Home Chuyên Đề Món Quà Valentine Của Đức Chúa Trời

Món Quà Valentine Của Đức Chúa Trời

by Crosswalk.com
30 đọc

Tất cả chúng ta đều yêu thích sự lãng mạn. Tất cả chúng ta đều thích những câu chuyện tình yêu. Tôi không biết liệu có phải phim ảnh đã ăn sâu vào chúng ta hay không, nhưng có vẻ như ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã say mê những câu chuyện tình lãng mạn. Và những câu chuyện tình yêu thường gắn liền với Ngày Lễ Tình Yêu.

Hội-thánh đầu tiên là Hội-thánh bị bắt bớ. Từ thời xa xưa người La Mã đã xây dựng một ngôi đền cho các vị thần mà họ tôn thờ. Họ thậm chí còn thực hành một sự pha trộn kỳ lạ giữa lòng yêu nước và tín ngưỡng, khi mỗi năm một lần họ cúi mình trước tượng của vị hoàng đế La Mã đương thời và gọi ông là chúa. Bấy giờ những Cơ-đốc nhân đã từ chối thực hành việc thờ phượng hoàng đế này. Họ chỉ cần nói, “Sê-sa là chúa” thì mạng sống của họ sẽ được tha, nhưng những Cơ-đốc nhân này chỉ có thể nói, “Giê-xu là Chúa” và vì vậy đức tin Cơ-đốc của họ đã khiến họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Cuộc bách hại này kéo dài hơn ba trăm năm cho đến khi Constantine lên nắm quyền vào khoảng năm 306 SCN. Người La Mã đã gọi những Cơ-đốc nhân khi đó là “những kẻ vô thần”. Ngày nay chúng ta gọi một người không tin Chúa là người vô thần, nhưng thời đó người ta gọi một người là kẻ vô thần nếu họ không tin vào các vị thần La Mã.

Trong ba trăm năm đầu tiên của lịch sử Hội-thánh, nhiều Cơ-đốc nhân đã chết vì đức tin của mình. Trên thực tế, một từ mới đã được đặt ra để mô tả những gì xảy ra ở Đế-quốc La Mã, đó là từ “tử đạo” (“martyr – µαρτυρεω”). Từ này trong tiếng Hy Lạp được dịch ra là “làm chứng”. Có quá nhiều Cơ-đốc nhân đã mất mạng khi làm chứng đến nỗi từ này không còn mang ý nghĩa đơn giản là làm chứng nữa. Giờ đây nó có nghĩa là chết vì đức tin của mình hay tử vì đạo.

Tuy nhiên, có một điều gì đó rất độc đáo về những vị tử đạo này, sự chết của họ dần dần theo thời gian đã thay đổi tấm lòng của người La Mã. Những Cơ-đốc nhân này khi đối diện với cái chết đã cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ bách hại họ. Những lời cầu nguyện của các Cơ-đốc nhân tử đạo bắt đầu có tác động sâu sắc đến những kẻ tra tấn họ. Bởi vì họ không ghét những viên cai ngục và đấu sĩ La Mã đã lấy mạng mình nhưng lại cầu nguyện cho họ, nên dần dần tấm lòng của một quốc gia chống đối đạo của Chúa đã được thay đổi. Các Cơ-đốc nhân tử đạo trước khi chết đã bày tỏ tình yêu thương đến những kẻ bắt bớ họ.

Chính trong một thế giới như thế này, chúng ta lần đầu tiên được nghe câu chuyện tình yêu của Thánh Valentine. Vào thời La Mã cổ đại, ngày 14 tháng 2 là ngày lễ tôn vinh nữ thần Juno. Juno là nữ hoàng của các thần La Mã. Người La Mã còn cho đây là nữ thần bảo hộ phụ nữ và hôn nhân. Ngày hôm sau, ngày 15 tháng 2, là lễ hội Lupercalia.

Nam nữ trẻ thời La Mã cổ đại hoàn toàn sống tách biệt nhau. Tuy nhiên, vào ngày 14 tháng 2, buổi tối trước lễ hội Lupercalia, tên của các cô gái sẽ được viết lên những tờ giấy và cho vào lọ. Mỗi chàng trai trẻ sẽ rút tên một cô gái từ chiếc lọ và sau đó họ sẽ được ghép đôi trong suốt thời gian lễ hội. Đôi khi mối quan hệ kéo dài cả năm, thường thì một cặp đôi trẻ sẽ yêu nhau và sau đó tiến tới hôn nhân. Truyền thống tặng quà vào dịp lễ tình yêu của chúng ta cũng bắt nguồn từ đây.

Dưới sự cai trị của Hoàng-đế Claudius II, La Mã đã tham gia vào nhiều chiến dịch đẫm máu và không được lòng dân. Claudius gặp khó khăn trong việc thu hút binh lính tham gia vào các chiến dịch quân sự của mình. Ông tin rằng đó là do đàn ông La Mã bị vướng bận bởi chuyện yêu đương và gia đình. Kết quả là Claudius đã hủy bỏ mọi cuộc hôn nhân và lễ đính hôn ở Rô-ma. Giống như nhiều hoàng đế tự cao tự đại trước ông, Claudius cũng đặt Cơ-đốc giáo ra ngoài vòng pháp luật vì ông muốn được ca ngợi là vị thần tối cao duy nhất, Hoàng-đế của La Mã.

Valentine là giám mục ở Interamna, một thị trấn cách Rô-ma khoảng 60 dặm về phía bắc. Giám-mục Valentine cho rằng các sắc lệnh của Rô-ma là sai và mọi người nên được tự do yêu mến Đức Chúa Trời và cưới gả. Valentine đã mời các cặp đôi trẻ trong vùng đến gặp mình và bí mật thực hiện nghi lễ hôn nhân để kết hiệp họ với nhau.

Valentine cuối cùng bị bắt và bị đưa đến trước mặt hoàng đế. Hoàng đế thấy Valentine có niềm tin và nghị lực vượt trội so với người của ông. Claudius đã cố gắng thuyết phục Valentine rời bỏ Cơ-đốc giáo, phục vụ Đế-chế La Mã và các vị thần La Mã. Đổi lại, Claudius sẽ ân xá cho ông và biến ông thành một trong những đồng minh của mình, với tất cả quyền hạn và đặc quyền mà Claudius có thể trao cho ông. Tuy nhiên, Giám-mục Valentine vẫn giữ vững đức tin của mình và không từ bỏ Đấng Christ. Vì điều này, hoàng đế đã xử ông tội chết.

Valentine luôn giữ thái độ vui vẻ trong khi chờ đợi ngày hành quyết. Nhiều thanh niên mà ông giúp đỡ đã đến nhà tù để thăm ông. Họ ném hoa và những tờ giấy ghi chú lên cửa sổ phòng giam. Họ muốn ông biết rằng họ tin vào sự thiêng liêng của tình yêu trong hôn nhân. Vào thời điểm này, Asterious, cô con gái mù của viên cai ngục đến thăm Giám-mục Valentine. Là một người nhân từ, Valentine đã cầu nguyện cho Asterious được chữa lành và Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của ông. Sau khi được sáng mắt, Valentine và Asterious yêu nhau. Vào ngày ông qua đời, Valentine đã viết cho Asterious một bức thư ngắn cảm ơn tình yêu, lòng trung thành và tình bạn của cô. Ông đã ký vào bức thư, “Tình yêu từ Valentine của em.” Ngay cả ngày nay, thông điệp này vẫn là phương châm cho Ngày Lễ Tình Yêu của chúng ta.

Valentine bị đánh đập, bị ném đá và cuối cùng bị chặt đầu vì không chịu từ bỏ Đấng Christ và vì ông tin vào sự thiêng liêng của tình yêu trong hôn nhân. Giám-mục Valentine chịu tử đạo vào ngày 14 tháng 2 năm 270 SCN. Sau khi Giám-mục Valentine tử đạo, các Cơ-đốc nhân bắt đầu tưởng nhớ ngày này bằng cách bày tỏ tình yêu của họ dành cho nhau vào ngày 14 tháng 2.

Đó chẳng phải là một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp sao? Valentine có thể yêu viên cai ngục của mình, thậm chí còn cầu nguyện để con gái viên cai ngục được chữa lành khỏi chứng mù lòa, bởi vì Chúa đã yêu Valentine trước và lấp đầy Valentine bằng tình yêu của Ngài. Có một phân đoạn tuyệt vời trong sách Phúc Âm Giăng giải thích làm thế nào Valentine và các vị tử đạo khác của Hội-thánh đầu tiên có thể bày tỏ tình yêu thương, sự tha thứ và nhịn nhục đến như vậy khi họ đối mặt với cái chết.

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu. Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời. Vả, sự đoán xét đó là như vầy: Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa. Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng. Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời.(Giăng 3:16-21)

Điều nổi bật đầu tiên trong phân đoạn này nằm ở câu 16. Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài là Chúa Giê-xu hầu cho hễ ai tinChúa Giê-xu thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Chúng ta có thể nói vì yêu Đức Chúa Trời đã gửi Chúa Giê-xu đến (như một món quà Valentine) để thế gian biết đến tình yêu của Đấng Tạo Hóa mình. Nhưng tình yêu đó phải được đón nhận. Chúa biết món quà Valentine của Ngài có thể bị từ chối. Chúa biết rằng tình yêu sẽ không phải là tình yêu nếu bị ép buộc. Chúa sẽ không áp đặt tình yêu của Ngài lên chúng ta. Như các cô gái trẻ La Mã đã cho phép viết tên của mình lên những tờ giấy để sau này một chàng trai nào đó có thể rút trúng tên của họ. Việc bỏ tên mình vào lọ phải có sự đồng ý của cô gái, nên chúng ta cũng phải sẵn lòng trải nghiệm tình yêu của Chúa. Chúng ta phải tin vào Chúa Giê-xu Christ nếu chúng ta muốn trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa.

Trong câu 17, chúng ta thấy Chúa Giê-xu được sai xuống thế gian chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng để cứu thế gian. Điều thú vị là Chúa Giê-xu không đến để đoán xét những người nam và người nữ, nhưng Giăng tiếp tục nói ở câu 18 rằng ai không tiếp nhận Ngài thì đã bị đoán xét rồi. Họ biết việc làm của họ là xấu xa và mặc dù Chúa Giê-xu không đến để lên án họ nhưng họ vẫn cảm thấy bị lên án vì tội lỗi của mình.

Trong các câu tiếp theo, Giăng thay đổi phép ẩn dụ mà ông dùng để mô tả Chúa Giê-xu. Trước đó Chúa Giê-xu là một món quà trong câu 16, bây giờ Giăng mô tả Chúa Giê-xu là sự sáng. Hãy xem lại các câu 19-20, “Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa. Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng.” Khi chúng ta đón nhận món quà của Đức Chúa Trời nơi Chúa Giê-xu, chúng ta kinh nghiệm được sự tha thứ của Ngài đối với tội lỗi của chúng ta. Chúng ta kinh nghiệm sự tự do khỏi cảm giác bị lên án. Nếu không có sự tha thứ của Chúa, chúng ta sẽ chỉ còn lại cảm giác tội lỗi và nhận thức rằng chúng ta đáng chịu phán xét.

Cuối cùng, chúng ta đến với câu 21, câu này giải thích lý do tại sao Valentine cũng như các vị tử đạo khác trong Hội-thánh đầu tiên có thể tha thứ cho những kẻ áp bức họ. “Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời.” Người nào làm việc tốt cũng đều vui mừng muốn chứng tỏ rằng sức mạnh để hoàn thành việc làm này đến từ Chúa. Họ không muốn nhận công về điều gì đó mà chỉ có Chúa mới có thể làm được. Những ai đón nhận món quà Valentine của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu, đều tràn đầy tình yêu Chúa và tình yêu đó bắt đầu thực hiện những hành động hy sinh giống như Chúa Giê-xu đã làm. Những ai khước từ món quà Valentine của Đức Chúa Trời sẽ cảm thấy bị lên án, không phải vì Chúa Giê-xu lên án họ, nhưng vì họ tự cảm thấy mình tội lỗi.

Đức Chúa Trời yêu thương muốn chúng ta kinh nghiệm được tình yêu và sự tha thứ của Ngài; sự bình an và yên nghỉ nơi Ngài. Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta điều mà chúng ta không thể tự mình làm được. Sự chết hy sinh của Ngài trên thập tự giá và đức tin của chúng ta vào sự hy sinh đó đảm bảo cho chúng ta một vị trí trên thiên đàng và giúp chúng ta sống những ngày trên đất vì danh Đấng Christ.

Lễ Tình Yêu năm nay, hãy để tôi khích lệ bạn mở lòng đón nhận món quà Valentine vĩ đại nhất từng được ban tặng, Chúa Giê-xu Christ. Những ai tin nơi Ngài sẽ kinh nghiệm sự sống đời đời và sẽ nhận được khả năng tha thứ như Chúa đã tha thứ họ.

Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like