Có người hỏi “Tại sao Chúa lại đặt trái cấm ở vườn địa đàng, để Satan vào cám dỗ A-đam và Ê-va, khiến loài người sa ngã?” Đó là vì Chúa muốn thử thách con người. Ai rồi cũng sẽ gặp thử thách, từ A-đam, Ê-va, tới chúng ta. Vậy nên ta cần hiểu về chúng, hiểu lý do Chúa thử thách loài người, và cách vượt qua chúng để được hưởng phần thưởng nơi Ngài.
I. Hiểu về thử thách và cám dỗ
“Phước cho người chịu đựng sự thử thách; vì khi đã chịu nổi sự thử nghiệm, họ sẽ nhận mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho những người yêu mến Ngài. Đang lúc bị cám dỗ đừng ai nói: “Tôi bị Đức Chúa Trời cám dỗ”; vì Đức Chúa Trời không thể nào bị điều ác cám dỗ, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ bởi chính dục vọng mình lôi cuốn và quyến dụ.” (Gia-cơ 1:12-14)
Phân đoạn này cho giúp ta hiểu và phân biệt giữa thử thách và cám dỗ :
Thử thách: là những hoàn cảnh khó khăn Chúa cho phép xảy ra để làm vững mạnh đức tin [1]. Chúng là những chuyện ta phải chịu đựng và vâng giữ theo Lời Chúa dù đi ngược với tham muốn dục vọng của mình. Chúng đòi hỏi ta có lòng yêu mến Chúa, đức tin, sự trung tín vâng lời để vượt qua. Và ta sẽ được thưởng nếu “chịu nổi sự thử nghiệm”, còn không phải chịu hậu quả tự nhiên của việc làm trái Lời Chúa.
Cám dỗ: là những thứ Satan sử dụng để lôi kéo ta vào tội lỗi [1]. Chúng kích thích tham muốn dục vọng và lôi cuốn quyến dụ ta làm ngược Lời Chúa, phạm tội với Ngài. Chúng không đến từ Chúa, mà đến từ dục vọng của chính ta, cùng sự khuyến khích khêu gợi của Satan. Chúng sẽ khiến ta xấu hổ và mất mát nếu sa ngã. Xấu hổ vì đã làm điều gì ô nhục, sai trái, ngu ngốc, gây tổn thương mối quan hệ của ta với Chúa hay với mọi người xung quanh [2]. Mất mát vì phải gánh lấy hậu quả tự nhiên của việc làm đó.
Cùng một thử thách, mỗi người sẽ bị cám dỗ cách khác nhau theo dục vọng của riêng mình, và Satan sẽ nương theo đó mà khêu gợi, khuyến khích, dẫn dụ. Ở vườn Ê-đen, thử thách là mạng lệnh không ăn trái cây biết điều thiện điều ác của Chúa. Cám dỗ với Ê-va là “thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì làm cho mình khôn ngoan” (Sáng Thế 3:6). Cám dỗ với A-đam là “nghe theo lời vợ” (Sáng Thế Ký 3:17), vì A-đam không bị lừa nhưng vẫn ăn theo lời Ê-va (1 Ti-mô thê 2:14). Chiều theo tham muốn dục vọng mình, họ sa vào cám dỗ. Vi phạm lời Chúa, họ thất bại trước thử thách. Họ bị xấu hổ, đánh mất ân sủng của Ngài, và bị trừng phạt đúng như Chúa đã cảnh báo (Sáng Thế Ký 3:6-19).
Nhưng tại sao Chúa lại thử thách loài người? Sao Ngài không bảo bọc A-đam và Ê-va, nhốt Satan lại, đừng đặt cây trái cấm ở vườn Ê-đen để họ khỏi bị cám dỗ mà sa ngã?
II. 3 lý do Chúa thử thách loài người

Theo lời Chúa hay theo tham muốn cá nhân?
Thật ra thử thách và cám dỗ trong đoạn trên là cùng một từ “peirasmos” [1], gộp từ chứng tỏ (peirazo) và phân biệt (mos) [3]. Peirasmos là những việc để chứng tỏ và phân biệt cho thấy rõ một người như thế nào, như đức tin mạnh hay yếu, trung tín hay không. Người chứng tỏ mình là người trung tín yêu mến Chúa thì sẽ được Ngài thưởng. Còn người bị cám dỗ bởi dục vọng mình lôi cuốn quyến dụ mà sa ngã sẽ chứng tỏ mình còn chỗ thiếu sót, còn nghe lời dục vọng và Satan hơn nghe lời Chúa. Peirasmos như “nguy cơ” vậy, vừa là nguy hiểm vừa là cơ hội. Nó là cơ hội vì Chúa thử thách để ban thưởng, nhưng cũng là nguy hiểm vì nó là dịp để Satan tấn công, và ta có thể bị sa ngã. Chúa đặt ra các thử thách với 3 mục đích:
1. Để chứng nhận và ban thưởng:
“Phước cho người chịu đựng sự thử thách; vì khi đã chịu nổi sự thử nghiệm, họ sẽ nhận mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho những người yêu mến Ngài.” (Gia-cơ 1:12)
Đôi khi những thử thách là cần thiết để chứng tỏ một ứng cử viên đạt chứng nhận trong một lĩnh vực nào đó. Chúng ta thi bằng lái, thi đại học, thi chứng chỉ hành nghề, v.v… Trong mọi kỳ thi, các chuẩn mực được đặt ra, các câu hỏi được hỏi, và câu trả lời được đánh giá bởi những chuyên gia để quyết định xem ứng viên đậu hay rớt. Cũng vậy, Chúa dùng thử thách để chứng tỏ lòng trung tín và yêu mến Chúa của ta trước Satan và các thiên sứ (như trong Gióp 1), cho mọi người thấy ta xứng đáng với phần thưởng được nhận.
A-đam và Ê-va được Chúa ban cho vườn Ê-đen, giao nhiệm vụ quản trị đất cùng muôn loài. Nếu họ vượt qua thử thách không ăn trái cấm trước sự cán dỗ của Satan, họ sẽ chứng tỏ lòng yêu mến Chúa và sự trung tín của mình, xứng đáng với những gì được ban. Tiếc thay, họ đã sa ngã vì dục vọng của mình.
Ngược lại với A-đam, Chúa Giê-xu đã chịu đựng mọi thử thách, từ 3 cám dỗ của Satan nơi mạc sau khi đã kiêng ăn 40 ngày đêm (Lu-ca 4:1-13), tới vâng phục chịu cái chết đau đớn trên thập tự giá để đổ máu cứu chuộc muôn người. Vậy nên Chúa Giê-xu đã chứng tỏ mình xứng đáng với uy quyền, vinh quang, và sự ca ngợi của tất cả thiên sứ và con người:
“Tôi khóc nức nở, vì không ai xứng đáng mở hoặc nhìn vào quyển sách… Đừng khóc, kìa, Sư tử của bộ tộc Giu-đa, hậu tự của Đa-vít, đã đắc thắng nên có thể mở quyển sách và mở bảy ấn ra…Ngài xứng đáng lấy quyển sách và mở các ấn ra, vì Ngài đã bị giết, Lấy huyết mình chuộc cho Đức Chúa Trời Những người thuộc mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, mọi nước… Chiên Con đã bị giết Xứng đáng được uy quyền, giàu có, khôn ngoan, uy lực, tôn trọng, vinh quang và ca ngợi!” (Khải Huyền 5:2-12)

Chúa Giê-xu đã vượt qua mọi thử thách và xứng đáng với mọi vinh hiển ca ngợi
Làm sao ta để chứng tỏ mình xứng đáng những phần thưởng trên đất hay trên thiên đàng mà Chúa sẽ ban cho những người yêu mến Ngài? Bằng cách chịu đựng và vượt qua những thử thách để bày tỏ sự trung tín và lòng yêu mến Chúa của mình.
2. Để chứng tỏ và bảy tỏ cho ta thấy điểm yếu của mình
“Hãy nhớ lại suốt chặng đường trong hoang mạc mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dẫn anh em đi trong bốn mươi năm nay, Ngài hạ anh em xuống và thử thách anh em để biết rõ lòng anh em thế nào, có tuân giữ điều răn của Ngài hay không.” (Phục Truyền 8:2)
Nếu không trải qua thử thách và bị cám dỗ thì ta đâu biết mình mạnh hay yếu, còn những khuyết điểm gì. Vậy nên Chúa thử thách là để ta biết rõ lòng mình thật ra đang trung tín yêu mến Ngài cỡ nào. Đức Chúa Trời nói Ngài không bao giờ cám dỗ ta phạm tội (Gia-cơ 1:13). Những thử thách chúng ta đối mặt không phải để dẫn chúng ta vào tội lỗi; thực ra, chúng bày tỏ những dục vọng tội lỗi đã ẩn nấp trong tâm ta, sẵn sàng thể hiện mình trong bất kỳ cơ hội nào. Việc sa ngã giúp ta biết các dục vọng vẫn đang lớn hơn lòng trung tín yêu mến Chúa của mình.
Nếu Chúa không đặt cho A-đam và Ê-va thử thách cấm ăn trái cây điều thiện và điều ác, và để Satan vào khêu gợi, thì họ đâu bao giờ biết được mình trung tín yêu mến Chúa cỡ nào. Bị cám dỗ và sa ngã khiến họ nhận thấy thực ra mình sẵn sàng phá lệnh Chúa vì nghe lời vợ, vì trái nhìn thì đẹp ăn thì ngon lại cho khôn ngoan, hay vì muốn trở nên như Chúa.
3. Để dạy dỗ, rèn luyện ta trưởng thành
“Thưa anh em của tôi, hãy xem sự thử thách trăm chiều xảy đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra kiên nhẫn. Nhưng sự kiên nhẫn phải phát huy hết hiệu lực của nó, để chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì.” (Gia-cơ 1:2-4)

A-đam và Ê-va sẽ trưởng thành hơn nhiều sau thất bại ở vườn Ê-đen
Khi thất bại trước thử thách, sa ngã vì cám dỗ, Chúa không khiến A-đam chết ngay, mà còn cho ông sống tới 930 tuổi (Sáng Thế Ký 5:5) Tuy nhiên, A-đam và Ê-va phải sống với hậu quả của việc vi phạm mạng lệnh Chúa, xuôi theo ham muốn của mình. Họ và con cháu mình sẽ được biết điều thiện điều ác, nghĩa là phải sống trong một thế giới có sự gian ác, và sẽ phải chết như lời Chúa răn (Sáng Thế Ký 2:17). Họ cũng mất đi sự tương giao với Chúa vì tội lỗi ngăn cách họ với Ngài (Ê-sai 59:2), và mất đi ơn phước dư dật ở vườn Ê-đen (Sáng Thế Ký 3:16-19). Trải nghiệm những điều này sẽ dạy dỗ cho A-đam và Ê-va biết hậu quả tự nhiên của việc không nghe lời Chúa mà nghe lời Satan, xuôi theo dục vọng của mình.
Hơn nữa, Chúa là đấng nhân từ thương xót. Khi A-đam và Ê-va sa ngã, Ngài liền giết một con thú lấy da kết làm áo che phủ sự lõa lồ cho họ (Sáng Thế Ký 3:21), và ban cho họ lời hứa về Đấng Christ, dòng dõi người nữ, người sẽ giày đạp đầu Satan (Sáng Thế Ký 3:15). A-đam và Ê-va không chỉ hiểu được tại sao phải nghe theo lời Chúa, mà còn được trải nghiệm sự nhân từ thương xót cứu rỗi của Ngài.
Vậy nên qua thất bại ở vườn Ê-đen và đời sống cực khổ sau đó, A-đam và Ê-va đã khôn ngoan trưởng thành hơn, không còn ngây thơ trần truồng như trước, biết yêu quí điều thiện, căm ghét điều ác, kính sợ Chúa, trải nghiệm sự nhân từ thương xót của Ngài.
Cũng vậy, khi sa ngã trước cám dỗ, ta mất phần thưởng nếu chiến thắng, và phải chịu những hậu quả do làm trái Lời Chúa, nghe theo lời Satan, xuôi theo dục vọng của mình. Nhưng nó không có nghĩa là chấm hết. Trải nghiệm đau đớn đó sẽ dạy dỗ ta. Nó giúp ta hiểu không làm theo Lời Chúa thì hậu quả là gì. Nó khiến ta đau đớn, nhưng không làm ta chết, bởi vì Chúa Giê-xu đã chịu chết thay cho ta (1 Phi-e-rơ 3:18, 1 Cô-rinh-tô 15:3). Do đó, khi sa ngã phạm tội, ta đừng xấu hổ trốn tránh Chúa như A-đam và Ê-va, mà hãy đến ăn năn xưng tội với Ngài, xin Chúa tha thứ và giúp ta chiến thắng dục vọng tội lỗi mình. Điều này cũng sẽ dạy cho ta điều quý báu nhất: nếp sống trong tình yêu thương và ân điển của Chúa. Những trải nghiệm đó sẽ giúp ta khôn ngoan trưởng thành hơn, biết kính sợ Chúa và yêu mến Ngài hơn.
III. Sao để chiến thắng thử thách, không sa vào cám dỗ?

Cầu nguyện và học lời Chúa là cách tốt nhất để sẵn sàng cho thử thách
Thử thách và cám dỗ có cùng từ gốc trong Kinh Thánh: peirasmos = chứng tỏ (peirazo) + phân biệt (mos). Peirasmos là những sự kiện để chứng tỏ và phân biệt cho thấy rõ một người như thế nào, đức tin mạnh hay yếu, trung tín hay không. Thử thách giúp chứng nhận sự trung tín và lòng yêu mến Chúa của ta trước Satan và các thiên sử, để cho thấy ta xứng đáng với những ban thưởng của mình. Chúng cũng giúp bày những điểm yếu của ta, rồi dạy dỗ ta. Những trải nghiệm đau đớn khi vi phạm lời Ngài sẽ giúp ta hiểu tại sao phải làm theo lời Chúa, không theo lời Satan hay xuôi theo dục vọng mình, giúp ta khôn ngoan và trưởng thành hơn, biết kính sợ Chúa và yêu mến Ngài hơn.
“Phước cho người chịu đựng sự thử thách; vì khi đã chịu nổi sự thử nghiệm, họ sẽ nhận mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho những người yêu mến Ngài.” (Gia-cơ 1:12)
Thử thách là bài thi chịu đựng, để chịu nổi mà vượt qua ta phải rèn luyện và sẵn sàng. Vậy hãy rèn luyện lòng yêu mến Chúa, đức tin, sự trung tín vâng lời. Hãy chăm chỉ học Lời Chúa để biết điều đúng mà giữ theo. Hãy biết về những tấm gương sống thuận hay sống nghịch Lời Chúa và suy ngẫm kết quả họ gặt. Và hãy đề phòng dục vọng của mình, đừng để nó lôi cuốn quyến dụ ta đi nghịch lời Chúa.
“Hãy tiết độ và tỉnh thức; kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, đang rình rập chung quanh anh em, tìm người để cắn nuốt.” (1 Phi-e-rơ 5:8)
Cám dỗ đến bất ngờ, nên ta phải luôn tiết độ và tỉnh thức. Cám dỗ đến là khi Satan thì thầm vào tâm trí ta những lời nghi hoặc và trái nghịch Lời Chúa như: “Có thật Đức Chúa Trời đã dặn các người không được ăn trái các cây trong vườn sao?… Các người chắc chắn không chết đâu! Vì Đức Chúa Trời biết rằng khi nào các người ăn trái cây đó thì mắt mở ra, và các người sẽ giống Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” (Sáng Thế Ký 3:4-5). Satan sẽ hứa hẹn với ta những điều hấp dẫn, khiến dục vọng ta trỗi lên. Chúng là những lời dối trá, vì Satan là cha của sự nói dối (Giăng 8:44). Đừng nghe lời hắn và xuôi theo dục vọng của mình rồi sa ngã, làm ta mất đi phần thưởng vượt qua thử thách mà Chúa sẽ ban, và chịu nhiều xấu hổ mất mát.
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để các con khỏi sa vào chước cám dỗ. Tâm linh thì tha thiết, mà xác thịt lại yếu đuối.” (Ma-thi-ơ 26:41)
Ta không thể chiến thắng Satan và xác thịt mình chỉ bằng ý chí cá nhân. Vì cả khi tâm linh ta tha thiết, xác thịt ta vẫn yếu đuối. Đến Phi-e-rơ là môn đồ thân tín của Chúa, sẵn sàng đồng tù đồng chết với Ngài, mà vẫn chối Chúa ba lần. Hãy luôn cầu nguyện xin Chúa gìn giữ thêm sức để đứng vững trước cám dỗ, nhất là khi dục vọng mình trỗi lên và Satan thì thầm vào tâm trí.
Và nếu ta có lỡ sa ngã phạm tội, đừng xấu hổ trốn tránh Chúa như A-đam và Ê-va, nhưng hãy ăn năn xưng tội với Chúa, cầu xin Ngài tha thứ, và giúp ta chiến thắng tội lỗi dục vọng này của mình. Như vậy ta dần khắc phục các điểm yếu tội lỗi của mình, trải nghiệm quyền năng và sự thương xót của Chúa, trở nên mạnh mẽ trung tín yêu mến Chúa hơn, và chiến thắng nhiều thử thách hơn để xứng đáng với những phần thưởng đời đời Ngài ban cho.
Richard Huynh
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Bài Đọc Thêm:
1. Peirasmos: Is It from God or from Sa-tan?
https://ezraproject.com/peirasmos-is-it-from-god-or-from-Sa-tan
2. What Does the Bible Say about Shame?
https://www.christianity.com/wiki/bible/what-bible-say-shame.html
3. Πειρασμός (peirasmos) etymology
https://en.wiktionary.org/wiki/%CF%80%CE%B5%CE%B9%CF%81%CE%B1%CF%83%CE%BC%CF%8C%CF%82