Home Chuyên Đề Thái Độ Biết Ơn

Thái Độ Biết Ơn

by Sưu Tầm
30 đọc

Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Giê-xu.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)

Tại sao chúng ta nên biết ơn?

Bạn có thể nghĩ tại sao tôi phải biết ơn khi cuộc sống của tôi không có gì tốt đẹp hoặc mọi thứ không diễn ra theo ý tôi? Bởi vì, chúng ta đã nhận được rất nhiều từ Chúa mà hầu hết chúng ta không nhận ra. Những người Do Thái trong các trại tập trung dưới thời Hitler, những người sống sót, đã tìm thấy lý do để biết ơn giúp họ tập trung vào Chúa trong hoàn cảnh khốn khổ đến tận cùng của mình, để không trở nên cay đắng khi mọi chuyện kết thúc.

Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ những người theo Thanh giáo ở Mỹ, những người đã sống sót sau những cuộc đàn áp khủng khiếp ở Anh và sau đó là ở Hà Lan, đã bán tất cả những gì họ có, để mạo hiểm đến vùng đất hoang vu cằn cỗi mà họ gọi là Hoa Kỳ. Họ đã trải qua một chuyến đi khắc nghiệt, bị nhồi nhét trong một con tàu hôi hám, với thức ăn tệ hại và bệnh tật triền miên, nhiều lần suýt chết trong bão biển. Khi họ cập bến (ở sai địa điểm), họ không có thức ăn hay chỗ ở; gặp rắc rối với người da đỏ địa phương vì những hiểu lầm, và quá trình khó khăn để xây dựng một cộng đồng trong mùa đông khắc nghiệt. Mùa đông khắc nghiệt đó đã giết chết gần một nửa số người trong số họ.

Nhưng trong tình trạng thiếu thốn lương thực và cực kỳ khó khăn đó, họ đã đến với Chúa và bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng cách ăn mừng số lương thực dự trữ cuối cùng mà họ có. Họ nhận ra rằng vấn đề của họ là sự thờ ơ, cay đắng và vô ơn, vì vậy họ đã cầu nguyện và tái cam kết đức tin của mình. Khi thái độ của họ thay đổi, họ trở nên siêng năng hơn và Chúa đã ban phước cho họ rất nhiều. Những nhóm người này đã phát triển mạnh khi họ nhận ra nhu cầu biết ơn của mình, không phải vì sự sung túc mà họ có, hoặc để không bị mắc kẹt trong hoàn cảnh của họ, mà đúng hơn là, để tập trung vào việc nhận biết Chúa là Đấng như thế nào!

Chúng ta biết ơn khi nhận ra Chúa chúng ta là ai và Ngài đã làm gì cho chúng ta. Khi chúng ta nhận ra sự hư hoại và vô vọng trong quá khứ của mình và giờ đây, phước lành lớn lao mà chúng ta đang có. Chúng ta sẽ thấy biết ơn khi hoàn toàn hiểu rằng mình đã được giải cứu khỏi tội lỗi và bóng tối tuyệt vọng. Nhận thức này phải chạm sâu vào tấm lòng và tâm trí của chúng ta. Để thực hành tốt đức tin cứu rỗi của mình, chúng ta phải chú ý và được khích lệ rằng Chúa là Đấng giải cứu chúng ta! Do đó, chúng ta phải đáp lại bằng lòng biết ơn đối với sự chu cấp và những sự ban cho của Ngài. Chúng ta nên thực sự tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn tột độ vì những gì Chúa đã làm cho chúng ta. Lòng biết ơn giúp định hình tính cách, hành động, lối sống và phản ứng của chúng ta trước thời cuộc. Sau đó, chúng ta có thể quay lại và lan tỏa lòng biết ơn đến những người xung quanh.

Một khía cạnh khác mà chúng ta cần nhận ra là chúng ta được cứu khỏi ngày phán xét hầu đến; Chúng ta đã từng là những cành nhánh hư hỏng “bị chặt bỏ” và chờ ngày bị quăng vào lò lửa. Bây giờ, vị trí của chúng ta được bảo đảm trong cõi đời đời; nếu chúng ta có một Cứu Chúa mà chúng ta có thể tin tưởng và phó thác – thì lòng biết ơn của chúng ta sẽ giúp chúng ta sống một cuộc đời khác với trước đây. Đây là những điều chúng ta không thể tự mình làm được, và đó là lý do tại sao chúng ta cần Chúa Giê-xu. Để lòng biết ơn có tác dụng chúng ta phải đặt Chúa Giê-xu lên hàng đầu, và sau đó tiến tới sự trưởng thành về mặt thuộc linh. Theo quan điểm này, chúng ta biết lẽ thật của Ngài để chúng ta vẫn có thể chiến thắng trong Ngài trong thời gian chúng ta còn ở đây trên đất.

“Hãy đâm rễ, lập nền trong Ngài; hãy mạnh mẽ trong đức tin như anh em đã được dạy dỗ, và càng gia tăng trong sự cảm tạ.” (Cô-lô-se 2:7)

“Bất cứ điều gì anh em nói hay làm, hãy thực hiện mọi sự trong danh Chúa là Đức Chúa Giê-xu, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Cô-lô-se 3:17)

Phải biết mình là ai trong Đấng Christ. Cơ Đốc nhân là những người được Đấng Christ cứu chuộc, được chào đón vào sự hiện diện và Vương-quốc của Ngài! Điều này mang lại cho chúng ta hy vọng và lý do để sống và trở nên những con người tốt hơn. Chúa Giê-xu Christ giờ đây trở thành mục tiêu chính của chúng ta và sứ mệnh của chúng ta trong đời này là sống để làm sáng danh Chúa. Giờ đây chúng ta là bạn hữu của Chúa và lòng biết ơn của chúng ta là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Lòng biết ơn của chúng ta, từ việc nhận ra vị trí của mình trong đời này và cõi đời đời, có thể khiến chúng ta không ngừng ngợi khen Ngài và đặt Ngài lên trên hết thảy mọi sự khác trong cuộc đời mình.

Ngược lại, sự vô ơn sẽ chỉ cho thấy tư duy tập trung vào bản thân; sự vô ơn khiến chúng ta đi ngược lại mục tiêu làm đẹp lòng Chúa. Chìa khóa là thỏa lòng với những gì Đấng Christ đã ban cho, tin tưởng và vâng lời Ngài, và đặt Ngài làm trung tâm của đời sống mình. Khi đó, lòng chúng ta sẽ tràn đầy sự biết ơn và chúng ta sẽ được đầy dẫy bông trái khi đời sống chúng ta trở thành của lễ đẹp lòng Ngài. Biết ơn cũng giúp chúng ta có hy vọng sống, biết tha thứ, và thể hiện lòng nhân từ của Chúa cho những người xung quanh. Nếu không biết ơn, chúng ta là những kẻ vô ơn và hậu quả là chúng ta sẽ sống khốn khổ, tiêu cực, lúc nào cũng cảm thấy không thỏa lòng, bất kể chúng ta đã được Chúa ban cho bao nhiêu. Do đó, lòng nhân từ của Chúa bị che khuất bởi thái độ vô ơn của chúng ta

Lòng biết ơn mang lại lợi ích gì cho tôi?

Lòng biết ơn mang lại cho chúng ta niềm vui! Đối với chúng ta, để nhận được niềm vui lớn lao của sự cứu rỗi đòi hỏi một cái giá rất lớn của sự khổ nạn mà Chúa Giê-xu đã gánh chịu. Ngài có thể tránh được thập tự giá, nhưng Ngài đã không làm vậy, nhờ vậy chúng ta mới được cứu và vấn đề lớn nhất của chúng ta đã được giải quyết.

Thái độ biết ơn giúp cải thiện đời sống và các mối quan hệ của chúng ta. Bắt đầu bằng việc tôn vinh Chúa vì Ngài là Cứu Chúa của chúng ta! Chúng ta phải tuân theo các giáo huấn của Ngài và hướng tới sự nên thánh! Từ lòng biết ơn đối với những gì Ngài đã làm cho mình, chúng ta sẵn sàng phấn đấu để tìm kiếm sự công chính trong mọi việc mình làm.

Điều này cũng tác động tích cực đến người khác; những người mà Chúa cho phép bước vào đời sống của chúng ta. Mối quan hệ ngày càng phát triển của chúng ta với Đấng Christ giúp xây dựng một hội thánh tốt đẹp với những con người có đời sống thánh thiện! Ngài là Đấng thay đổi và hình thành nên tính cách của chúng ta.

Khi biết ơn, chúng ta có mong muốn thanh tẩy bản thân khỏi tội lỗi. Khi chúng ta tránh xa tội lỗi và tiếp tục làm như vậy như một nỗ lực liên tục, chúng ta sẽ không có mong muốn sao chép những đường lối xấu xa của thế gian. Thay vào đó, chúng ta sẽ mong muốn được Chúa biến đổi và đổi mới ngày càng hơn. Chúng ta sẽ là những con người mới, được Thánh Linh dẫn dắt, để mọi suy nghĩ và hành động đều hướng đến Ngài. Nhờ sự đổi mới này, chúng ta sẽ biết Ngài mong muốn điều gì cho chúng ta, điều gì là tốt nhất, điều gì đẹp lòng Ngài và trọn vẹn trong mắt Ngài.


Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: intothyword.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like