Home Chuyên Đề Ý Nghĩa Thực Sự Của Giê-rê-mi 29:11: ‘Vì Chính Ta Biết Chương Trình Mà Ta Hoạch Định Cho Các Con’

Ý Nghĩa Thực Sự Của Giê-rê-mi 29:11: ‘Vì Chính Ta Biết Chương Trình Mà Ta Hoạch Định Cho Các Con’

by Crosswalk.com
30 đọc

Lời Chúa chứa đầy sự khôn ngoan và khích lệ hướng dẫn Cơ Đốc Nhân trong cuộc sống. Học thuộc lòng Kinh Thánh có thể dùng như một vũ khí mạnh mẽ chống lại sự cám dỗ, tuyệt vọng và tinh thần thế gian. Tuy nhiên, việc học các câu Kinh Thánh mà không hiểu ngữ cảnh, có thể dẫn đến sự hiểu lầm và áp dụng sai các bài học mà Đức Chúa Trời muốn dân Ngài nắm bắt.

Có một câu Kinh Thánh nổi tiếng mà Cơ Đốc Nhân thường trích dẫn là Giê-rê-mi 29:11, “Đức Giê-hô-va phán: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hy vọng.

Đây là một thông điệp mang hy vọng và lời hứa về một tương lai tốt đẹp mà mọi người thích chia sẻ cho nhau. Nhưng biết được toàn bộ bối cảnh của câu này sẽ khá thú vị và tiết lộ ý muốn lớn lao hơn của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa thực sự của Giê-rê-mi 29:11.

Chúa biết chương trình mà Ngài hoạch định cho chúng ta 

Trong bối cảnh của Giê-rê-mi 29, cụm từ, “Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con,” ám chỉ những kế hoạch mà Chúa đã định cho dân Y-sơ-ra-ên ngay từ đầu. Câu này là sự nhắc lại những lời hứa của Đức Chúa Trời, cũng như sự bảo đảm rằng Ngài luôn giữ các giao ước của Ngài.

Họ là dòng dõi của Áp-ra-ham, người mà Đức Chúa Trời đã lập giao ước để ban phước cho dòng dõi người. Họ là dân của Đa-vít, một người theo lòng Đức Chúa Trời. Mặc dù họ đã vi phạm lời hứa chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời chân thật duy nhất, nhưng Ngài sẽ không quên lời hứa của Ngài và sẽ khôi phục lại cho họ những phước lành. Thật ra, câu này là hình bóng về Đấng Mê-si sắp đến, Chúa Giê-xu.

Đức Chúa Trời đã hứa với Đa-vít, dòng dõi người sẽ ngồi trên ngôi vua đời đời, “Ngài phán: “Ta đã lập giao ước với người được chọn của Ta, Ta đã thề với Đa-vít, đầy tớ Ta, rằng: ‘Ta sẽ lập dòng dõi ngươi đến mãi mãi, và dựng ngôi ngươi bền vững đến đời đời’” (Thi-thiên 89:3-4). Chỉ có một ngôi tồn tại mãi mãi, ngôi của Đức Chúa Trời, nơi Chúa Giê-xu Christ sẽ cai trị đời đời. Nếu Đức Chúa Trời cho phép con cháu Đa-vít bị đày qua Ba-by-lôn để tuyệt diệt trong cảnh lưu đày, thì lời hứa về ngôi đời đời dành cho con cháu Đa-vít đã không thể thành hiện thực.

Trong bối cảnh, câu này là một sự khích lệ cho những người Do Thái bị lưu đày, và cũng là một sự khích lệ lớn lao cho các Cơ Đốc Nhân ngày nay. Đức Chúa Trời không hề thay đổi, và Ngài giữ lời hứa của Ngài! Bởi vì Đức Chúa Cha đã giữ lời hứa sử dụng dân Do Thái trong chương trình cứu chuộc của Ngài nên cả thế gian mới có thể nhận được sự cứu rỗi qua Chúa Giê-xu Christ.

Đức Chúa Trời đã không bỏ rơi dân Ngài, cứu chuộc họ vì sự vinh hiển của Ngài và vì lợi ích của họ. Khi Chúa hứa rằng chúng ta được cứu, Ngài sẽ thực hiện lời hứa đó. Khi Chúa Giê-xu hứa sẽ trở lại với Hội-thánh của Ngài, chúng ta có thể tin Ngài. Như Chúa Giê-xu đã nói trong Tân Ước, nhiều thế kỷ sau, “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đâu” (Ma-thi-ơ 24:35). Đức Chúa Trời không thay đổi, cho dù con người hay thế giới có thay đổi thế nào đi nữa, những người tin Chúa có thể yên tâm rằng Ngài sẽ giữ lời hứa của Ngài.

Ai viết sách Giê-rê-mi?

Sách Giê-rê-mi là một trong ba sách tiên tri được gọi là Đại Tiên Tri. Tên sách được lấy theo tên tác giả. Giê-rê-mi, được gọi là đấng tiên tri than khóc, người đã viết phần lớn bản văn này trong thời gian dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày.

Vào thời điểm này trong lịch sử dân Do Thái, Y-sơ-ra-ên bị chia thành hai vương quốc: Y-sơ-ra-ên ở phía bắc và Giu-đa ở phía nam. Cả hai vương quốc đều bị các thế lực ngoại bang chinh phục trong thời kỳ này. Giê-rê-mi là nhà tiên tri chính của Giu-đa và những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn.

Ba-by-lôn và Vương-quốc Giu-đa đã xung đột trong nhiều năm, dẫn đến việc đế quốc Ba-by-lôn kéo quân chinh phục Giê-ru-sa-lem, phá hủy Đền-thờ và bắt dân Y-sơ-ra-ên làm phu tù. Sách Giê-rê-mi không chỉ bao gồm những lời tiên tri mà còn bao gồm thông tin tiểu sử, bài giảng và sứ điệp thi ca truyền đạt ý muốn của Chúa đến mọi người.

Nhà tiên tri cung cấp một số thông tin tiểu sử về bản thân ở phần đầu cuốn sách. Ông viết, “Đây là sứ điệp của Giê-rê-mi, con trai Hinh-kia, một trong những thầy tế lễ ở A-na-tốt, xứ Bên-gia-min. Đức Giê-hô-va đã phán lời nầy với ông vào năm thứ mười ba thời trị vì của Giô-si-a, con trai A-môn, vua Giu-đa” (Giê-rê-mi 1:1-2). Ông giới thiệu cha mình và chi phái của mình, cũng như thời gian ông bắt đầu nhận được lời tiên tri và sứ điệp từ Chúa.

Ông đã rao giảng khắp Y-sơ-ra-ên và bị bắt bớ nhiều; “Còn tôi, như chiên con ngoan ngoãn bị dắt đến lò sát sinh. Tôi không biết chúng âm mưu chống lại tôi. Chúng nói: ‘Hãy diệt cả cây và trái, loại nó khỏi đất người sống, để chẳng còn ai nhắc đến tên nó nữa’” (Giê-rê-mi 11:19). Mặc dù Đức Chúa Trời thường bảo vệ ông khỏi những sự bắt bớ này nhưng những lời tiên tri của Giê-rê-mi đều bị dân chúng phớt lờ.

Điều gì xảy ra trong Giê-rê-mi 29?

Chương 29 trong Sách Giê-rê-mi là một lá thư có sứ điệp cụ thể gửi đến một đối tượng cụ thể. Nhà tiên tri đã viết phân đoạn này cho những người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Những con người đang tuyệt vọng, xa cách gia đình và Đức Chúa Trời của họ. Đền thờ của Sa-lô-môn cũng bị phá hủy, làm tăng thêm phần tuyệt vọng.

Dân Y-sơ-ra-ên đã nhận được lời cảnh báo từ Chúa qua nhà tiên tri Giê-rê-mi rằng điều này sẽ xảy ra. Vì họ đã thờ Ba-anh và Mô-lóc, những thần giả được du nhập từ dân ngoại, vi phạm giao ước với Đức Chúa Trời nên Chúa cho phép Ba-by-lôn xâm chiếm xứ của họ. Người Do Thái bị bắt rời khỏi quê hương mình trong thời gian bảy mươi năm. Trong chương 29, nhà tiên tri đã viết để khích lệ những người bị lưu đày và cảnh báo họ cẩn thận với các tiên tri giả trong thời gian này.

Bức thư có thể được chia thành nhiều phần. Các câu 1-3 là lời giới thiệu, nêu rõ ai đã viết bức thư và khi nào. Những câu tiếp theo, 4-10, chứa đựng một sắc lệnh của Chúa dành cho người Do Thái phải tiếp tục sống, không được bỏ cuộc và phớt lờ những kẻ tự nhận là tiên tri của Đức Chúa Trời nhưng thực chất không hề được Đức Chúa Trời sai phái.

Đức Giê-hô-va vạn quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán với những người mà Ta khiến phải lưu đày từ Giê-ru-sa-lem qua Ba-by-lôn: ‘Hãy xây nhà mà ở; hãy trồng vườn cây mà ăn trái. Hãy cưới vợ và sinh con trai con gái. Hãy cưới vợ cho con trai, gả chồng cho con gái để chúng sinh con đẻ cái. Hãy gia tăng dân số tại đó chứ đừng giảm đi…. Đừng để cho bọn tiên tri, bọn thầy bói ở giữa các con lừa dối các con; cũng đừng nghe những kẻ bàn mộng mà mơ mộng hão huyền. Vì chúng nhân danh Ta mà nói tiên tri để lừa dối các con. Ta chẳng hề sai phái chúng.’” (Giê-rê-mi 29:4-6, 8-9)

Tiếp theo là lời hứa, một lời đảm bảo rằng Đức Chúa Trời không bỏ rơi dân Ngài. Trong phân đoạn này, các câu 10-14 chứa đựng câu Kinh Thánh nổi tiếng. Chúa đã phán qua nhà tiên tri của Ngài rằng, “‘Khi thời hạn bảy mươi năm cho Ba-by-lôn kết thúc, Ta sẽ thăm viếng các con, sẽ làm trọn lời hứa tốt lành cho các con, và đem các con trở về nơi nầy.’ Đức Giê-hô-va phán: ‘Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hy vọng. Bấy giờ các con sẽ kêu cầu Ta, chạy đến cầu khẩn Ta, và Ta sẽ nhậm lời các con. Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng.’” (Giê-rê-mi 29:10-13)

Đức Chúa Trời đã ban cho những người Y-sơ-ra-ên bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn một thời hạn. Câu 11 chứa đựng sự bảo đảm của Đức Chúa Trời rằng Ngài chưa hoàn tất việc sử dụng Y-sơ-ra-ên cho kế hoạch thiêng liêng của Ngài, và sẽ có những phước hạnh đến trong tương lai. Sau 70 năm, dân chúng sẽ trở lại với Chúa, và mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với dân Ngài sẽ được phục hồi.

Phân đoạn tiếp theo, các câu 15-23, chứa đựng lời nhắc nhở tại sao dân Chúa phải sống lưu vong. Việc họ thờ hình tượng và tin cậy vào các thần giả cùng các tiên tri giả đã vi phạm giao ước của họ với Đức Chúa Trời.

Y-sơ-ra-ên đã vi phạm giao ước nào?

Chúng ta cần hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiều giao ước trong nền văn hóa thời Kinh Thánh. Giao ước thường được so sánh với một lời hứa, nhưng có nhiều ý nghĩa hơn thế. Các giao ước được coi là ràng buộc và tồn tại suốt đời. Vì Chúa hằng sống nên lời hứa của Ngài còn mãi. Một trong những ví dụ điển hình nhất về loại giao ước này là cầu vồng, một dấu chỉ về lời hứa của Đức Chúa Trời với Nô-ê rằng Ngài sẽ không bao giờ hủy diệt trái đất bằng nước lụt nữa.

Hầu hết các giao ước đều yêu cầu cả hai bên phải làm một việc gì đó. Trong Sáng-thế Ký 17, Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ram, từ đó trở đi được gọi là Áp-ra-ham, khiến ông trở thành cha của nhiều dân tộc, với nhiều thế hệ được phước và các vị vua ra từ dòng dõi ông. Áp-ra-ham và những người nam trong dòng dõi mình trải qua mọi thế hệ đều phải chịu phép cắt bì như một dấu hiệu về giao ước của họ.

Lời hứa cụ thể giữa Y-sơ-ra-ên và Chúa mà dân Y-sơ-ra-ên đã vi phạm, dẫn họ vào cảnh lưu đày, đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua Cựu Ước. Nếu họ tuân giữ các điều răn của Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ở với họ. Một thông điệp cụ thể được gửi đến Sa-lô-môn minh họa cho mối quan hệ này và nhấn mạnh việc họ đã vi phạm giao ước như thế nào.

Chúa phán với Sa-lô-môn:

Về phần con, nếu con bước đi trước mặt Ta như Đa-vít, cha của con, đã bước đi, lấy lòng trọn lành và ngay thẳng mà làm theo tất cả những điều Ta đã truyền cho con, tuân giữ những luật lệ và mệnh lệnh của Ta, thì Ta sẽ làm cho ngôi nước con vững bền trên Y-sơ-ra-ên đến đời đời, đúng như Ta đã phán hứa với Đa-vít, cha của con, rằng: ‘Con sẽ chẳng hề thiếu người kế vị trên ngai Y-sơ-ra-ên.’ Nhưng nếu con hoặc con cháu của con quay khỏi Ta, không tuân giữ các điều răn và luật lệ Ta đã truyền phán, mà đi phục vụ các thần khác và thờ lạy chúng, thì Ta sẽ truất Y-sơ-ra-ên khỏi đất Ta đã ban cho họ. Còn đền thờ mà Ta đã biệt riêng ra thánh cho danh Ta thì Ta cũng sẽ loại bỏ khỏi mặt Ta; và Y-sơ-ra-ên sẽ trở thành đề tài cho mọi dân tộc đàm tiếu và chế nhạo.” (1 Các-vua 9:4-7)

Sa-lô-môn không chỉ cho phép những người vợ ngoại bang của mình thờ phượng và lập bàn thờ cho các vị thần của họ, mà con cháu của ông cũng thờ thần tượng trong nhiều năm trước khi Đức Chúa Trời loại bỏ họ khỏi xứ này. Tuy nhiên, như Ngài đã phán trong Giê-rê-mi 29:11, Ngài đã có kế hoạch khôi phục lại mối quan hệ đúng đắn của họ với Ngài.

Đâu không phải là ý nghĩ thực sự của Giê-rê-mi 29:11?

Câu Kinh Thánh này hứa hẹn sự phục hồi và cứu chuộc cho một dân tộc bị lưu đày sẽ dẫn đến sự cứu rỗi cho toàn nhân loại. Những lời này chứa đầy hy vọng và sự đảm bảo. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng được sử dụng đúng bối cảnh, khiến nhiều người hiểu lầm ý nghĩa thực sự của câu này là sự đảm bảo về phước lành và thịnh vượng. Điều này tạo ra cảm giác sai lầm về động cơ và mục đích của người tin Chúa khi theo đuổi những phước lành vật chất theo kiểu thế tục, thay vì tìm kiếm Chúa. Câu này chỉ bảo đảm với dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày rằng họ không bị Chúa của họ lãng quên, chứ không phải Ngài bảo đảm lợi ích vật chất cho những ai tin nơi Ngài.

Phải chăng điều này có nghĩa là Cơ Đốc Nhân không thể nhìn vào câu này để tìm kiếm hy vọng và sự khích lệ?

Chẳng hề như vậy!

Mặc dù câu Kinh Thánh này không đảm bảo sự giàu có và thành công về vật chất, nhưng nó hứa hẹn sự cứu chuộc, điều mà Cơ Đốc Nhân hiện đại trải nghiệm hàng ngày sau khi được tha thứ tội lỗi, nhờ sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu Christ. Đức Chúa Trời quả thật có một kế hoạch cho tất cả dân sự của Ngài, và Chúa Giê-xu thậm chí còn nói: “Hai con chim sẻ không phải chỉ bán được một đồng sao? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha các con. Ngay cả tóc trên đầu các con cũng được đếm hết rồi. Vì vậy, đừng sợ, vì các con quý giá hơn nhiều chim sẻ” (Ma-thi-ơ 10:29-31). Lẽ thật Chúa Giê-xu nêu ở đây cũng giống như lẽ thật trong Giê-rê-mi 29:11. Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, muốn cứu chuộc họ về với Ngài và Ngài đã hoạch định một chương trình cứu chuộc dành cho họ.

Sẽ có những thử thách và gian truân trên thế gian này, và Kinh Thánh không bao giờ hứa hẹn những người tin Chúa một cuộc sống không có nan đề. Có nhiều câu trong Cựu Ước và Tân Ước bảo đảm về tình yêu của Chúa và rằng Ngài sẽ giữ lời hứa của Ngài; Giê-rê-mi 29:11 là một trong những câu như vậy.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like