Nhiều đứa trẻ khi đến một thời điểm nào đó trong đời các em không thích tên của mình nữa và muốn thay đổi. Đôi khi bạn bè làm điều đó cho các em, gán cho các em một biệt danh mà các em không muốn và không thể thoát khỏi biệt danh đó. Một khi đến tuổi trưởng thành, một số người thậm chí sẽ ra tòa và thay đổi tên hợp pháp.
Mọi người thay đổi tên vì nhiều lý do khác nhau. Họ làm điều này theo nhiều cách. Sự thay đổi tên phổ biến nhất ở phụ nữ là khi các chị em kết hôn và lấy họ của chồng. Ở những quốc gia có chế độ quân chủ, vua hoặc nữ hoàng đôi khi sẽ ban tặng một danh hiệu, chẳng hạn như Công-tước xứ Bedford hoặc Công-tước xứ Leicester, cho một đối tượng trung thành. Hoặc bạn có thể tự thay đổi tên bằng cách nói bạn bè, người quen gọi bạn bằng cái tên mới. Các nhà văn thường chọn tên mới, sáng tác dưới bút danh. Nam, nữ diễn viên, nhạc sĩ và nhiều người làm trong ngành giải trí khác cũng thường xuyên thay đổi tên họ. Tôi có một cuốn sách trong thư viện liệt kê tên thật của những người nổi tiếng. Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi có thể hiểu tại sao nhiều người trong số họ lại đổi tên!
Lời Chúa cũng mô tả một cách khác để nhận được tên mới—bằng cách kinh nghiệm sự ra đời mới trong Đấng Christ. Khi chúng ta tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình, chúng ta được mang danh của Ngài—Cơ-đốc nhân. Cái tên mới này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Trong Kinh Thánh, nhận một tên mới có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chỉ thêm vào một chức danh, danh hiệu hoặc nhân diện mới, vì cái tên tiết lộ tính cách con người. Mọi danh xưng của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh mô tả một khía cạnh quan trọng trong tính cách của Ngài. Do đó, khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một tên mới, chúng ta trở thành một con người mới. Chúng ta có một khởi đầu mới, một đời sống mới và một nhân cách mới.
Trong Khải-huyền 2:17 chúng ta đọc thấy: “Kẻ nào thắng, Ta sẽ ban cho ma-na đương giấu kín; và Ta sẽ cho nó hòn sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới, ngoài kẻ nhận lấy không ai biết đến.” Từ được dịch là “mới” trong phân đoạn này đề cập đến chất lượng thay vì thời gian, hay tuổi tác. Chúng ta được đặt cho một kiểu tên mới, một kiểu đời sống mới. Phao-lô đề cập đến phẩm chất mới của đời sống khi ông viết: “Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6: 4). Khi chúng ta tin nhận Đấng Christ, chúng ta được biến đổi thành con người mới với kiểu sống hoàn toàn khác: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17).
Vậy, cách duy nhất để nhận được tên mới này từ Đức Chúa Trời là trở thành con người mới. Và cách duy nhất để trở thành người mới là kinh nghiệm sự ra đời mới. Chúng ta đọc về sự ra đời mới này trong Giăng 3:1-3: “Trong vòng người Pha-ri-si, có người tên là Ni-cô-đem, là một người trong những kẻ cai trị dân Giu-đa. Ban đêm, người nầy đến cùng Đức Chúa Giê-su mà nói rằng: Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được. Đức Chúa Giê-su cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.” Lưu ý rằng trong bốn câu tiếp theo phân đoạn này, từ “sanh” được dùng sáu lần: “Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao? Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều Ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại” (4-7).
Trong phân đoạn này, Chúa đã mô tả sự cứu rỗi như một quá trình sinh nở. Tại sao Chúa Giê-su lại sử dụng sự sinh nở như một hình ảnh của sự cứu rỗi? Tôi nghĩ Ngài làm điều đó vì những điểm tương đồng chúng ta có thể thấy khi so sánh hai điều này với nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được những so sánh tương đồng này bởi vì, như chúng ta đã thấy từ cuộc đời của nhiều người trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã từ chối sự ra đời đầu tiên của chúng ta. Ngài sẽ chỉ chấp nhận sự ra đời thứ hai—thời điểm chúng ta được sinh lại, hoặc được sinh ra bởi quyền phép từ trên cao, qua sự tin cậy Đấng Christ.
Sự ra đời là một kinh nghiệm phổ quát
Trong khi nhiều phép so sánh tương đồng có thể được rút ra giữa sự ra đời về thuộc thể và sự ra đời thuộc linh, tôi muốn tập trung vào tám điểm có ý nghĩa đặc biệt. Đầu tiên, chúng ta thấy rằng sự ra đời là một kinh nghiệm phổ quát.
Kinh Thánh cho chúng ta nhiều bức tranh về sự cứu rỗi. Chúa của chúng ta đã phác họa hình ảnh về sự cứu rỗi như một người chăn tìm thấy con chiên lạc (xem Lu-ca 15:3-7). Tuy nhiên, vì hầu hết những người trong chúng ta chưa bao giờ chăn chiên và một số người thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy con chiên, nên điều này có thể khó liên tưởng. Tương tự như vậy, sự cứu rỗi được so sánh với người con trai hoang đàng trở về nhà sau khi đã phung phí hết tiền của cha mình (xem câu 11-24). Có lẽ cũng ít người trong chúng ta từng trải qua điều này. Sự cứu rỗi cũng được so sánh với sự sống lại của kẻ chết (xem Giăng 5:21; 11:23-26). Ngày nay rất ít người tuyên bố đã nhìn thấy bất cứ ai sống lại từ cõi chết. Nhưng sự ra đời là một trong những hình ảnh của sự cứu rỗi mà mọi người đều hiểu. Tất cả chúng ta đều có thể định nghĩa được về sự ra đời, bởi vì đây là một kinh nghiệm phổ quát. Sự kiện này cũng cho chúng ta thấy rằng mỗi người cần phải trải nghiệm sự ra đời mới về mặt thuộc linh này.
Sự ra đời kéo theo sự sống
Điểm so sánh thứ hai là sự ra đời kéo theo sự sống. Thế giới này chứa đựng một số cấp độ, hay vương quốc của sự sống. Đầu tiên, chúng ta có giới khoáng vật, nơi không có sự sống nào cả. Chúng ta lại có giới thực vật, giới động vật, thế giới của loài người và thiên giới. Đức Chúa Trời đã định rằng không giới nào có thể tự nâng mình lên một cấp độ cao hơn. Đá không thể trở thành rau cỏ, rau cỏ không thể trở thành động vật, động vật không thể tự biến mình thành người, và không một con người nào có thể tự nâng mình lên trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã định rằng mỗi giới có thể vươn mình xuống để tiếp cận và nâng giới bên dưới mình lên. Vì vậy chúng ta thấy thực vật hút lấy khoáng chất bên dưới đất và biến các khoáng chất thành thực vật. Kế đến động vật ăn cây cỏ, biến cây cỏ trở thành một phần của động vật. Đến lượt con người, ăn thịt động vật, và động vật trở thành một phần của con người.
Theo một cách tương tự, Đức Chúa Trời đã xuống thế gian để nâng con người lên tới vương quốc của Ngài. Giăng 3:13 nói, “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con Người vốn ở trên trời.” Đấng Christ từ trời xuống để nâng chúng ta lên. Và đối với người tin Chúa, điều đó bắt đầu với sự ra đời mới, vì sự ra đời kéo theo sự sống.
Điều gì cần thiết cho sự sống? Chúng ta phải đáp ứng được bốn nhu cầu cơ bản—ánh sáng, không khí, nước và thực phẩm. Chúng ta có thể thấy bốn nhu cầu này trong đời sống thuộc linh của chúng ta. Và Chúa Giê-su là tất cả những điều này. Ngài là ánh sáng của thế gian. Giăng 1:4 nói, “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.” Đức Thánh Linh được so sánh với không khí: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (3:8). Chúa Giê-su cũng tự mô tả chính mình Ngài là nước sự sống (4:14) và bánh sự sống (6:35). Sự ra đời kéo theo sự sống—một sự sống vĩnh cửu và sung mãn.
Sự ra đời cần có cả cha lẫn mẹ
Khi so sánh sự ra đời thuộc thể với sự ra đời thuộc linh, chúng ta cũng thấy ai sinh ra cũng cần có cả cha lẫn mẹ. Mỗi con người khi ra đời đều có cha mẹ thân sinh. Tương tự như vậy, có hai bậc cha mẹ liên quan đến sự ra đời thuộc linh của chúng ta. Vị đầu tiên là Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói với chúng ta, “Nếu một người chẳng nhờ…Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5). Cha mẹ thuộc linh thứ hai là Lời của Đức Chúa Trời. Trong I Phi-e-rơ 1:23 chúng ta đọc thấy: “Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời.” Lời Chúa ở đây là gì? Phi-e-rơ nói với chúng ta trong câu 25: “Và lời đó là đạo Tin Lành đã giảng ra cho anh em.”
Khi Chúa Giê-su bảo Ni-cô-đem phải được sinh lại, Ni-cô-đem không hiểu khái niệm về huyết thống thuộc linh này. Ông chỉ nghĩ về mặt thuộc thể. Ông hỏi Chúa Giê-su, “Người đã già…có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao?” (Giăng 3:4). Chúa Giê-su đáp: “Nếu một người chẳng nhờ nước [sự ra đời thuộc thể] và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần” (câu 5,6). Một người được sinh ra trong gia đình Đức Chúa Trời thể nào? Thánh Linh của Đức Chúa Trời kết hiệp với Lời của Đức Chúa Trời và qua lời ấy cấy sự sống của Đức Chúa Trời vào trong bạn khi bạn tin nhận Chúa Giê-su Christ là Cứu Chúa của mình.
Sự ra đời quyết định bản chất
So sánh thứ tư là sự ra đời quyết định bản chất chúng ta. Trong lĩnh vực thuộc thể, mọi sinh vật sống đều được thừa hưởng bản chất của giống nòi mình khi sinh ra. Ví dụ, một con mèo con luôn luôn có bản chất của một con mèo. Một con mèo con sẽ không bao giờ thừa hưởng bản chất của một con chó. Cũng như vậy, khi bạn được tái sinh vào gia đình của Đức Chúa Trời, bạn nhận được bản chất của Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc trong II Phi-e-rơ 1:4: “Ngài lại ban lời hứa rất quý rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được…trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.”
Việc trở thành con cái Đức Chúa Trời bao hàm nhiều điều hơn chỉ là đi nhà thờ hay nói chuyện như Cơ-đốc nhân. Điều đó có nghĩa là chúng ta có bản chất của Đức Chúa Trời trong mình. Khi bạn được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, Thánh Linh của Đức Chúa Trời sử dụng Lời Chúa để truyền thụ bản chất của Đức Chúa Trời vào trong bạn. Bạn được sinh lại và trở thành một người mới qua Chúa Giê-su Christ. Tên mới của bạn bắt nguồn từ bản chất mới của bạn.
Sự ra đời của chúng ta quyết định bản chất của chúng ta, và bản chất của chúng ta quyết định cách chúng ta sẽ sống. Ví dụ, sự thèm ăn và thói quen ăn uống của chúng ta được xác định bởi bản chất của chúng ta. Trong 16 năm nhà tôi có nuôi một con mèo rất kén ăn. Nhưng có những động vật khác thực sự không quan tâm đến những gì chúng ăn. Tương tự như vậy, thói quen ăn uống của mỗi loài động vật khác nhau. Bạn sẽ không tìm thấy một con heo ăn uống giống như một con chiên hoặc ngược lại. Sự ra đời quyết định thói quen ăn uống của chúng ta bởi vì điều đó quyết định bản chất của chúng ta. Vậy nên, khi được sinh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta có một sự đói khát thuộc linh.
Bản chất cũng quyết định môi trường sống của bạn. Chim ưng bay lên trời, trong khi cá bơi dưới nước. Nếu bạn đem chim ưng xuống nước và cho cá bơi trên không, điều đó sẽ giết chết chúng. Các con vật không thể sống bên ngoài môi trường sống của chúng. Môi trường sống của Cơ-đốc nhân là Chúa Giê-su Christ. Chúng ta có bản chất của Ngài; do đó, chúng ta phải liên tục sống trong Ngài. Nếu chúng ta rời xa khỏi Ngài, chúng ta bắt đầu chết về mặt thuộc linh.
Ngoài ra, bản chất của chúng ta quyết định sự giao thiệp của chúng ta. Cá thường bơi thành từng đàn với những con cá khác. Tương tự như vậy, bạn hiếm khi tìm thấy một con chiên ở một mình trong một bầy gia súc. Động vật, theo bản năng, sống theo bầy đàn và sinh sản với đồng loại của chúng. Theo cách tương tự, Cơ-đốc nhân thích giao du với các Cơ-đốc nhân khác. Chúng ta gắn kết với nhau bởi vì chúng ta có cùng bản chất, cùng một sự ra đời mới và cùng một Cha Thiên Thượng.
Sự ra đời của chúng ta quyết định bản chất của chúng ta, và bản chất chúng ta sẽ quyết định số phận của chúng ta. Nơi ở đời đời của chúng ta tùy thuộc vào loại bản chất chúng ta có. Nếu một người có bản chất tội lỗi và không bao giờ nhận được bản chất mới, người đó sẽ không thể hạnh phúc trên thiên đàng, ngay cả khi người có thể lên được đó. Số phận của chúng ta được định hình bởi bản chất của chúng ta.
Sự ra đời đi kèm với cơn đau khó nhọc khi vượt cạn
Khi nhìn vào sự sinh nở, chúng ta khám phá ra một lẽ thật quan trọng khác: Sự ra đời cả về thuộc thể lẫn thuộc linh đều đi kèm với cơn đau vượt cạn. Ngay cả với tất cả các thiết bị khoa học hiện đại của chúng ta, thì người mẹ vẫn phải trải qua trũng bóng chết mỗi khi sinh ra một đứa trẻ. Theo cùng một cách, Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta cũng phải chịu đau đớn dường ấy trên thập tự giá. Ê-sai 53:11 nói với chúng ta, “Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn.” Để chúng ta được sinh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su phải chịu đau đớn trên thập tự giá. Ngài phải chết để chúng ta có thể sống. Ngài phải bước qua bóng tối để chúng ta có thể được sinh ra trong vương quốc đời đời sáng láng của Đức Chúa Trời. Sự ra đời đi kèm với cơn đau khó nhọc.
Ra đời có nghĩa là đi từ nơi tối tăm ra nơi sáng láng
Ngoài ra, chúng ta thấy rằng sự ra đời cũng bao hàm việc từ bóng tối bước ra ánh sáng. Một em bé trải qua chín tháng đầu đời trong bụng mẹ vốn là nơi tối tăm. Điều đầu tiên em bé nhìn thấy sau khi ra khỏi bụng mẹ là một thế giới đầy ánh sáng. Điều này cũng đúng với sự ra đời thuộc linh của chúng ta.
Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy sự tương phản giữa thế gian và Đấng Christ được mô tả là bóng tối và ánh sáng. Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đem, “Ai tin Ngài [Đấng Christ] thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời. Vả, sự đoán xét đó là như vầy: Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa. Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng. Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời” (Giăng 3:18-21).
Điều thú vị là khi Ni-cô-đem đến gặp Chúa Giê-su lần đầu tiên, ông đến vào ban đêm (xem câu 2). Tuy nhiên, lần sau khi đọc về Ni-cô-đem, chúng ta thấy ông đi giữa ban ngày, hạ xác Chúa Giê-su xuống khỏi thập tự giá và chuẩn bị cho việc chôn cất Ngài (xem 19:38-42). Ông không còn sợ hãi khi đồng nhất bản thân mình với Chiên Con của Đức Chúa Trời nữa. Ông đã được sinh ra trong gia đình Đức Chúa Trời. Khi chúng ta tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình, chúng ta chuyển từ sự tối tăm thuộc linh của tội lỗi đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài (xem I Phi-e-rơ 2:9).
Sự ra đời dẫn đến tương lai
Lẽ thật thứ bảy mà chúng ta tìm thấy khi so sánh sự ra đời thuộc thể và thuộc linh là sự ra đời dẫn đến tương lai. Có hai nơi bạn sẽ hiếm khi tìm thấy một cảnh sát đứng phục để canh bắt ai đó—nghĩa trang và khoa sản của bệnh viện. Trong khi cảnh sát có thể bắt một đối tượng nào đó chạy vào nghĩa trang hoặc bệnh viện, bạn sẽ không bao giờ thấy họ bắt giam một xác chết hay một em bé sơ sinh. Tại sao? Người chết không còn tương lai trên đất, còn trẻ sơ sinh thì không có quá khứ để kết tội.
Khi một em bé được sinh ra trên thế gian này, em chỉ có một tương lai phía trước. Tương tự như vậy, khi bạn được tái sinh vào gia đình Đức Chúa Trời, quá khứ của bạn sẽ bị lãng quên. Tấm bảng ghi chép những tội lỗi của bạn sẽ được xóa sạch bởi sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Bạn có một tương lai mới trước mắt và có thể mong đợi một cuộc sống tuyệt vời với Ngài trên đất cũng như được ở đời đời với Ngài trên thiên đàng. Không lạ gì khi Phi-e-rơ viết: “Đức Chúa Trời…khiến chúng ta lại sanh [làm cho chúng ta được tái sinh], đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Giê-su Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống” (I Phi-e-rơ 1:3). Sự ra đời thuộc linh của chúng ta mang lại cho chúng ta một hy vọng và một tương lai. Không ai có thể tưởng tượng được những phước lành nào đang chờ đợi chúng ta trên thiên đàng. “Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (I Cô-rinh-tô 2:9).
Trong chức vụ làm mục sư của mình, tôi đã có đặc ân được cử hành lễ cưới cho nhiều cặp đôi. Tôi cũng có được niềm vui khi chứng kiến sự sống mới đến với tổ ấm của họ và dâng hiến những đứa trẻ này cho Chúa. Khi một cặp vợ chồng phát hiện ra họ sắp có con, họ chuẩn bị nhiều thứ để đón chờ sự xuất hiện mới này—một căn phòng đặc biệt, đồ nội thất mới và quần áo mới. Họ không thể chờ đợi lâu hơn để nhìn thấy con mình ra đời. Đồng một thể ấy, Cứu Chúa của chúng ta ở trên trời cũng đang chuẩn bị một chỗ cho chúng ta (Giăng 14:2,3). Chúng ta đã được sinh ra một lần nữa để có một hy vọng sống. Chúng ta có một hy vọng và một tương lai không ngừng lớn lên và tươi sáng hơn mỗi ngày.
Sự ra đời là chung cuộc
Cuối cùng, khi so sánh sự ra đời thuộc thể và thuộc linh, chúng ta thấy rằng sự ra đời là chung cuộc. Bạn không thể được coi là chưa được sinh ra. Ngay cả khi đứa bé chết đi, thì em vẫn là một con người có một linh hồn và một tâm linh. Em vẫn được sinh ra trong một gia đình. Mỗi sự ra đời diễn ra tại một thời điểm, một lần và hoàn tất. Và trong một ca sinh nở bình thường, em bé sinh ra có đầy đủ mọi thứ em cần. Bạn không bao giờ thấy cha mẹ quay lại một tháng sau đó để lấy thêm tai hoặc chân cho con. Em bé đã trọn vẹn rồi. Tất cả những gì em cần làm từ đó trở đi là trưởng thành và phát triển.
Sự ra đời thuộc linh cũng là một sự kiện diễn ra một lần. Khi bạn được sinh ra trong gia đình Đức Chúa Trời, bạn được sinh ra đầy dẫy mọi sự trong Đấng Christ (Cô-lô-se 2:10). Sau đó, giống như một đứa trẻ, bạn bắt đầu quá trình tăng trưởng. Các yêu cầu để tăng trưởng cũng giống như trong thuộc thể: thức ăn (Lời Chúa), vận động (hầu việc Chúa), yêu thương (mối tương giao với Chúa và với dân sự của Ngài), tắm rửa (xưng tội và sống công chính). Khi những yếu tố này hiện diện, chúng ta sẽ lớn lên theo hình ảnh của Cha chúng ta.
Khi một em bé được sinh ra, thì sự ra đời đó là cuối cùng. Cấu trúc di truyền của em bé đó đã được xác định khi thụ thai. Điều này cũng đúng với sự ra đời thuộc linh của chúng ta. Khi chúng ta được sinh ra trong gia đình Đức Chúa Trời, Chúa trang bị cho chúng ta về mặt thuộc linh để phục vụ Ngài. Trong gia đình của Đức Chúa Trời, các thành viên không cần phải cạnh tranh với nhau để được chú ý hoặc giành phần thưởng. Không có chỗ cho sự đố kỵ hay xung đột. Chúng ta không cần phải ghen tị với những ân tứ hoặc khả năng của người khác, vì bất cứ tài năng nào chúng ta sở hữu đều được Chúa ban cho chúng ta. Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta, không phải dựa trên ân tứ chúng ta có mà tùy theo sự trung tín của chúng ta.
Chúa đã vẽ ra bức tranh về sự cứu rỗi như sự ra đời của một con trẻ, bởi vì đó là một kinh nghiệm phổ quát mà tất cả chúng ta đều có thể hiểu được. Giống như sự ra đời thuộc thể, sự ra đời thuộc linh tạo ra một sự sống hoàn toàn mới trong chúng ta. Chúng ta có cả cha lẫn mẹ—Thánh Linh của Đức Chúa Trời và Lời của Đức Chúa Trời—truyền lại sự sống mới này cho chúng ta. Sự ra đời thuộc linh quyết định cách chúng ta sẽ sống và hành động. Nó mang lại cho chúng ta một hy vọng và một tương lai khi chúng ta thoát ra khỏi bóng tối của tội lỗi và sống trong ánh sáng của Chúa mình. Sự ra đời thuộc linh diễn ra một lần; đó là sự cuối cùng. Cái giá cho sự ra đời mới của chúng ta rất tốn kém. Chúa Giê-su đã phải chịu đựng sự đau đớn cùng cực và chết trên thập tự giá để chúng ta có thể sống.
Sự ra đời mới không phải là một điều xa xỉ; đó là một điều cần thiết. Chúa sẽ không chấp nhận sự ra đời đầu tiên của chúng ta. Chúa Giê-su đã nói với chúng ta một cách rõ ràng, “Các con phải được sinh lại.” Khi chúng ta trải nghiệm sự ra đời mới này nhờ đức tin vào Chúa Giê-su Christ, chúng ta trở thành một phần của gia đình vĩ đại nhất trên trái đất—gia đình của Đức Chúa Trời. Và chúng ta được đặt cho cái tên hay nhất—danh xưng Cơ-đốc nhân.
Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible
Nguồn: Sưu Tầm
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com