Khi các thiên sứ và trưởng lão ở xung quanh ngai của Đức Chúa Trời thờ phượng Ngài, bản tính mà họ ca ngợi lặp đi lặp lại chính là sự thánh khiết của Ngài. Họ ngày đêm cất tiếng không ngơi nghỉ, “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng. Trước đã có, nay hiện có, sau còn đến!” (Khải-huyền 4:8). Đức Chúa Trời không chỉ thánh khiết; Ngài là Đấng thánh thay, thánh thay, thánh thay! Ngay cả mặt đất xung quanh Chúa cũng nên thánh đơn giản vì nơi đó gần với sự thánh khiết của Ngài. Vậy nên, Đức Chúa Trời bảo Môi-se rằng nơi ông đang đứng là “đất thánh,” và nơi Đức Chúa Trời ngự trong Đền-tạm được gọi là Nơi Chí Thánh (Xuất 3:5; 26:34). Rõ ràng, sự thánh khiết là một phần quan trọng trong bổn tính của Đức Chúa Trời – một thuộc tính mà chúng ta cần phải hiểu nếu muốn nhận biết Chúa. Nhưng đó không phải là từ chúng ta thường nghe thấy ngày nay. Vậy thì “thánh” có nghĩa là gì?
Đấng cao cả, Đấng được tôn cao, ngự nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh; Đấng ấy phán: “Ta ngự trong nơi cao và thánh, nhưng cũng ở với người ăn năn đau đớn và tâm linh khiêm nhường, để làm tươi tỉnh tâm linh của người khiêm nhường, và làm tươi tỉnh tấm lòng người ăn năn đau đớn.Ê-sai 57:15 |
Từ gốc của chữ thánh (qadosh) trong tiếng Do Thái có nghĩa là “chia cắt.” Từ này biểu thị sự tách biệt, được biệt riêng, sự khác biệt triệt để. Có một sự khác biệt rõ ràng giữa Đấng Tạo Hóa và các tạo vật của Ngài, điều này vượt quá khả năng lĩnh hội của con người, và vực thẳm rộng lớn này được biểu thị bằng từ “thánh.” Đức Chúa Trời là thánh, chúng ta thì không. Theo một nghĩa khác, sự thánh khiết đặc trưng cho mọi sự toàn hảo của Đức Chúa Trời, mọi thuộc tính của Ngài. Ngài là sự tốt lành trọn vẹn, tình yêu thương trọn vẹn, lòng thương xót trọn vẹn… nói tóm lại, Ngài hoàn toàn thánh khiết.
Sự thánh khiết cũng làm chúng ta chú ý đến tính trọn vẹn về đạo đức của Đức Chúa Trời. Những vật thánh được biệt riêng vì chúng tinh sạch, không tì vết hay khiếm khuyết. Khi đối diện với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, Ê-sai vô cùng khốn khổ vì tội lỗi của mình. Ông biết Đức Chúa Trời hoàn toàn tách biệt khỏi tội lỗi. Vì thế ông kêu lên, “Tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế” (Ê-sai 6:5). Giống như việc đặt một chiếc áo trắng mới tinh bên cạnh một chiếc áo cũ cho chúng ta thấy chiếc áo cũ đã trở nên bẩn thỉu như thế nào, thì khi chúng ta nhìn thấy sự toàn hảo của Chúa, chúng ta thấy mình ô uế biết bao.
Nhưng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời không dừng lại ở khái niệm về sự thanh sạch vượt quá khả năng của con người – Đức Chúa Trời thánh khiết đến gần chúng ta. Ngài không chỉ ở trên ngọn núi thánh của Ngài; Ngài là Đấng Thánh ở giữa chúng ta (Ô-sê 11:9). Ngài tạo dựng một dân thánh cho chính Ngài (Xuất 19:6) và làm cho chúng ta nên thánh qua huyết của Đấng Christ (1 Phi-e-rơ 1:16; 2:9). Đức Chúa Trời thánh khiết không chỉ soi sáng tình trạng tội lỗi của chúng ta; Ngài cứu chúng ta khỏi tình trạng đó và mặc cho chúng ta chiếc áo công bình của Ngài.
Một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy mình ở trên thiên đàng, quỳ trước ngai của Đức Chúa Trời và ca ngợi sự thánh khiết của Ngài! Nhưng chúng ta không cần phải đợi đến ngày được lên thiên đàng để thờ phượng Đức Chúa Trời chí thánh; chúng ta có thể hòa vào bài thánh ca đời đời ngợi khen đó ngay bây giờ.
Tác giả: Nancy Taylor & Philip Ryken
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com