Yêu thương là một động từ
Đức Chúa Trời định nghĩa thế nào về tình yêu thương? Tình yêu đích thực, theo ý Chúa là gì? Trước hết, yêu thương là một động từ. “Yêu” không phải là một tá hoa hồng hay một tấm thiệp vào ngày Lễ Tình Nhân hoặc dòng tin nhắn “Anh yêu em/Em yêu anh”, mà đúng hơn, đó là những gì bạn làm cho người khác. Hành động nói to hơn lời nói, yêu thương là một động từ được thể hiện trước người khác trong cách chúng ta đối xử với họ, nói chuyện với họ và làm điều gì đó cho họ. Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu cao nhất – tình yêu Agape – khi Ngài chết trên thập tự giá vì chúng ta là những tội nhân không xứng đáng, những kẻ thù nghịch với Đức Chúa Trời.
“Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:7-8)
Yêu thương bằng hành động
Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu này cho chúng ta bằng cách không giáng cơn thịnh nộ để thi hành sự công chính của Ngài (là điều chúng ta xứng đáng nhận lãnh) mà thay vào đó, ban cho chúng ta lòng thương xót và ân điển (điều chúng ta không xứng có được).
Bạn có thể nói với ai đó rằng bạn yêu họ, nhưng bằng chứng của tình yêu đó được thể hiện qua cách bạn sẵn sàng phục vụ người đó.
“Vì Con Người (Chúa Giê-xu) đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:45)
Tôi có thể nói với vợ tôi rằng tôi yêu cô ấy, nhưng nếu tôi không bao giờ nhấc ngón tay lên giúp cô ấy việc nhà và chăm sóc con cái, thì tôi có thực sự yêu cô ấy không? Tôi có đang thể hiện tình yêu của mình dành cho cô ấy không? Không hẳn. Câu nói, “Anh yêu em” của tôi, là sự đạo đức giả nếu không có hành động. Bạn không thể yêu mà không hành động, đó là lý do tại sao, yêu thương là một động từ; là điều bạn làm cho người bạn yêu!
Sửa phạt là yêu thương
Chúng ta biết rằng “Chúa sửa phạt người Ngài yêu thương, những ai được nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt” (Hê-bơ-rơ 12:6), vì vậy hãy vui mừng nếu Ngài sửa phạt bạn. Điều đó có nghĩa là Ngài yêu bạn vì nếu “Anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đối đãi anh em như con; vì có người con nào mà cha không sửa phạt?” (Hê-bơ-rơ 12:7)
Đó cũng là điều mà cha mẹ loài người làm; họ sửa phạt con cái vì họ yêu thương và muốn điều tốt nhất cho các con. Cha mẹ nào có thể nói rằng họ yêu con mình nhưng lại không bao giờ sửa phạt chúng? Tình yêu được chứng minh bằng sự chăm sóc và quan tâm. Chúng ta sửa phạt con cái vì lợi ích của chúng, giống như Chúa đã làm với chúng ta. Chúng ta can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của các con khi chúng có nguy cơ làm tổn thương chính mình, chẳng hạn như với tay vào bếp nóng hoặc chơi với dao. Và chúng ta cũng cần sự sửa phạt này từ Chúa, để chúng ta không làm tổn thương chính mình.
Tình yêu của con người
Phileo là một loại tình yêu khác. Từ tiếng Hy Lạp này biểu thị một loại tình cảm tự nhiên dành cho ai đó, đôi khi tình cảm nhiều hơn lý trí. Tình yêu mà chúng ta dành cho gia đình hoặc anh em của mình có thể là tình yêu Phileo, nhưng tình yêu này cũng có thể dành cho bạn thân hoặc người phối ngẫu. Thành phố Phi-la-đen-phi-a được gọi là thành phố của tình anh em, và tình yêu Phileo cũng vậy. Tình yêu của tôi dành cho anh chị em ruột hoặc người cùng huyết thống của mình. Từ này xuất hiện một vài lần trong Tân Ước.
Sau đó là tình yêu Eros, ám chỉ tình yêu nhục dục hoặc cảm xúc lãng mạn và có lẽ bắt nguồn từ tên của vị thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp. Từ này không được sử dụng trong Tân Ước.
Tiến sĩ Norman L. Geisler đã phân tích các kiểu tình yêu khác nhau trong cuốn sách Christian Ethics (NXB Baker Book House, 1989). Trước hết, ông tuyên bố tình yêu Eros là kiểu hướng nội và ích kỷ (tập trung vào bản thân, cảm xúc của riêng mình và những gì tốt nhất chỉ dành cho bản thân). Tình yêu Eros nói rằng, “Tôi trước” vì tôi là sự cân nhắc đầu tiên và cuối cùng của tôi.
Sau đó là tình yêu Phileo, có tính cộng sinh, cho đi nhiều hơn. Đó là một tình yêu hơi giống hệ thống trao đổi hàng hóa: “Tôi sẽ cho đi miễn là tôi nhận lại gì đó.” Phileo là loại tình yêu biểu thị tình cảm hoặc mối liên kết tự nhiên giữa các thành viên trong một cộng đồng.
Tình yêu của Đức Chúa Trời
Ngược lại, tình yêu Agape là tình yêu “mặc dầu” (vị tha, quên mình); Tình yêu ấy nói rằng, “Tôi sẽ cho đi, không đòi hỏi gì đáp lại. Tôi sẽ cho đi mặc dù ai đó không xứng đáng.” Điều này đòi hỏi Chúa phải thực hiện bước đầu tiên. Sứ đồ Giăng giải thích lý do duy nhất khiến chúng ta yêu Chúa “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (1 Giăng 4:19). Ngài là Đấng thực hiện bước đầu tiên – “yêu chúng ta trước”. Những người đã chết không thể chọn Đấng Christ và đó chính xác là tình trạng của chúng ta trước đây; đã chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình.
“Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì yêu chúng ta bằng tình yêu cao cả, nên ngay khi chúng ta đã chết vì những vi phạm thì Ngài khiến chúng ta cùng sống với Đấng Christ — ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu.” (Ê-phê-sô 2:4-5)
Tình yêu Agape là tình yêu hy sinh bản thân vì người khác mà Chúa Giê-xu Christ đã thể hiện trên thập tự giá. Đây là loại tình yêu mà chỉ có Chúa mới có thể bày tỏ một cách trọn vẹn.
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)
Sứ đồ Phao-lô nói, “Đấng Christ Giê-xu đã đến trong thế gian để cứu vớt tội nhân; trong những tội nhân đó, tôi là người đứng đầu” (1 Ti-mô-thê 1:15), tôi cầu nguyện để chúng ta cũng giống như Sứ-đồ Phao-lô, hiểu rằng “sở dĩ [chúng ta] nhận được ơn thương xót là để Đấng Christ Giê-xu tỏ bày sự nhẫn nhục trọn vẹn của Ngài đối với [chúng ta], là tội nhân hàng đầu, dùng [chúng ta] làm gương cho những ai sẽ tin Ngài để được sự sống đời đời” (1 Ti-mô-thê 1:16).
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: whatchristianswanttoknow.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com