Home Chuyên Đề Sự Chọn Lọc Tự Nhiên Không Thể Giải Thích Nguồn Gốc Sự Sống

Sự Chọn Lọc Tự Nhiên Không Thể Giải Thích Nguồn Gốc Sự Sống

by Sưu Tầm
30 đọc

Trong khi quyển On the Origin of Species (tạm dịch là ‘Nguồn Gốc Các Loài’) của Charles Darwin được miêu tả là “một bản tường thuật vĩ đại—một câu chuyện về nguồn gốc [của các loài] mà sẽ thay đổi cả thế giới“, thì trớ trêu thay quyển sách của ông lại rõ ràng là đang tránh né câu hỏi về nguồn gốc của chính sự sống.

Điều này không có gì là đáng ngạc nhiên. Thuyết về nguồn gốc các loài “qua sự chọn lọc tự nhiên” của Darwin đã giả định về khả năng tự sinh sản, vậy nên thuyết này không thể giải thích được nguồn gốc của sự tự sinh sản.

Thật không may, nhiều người ủng hộ thuyết tiến hóa lại có vẻ như không biết gì về điều này. Họ không thừa nhận rằng sự chọn lọc tự nhiên đòi hỏi phải có sự sống tồn tại từ trước đó. Như nhà tiến hóa hàng đầu thế kỷ 20 Theodosius Dobzhansky đã than thở:

Khi đọc một số tài liệu khác về nguồn gốc của sự sống, tôi e rằng không phải tác giả nào cũng sử dụng thuật ngữ [sự chọn lọc tự nhiên] một cách cẩn thận. Chọn lọc tự nhiên khác với sự sinh sản, sự sống của sinh vật. Để có được sự chọn lọc tự nhiên, bạn phải có khả năng tự sinh sản và tự nhân bản tối thiểu hai đơn vị hoặc hai thực thể riêng biệt tự nhân bản… Tôi chỉ muốn xin các bạn, đơn giản là hãy nhận biết rằng bạn không thể dùng từ “sự chọn lọc tự nhiên” một cách bừa bãi. Chọn lọc tự nhiên tiền sinh học (trước khi có khả năng tự sinh sản hay tự nhân bản) là một thuật ngữ tự mâu thuẫn với chính nó.

Vậy nên, chọn lọc tự nhiên chỉ có thể hoạt động trên một sinh vật sống có khả năng sinh sản. Từ chính định nghĩa này, sự chọn lọc tự nhiên không thể hoạt động trên những hợp chất không có sự sống (không có khả năng tự sinh sản hay tự nhân bản). Nhấn mạnh cùng một điểm mà Dobzhansky đãnói ở trên, triết gia nổi tiếng Antony Flew (từ lâu đã được biết đến là một người ủng hộ hàng đầu của chủ nghĩa vô thần cho đến khi từ bỏ niềm tin này trước ánh sáng của sự hiểu biết ngày càng gia tăng về sự phức tạp đáng kinh ngạc của một tế bào) đã giải thích thế này:

Tôi thấy rằng Richard Dawkins [một người ủng hộ cuồng tín cho mọi thứ liên quan đến thuyết Darwin] liên tục bỏ qua một sự thật là chính Darwin, trong chương 14 của quyển Nguồn Gốc Các Loài, đã chỉ ra rằng toàn bộ lập luận của ông bắt đầu bằng một sinh vật có khả năng tự sinh sản. Đây là sinh vật mà một thuyết tiến hóa toàn diện phải có lời giải thích đầy đủ cho nguồn gốc và sự tiến hóa của nó.

Chính Darwin cũng ý thức rất rõ rằng ông không có lời giải thích nào cho trường hợp này. Giờ tôi thấy có vẻ như những phát hiện của hơn 50 năm nghiên cứu DNA đã cung cấp nhiều tài liệu cho một luận cứ mới và cực kỳ mạnh mẽ về cái gọi là tạo hóa.

Nhiều người có thể ngạc nhiên về lời phê bình của Flew rằng bản thân Darwin cũng ý thức được rằng ông vẫn chưa tạo ra một “thuyết tiến hóa toàn diện” có thể giải thích cho sự sống nguyên thủy đầu tiên. Nhưng Flew đã đúng—trong quyển “Nguồn Gốc Các Loài”, Darwin đã tập trung vào nguồn gốc sự đa dạng của các loài sống. Trong chương cuối, Darwin viết: ‘Tôi nên suy luận bằng phép loại suy rằng có lẽ tất cả các sinh vật hữu cơ đã từng sống trên trái đất đều bắt nguồn từ một dạng sống nguyên thủy nào đó…’ Trong bức thư gởi cho nhà thực vật học Joseph Hooker vào năm 1863, Darwin than thở rằng ông đã bị ảnh hưởng bởi ý kiến của công chúng khi viết cuốn Nguồn Gốc, của dạng sống đầu tiên, ‘từ đâu mà sự sống được thổi vào’ (như thể ông tin vào sự tạo hóa thần thánh vậy):

Sẽ mất một khoảng thời gian trước khi chúng ta tìm thấy các chất nhờn hữu cơ, chất nguyên sinh, v.v…mà đã góp phần để tạo ra một sinh vật mới. Nhưng tôi từ lâu đã hối hận vì mình đã chịu thua dư luận và dùng thuật ngữ tôn giáo để chỉ sự sáng tạo, trong khi từ mà tôi thực sự muốn nói ở đây là “xuất hiện” bởi một quá trình hoàn toàn không xác định.

Nhưng sau đó ông đã thừa nhận:

Giờ thì việc suy nghĩ về nguồn gốc của sự sống là một đều hoàn toàn vô nghĩa; người ta cũng có thể nghĩ về nguồn gốc của vật chất (vũ trụ).

Nhưng, vào năm 1871, chỉ 8 năm sau, nhất quán với nỗ lực phải lý giải nguồn gốc sự sống hoàn toàn theo chủ nghĩa duy vật của mình, Darwin suy đoán:

“… nếu (lại là một chữ NẾU to đùng) chúng ta có thể tạo ra một cái hồ nhỏ ấm áp, với đủ các loại muối a-mô-ni-ắc, lưu huỳnh, ánh sáng, nhiệt, điện, v.v…, thì hợp chất pro-tê-in được tạo ra về mặt hóa học, sẽ sẵn sàng để tiếp tục biến đổi phức tạp hơn…

Tuy nhiên, làm thế nào để bạn có được một tế bào sống có khả năng tự sinh sản từ một ‘hỗn hợp pro-tê-in…đã sẵn sàng để trải qua những biến đổi phức tạp hơn’? Với kiến thức ngày nay về sự phức tạp đáng kinh ngạc của tế bào và hơn 50 năm nghiên cứu DNA đã thuyết phục những nhà khoa học như Antony Flew chấp nhận cái gọi là tạo hóa (và từ đó suy ra phải có một Đấng Tạo Hóa).

Vấn đề chính của ý tưởng “một cái hồ ấm áp” là nó đánh đồng sự sống chỉ như một hợp chất hóa học. Nhưng như nhà vật lý nổi tiếng Paul Davies, dù chắc chắn là ông này không mấy thiện cảm với những người theo thuyết Sáng-tạo hay các Cơ-đốc nhân nói chung, cũng đã chỉ ra rằng sẽ hợp lý hơn khi so sánh một tế bào sống với một siêu máy tính cực kỳ phức tạp. Đó là bởi vì bí mật của sự sống không nằm trong các thành phần hóa học, nhưng nằm ở sự sắp xếp có tổ chức của các phân tử. Theo cách nói của Davies, một tế bào sống là “một hệ thống xử lý và sao chép thông tin có độ phức tạp đáng kinh ngạc“.

Davies nói tiếp:

DNA không phải là một phân tử đem lại sự sống, mà là một kho dữ liệu gen truyền tải thông tin của mình bằng cách sử dụng một mã toán học. Hầu hết những hoạt động của tế bào được mô tả một cách tốt nhất, không phải trong khía cạnh vật chất—như phần cứng (máy tính)—mà là thông tin, hay phần mềm. Cố gắng tạo ra sự sống bằng cách trộn các hóa chất trong ống nghiệm cũng giống như hàn mạch và nối dây để tạo ra Windows 98. Điều này sẽ không thành công vì đây là tiếp cận vấn đề ở cấp độ tư duy sai lầm.

Vậy nên, theo thuật ngữ ngày nay, Darwin dường như chỉ nghĩ đến sự sống trên phương diện phần cứng, chứ không phải phần mềm. Nhưng như Davies đã thừa nhận, dữ liệu thông tin của sự sống có nội dung từ một quan điểm về nguồn gốc tự nhiên của sự sống “… để lại cho chúng ta một câu hỏi hóc búa. Tự nhiên đã tạo ra bộ xử lý thông tin kỹ thuật số đầu tiên của thế giới—tế bào sống đầu tiên—từ những va đập hỗn loạn mù mịt của các phân tử như thế nào? Bằng cách nào mà các phân tử phần cứng có thể viết phần mềm của chính mình?

Vậy nên nguồn gốc của sự sống từ quá trình tiến hóa hóa học (đôi khi được gọi là ‘abiogenesis’ – sự phát sinh tự nhiên) vẫn không giải thích được. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà tiến hóa học hiện đại đã háo hức cố gắng loại bỏ vấn đề nguồn gốc sự sống ra khỏi lập luận bảo vệ thuyết tiến hóa của họ. Nhưng đồng hữu của họ là nhà tiến hóa học Gordy Slack đã chỉ trích họ thế này:

Tôi nghĩ rằng thật không trung thực khi lập luận rằng nguồn gốc sự sống không liên quan gì đến thuyết tiến hóa. Nó liên quan không kém gì thuyết Big Bang với vật lý hay vũ trụ học. Thuyết tiến hóa cần phải giải thích được, ít nhất là về mặt lý thuyết, bằng cách nào mà sinh vật sống đầu tiên có thể tự tái tạo thông qua quá trình sinh học hoặc hóa học. Và để thực sự hiểu cách đầy đủ về sinh vật đó, chúng ta chỉ cần phải biết cái gì đến trước nó. Và hiện giờ thì chúng ta còn lâu lắm mới có thể thực hiện được tất cả những điều này.

Slack đã đúng, và các nhà tiến hóa học cần được nhắc nhở rằng ấn bản tháng 9 năm 1978 của tạp chí Scientific American được đặc biệt dành cho chủ đề thuyết tiến hóa, và một tiêu đề lớn về “Sự Tiến Hóa Hóa-học và Nguồn Gốc Sự Sống“. Bài báo viết thế này:

J.B.S. Haldane, nhà hóa sinh người Anh, có vẻ như là người đầu tiên đánh giá cao một môi trường khí quyển có tính khử, không có oxy tự do, là một yêu cầu cho sự tiến hóa của sự sống từ vật chất hữu cơ không sống.

Đáng chú ý là Dawkins, trích lời Flew ở trên, luôn đưa vào một số lý thuyết tuyệt vọng về nguồn gốc sự sống trong các sách tiến hóa của mình. Trong quyển sách mới nhất của mình, The Greatest Show on Earth (tạm dịch là ‘Màn Trình Diễn Vĩ Đại Nhất Trên Trái Đất’), ông thừa nhận:

Sự thật là không có sự đồng thuận áp đảo nào. Một vài ý tưởng tiềm năng đã được đề xuất, nhưng không có bằng chứng quyết định nào để chắc chắn rằng một ý tưởng nào đó là không có sự nhầm lẫn.” (trang 419).

Ông cũng ngầm thừa nhận tiến hóa hóa học là một vấn đề, nhưng vẫn cố gắng xoay chuyển điều này theo hướng có lợi cho mình:

Lý thuyết mà chúng ta tìm kiếm, là về nguồn gốc của sự sống trên hành tinh này, do đó chắc chắn không phải là một giả thiết hợp lý! Nếu được vậy, thì sự sống có lẽ chỉ là điều bình thường trong thiên hà. Trong trường hợp một lý thuyết hợp lý là điều mà chúng ta muốn thì có thể nó cũng sẽ trở nên phổ biến. Nhưng chúng ta không có bằng chứng nào cho thấy sự sống tồn tại bên ngoài hành tinh này, vậy ít ra chúng ta cũng được phép thỏa mãn với một thuyết bất khả thi.” (trang 422)

Đức tin vô thần của Dawkins phải thực sự rất mạnh mẽ, để có thể thỏa mãn với một thuyết bất khả thi. Ông đã chứng minh luận điểm của nhà lý luận Hubert Yockey (người không tin vào thuyết sáng tạo) 30 năm trước:

Nghiên cứu về nguồn gốc của sự sống có vẻ như là độc nhất ở chỗ kết luận đã được chấp nhận một cách có thẩm quyền… Những gì còn lại cần làm là tìm ra các kịch bản mô tả các cơ chế và quy trình chi tiết của những gì đã xảy ra.

Kết Luận

Bây giờ, nếu Đức Chúa Trời cho loài người một thử thách rằng hãy tạo ra một cái máy có thể tự sản xuất ra các máy khác y như nó chỉ từ những nguyên vật liệu vô cơ sẵn có trong tự nhiên. Bạn nghĩ loài người có chiến thắng thử thách này không? Con người thật tài giỏi, khoa học kỹ thuật ngày nay thật phát triển; tuy nhiên việc chế tạo một cái máy như vậy cũng thật vượt quá khả năng của con người. Nhưng bạn nghĩ xem, khả năng tự sinh sản chính là yêu cầu tối thiểu nhất của sự sống. Một tế bào đơn giản nhất cũng phải có khả năng này, nếu không thì nó sẽ sớm biến mất, chứ đừng nói đến chuyện phát triển hay tiến hóa. Thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin không thể giải thích cho sự xuất hiện của khả năng tự sinh sản. Darwin hiểu điều này, nhưng ông phớt lờ nó, vì suy nghĩ về nguồn gốc sự sống cũng khó như nghĩ về nguồn gốc vũ trụ vậy.

Nếu việc chế tạo một cái máy biết tự sản xuất như vậy là quá khó với khoa học kỹ thuật của con người, thì sự sống với khả năng tự sinh sản cũng không thể tự nhiên mà có. Một hợp chất, dù quan trọng cho sự sống, nhưng nếu nó không có khả năng tự sinh sản, nó vẫn chỉ là một hợp chất mà thôi, không thể tự sinh sôi phát triển.

Phải chăng đã đến lúc các nhà khoa học nên từ bỏ cái kết luận có thẩm quyền về nguồn gốc sự sống, vì kết luận này chưa được chứng minh cách thực nghiệm, và mỗi tế bào sống là “một hệ thống xử lý và sao chép thông tin có độ phức tạp đáng kinh ngạc” không thể tự nhiên phát sinh. Có lẽ họ nên mở tâm mở trí để xem xét lời Kinh Thánh: sự sống được sáng tạo cách diệu kỳ, và phải có một Đấng ban sự sống và Đấng ấy chính là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của chúng ta!

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: creation.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like