Home Chuyên Đề Khoa Học Về Sự Sống – Phần 8

Khoa Học Về Sự Sống – Phần 8

by Viethungpham.com
30 đọc
David Baltimore (sinh năm 1938)

Ngay từ bài đầu tiên trong chủ đề “Khoa học về sự sống”, chúng ta đã biết tờ Daily Telegraph ở Anh ngày 26/01/2019 nói không úp mở: Sinh học đã thất bại trong việc trả lời câu hỏi đó[1]

Tại sao thất bại? Vì nhiều người vẫn ôm lấy quan điểm lỗi thời của Lamarck – Darwin, rằng sự sống chỉ đơn giản là một cỗ máy vật lý – hóa học. David Baltimore, một trong những nhà sinh học giỏi nhất hiện nay, đã lên tiếng nhắc nhở rằng không, đặc trưng của sự sống không nằm ở các phản ứng hóa học …

Về nguyên tắc, một học sinh lớp 12 ngày nay, sau khi hoàn thành chương trình Di truyền học Mendel, sẽ đủ kiến thức để hiểu rằng các phản ứng hóa học, bất kể chúng xảy ra ở đâu và kéo dài bao lâu, sẽ không bao giờ tạo nên sự sống, nếu không được hướng dẫn hoặc điều hành bởi chương trình kiến tạo sự sống, tức mã DNA, hoặc thông tin của sự sống. Nói ngắn gọn, không có mã DNA thì không có sự sống.

Thiết tưởng đó là điều quá dễ hiểu. Nhưng có rất nhiều người không hiểu, hoặc không muốn hiểu. Đó là các nhà tiến hóa – những người đang theo đuổi những nghiên cứu được gọi là “tiến hóa hóa học” (chemical evolution) mà “ông tổ” chẳng phải ai khác Charles Darwin. Vì các nhà tiến hóa hóa học không biết rằng không có mã DNA thì không thể có sự sống nên họ tiếp tục húc đầu vào “bức tường đá” mà Darwin đã xây cho họ – các phản ứng hóa học khi đạt tới một ngưỡng nào đó sẽ ngẫu nhiên tạo nên sự sống đầu tiên, rồi sự sống ấy bắt đầu “tiến hóa”.

Thực ra cũng tội nghiệp cho Darwin, vì lúc đầu ông không dám nghĩ tới điều đó. Thật vậy, trong một bức thư ghi ngày 29/03/1863 gửi cho người bạn là John Dalton Hooker, Darwin viết:

Hiện nay ý tưởng về nguồn gốc sự sống bị coi là vớ vẩn; người ta nghĩ có lẽ ý tưởng về nguồn gốc vật chất cũng thế[2]

Ấy thế mà tám năm sau, ngày 01/02/1871, cũng trong một thư gửi cho ông bạn Hooker, Darwin lại quay về với cái ý tưởng “vớ vẩn” với lập trường thay đổi 180 độ, không coi nó là “vớ vẩn” nữa, mà nêu lên giả thuyết “nghiêm túc” về “cái ao nhỏ ấm áp”. Ông tưởng tượng trong cái ao nhỏ ấy có sẵn tất cả các vật liệu cần cho sự sống như ammonia, phosphoric, … rồi cái gì phải xảy ra sẽ xảy ra: trong một điều kiện môi trường thuận lợi, một nhiệt độ thích hợp, dưới tác động của tia sét, các hợp chất hóa học vô sinh tương tác với nhau sẽ ngẫu nhiên tạo ra protein, thành phần cơ bản của sự sống, rồi trải qua nhiều “tiến hóa” tiếp tục, sự sống đầu tiên sẽ ra đời[3].

Tại sao Darwin, từ lập trường coi vấn đề nguồn gốc sự sống là “vớ vẩn”, lại thay đổi không cho là “vớ vẩn” nữa, để rồi nêu lên giả thuyết “cái ao nhỏ ấm áp” – làm khổ các môn đệ của ông vì họ không tài nào chứng minh được giả thuyết đó? Đây là một ẩn số của lịch sử khoa học, xứng đáng làm một đề tài nghiên cứu.

Cũng tội nghiệp cho các môn đệ của Darwin, họ đã gắng hết sức để chứng minh Darwin đúng. Trong những năm 1920, Oparin ở Nga và Haldane ở Anh đã nâng cấp “cái ao nhỏ ấm áp” của Darwin lên thành “Nồi súp nguyên thủy”, hoặc “Nồi súp tiền sinh thái”. Tại sao phải nâng cấp? Vì “cái ao nhỏ ấm áp” của Darwin quá thô sơ, quá đơn giản, quá mơ hồ, cần phải làm cho nó phức tạp hơn, khả thi hơn, bằng cách bổ sung vào đó những phản ứng hóa học phù hợp với khoa học hiện đại hơn. Và không thể chỉ nói suông, mà phải tiến hành thí nghiệm để biến chuyện tưởng tượng của Darwin thành hiện thực. Đó là lý do ra đời thí nghiệm nổi tiếng mang tên “Thí nghiệm Urey-Miller” năm 1953. Vậy thí nghiệm này có thành công không? Có một thời báo chí đã làm rùm beng rằng đã chế tạo ra sự sống. Đó là nói dối, hoặc do dốt nát không hiểu mà nói sai sự thật. Ngày nay sự thật đã rõ, rằng thí nghiệm này hoàn toàn thất bại. Trong hàng đống lý do cho thấy thất bại, có lý do sau đây: acid amin được tạo ra trong Thí nghiệm Urey-Miller không phải là acid amin của sự sống, vì chúng đối xứng (hình thành phân tử thuận phải và phân tử thuận trái với số lượng cân bằng 50/50), tức là vi phạm Định luật Pasteur. Sinh học hiện đại biết rõ rằng tất cả các acid amin của sự sống đều thuận trái. Thí nghiệm Urey-Miller hoàn toàn thất bại trong việc chế tạo ra các acid amin bất đối xứng mà sự sống cần thiết.

Trang Wikipedia, một trang ủng hộ Thuyết tiến hóa, mặc dù vẫn quảng cáo cho Thí nghiệm Urey-Miller rằng đã tạo ra được các hợp chất hữu cơ trong các phản ứng hóa học ngẫu nhiên, những cũng đành phải thừa nhận sự thật là nhiều thí nghiệm hóa học lặp lại Thí nghiệm Urey-Miller vẫn không thể tạo ra các hợp chất bất đối xứng mà sự sống đòi hỏi, mà chỉ tạo ra những hợp chất “racemic” – tức là đối xứng, và do đó vi phạm Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống.

Vô tình, Thí nghiệm Urey-Miller đã chứng minh một sự thật chống lại Thuyết tiến hóa, rằng muốn có sự sống, phải có tác động của trí tuệ thông minh để định hướng và điều khiển các phản ứng hóa học sao cho các hợp chất hữu cơ được tạo ra sẽ có dạng BẤT ĐỐI XỨNG!

Đó là điều các nhà tiến hóa không hiểu hoặc không muốn hiểu!

Trí thông minh định hướng các phản ứng hóa học chính là mã DNA – thông tin của sự sống. Đó là điều đã ngầm được khẳng định bởi Di truyền học Mendel, và đã biểu lộ rõ ràng không thể chối cãi bởi khám phá ra cấu trúc của DNA năm 1953 bởi Francis Crick và James Watson.

Đứng trước những sự thật đã rõ như ban ngày ấy mà vẫn còn khư khư ôm lấy tư tưởng Darwin với tham vọng giải thích sự sống thì quả thật là … tội nghiệp!

Nhiều nhà sinh học thông minh tài ba đã thấy rõ cái tội nghiệp ấy, nên họ phải lên tiếng nhắc nhở. Một trong số đó là David Baltimore.

David Baltimore sinh ngày 07/03/ 1938, là một nhà sinh học – y khoa nổi tiếng người Mỹ, từng là chủ tịch nhiều đại học danh tiếng ở Mỹ. Ở tuổi 37, ông cùng với Howard Temin và Renato Dulbecco đoạt Giải Nobel về sinh lý học / y khoa năm 1975 “vì những khám phá của họ liên quan đến sự tương tác giữa virus khối u và vật liệu di truyền của tế bào”. Ông từng là Giáo sư sinh học xuất sắc của Viện Công nghệ California (Caltech), nơi ông giữ chức chủ tịch từ 1997 đến 2006. Ông cũng từng là chủ tịch của Đại học Rockefeller giai đoạn 1990 – 1991, người sáng lập và giám đốc Viện Nghiên cứu Y sinh Whitehead những năm 1982 – 1990, và là chủ tịch của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ năm 2007. Với những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực miễn dịch học, virus học, nghiên cứu ung thư, công nghệ sinh học và nghiên cứu DNA tái tổ hợp … Baltimore được xem là một trong số những người có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong nền sinh học và y khoa hiện đại. Ông đã đào tạo nhiều tiến sĩ và hậu tiến sĩ, trong đó có những người có những công trình khoa học nổi bật. Ngoài Giải Nobel, ông đã nhận được một số giải thưởng, bao gồm Huân chương Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ năm 1999. Baltimore có chân trong Hội đồng tài trợ cho “Tạp chí các nhà khoa học nguyên tử” (Bulletin of the Atomic Scientists), một tạp chí luôn nhắc nhở nhân loại về những nguy cơ hủy diệt nhân loại. Ông cũng là cố vấn khoa học cấp cao cho Liên minh từ thiện khoa học.

Với tư cách của một trong những nhà sinh học hàng đầu thế giới như thế, Baltimore đưa ra một tuyên bố rất rõ ràng về bản chất sự sống, làm nản lòng các nhà tiến hóa, rằng:

“Sinh học hiện đại là một khoa học về thông tin… Sự sống rõ ràng là một hiện tượng hóa học, nhưng đặc trưng phân biệt của nó không nằm trong những phản ứng hóa học. Thực ra bí mật của sự sống nằm trong những đặc trưng về thông tin; một tổ chức sống là một hệ xử lý thông tin phức tạp”[4].

Tại sao các nhà tiến hóa nản lòng khi nghe những tuyên bố như thế?

Vì họ buộc phải trả lời thông tin sự sống từ đâu mà ra. Họ muốn chứng minh rằng thông tin ấy, rốt cuộc, cũng từ các phản ứng hóa học mà ra. Nếu không chứng minh được điều này thì Thuyết tiến hóa sẽ sụp đổ. Tất nhiên các nhà tiến hóa không muốn lý thuyết của họ sụp đổ. Vì thế họ lao vào nghiên cứu theo hướng chứng minh rằng tất cả đều bắt nguồn từ các phản ứng hóa học. Độc giả có thể thấy rõ điều này trong cuốn sách sau đây:

“5 vấn đề lớn nhất chưa giải quyết được trong khoa học” của Charles Wynn và Arthur Wiggins, do NXB Dân trí xuất bản năm 2015, Chương 3: Hóa học, trang 53 – 95.

Toàn bộ nội dung chương này dành cho vấn đề NGUỒN GỐC SỰ SỐNG. Điều này có nghĩa là, dưới con mắt của hai tác giả, vấn đề Nguồn gốc sự sống là bài toán của hóa học, thay vì sinh học (!!!).

Câu hỏi lớn được nêu lên ở ngay đầu Chương 3 này là: “Các nguyên tử đã hình thành nên những dạng sống đầu tiên thông qua chuỗi phản ứng hóa học nào?”.

Có nghĩa là các tác giả này nói cho chúng ta biết rằng mục tiêu của các nhà “tiến hóa hóa học” là khám phá ra phản ứng hóa học nào sẽ tạo ra sự sống.

Thiết nghĩ, chúng ta có đủ lý lẽ để khẳng định rằng đây là một ảo tưởng, nhưng chưa cần đưa ra lý lẽ, chỉ cần có một trực giác mẫn tiệp cũng đủ để thấy rõ tham vọng của tiến hóa hóa học là ảo tưởng.

Trong 42 trang sách của Chương 3 trình bày các giả thuyết về nguồn gốc sự sống, cơ cấu phức tạp của tế bào, bao gồm DNA, RNA … nhiều vấn đề khoa học khá phức tạp, nhưng nội dung chính vẫn là sự “tiến hóa hóa học” sẽ dẫn đến sự ra đời của sự sống, và tư tưởng ấy đã được hai tác giả trong sơ đồ ở trang 56, như sau:

Tất cả có 6 mũi tên. Dễ dàng nhất trí với tác giả trong 5 mũi tên đầu tiên, nhưng không có bất cứ bằng chứng nào hoặc dữ liệu nào để có thể nhất trí với tác giả ở mũi tên cuối cùng. Vậy sơ đồ trên có ý nghĩa gì? Nó vô nghĩa, vì chẳng nói lên được điều gì cả. Mấu chốt vẫn là ở chỗ tại sao một hệ phân tử có độ phức tạp cao có thể bỗng nhiên khai sinh ra sự sống? Đó là cuộc “đại nhảy vọt” bất khả thi!

Chính các tác giả, sau 42 trang dẫn ra quá nhiều chi tiết phức tạp, vẫn cảm thấy không đủ thuyết phục, nên đã đặt câu hỏi kết ở trang 95:

“Tại sao các nhà khoa học lại đi tìm hiểu những vấn đề lớn lao và đầy trở ngại như vấn đề nguồn gốc sự sống?”

Quả thật, nguồn gốc sự sống là vấn đề quá lớn lao và quá nhiều trở ngại, như Francis Crick đã phải thốt lên rằng “sự sống gần như là một phép lạ”, còn Lord Kelvin từ lâu đã khẳng định rằng khoa học động lực học (vật lý và hóa học) không thể giải thích bí mật của sự sống …

Một người thông minh sẽ nghĩ rằng bí mật cuối cùng của sự sống nằm trong bí mật của nguồn gốc thông tin của sự sống – ai viết ra thông tin của sự sống? Câu hỏi này rõ ràng là vượt quá vật lý và hóa học.

Nhưng vì trung thành với tư tưởng của Lamarck – Darwin coi sự sống là một cỗ máy vật lý – hóa học, hai tác giả Wynn và Wiggins vẫn cứ luẩn quẩn đi tìm nguồn gốc sự sống từ các phản ứng hóa học. Họ đã lạc đường đến mức thốt lên:

“Và điều chúng ta cần chính là một Pasteur của thế kỷ 21!” (trang 95).

Có nghĩa là họ thừa nhận Louis Pasteur là một thiên tài, có thể giải được mọi bài toán thách đố! Vậy nếu Pasteur sống lại, ông sẽ nói gì về nguồn gốc sự sống?

Ông sẽ nhắc lại: “Sự sống chỉ ra đời từ sự sống!”, có nghĩa là Pasteur sẽ bác bỏ cái gọi là “tiến hóa hóa học”.

Ngày xưa, Pasteur từng giận dữ tuyên bố: “Học thuyết sự sống hình thành tự phát là một ảo tưởng!”.

Bây giờ, nếu ông sống lại, tôi đoán là ông sẽ giận dữ tuyên bố:

“Thuyết tiến hóa hóa học là một ảo tưởng!”.

PVHg, 02/08/2023

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com


[1] https://viethungpham.com/2023/07/25/the-study-of-life-khoa-hoc-ve-su-song-1/

[2] “5 vấn đề lớn chưa giải quyết được trong khoa học”, Charles Wynn & Arthur Wiggins, NXB Dân Trí, 2015, trang 53.

[3] Khoa học về sự sống (2) > https://viethungpham.com/2023/07/26/the-study-of-life-khoa-hoc-ve-su-song-2/

[4] Obviously, life is a chemical phenomenon, but its distinctiveness lies not in the chemistry as such. The secret of life comes instead from its informational properties; a living organism is a complex information-processing system. > Spontaneous life … dead in the water, John Sanford > https://viethungpham.com/2022/08/06/spontaneous-life-dead-in-the-water-hoc-thuyet-su-song-tu-phat-chet-cung/

Bình Luận:

You may also like