rằng quần áo – và giày dép của họ – không hề sờn rách khi họ lang thang 40 năm trong đồng vắng (Phục-truyền 8:4), và đây là một một sự chu cấp đáng chú ý và quan trọng nhất.

Ở Trung Đông cổ đại, qua việc cởi một chiếc giày rồi trao cho người khác, một người có thể bị coi là đang yếu thế hơn – phải đặt mình vào vị trí nhờ vả lòng thương xót của người nhận. Đó giống như một lời tuyên bố của sự tin vậy và đầu phục.

Trong Ê-sai 9:1-7, tin tức tốt lành được loan báo (khoảng một thiên niên kỷ trước khi sự kiện này xảy ra) rằng có một con trẻ sanh cho chúng ta… ngay trước đó là một thông điệp về chiến thắng vẻ vang:

Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết…Vì Chúa đã bẻ cái ách họ mang, cái roi đánh trên vai họ, cái gậy của kẻ hà hiếp, như trong ngày của Ma-đi-an. Cả giày dép của kẻ đánh giặc trong khi giao chiến, cùng cả áo xống vấy máu, đều dùng để đốt và làm đồ chụm lửa.
Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta…

Việc lấy giày của một người lính rồi đốt nó đi cũng giống như một hành động đảo chính vậy. Rất khó để quay trở lại một khi đã làm điều đó. Đó là một chiến thắng vang dội cho phe đốt giày và một thất bại nặng nề cho những kẻ thù chân đất. Phân đoạn giàu ý nghĩa này nói với chúng ta về chiến thắng hoàn toàn của Chúa Giê-xu, và sự bất lực tương phản của kẻ thù Ngài.

Mang giày

Sau này trong Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta thấy có nhiều chỗ nói tới giày dép, nhưng lần này thì việc mang giày vào lại có ý nghĩa quan trọng. Một lần nữa, trong bối cảnh quân sự, Phao-lô thúc giục những người Ê-phê-sô:

“… Hãy (mặc) lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng. Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình, dùng sự sẵn sàng của Tin lành bình an mà làm giày dép.” (Ê-phê-sô 6:13-15)

Đôi chân được mang giày là biểu tượng của sự sẵn sàng hành động, và có khả năng chiến đấu. Nhưng phân đoạn này nói về việc đứng vững, có phòng bị và sự bình an. Tôi thích việc Phao-lô chọn giày dép để thể hiện sự sẵn sàng của chúng ta về phúc âm – không có giày dép thì không thể làm được gì cả, nhưng nếu chúng ta mang giày rồi, thì chúng ta đã sẵn sàng để hành động.

Ngoài ra, trong Công-vụ 12:7-8, chúng ta thấy thói quen hàng ngày như thức dậy rồi thay quần áo ở một hoàn cảnh khác trong trường hợp của Phi-e-rơ khi ông đang ở tù:

Thình lình, một thiên sứ của Chúa đến, và có ánh sáng soi trong ngục tối. Thiên sứ đập vào sườn Phi-e-rơ, đánh thức người, mà rằng: Hãy mau chờ dậy. Xiềng bèn rớt ra khỏi tay người. Kế đó thiên sứ nói rằng: Hãy nịt lưng và mang dép vào đi. Phi-e-rơ làm theo. Thiên sứ lại tiếp: Hãy mặc áo ngoài và theo ta.

Chúa làm phép lạ khiến xích xiềng rớt ra, nhưng Phi-e-rơ vẫn phải tự đứng dậy và mang dép vào. Tất nhiên là Chúa có thể khiến Phi-e-rơ sẵn sàng một cách siêu nhiên ngay cả khi ông không cần phải tự mình làm gì cả, nhưng đó là một phần trong thỏa thuận – Phi-e-rơ phải làm những gì ông có thể làm, còn việc gì bất khả thi thì để cho Chúa. Phi-e-rơ phải có hành động gì đó để cho thấy mình sẵn sàng. Ông phải mang dép vào, và đi theo thiên sứ để thoát được ra ngoài.

Hãy làm tất cả vì sự vinh hiển của Chúa

Vì vậy, lần tới khi bạn cởi giày ra, phải đi chân trần, hãy xem đó như là thời điểm mà bạn dễ bị tổn thương, yếu đuối, bất lực và hãy chuyển suy nghĩ của bạn sang việc phụ thuộc vào Chúa. Bạn có thể xem khoảnh khắc đó là một hành động đầu phục và phó thác hết mọi sự cho Ngài – đặt mình vào sự thương xót của Ngài, và nhận biết sự hiện diện thánh của Ngài với bạn.

Còn khi bạn mang giày vào, hãy nghĩ đến Phi-e-rơ, sững sờ và bối rối, nhưng vẫn sẵn sàng bước những bước tiếp theo vào sự tự do và những cuộc phiêu lưu mà Chúa dành sẵn cho ông. Hãy nghĩ về sự khích lệ của Phao-lô để mang vừa chân bạn với sự sẵn sàng của tin lành bình an. Trang bị cho mình về mặt tinh thần và thuộc linh cho những ngày sắp tới và sẵn sàng để làm những việc mà Chúa dành cho bạn, bất kể đó là gì.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like