Châm ngôn 29: 18 có chép như này:
”18 Đâu thiếu sự mặc thị, dân sự bèn phóng tứ;
Nhưng ai giữ gìn luật pháp lấy làm có phước thay!”
Nhiều người mất đi hy vọng và ý nghĩa trong cuộc sống khi cuộc sống của họ không có định hướng rõ ràng. Việc thiếu đi khải tượng vững chắc cho cuộc sống thường là nguyên nhân khiến chúng ta mất đi can đảm. Mặt khác, nếu chúng ta thực sự tin vào định mệnh của mình, nó cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm để chiến đấu cho ước mơ của mình.
Gandhi đã nói rất hùng hồn:
“Niềm tin của chúng ta trở thành suy nghĩ của chúng ta. Suy nghĩ của chúng ta trở thành lời nói của chúng ta. Lời nói của chúng ta trở thành hành động của chúng ta. Hành động của chúng ta trở thành thói quen của chúng ta. Thói quen của chúng ta trở thành giá trị của chúng ta. Giá trị của chúng ta trở thành định mệnh của chúng ta”.
Thiết kế cho Định mệnh
Lời Chúa cho chúng ta không nghi ngờ rằng mỗi người trong chúng ta được tạo ra cho một sứ mệnh và mục đích đặc biệt trên đất này.
Ê-phê-sô 2: 10 đã chép:
“vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”
Trong khi không có ai được cứu bởi những đức tính của việc lành, thì những Cơ đốc nhân đã được sanh lại trong Chúa được kỳ vọng sẽ thực hiện những việc lành này. Trong khi cố gắng xác định sự kêu gọi và định mệnh cá nhân của chúng ta, chúng ta không thể bỏ qua việc tự hỏi mình “sứ đồ Phô-lô nói về những việc lành nào”? mà Chúa đề cập đến và đã chuẩn bị trước cho mỗi người chúng ta – ngay cả trước khi chúng ta ra sinh ra trên đất này.
Sa-mu-ên, Giê-rê-mi, Sam-sôn, Gia-cốp, Giăng Báp-tít, Phao-lô và chính Chúa Jê-sus đều được tiên tri trước khi bước vào thế giới. Do đó, chúng ta thấy rằng trước khi được sinh lại trong Chúa và ngay cả trước khi chúng ta được sinh ra, Đức Chúa Trời đã vạch ra một kế hoạch thuộc linh để chúng ta thực hiện mục đích cao nhất của Ngài. Nói cách khác, Chúa có một bản thiết kế đặc biệt cho mọi cuộc sống. Ngài là nhà thiết kế vĩ đại và tất cả chúng ta đều được Ngài thiết kế cho một định mệnh!
Có bao nhiêu người trong chúng ta có lẽ đã sống cuộc sống của chúng ta một cách bất cẩn cho đến nay, nhìn vào mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời về cơ bản là một hộ chiếu cho các phước lành trần thế? Chúng ta cần một sự mặc khải cá nhân về tiếng gọi của Chúa trong cuộc sống của chúng ta lắm, vì chỉ khi nhận được một điều mặc khải như vậy, Phao-lô và nhiều người nam và nữ vĩ đại khác của Chúa đã được mạnh sức để hy sinh sự thoải mái và thỏa mãn của thế gian cho phần thưởng trên trời. Giữ vững vận mệnh của chúng ta là một trong những chìa khóa chính để mạnh sức trong Chúa. Chính điều này nên khuyến khích chúng ta tiếp tục chạy đua cho dù cuộc hành trình có khó khăn đến đâu.
Một điều trong tâm trí Phao-lô
Phao-lô hiểu rằng Chúa nắm giữ cuộc sống mình với một mục tiêu. Và điều này đúng với tất cả chúng ta. Do đó, một điều trong tâm trí Phao-lô là hoàn thành tốt cuộc đua. Bất chấp tất cả những khó khăn, Phao-lô đã khích lệ bản thân và tập trung vào việc hoàn thành tốt cuộc đua và ông đã hoàn thành xuất sắc định mệnh của mình.
Phi-líp 3: 13-14 có chép:
“13 Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, 14 nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.”
Chúng ta thấy trong những lá thư gửi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, ông đã chịu đựng bao nhiêu cho Chúa và giữ cho mình mạnh mẽ và quyết tâm hoàn thành cuộc đua. Nó giống như các vận động viên tập luyện không mệt mỏi cho một huy chương vàng tại Thế vận hội. Khi họ cảm thấy mệt mỏi và nản lòng, họ tưởng tượng mình sẽ như thế nào khi đứng trên bục nhận giải và nghe quốc ca của đất nước mình. Đó là hình ảnh tinh thần thúc đẩy họ vươn lên.
2 Cô-rinh-tô 11: 23-27 đã chép:
“23 Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, — tôi nói như kẻ dại dột, — tôi lại là kẻ hầu việc hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; 24 năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; 25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. 26 Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối;27 chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.”
Vậy, giải thưởng nào nên thúc đẩy chúng ta? Hình ảnh nào chúng ta nên giữ trong tâm trí của chúng ta? Có lẽ tôi có thể vẽ một số hình ảnh,
• Hình ảnh của chúng ta đứng trước Cha để nghe Ngài nói: “Con đã làm tốt lắm”!
• Nhìn lại cuộc đời của chúng ta mà không có cảm giác hối tiếc hay xấu hổ.
• Được sống xung quanh những người có cuộc sống được cứu chuộc và phục hồi phần nào vì sự trung tín của chúng ta
• Niềm vui của khoảnh khắc đầu tiên khi chúng ta nhìn thấy Chúa Jêsus.
2 Ti-mô-thê 4: 6-8 đã chép:
“6 Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. 7 Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. 8 Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.”
Cuộc đời của Phao-lô đã gần kết thúc. Tuy nhiên, đây không phải là lời của một ông già nản lòng, tan vỡ. Không có tuyệt vọng, không có thất bại và không sợ hãi. Phao-lô rõ ràng đang nghỉ ngơi, tự tin trong cách ông đã dành cả cuộc đời mình, và bình tĩnh khi Phao-lô đối mặt với cái chết. Vào cuối đời, tất cả chúng ta có thể cùng vui mừng với Phao-lô. Để làm được điều đó, chúng ta phải tiếp tục mạnh sức chính mình trong Chúa, hoàn thành tốt cuộc đua và hoàn thành số phận của mình.
Dịch: Hoàng Gia
Nguồn: Arian Chua
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com