Các tuyên úy trong quân đội không chỉ phục vụ tại căn cứ hay trên tàu chiến. Họ có mặt ở những nơi khắc nghiệt nhất trên thế giới, nhưng dù ở đâu, họ cũng luôn tìm cách mang đến sự chữa lành và chăm sóc về mặt thuộc linh cho những người họ phục vụ.
Gần đây, một nhóm tuyên úy quốc tế đã họp mặt tại châu Âu để thảo luận về những khó khăn mà các tuyên úy ở châu Phi đang đối mặt. Họ cùng cầu nguyện, động viên nhau và tìm cách nâng cao hiệu quả trong sứ mệnh của mình.
Cũng như những người lính mà họ chăm sóc, nhiều tuyên úy quân đội phải đối diện với tổn thương trong đời sống quân ngũ. Thế nhưng, nhiều người vẫn tận tâm với vai trò đặc biệt của mình—những người chữa lành dù chính họ cũng mang thương tích.
“Chúng tôi là bờ vai để người khác tựa vào và tìm thấy sự bình an. Chúng tôi hỗ trợ và đồng hành cùng họ,” Chuẩn tướng Tuyên úy Henry Matifeyo từ Zambia chia sẻ.
Gần đây, Matifeyo đã tham gia cùng hơn 100 tuyên úy quân đội từ châu Phi và nhiều nơi trên thế giới tại Brussels, Bỉ.
“Mỗi chúng ta đều đang trên hành trình học hỏi, và còn rất nhiều điều cần học hỏi từ người khác,” ông nói. “và hội nghị này giúp chúng tôi kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như nhìn lại những gì Chúa đang làm trong đời sống mình.”
Đại tá Tuyên úy Karen Meeker từ Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ cũng có mặt tại hội nghị ở Brussels.
“Thật tuyệt vời khi được cầu nguyện, lắng nghe và thấu hiểu hoàn cảnh của nhau. Điều quan trọng là làm sao chúng ta có thể hợp tác vì lợi ích chung, nhất là khi những thách thức ở châu Phi và nhiều nơi khác là vô cùng lớn,” bà chia sẻ.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Pete Hegseth đã đến thăm Bộ Tư lệnh Châu Phi (AFRICOM) tại Stuttgart, Đức. Là một cựu chiến binh từng tham chiến trong quân đội và cũng là một tín hữu Cơ Đốc, Hegseth được kỳ vọng sẽ ủng hộ mạnh mẽ vai trò quan trọng của các tuyên úy quân đội.
Đại tá Meeker chia sẻ: “Các tuyên úy của chúng tôi luôn bước đi với lòng dũng cảm nhưng cũng đầy khiêm nhường, mang theo sự cảm thông sâu sắc để an ủi và khích lệ các quân nhân trong những hoàn cảnh khó khăn nhất—khi có thương vong, khi phải đối diện với mất mát.”
Tại hội nghị ở Brussels, các tuyên úy châu Phi đã chia sẻ nhiều trải nghiệm của họ. Một số phục vụ ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa cực đoan bạo lực, như Nigeria và Somalia. Những người khác hỗ trợ những cộng đồng đang chịu hạn hán nghiêm trọng ở Ethiopia và Malawi. Ngoài ra, có những tuyên úy đang làm nhiệm vụ ngay trong vùng chiến sự, bao gồm Sudan và Congo.
Người dân Congo đã phải chịu đựng chiến tranh và bạo lực suốt nhiều thập kỷ, khi hơn 100 nhóm vũ trang tranh giành quyền kiểm soát đất nước và nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá.
Đại tá Meeker kể lại cuộc trò chuyện của bà với một tuyên úy người Congo:
“Khi chúng tôi chia sẻ những điều cần cầu nguyện, ông ấy đã rưng rưng nước mắt và tha thiết xin chúng tôi cầu nguyện cho ông và cho đất nước Congo, nơi đã chìm trong chiến tranh suốt 35 năm qua,” Meeker chia sẻ. “Đó là thực tế mà tất cả các tuyên úy phải đối diện, dù ở Mỹ hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới.”
Bộ Tư lệnh Châu Phi (AFRICOM) đã hợp tác với Zambia để thành lập một trường đào tạo tuyên úy xuất sắc, mở cửa cho học viên từ 14 quốc gia ở miền nam châu Phi.
Dù Zambia là một quốc gia có phần lớn dân số theo Cơ Đốc giáo, tuyên úy Matifeyo nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của ông không chỉ giới hạn trong quân đội mà còn hướng đến việc lan tỏa những giá trị Cơ Đốc như trung thực, chính trực, tôn trọng, biết ơn, bác ái và nhân hậu.
“Khi mọi người thực sự sống theo những giá trị cốt lõi này, chúng ta sẽ có một xã hội mà, từ góc nhìn tâm linh, có thể không cần đến cảnh sát để nhắc nhở họ về điều đúng sai,” Matifeyo chia sẻ. “Bởi vì họ sẽ tự ý thức về trách nhiệm của mình trước Chúa, với đất nước và với chính lương tâm của họ.”
Khi chính phủ Hoa Kỳ xem xét chặt chẽ hơn các khoản chi tiêu ở nước ngoài, Đại tá Meeker tin rằng những tín hữu rộng lượng, hợp tác với các hội thánh và tuyên úy ở châu Phi, có thể tạo ra một tác động sâu rộng.
“Hãy tiếp tục đồng hành cùng nhau. Hãy chăm sóc anh chị em của chúng ta, dù họ ở bất cứ đâu—trong nước hay trên toàn thế giới,” bà chia sẻ, nhấn mạnh rằng tình yêu của Đấng Christ được thể hiện qua sự quan tâm, lòng trắc ẩn và tình bằng hữu.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com