Home Chuyên Đề 6 Tấm Gương Cầu Thay Trong Cựu Ước Phản Chiếu Chúa Giê-xu

6 Tấm Gương Cầu Thay Trong Cựu Ước Phản Chiếu Chúa Giê-xu

by Crosswalk.com
30 đọc

Tiếng la hét của các con vang lên từ phòng bên. Tôi vội vàng chạy vào. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt cả hai đứa. Vừa nhìn thấy tôi, chúng lập tức chỉ tay đổ lỗi cho nhau. Tôi giơ tay ra hiệu cho chúng dừng lại. Sau khi trấn an cả hai, tôi lắng nghe từng đứa kể lại câu chuyện theo lý lẽ của mình. Rồi cùng nhau, chúng tôi tìm ra hướng giải quyết. Khi mới bắt đầu hành trình làm mẹ, tôi không ngờ mình phải dành rất nhiều thời gian cho vai trò của một người… cầu thay.

Theo định nghĩa trong từ điển, “cầu thay” là hành động đứng ra giúp đỡ ai đó đang gặp khó khăn, hoặc nỗ lực hòa giải giữa hai bên đang bất hòa. Mỗi người trong chúng ta đều cần một người cầu thay. Một người đứng giữa để giúp chúng ta làm hòa với Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:10). Vì cớ tội lỗi, tất cả chúng ta đều đứng trước mặt Đức Chúa Trời trong sự bất xứng — không thể bước vào mối tương giao với Ngài, cũng không thể tự mình bước vào Thiên Đàng.

Trong tình yêu lớn lao của Đức Chúa Trời, Ngài đã sai Con Ngài là Chúa Giê-xu Christ đến thế gian để trở thành Đấng cầu thay cho chúng ta. Qua cái chết trên thập tự giá, Chúa Giê-xu đã mở ra một con đường để chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời. Ngài gánh lấy hình phạt mà lẽ ra chúng ta phải chịu, rồi sống lại trong sự sống mới vinh hiển. Ngày nay, Chúa Giê-xu đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời trên thiên đàng, và Ngài tuyên bố rằng những ai tin cậy nơi Ngài đều được tự do đến với Đức Chúa Trời. Tân Ước chứa đầy những câu Kinh Thánh khẳng định chân lý tuyệt vời này.

“Ai sẽ là người kết án họ khi mà Đấng Christ Giê-xu là Đấng đã chết và cũng đã sống lại, Đấng đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời và cầu thay cho chúng ta?”Rô-ma 8:34

“Hỡi các con bé nhỏ của ta, ta viết cho các con những điều nầy để các con không phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội thì chúng ta có Đấng biện hộ với Đức Chúa Cha là Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng công chính.”1 Giăng 2:1

“Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Đấng Christ Giê-xu, cũng là người.”1 Ti-mô-thê 2:5

Các tác giả Tân Ước không phải là những người đầu tiên mô tả Đấng Mê-si (Đấng Christ) là Đấng cầu thay. Ngay trong Cựu Ước, hình ảnh một Đấng trung gian đứng giữa Đức Chúa Trời và loài người đã được bày tỏ qua nhiều cách khác nhau.

Khi dân tộc Do Thái bắt đầu hình thành, Đức Chúa Trời đã kêu gọi những con người đặc biệt để đứng vào vai trò cầu thay. Nếu một người cầu thay là người thay mặt loài người thưa chuyện với Đức Chúa Trời, thì chúng ta có thể tìm thấy ít nhất 6 bức tranh trong Cựu Ước về những con người từng đảm nhận vai trò này theo những cách rất độc đáo. Hãy cùng nhìn lại sáu tấm gương cầu thay trong Cựu Ước và khám phá cách họ phản chiếu về chính Chúa Giê-xu.

1. Giô-sép

Khi các con trai của Gia-cốp (tức Y-sơ-ra-ên) lớn lên, có một người nổi bật trở thành nhân vật chủ chốt trong gia đình đó chính là Giô-sép. Câu chuyện về đời sống của ông chiếm gần nửa phần cuối của sách Sáng-thế Ký, và phản chiếu hình ảnh của Chúa Giê-xu theo nhiều cách đáng kinh ngạc. Giô-sép bị các anh mình ghét bỏ và bị bán làm nô lệ. Nhưng thay vì kết thúc trong tuyệt vọng, ông được Đức Chúa Trời đưa lên vị trí rất cao. Tất cả những điều ác mà ông phải chịu lại trải đường để ông trở nên người cứu dân mình.

Giô-sép cho chúng ta thấy hình ảnh của sự tha thứ, sự hòa giải, và sự chu cấp. Khi gia đình lâm vào nạn đói, các anh của ông phải sang xứ khác tìm thức ăn. Dù từng bị họ phản bội và bán đi, Giô-sép vẫn chọn tha thứ. Cuối cùng, ông nhận ra một lẽ thật lớn lao: “Các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành” (Sáng-thế 50:20). Chúa Giê-xu cũng là Đấng cung ứng cho chúng ta nhưng trước khi được vinh hiển, Ngài phải chịu khổ hình trên thập tự giá. Chính qua điều tưởng là bi kịch tăm tối nhất, sự cứu rỗi vĩ đại nhất đã được bày tỏ.

2. Môi-se

Một trong những con người vĩ đại nhất từng sống trên đất này chính là Môi-se. Tôi có thể hơi thiên vị vì đã dành nhiều năm nghiên cứu và viết về ông nhưng thật khó để phủ nhận tầm ảnh hưởng của vị lãnh đạo này. Bị dân mình từ chối, Môi-se chạy trốn vào đồng vắng. Nhưng chính tại nơi đó, ông được Đức Chúa Trời kêu gọi để quay trở lại Ê-díp-tô, giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ. Qua quyền năng của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của luật pháp, Môi-se cho chúng ta thấy một hình ảnh tiên tri về Chúa Giê-xu.

Sau khi rời khỏi Ê-díp-tô, Môi-se lên núi để nhận lãnh luật pháp của Đức Chúa Trời, trong khi dân sự phía dưới tiếp tục nổi loạn và chống nghịch. Sách Xuất Ê-díp-tô ký ghi lại nhiều lần Môi-se đã cầu nguyện, kêu xin, và đứng ra cầu thay cho dân sự. Cũng giống như dân Y-sơ-ra-ên năm xưa, dù chúng ta ngày nay là con cái Chúa đã được cứu và tha thứ nhưng vẫn có lúc vấp ngã và phạm tội. Trong những lúc như vậy, Chúa Giê-xu ngồi bên hữu Đức Chúa Trời và cầu thay cho chúng ta, giống như Môi-se đã từng làm. Ngài nài xin Cha vì cớ sự hy sinh của chính Ngài, để tội lỗi chúng ta được xóa bôi và lòng Đức Chúa Trời được nguôi giận.

3. Các thầy tế lễ

Khi Đức Chúa Trời thiết lập dân tộc Y-sơ-ra-ên, từ Xuất Ê-díp-tô Ký đến Phục-Truyền Luật-lệ Ký, chúng ta thấy xuất hiện một nhóm người rất đặc biệt. Đức Chúa Trời đã chọn dòng dõi Lê-vi làm thầy tế lễ. A-rôn được trao một đặc ân vô cùng lớn lao: trở thành người đại diện cho dân sự đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Trong sách Lê-vi Ký, chúng ta đọc thấy những hướng dẫn rất tỉ mỉ về cách các thầy tế lễ phải sống trước mặt Đức Chúa Trời. Họ phải sống thánh khiết, biệt riêng, và vâng phục. Để có thể làm trọn vai trò đại diện, các thầy tế lễ phải dâng của lễ bằng huyết để chuộc tội cho chính mình và cho dân chúng.

Nhưng Chúa Giê-xu, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta thì khác. Ngài là Đấng thánh khiết, không hề ô uế. Ngài không cần phải dâng một sinh tế nào cho chính mình để được đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá không phải vì tội lỗi của riêng Ngài, mà là vì chúng ta. Công việc của các thầy tế lễ xưa kia không bao giờ kết thúc, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Nhưng trên thập tự giá, Chúa Giê-xu đã tuyên bố: “Mọi việc đã được trọn!”

4. Giô-suê

Sau Môi-se, người lãnh đạo tiếp theo được Đức Chúa Trời dùng là Giô-suê, một chiến binh và người chỉ huy dũng cảm. Dù không phải là thầy tế lễ, cũng chẳng mang tước vị vua, nhưng Giô-suê đã dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên tiến vào Xứ Hứa, và qua vai trò lãnh đạo của ông, dân sự hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời trong thời kỳ chinh phục Ca-na-an. Nhiều lần Chúa phán với Giô-suê: “Hãy mạnh dạn, can đảm! Chớ run sợ, chớ kinh hãi! Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con vẫn ở cùng con trong mọi nơi con đi” (Giô-suê 1:9).

Lời hứa ban đầu mà Đức Chúa Trời đã phán với Áp-ra-ham về một miền đất thuộc về dòng dõi ông giờ đây được ứng nghiệm qua Giô-suê. Thật thú vị khi tên Giô-suê trong tiếng Hê-bơ-rơ và tên Giê-xu trong tiếng Hy Lạp thực chất là cùng một tên, đều có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi.” Giô-suê trung tín vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời và điều đó phản chiếu hình ảnh của Chúa Giê-xu, Đấng không chỉ vâng theo luật pháp, nhưng đã làm trọn luật pháp một cách trọn vẹn và hoàn hảo.

5. Các quan xét

Sách Các Quan Xét ghi lại những câu chuyện về một nhóm người rất khác nhau, cả nam và nữ, người tốt lẫn người chưa trọn lành, nhưng tất cả đều được Đức Chúa Trời sử dụng để đưa dân sự quay trở lại với Ngài. Một người cầu thay là người giúp mang lại sự hòa giải giữa con người với Đức Chúa Trời. Nhưng làm sao con người có thể được hòa giải nếu không biết Đức Chúa Trời muốn gì, phán gì, và đòi hỏi điều gì?

Các quan xét chính là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời cho dân sự trong thời đó. Họ không chỉ nói thay cho Ngài, mà còn đứng lên chiến đấu, đánh bại quân thù, và đem sự yên bình cho xứ sở. Họ là công cụ Chúa chọn trong một thời kỳ mà dân sự cần được nhắc nhở về điều Chúa muốn cho họ. Tuy nhiên, tất cả những người ấy cũng chỉ là “hình bóng” của Đấng thực sự sắp đến. Vì cuối cùng, chỉ có một mình Chúa Giê-xu mới có thể mang lại chiến thắng thật, Lời trọn vẹn, và sự yên nghỉ đời đời cho linh hồn con người. Nhờ công tác cứu chuộc của Ngài trên thập tự giá, chúng ta được bước vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong cõi đời đời mai sau. Thiên Đàng đang chờ đón chúng ta, Xứ Hứa vĩnh hằng dành cho những ai tin cậy nơi Ngài.

6. Các tiên tri

Các nhà tiên tri trong Cựu Ước rõ ràng cũng là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời. Những tiên tri này sống trải dài từ thời của Gióp cho đến tiên tri cuối cùng trong Kinh Thánh: Giăng Báp-tít, người xuất hiện ở đầu Tân Ước. Chúng ta biết tên của nhiều nhà tiên tri mà Đức Chúa Trời đã dùng, nhưng cũng có rất nhiều người không được nêu tên. Phần lớn các sách Cựu Ước chính là lời của các tiên tri được ghi lại. Đức Chúa Trời phán với Ê-xê-chi-ên: “Vậy con hãy truyền lời Ta phán với chúng cho dù chúng có nghe hay không” (Ê-xê-chi-ên 2:7)

Sứ đồ Phi-e-rơ cũng giải thích về công tác của các tiên tri thế này: “Trước hết, anh em phải hiểu rằng không có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh được giải thích theo ý riêng của một người nào, vì không có lời tiên tri nào đến bởi ý người, nhưng người ta được Đức Thánh Linh cảm thúc nói ra từ Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:20-21).

Các tiên tri thường được sai đến để rao giảng về sự phán xét, kêu gọi dân sự ăn năn trở lại với Đức Chúa Trời. Trong chức vụ của Chúa Giê-xu, nhiều người cũng gọi Ngài là một đấng tiên tri. Nhưng trong Ma-thi-ơ 16:13-20, khi Ngài hỏi các môn đồ: “Còn các con thì nói Ta là ai?” Phi-e-rơ đã tuyên bố một điều vĩ đại mà nếu không phải do chính Cha bày tỏ, ông sẽ không nói ra được những lời này: “Thầy là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống.”

Chúa Giê-xu không chỉ là một nhà tiên tri, Ngài chính là Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời nhập thể. Dù các tiên tri, các thầy tế lễ hay các vua trong Cựu Ước đều là những công cụ Chúa sử dụng nhưng họ chỉ là hình bóng tạm thời. Chỉ có một Đấng Trung Bảo hoàn hảo, đó là Chúa Giê-xu Christ.

Thư Hê-bơ-rơ được viết ra để cho chúng ta thấy rằng: Chúa Giê-xu trổi hơn Môi-se, hơn Đa-vít, hơn mọi thầy tế lễ và các nhà tiên tri. Dù những người đó đều là những con người vĩ đại được Đức Chúa Trời sử dụng, họ chỉ được ban cho chúng ta như những tấm gương. Chỉ có Chúa Giê-xu mới là Đấng Trung Bảo thật, đáng cho chúng ta thờ phượng và tôn kính. Ngài không chỉ là một người dẫn đường, Ngài là Con Đường để đưa chúng ta đến với Đức Chúa Trời.

Bởi đó, Ngài có thể cứu toàn vẹn những người nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những người ấy.” – Hê-bơ-rơ 7:25 

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like