Tôi thích cầu nguyện chung với các anh chị em, nhưng hơn hết tôi thích thì giờ cầu nguyện riêng tư với Chúa vào mỗi buổi sáng; vì khi đó, chỉ có Chúa và tôi.
Vậy thì cầu nguyện thực chất là gì?
Cầu nguyện là một cuộc trò chuyện chân thành với Chúa.
Giống như nói chuyện với một người bạn thân thiết biết mọi thứ về bản thân mình. Đây là cầu nguyện theo Kinh Thánh. Thử tưởng tượng bạn nói chuyện với cha mẹ, vợ/chồng hoặc bạn bè của mình bằng những mẫu câu nhất định được viết ra theo công thức; rõ ràng là cuộc trò chuyện sẽ cảm thấy lúng túng và không có sự kết nối.
Nếu bạn tiếp tục nói chuyện với họ như vậy, lần nào cũng như lần nấy, với kiểu giao tiếp khô khan, mang tính hình thức và vô hồn, theo thời gian, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của bạn với họ.
Vậy thì, tại sao có quá nhiều người ngày nay nói chuyện với Chúa theo cách này? Tại sao chúng ta nói chuyện với Chúa theo cách mà chúng ta không bao giờ nghĩ là sẽ nói chuyện với bạn bè của mình? Ngài có thực sự đánh giá cao điều đó không?
Cầu nguyện là đối thoại với Chúa
Tôi muốn nhấn mạnh rằng cầu nguyện không chỉ là một cuộc trò chuyện mà còn là một điều gì đó lớn lao hơn nhiều và không gì so sánh được. Thông qua cầu nguyện, bạn kết nối với Chúa của cõi hoàn vũ, Vua muôn vua và Đấng Tạo Hóa. Cầu nguyện kết nối bạn với Cội Nguồn của mọi sức mạnh, sự sống, và mọi sự khôn ngoan.
Như bạn có thể thấy, cầu nguyện thực sự là một việc đáng để chúng ta ưu tiên thời gian của mình. Và Chúa là Đấng xứng đáng để cầu nguyện. Đức Chúa Trời xứng đáng nhận được điều gì đó tốt hơn từ bạn thay vì những lời cầu nguyện vội vã, hời hợt.
Cầu nguyện là cơ hội để không chỉ được nói chuyện với Chúa mà còn được lắng nghe những gì Ngài nói.
Đức Chúa Trời là Đấng vô cùng vô tận, và để biết Ngài cũng như hiểu được tính cách của Ngài chúng ta cần nhiều thời gian và công sức hơn là chỉ nói chuyện bình thường.
Ngài yêu thích và khao khát được bày tỏ chính Ngài trong một ánh sáng mới để chúng ta có được một bức tranh hoàn chỉnh về bản tính của Ngài. Chúa của chúng ta thật đẹp đẽ biết bao!
Mặc dù nhiều người xem cầu nguyện là một thực hành tôn giáo, nhưng đối với Cơ-đốc nhân, chúng ta xem đó là một cuộc đối thoại hai chiều.
Vì vậy, bạn không nên chỉ nói chuyện với Đức Chúa Trời, mà bạn cũng nên lắng nghe những gì Ngài phán nữa. Khi bạn nói chuyện với một người nhưng lại không lắng nghe người ấy nói, đó không phải là giao tiếp. Nếu bạn nói chuyện với Chúa nhưng khi Ngài phán, bạn không lắng nghe Ngài, bạn không thực sự giao tiếp với Ngài. Bạn cần chờ đợi và lắng nghe những gì Ngài muốn nói với bạn.
Tại sao chúng ta cần phải cầu nguyện?
Bạn có thể đã nghe câu nói, “cuộc đời khiến bạn phải quỳ gối”. Quỳ gối là một tư thế hoàn hảo để cầu nguyện. Cầu nguyện là một thực hành tôn giáo rất phổ biến. Từ thời cổ đại, mọi người đã cầu nguyện với các quyền lực cao hơn: người ngoại giáo, người Hồi giáo, người theo đạo Hin-đu, người Do Thái, người theo đạo Phật và cả người tin Chúa.
Tuy nhiên, trong mỗi tôn giáo, sự cầu nguyện có những ý nghĩa khác nhau. Đối với một số người, đó là cách để làm hài lòng những ác thần có thể đe dọa tính mạng của họ; đối với những người khác, đó là nỗ lực rời bỏ thực tại và hợp nhất với một thực thể siêu nhiên mà họ gọi là thần, hoặc có lẽ để đạt được sự hiểu biết thần bí nào đó. Một số người cầu xin sự giúp đỡ từ các vị thần, trong khi những người khác xưng tội và dâng lời tạ ơn bằng sự cầu nguyện.
Do đó, đối với phần lớn cư dân trên hành tinh của chúng ta, cầu nguyện theo một cách nào đó mang họ lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, trong loạt bài này, bạn và tôi sẽ tập trung sự chú ý của chúng ta vào quan điểm của Kinh Thánh về sự cầu nguyện.
Những ví dụ trong Kinh Thánh về sự cầu nguyện
Lời cầu nguyện của Áp-ra-ham
“Áp-ra-ham thưa tiếp: ‘Dù con vốn là thân tro bụi, cũng xin đánh bạo mà thưa với Chúa: Nếu nhỡ trong năm mươi người công chính thiếu năm người thì sao? Vì thiếu năm người mà Chúa sẽ tiêu diệt cả thành chăng?’ Ngài đáp: ‘Nếu Ta tìm được trong đó bốn mươi lăm người thì Ta sẽ không tiêu diệt thành đâu.’ Áp-ra-ham lại thưa: ‘Giả sử trong thành chỉ tìm thấy bốn mươi người công chính thì sao?’ Ngài đáp: ‘Vì bốn mươi người đó Ta sẽ không diệt đâu.’” (Sáng-thế Ký 18:27-29)
Trong câu chuyện này, Áp-ra-ham đã làm một việc thật không thể tưởng tượng nổi. Ông đã mặc cả với Chúa để cứu thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vì lợi ích của những người công chính trong các thành đó. Áp-ra-ham trò chuyện với Chúa như một người bạn. Chúa cũng rất kiên nhẫn và khoan dung với ông và Ngài trả lời tất cả các câu hỏi của ông.
Không có vị thần nào từng đối xử với con người như cách mà Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh đối xử với Áp-ra-ham. Đó là một cuộc trò chuyện mà một người nghĩ gì nói đó. Mặt khác, khi đọc thuộc lòng một bài phát biểu đã được luyện tập kỹ lưỡng, bạn có thể sẽ bị phân tâm mà nghĩ về những thứ khác cùng một lúc.
Và Đức Chúa Trời đáp lại Áp-ra-ham như thế nào? Đức Chúa Trời rất nhân từ đến nỗi Ngài đã chăm sóc tất cả những người công chính trong các thành đó.
Lời cầu nguyện của Môi-se
“Môi-se kêu cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình rằng: ‘Lạy Đức Giê-hô-va, tại sao cơn thịnh nộ Ngài lại nổi lên với dân Ngài, là dân mà Ngài đã dùng quyền uy lớn lao và cánh tay mạnh mẽ đem ra khỏi đất Ai Cập? Tại sao lại để cho người Ai Cập nói: ‘Ngài cố ý đem họ ra khỏi đây để giết chết họ trong núi, và tiêu diệt họ khỏi mặt đất’? Cầu xin Chúa nguôi giận và từ bỏ ý định giáng họa cho dân Ngài.’” (Xuất Ê-díp-tô Ký32:11-12)
Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng Ngài sẽ hủy diệt dân Y-sơ-ra-ên. Môi-se nài xin Đức Chúa Trời thay đổi quyết định của Ngài. Ông chỉ ra những lời hứa mà Ngài đã ban cho họ trong quá khứ, và Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu xin của ông.
Môi-se đã không đến gần Đức Chúa Trời với một mẫu đơn thỉnh nguyện theo đúng tiêu chuẩn. Cuộc trò chuyện này diễn ra hết sức tự nhiên.
Lời cầu nguyện của vua Giô-sa-phát
“Giô-sa-phát đứng giữa hội chúng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, phía trước sân mới trong đền thờ Đức Giê-hô-va mà cầu nguyện rằng: ‘Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng con! Ngài chẳng phải là Chúa ở trên các tầng trời sao? Chẳng phải Ngài là Đấng quản trị muôn dân muôn nước sao? …Chẳng phải Ngài đã đuổi dân xứ nầy khỏi dân Y-sơ-ra-ên của Ngài mà ban xứ ấy cho dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ngài, làm sản nghiệp đời đời sao? …Lúc dân Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập, Chúa không cho họ đi vào xứ các dân Am-môn, Mô-áp và dân vùng núi Sê-i-rơ nên dân Y-sơ-ra-ên quay khỏi chúng và không tiêu diệt chúng. Kìa, nay chúng báo trả chúng con bằng cách đến đuổi chúng con khỏi sản nghiệp mà Chúa đã ban cho chúng con. Lạy Đức Chúa Trời chúng con! Ngài sẽ không trừng phạt chúng sao? Vì chúng con không đủ sức để đối địch cùng đám quân đông đảo đang đến tấn công chúng con. Chúng con không biết phải làm sao, nhưng mắt chúng con ngưỡng trông Chúa!’” (2 Sử-ký 20:5-12)
Giô-sa-phát là Vua của vương quốc Giu-đa ở phía nam. Một ngày nọ, ba quốc gia thù địch với người Do Thái (dân Mô-áp, dân Am-môn, và những người Mao-nít) hợp sức lại và quyết định tấn công Giô-sa-phát. Khi ông hay được tin đó thì quân thù đã ở rất gần biên giới của Giu-đa.
Giô-sa-phát tập hợp dân chúng trong Đền-thờ và bắt đầu công khai cầu xin Đức Chúa Trời bảo vệ họ khỏi kẻ thù, những kẻ có sức mạnh vượt trội hơn họ rất nhiều. Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của Giô-sa-phát và đánh bại kẻ thù (2 Sử-ký 20:15-17; 22-24). Người Giu-đa thậm chí không mất một binh một tốt nào. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Giô-sa-phát đã thưa chuyện với Chúa bằng chính lời lẽ của mình với sự khiêm nhường, đơn sơ và đầy sự trông cậy.
Có thể bạn đã nhận thấy rằng tất cả những lời cầu nguyện mà chúng ta thảo luận hôm nay đều được Chúa nhậm. Những con người này và lời cầu nguyện của họ có 2 điểm chung:
1. Họ cầu nguyện với lời lẽ đơn sơ
2. Họ cầu thay cho người khác
Chúa Giê-xu và các môn đồ
Thoạt nhìn, cầu nguyện có vẻ là một việc khá đơn giản.
Ai cũng có thể cầu nguyện.
Tuy nhiên, sau ba năm rưỡi ở với Chúa Giê-xu, các môn đồ của Ngài nhận ra rằng Chúa Giê-xu cầu nguyện khác với họ. Về cơ bản, khi họ cầu nguyện, không có gì xảy ra. Khi Chúa Giê-xu cầu nguyện, đời sống của Ngài có quyền năng và kết quả có thể nhìn thấy được.
Vào một dịp đặc biệt, các môn đồ không thể chữa lành bệnh cho một thanh niên bất hạnh. Họ đến gặp Chúa Giê-xu và hỏi:
“Tại sao chúng con không thể đuổi được quỷ ấy?” (Mác 9:28)
Chúa Giê-xu đáp, “Nếu không cầu nguyện thì chẳng ai đuổi thứ quỷ ấy ra được.” (Mác 9:29)
Cầu nguyện khiến lời nói và việc làm của Chúa Giê-xu có quyền năng đặc biệt.
Các môn đồ đã quan sát Chúa Giê-xu cầu nguyện. Đôi khi Ngài nói những lời cầu nguyện ngắn, đôi khi Ngài cầu nguyện suốt đêm, và đôi khi Ngài dậy sớm vào buổi sáng và đi cầu nguyện ở một nơi vắng vẻ.
Họ thấy Ngài lúc nào cũng cầu nguyện nên hỏi Ngài:
“Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện…” (Lu-ca 11:1)
Các môn đồ nhận ra rằng họ không biết cách cầu nguyện.
Nếu các môn đồ đã đồng đi với Chúa Giê-xu trong nhiều năm nhận ra rằng họ không thực sự biết cách cầu nguyện, thì có lẽ chúng ta cũng cần phải học hỏi nhiều.
Những nỗ lực của con người sẽ không mang lại bất cứ điều gì đáng giá cho đời sống của chúng ta, bởi vì Chúa là cội nguồn duy nhất của tất cả những gì thực sự có giá trị.
Suy nghĩ này được thể hiện rõ ràng trong những lời sau đây của Chúa Giê-xu:
“Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các con. Như cành nho, nếu không ở trong cây nho thì tự nó không thể ra quả được. Nếu các con không cứ ở trong Ta thì cũng như vậy. Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được.” (Giăng 15:4-5)
Vì vậy, một mình bạn, bạn không thể làm bất cứ điều gì. Tuy nhiên, Chúa có thể ban cho bạn sức mạnh lớn lao. Và tất cả điều này xảy ra thông qua sự cầu nguyện.
Cầu nguyện là hơi thở của lời nói và đời sống chúng ta. Đó là lý do tại sao cầu nguyện rất quan trọng đối với mọi người.
Bây giờ, tôi có một thách thức dành cho bạn. Trong vòng một tháng tới đây, bạn có cam kết cầu nguyện ít nhất một lần mỗi ngày không? Nếu bạn chưa quen với việc cầu nguyện, hãy bắt đầu bằng một lời cầu nguyện ngắn.
Hẹn gặp lại bạn trong loạt bài này kỳ sau. Cầu xin Chúa giúp chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đời sống cầu nguyện của mình.
Biên tập: Eunice Tu
Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com