Home Chuyên Đề Năm Mới Hãy Tìm Kiếm Đời Sống Sung Mãn Trong Chúa Giê-xu

Năm Mới Hãy Tìm Kiếm Đời Sống Sung Mãn Trong Chúa Giê-xu

by Richard Huỳnh
30 đọc

Năm cũ lại qua, năm mới lại đến, và ta lại suy ngẫm xem mình muốn đạt được điều gì năm nay. Trong thời buổi mà con người hay than vãn “chẳng có đời sống” (no life) này, ta hãy quan tâm một mục tiêu hấp dẫn: “đời sống sung mãn” – theo lời Chúa Giê-xu nói: “ta đã đến để chiên được sự sống và được sự sống sung mãn” (Giăng 10:10b). Nhiều người nghĩ tin Chúa Giê-xu chỉ như lấy thẻ bảo hiểm để chết không bị trừng phạt ở hỏa ngục, nhưng Chúa đến để cho ta sự sống sung mãn. Vậy nó là gì, và sao để ta có được?

I. Đời Sống Sung Mãn Là Gì?

Mô hình bánh xe cuộc đời của tâm lý học để diễn tả các khía cạnh đa dạng của đời sống

Sung mãn dịch từ περισσὸν (perisson) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là vượt quá sự mong đợi, thêm lên, hơn mức cần thiết [1]. Khi nghĩ đến sự sống sung mãn, người ta hay nghĩ đến của cải dư dật, quyền cao chức trọng, ăn chơi sung sướng. Nhưng Thích Ca Mâu Ni là một hoàng tử sinh ra trong hoàng tộc giàu sang, cung điện lộng lẫy, ngày ngày ăn uống tiệc tùng, cung nữ hầu hạ… nhưng ông sớm nhận ra sống vậy là vô nghĩa, chán ngán. Sô-lô-môn là hoàng đế giàu có, danh vọng, có nhiều phi tần mỹ nữ, nhưng ông cũng nhận thấy đời sống vậy là hư không (Truyền Đạo 1-2). Mà họ là vua, còn ta càng muốn hưởng nhiều thì phải càng phải làm lụng cực khổ để trả tiền. Vậy nên sự sống sung mãn không cốt tại của cải địa vị, thậm chí có khi còn bị chúng cản trở.

“Ngài phán với họ: “Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật.” (Lu-ca 12:15)

“Của cải càng thêm nhiều, người ăn xài cũng gia tăng. Người có của cải được ích lợi gì, ngoài việc ngắm nhìn nó? Người làm việc khó nhọc, vẫn ngủ ngon giấc, dù ăn nhiều hay ít. Nhưng lắm tiền nhiều của khiến người giàu không yên giấc được.” (Truyền Đạo 5:11-12)

Vậy làm sao ta có thể có sự sống sung mãn? Và Chúa Giê xu có thể cho ta như thế nào?

Đầu tiên, ta phải hiểu “sống” nghĩa là gì. Thật thiếu sót nếu ta chỉ nghĩ “sống” là còn hít thở, đó chỉ là “tồn tại”. Tâm lý học dùng mô hình “the wheel of life” tức “bánh xe cuộc đời”, dịch hay hơn là “bánh xe đời sống”, gồm 8 thành phần để miêu tả một đời sống trọn vẹn. Nếu ta sống chỉ chú trọng vào tài chính, sự nghiệp, hay giải trí thì bánh xe ta sẽ góc cạnh, trồi sụt khó chịu. Để sống êm đềm, ta cần một bánh xe căng tròn với mọi thứ đều đặn. Đó chính là hình ảnh của “đời sống sung mãn”, mọi thứ đều đầy tràn hài lòng.

II. Vai Trò Quan Trọng Của “Tâm Linh” Trong Bánh Xe Đời Sống

Tên các thành phần trong bánh xe đời sống như (1) sức khỏe, (2) phát triển bản thân, (3) quan hệ, (4) tài chính, (5) sự nghiệp, (6) giải trí, (7) chia sẻ đều dễ hiểu. Cái khó là sao để vừa thêm lên vừa giữ cân bằng chúng. Tuy nhiên, khi nói đến (8) tâm linh, ngày nay người ta hay nghĩ đến việc cúng bái. Đó là sai hoàn toàn với ý nghĩa của từ, khiến ta không thấy vai trò quan trọng của “tâm linh” trong bánh xe đời sống.

Theo cổ sách Thuyết Văn Giải Tự (Shuowen Jiezi), tượng hình tiếng Hoa của “tâm” (心) là hình trái tim, còn “linh” (靈) gồm hình 2 người (巫) với kết nối trời đất (工, giống cái ăng-ten), 3 cái miệng (口) tượng trưng cho cầu nguyện ca hát, và trời mưa (雨) tượng trưng cho phước lành. Gộp lại thì tâm linh (心靈) miêu tả hình ảnh trong tim có kết nối tương giao cầu nguyện với Trời [3] và sống trong phước lành Trời ban. Rõ ràng đây là nền tảng của một đời sống sung mãn.

Còn trong bản gốc tiếng Anh của “the wheel of life”, “tâm linh” là “spirit”, có gốc từ tiếng Latin “spīritus”, gốc từ trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp “pneuma” và tiếng Do Thái “ruach”. Chúng đều vừa có nghĩa là “tâm linh” (Sáng Thế Ký 41:8, Giăng 3:6), vừa là “thần linh” (Sáng Thế Ký 1:2Giăng 4:24), “gió” (Sáng Thế Ký 8:1Giăng 3:8), hay “hơi thở” (Sáng Thế Ký 6:17Khải Huyền 11:11). Cùng một từ, hiểu thế nào tùy ngữ cảnh. Đó là vì Kinh Thánh dùng hình tượng thuộc thể để minh họa khái niệm thuộc linh, như “gió” chỉ sự hiện diện vô hình nhưng có tác động mạnh mẽ của “thần linh” với thế giới bên ngoài, và “hơi thở” với “tâm linh” bên trong ta. “Spirit” dịch là “thần linh” khi là “linh” tự do bên ngoài thế giới, dịch là “tâm linh” khi là “linh” ở trong “tâm” của thân thể. Có thể xem “tâm” ta như cái nhà mà “thần linh” ta ở. Đức Chúa Trời ban cho ta thần linh (spirit) – “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh” (Sáng Thế Ký 2:7), và khi ta chết, “tro bụi trở về đất như lúc đầu, còn thần linh (spirit) trở về với Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó” (Truyền Đạo 12:7).

Như sự sống và sức lực ta phụ thuộc vào “hơi thở” (spirit), spirit còn có nghĩa là sinh khí hay sinh lực. Không chỉ thế, như gió (spirit) đẩy thuyền, spirit là nguồn thúc đẩy và sức lực hành động của ta, nên nó có thể được dịch sang tiếng Việt là “tinh thần” (Sáng Thế Ký 41:8), hay “tâm trí” (2 Sử Ký 36:22). Cạn kiệt “tâm linh” (spirit) nghĩa là không có tâm trí hay hết tinh thần, chẳng có sự thôi thúc hay sức lực để làm.

Ngoài ra, như gió (spirit) tương tác với gió, “tâm linh” (spirit) ta có thể bị “tâm linh” người lân cận và các “thần linh” (spirit) xung quanh tác động, như “Đức Giê-hô-va tác động tâm trí Si-ru” (2 Sử Ký 36:22) khiến vua Si-ru tấn công Ba-by-lon giải phóng dân Ngài. Con người có thể được Thánh Linh Chúa ở cùng để thêm sức, nhưng cũng có thể bị “ác thần” /“tà linh” (evil spirit) quấy rối, như trong 1 Sa-mu-ên 16:14: “Thần (spirit) của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ, Đức Giê-hô-va sai một ác thần (evil spirit) quấy rối ông.”

Vì “tâm” là cái nhà mà “thần linh” ta ở, nó có thể bị các “thần linh” khác nhập vào. Nếu “thần linh” đó là xấu như “ác thần” (evil spirit) hay “uế linh” (unclean spirit) thì người đó sẽ bị dẫn dụ làm điều xấu (Lu-ca 22:3) hay bị hành hạ khổ sở, nhất là khi bị nhiều thần linh nhập cùng lúc (Lu-ca 11:24-26). Còn nếu ‘tâm” ta đón nhận Đức Thánh Linh (Holy Spirit) thì thân thể ta trở thành đền thờ của Chúa (1 Cô-rinh-tô 6:19), và ta sẽ được Thánh Linh tác động, thúc đẩy, dẫn dắt và được Chúa bảo vệ, thêm sức, gìn giữ.

“Khi uế linh ra khỏi một người, nó đi qua các nơi khô cằn để tìm chỗ nghỉ, nhưng không tìm được, nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta vừa ra khỏi.’ Khi về đến, thấy nhà được quét dọn và sắp đặt ngăn nắp thì nó đi rủ bảy quỷ khác dữ hơn cùng vào ở trong đó. Như vậy, tình trạng sau của người ấy còn tệ hại hơn trước.” (Lu-ca 11:24-26)

“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta.” (Khải Huyền 3:20)

Vậy ta thấy “tâm linh” rất quan trọng. Nhờ đâu bánh xe căng tròn? Nhờ hơi khí trong đó. Nhờ đâu bánh xe đời sống của ta được sung mãn? Nhờ sinh khí, sinh lực, cùng sự tương giao kết nối với ông Trời [3] và phước hạnh Ngài ban, cùng sự dẫn dắt giúp đỡ của Thánh Linh Ngài khi ở cùng tâm linh ta.

III. Chúa Giê-xu Ban Cho Ta Sự Sống Sung Mãn Vượt Quá Mong Đợi Như Thế Nào?

a. Chúa phục hồi kết nối tâm linh giữa ta với Trời

Hình minh họa A-đam và Ê-va sống trong tương giao với Chúa ở vườn Ê-đen

Tượng hình từ “linh” (靈) gồm hình 2 người (巫) với kết nối trời đất (工), 3 cái miệng (口) – tượng trưng cho cầu nguyện ca hát, và trời mưa (雨) – tượng trưng cho phước lành. Theo lời kinh tụng trong lễ Tế Giao (tức tế Trời) từ thời vua Thuấn 4000 năm trước, ông Trời là Đấng đã tạo ra trời đất, loài người, vạn vật, mặt trời, mặt trăng, và các vì sao [3]. Miêu tả này giống hệt Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh sách Sáng Thế Ký 1, cho thấy ông Trời, Thượng Đế, và Đức Chúa Trời là một. Nhưng Kinh Thánh bày tỏ cho ta rõ ràng và chi tiết hơn về ông Trời. Đúng là thưở ban đầu, ở vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va (2 người 巫) có sự kết nối với ông Trời (工), tương giao trò chuyện với Ngài (3 cái miệng 口), và hưởng phước lành từ Ngài (雨). Nhưng sau đó con người đã phạm tội trở nên gian ác (Sáng Thế Ký 3-4), và “chính vì sự gian ác của các ngươi đã phân cách các ngươi với Đức Chúa Trời mình, và tội lỗi các ngươi đã che khuất Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:2). Vậy nên hình ảnh chữ “linh” (靈) bị đổ vỡ, con người mất kết nối với ông Trời, không còn được Trời nghe và ban phước.

Nhưng “vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16), ông Trời đã cho Con Một mình là Chúa Giê-xu giáng sinh xuống trần, sống đời sống thánh khiết, rồi chịu chết trên để lấy mạng mình chịu tội chết thay cho những ai tin nhận Ngài, để họ được xóa bỏ tội lỗi, được xem là người trong sạch vô tội và có thể sống đời đời với Ngài. Vậy nên “ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy” (Giăng 3:36). Ai tin Chúa còn được nhận là con nuôi của Ngài (Ê-phê-sô 1:5), được Ngài hứa nghe lời cầu nguyện và đáp ứng như cầu trong danh Chúa Giê-xu (Giăng 14:13, Ê-phê-sô 1:3). Như vậy Chúa Giê-xu đã sửa chữa hình ảnh chữ “linh” (靈) đã mất vì tội lỗi gian ác, khôi phục kết nối từng có của con người với Trời.

“Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài” (Ê-phê-sô 1:5)
“Các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho, để Cha được tôn vinh nơi Con.” (Giăng 14:13)

Vậy làm sao ta nhờ Chúa Giê-xu chữa lành tâm linh mình? Rất dễ, chỉ cần cầu nguyện tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu Christ và đón nhận Thánh Linh của Ngài vào “tâm” ở với “thần linh” ta: “Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta.” (Khải Huyền 3:20)

Hình ảnh Chúa Giê-xu gõ cửa tâm của mỗi người

Nhận Thánh Linh vào, tâm linh ta sẽ được sinh khí và sinh lực mới từ Chúa. Khi vào ở cùng, Thánh Linh Ngài sẽ cho ta sự dẫn dắt, tư vấn, dạy dỗ, an ủi, nhắc nhở. Sống theo Ngài thì ta sẽ có khôn ngoan, mưu lược, và quyền năng của Ngài để sống sung mãn.

“Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai đến, Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều, và nhắc các con nhớ tất cả những gì Ta đã phán với các con.” (Giăng 14:26)
“Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, Là thần khôn ngoan và thông sáng, Thần mưu lược và quyền năng, Thần tri thức và kính sợ Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:2)

B. Chúa dạy ta đường lối đem lại đời sống sung mãn khi làm theo

Kinh Thánh được gọi là Lời Chúa vì nó là lời Chúa phán qua môi miệng các ngôn sứ của Ngài – các nhà tiên tri, Chúa Giê-xu, và các sứ đồ (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Nó là “lời sống động và linh nghiệm… phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12) vì khi ta đọc Kinh Thánh, Đức Thánh Linh sẽ làm việc trong ta để ta hiểu Lời Chúa như đang nói với mình, đoán xét ý mình. Học và làm theo lời Chúa cùng cầu nguyện xin Chúa thêm sức dẫn dắt giúp đỡ sẽ giúp ta bơm tròn “bánh xe đời sống” của mình.

Đánh giá điểm số các thành phần của bánh xe cuộc sống

1. Sức khỏe: Chúa đặt ra ngày nghỉ, dạy ta tiết chế để đỡ phải cực khổ vì ham muốn, và tin cậy sự chu cấp tể trị của Chúa mà bình an nghỉ ngơi. Bạn mong đến ngày Chủ Nhật (hay Chúa Nhật)? Hãy biết ơn Chúa vì Ngài đã đặt ra ngày đó cho ta nghỉ ngơi, vậy nên nó có tên là ngày của Chủ (Chúa). Biết sống tiết chế, nghỉ ngơi, và thỏa lòng sẽ cho ta sức khỏe tốt.

“Con hãy làm công việc của mình trong sáu ngày, sang ngày thứ bảy con hãy nghỉ để cho bò và lừa của con được nghỉ, con trai của nữ nô lệ và người ngoại bang lấy lại sức.” (Xuất Ê-díp-tô Ký, 23:12)
“Thật uổng công cho những ai thức khuya dậy sớm, và ăn bánh lao khổ. Chúa cũng ban giấc ngủ cho người Ngài yêu mến như vậy.” (Thi Thiên 127:2)

2. Phát triển bản thân: Chúa dạy ta đường lối sống khôn ngoan qua Lời Ngài, và ban cho ta sự khôn ngoan khi cầu xin Ngài. Chúng cho ta nền tảng để phát triển bản thân.

“Tôi khôn ngoan hơn các giáo sư tôi, vì tôi suy tư về các quy tắc Chúa. Tôi hiểu biết hơn các vị lãnh đạo lão thành, vì tôi tuân theo các mệnh lệnh Chúa.” (Thi Thiên 119:99-100)
“Nếu người nào trong anh em thiếu sự khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho, vì Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không lời phiền trách.” (Gia-cơ 1:5)

3. Quan hệ: Chúa dạy ta biết sống yêu thương người lân cận, khiêm nhường nhẫn nhịn, làm điều lành cho tha nhân. Chúa cũng cho ta hội thánh là anh em trong gia đình đức tin ở khắp mọi nơi. Những điều này sẽ cho ta nhiều quan hệ tốt đẹp trong đời sống.

“Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo” (1 Cô-rinh-tô 13:4)
“Vậy thì, bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12)

4 & 5. Tài chính sự nghiệp: Chúa dạy ta biết làm việc chăm chỉ, chính trực, không tham của bất nghĩa. Ngài là chủ trên trời của ta, dẫn dắt ta trong đời sống công việc, ban cho ta sức lực để làm, và cho ta nhận được công giá xứng đáng của mình. Dẫu không giúp ta giàu xổi hay có việc nhẹ lương cao, nhưng chúng sẽ giúp ta có cuộc sống đầy đủ ý nghĩa.

“Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng. Anh em đang phục vụ Đấng Christ là Chúa.” (Cô-lô-sê 3:23-24)
“Chính các bà cũng biết rằng tôi đã dốc sức phục vụ cha các bà mà ông ấy lại lường gạt tôi, và thay đổi tiền công của tôi đến mười lần. Nhưng Đức Chúa Trời không cho phép ông ấy làm hại tôi.” (Sáng Thế Ký 31:6-7)
“Vậy, phải cẩn thận, đừng tự bảo rằng: ‘Chính năng lực và sức mạnh của đôi tay ta đã tạo dựng cho ta cơ đồ nầy.’ Nhưng phải tưởng nhớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, vì chính Ngài là Đấng ban cho anh em sức lực tạo dựng cơ đồ nầy…” (Phục Truyền 8:17-18)

6. Giải trí: Chúa dạy ta biết tránh xa những vui thú xác thịt vừa tốn kém vừa gây hại cho đời sống tâm hồn như bạn bè xấu, ăn chơi, nghiện ngập. Ngài hướng ta tới những niềm vui thánh sạch, lành mạnh ý nghĩa, đem lại giá trị cho đời sống như nhóm thông công, làm việc lành, học điều hay lẽ phải. Ngài sẽ ban cho lòng ta niềm vui thánh trong Ngài, còn hơn cả niềm vui của người xác thịt khi họ ăn chơi tiệc tùng.

“Đừng say rượu, vì say sưa dẫn đến buông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh. Hãy dùng thi thiên, thánh ca, và những linh khúc mà đối đáp với nhau; hãy hết lòng ca hát, chúc tụng Chúa” (Ê-phê-sô 5:19)
“Chúa khiến lòng con tràn ngập niềm vui, hơn cả niềm vui của chúng khi có lúa mì và rượu nho dư dật.” (Thi Thiên 4:7)

7. Chia sẻ: Chúa dạy ta hãy ban cho và chia sẻ, rồi Ngài sẽ đáp lại những việc lành ấy. Nhận biết điều này sẽ cho ta động lực, niềm vui, và ý nghĩa hơn để làm.

“Tôi đã từng chỉ dạy cho anh em trong mọi việc rằng chúng ta phải cần cù làm việc như thế để giúp đỡ những người đau yếu, và nhớ lại lời chính Chúa là Đức Chúa Jêsus đã phán: ‘Ban cho có phước hơn nhận lãnh.” (Công Vụ 20:35)
“Ai thương xót người nghèo là cho Đức Giê-hô-va vay mượn, Ngài sẽ đáp lại việc lành ấy cho người.” (Châm Ngôn 19:17)

Hãy nhớ rằng ta phải học và làm theo lời Kinh Thánh thì mới được phước. Nếu chỉ nghe hay cầu nguyện mà không làm theo thì sẽ chẳng được gì.

“Nếu các con biết những điều nầy và làm theo thì được phước.” (Giăng 13:14)
“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.” (Gia-cơ 1:22)

Tổng Kết

Năm mới, trong thời buổi con người hay than vãn “chẳng có đời sống” (no life) này, ta hãy nhắm tới một đời sống sung mãn đầy tràn thỏa lòng trong Chúa Giê-xu theo lời hứa “ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn” (Giăng 10:10b). Theo mô hình “bánh xe đời sống”, đời sống sung mãn là có đời sống đầy tròn mọi khía cạnh (1) sức khỏe, (2) phát triển bản thân, (3) quan hệ, (4) tài chính, (5) sự nghiệp, (6) giải trí, (7) chia sẻ, và (8) tâm linh.

Trong 8 khía cạnh đó, “tâm linh” là khía cạnh quan trọng nhất nhưng dễ bị hiểu sai nhất. Không phải là việc thờ cúng, “tâm linh” (心靈) tượng hình là trái tim người có tương giao kết nối với Trời, cầu nguyện ca hát, được hưởng phước lành. Trong tiếng Anh, “tâm linh” là “spirit”, có gốc từ Kinh Thánh vừa có nghĩa là gió, hơi thở, vừa là thần linh, tâm linh, sinh khí, sinh lực… Như bánh xe căng tròn là do hơi, “bánh xe đời sống” được căng tròn đầy tràn nhờ sinh khí, sinh lực, và phước hạnh đến từ sự liên kết tâm linh với Đức Chúa Trời và được Ngài ở cùng dẫn dắt.

Chúa Giê-xu đến cho ta sự sống sung mãn bằng cách phục hồi mối liên kết tâm linh giữa con người với Đức Chúa Trời bị đứt gãy do tội lỗi khiến Ngài lánh mặt và không nghe con người. Bằng việc tin nhận sự cứu chuộc của Ngài trên thập tự giá, ta được rửa sạch tội lỗi, được xem là người trong sạch vô tội, và có thể tương giao với Chúa. Thánh Linh Chúa sẽ vào “tâm” ta, tương giao với “linh” ta, ban cho ta sinh khí, sinh lực, phước lành nghe lời cầu nguyện, cùng sự tư vấn, dẫn dắt, dạy dỗ… để ta có được sự sống sung mãn trong Ngài.

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài Tham Khảo

[1] Sung mãn – περισσὸν (perisson) trong tiếng Hy Lạp
https://biblehub.com/greek/perisson_4053.htm

[2] Ý nghĩa của từ “thần” và “linh” qua tượng hình
https://www.monkeypress.net/blog/shen-and-ling-%E7%A5%9E-%E9%9D%88

[3] Người Hoa cổ đại nói gì về ông Trời – Thượng Đế?
https://bachkhoa.name.vn/2023/08/06/nguoi-hoa-co-dai-noi-gi-ve-thuong-de-ong-troi/

[4] “tâm linh” – πνεῦμα (pneuma) trong Kinh Thánh
https://biblehub.com/greek/pneuma_4151.htm

https://www.facebook.com/v17.0/plugins/comments.php?app_id=909179173157503&channel=https%3A%2F%2Fstaticxx.facebook.com%2Fx%2Fconnect%2Fxd_arbiter%2F%3Fversion%3D46%23cb%3Df89cce6707e3ae844%26domain%3Dbachkhoa.name.vn%26is_canvas%3Dfalse%26origin%3Dhttps%253A%252F%252Fbachkhoa.name.vn%252Ff60a0228658921f2f%26relation%3Dparent.parent&color_scheme=light&container_width=705&height=100&href=https%3A%2F%2Fbachkhoa.name.vn%2F2024%2F12%2F06%2Fnam-moi-hay-tim-kiem-doi-song-sung-man%2F&locale=en_US&numposts=10&order_by=time&sdk=joey&version=v17.0&width=

Bình Luận:

You may also like