Home Chuyên Đề Chẳng Có Danh Nào Khác

Chẳng Có Danh Nào Khác

by Sưu Tầm
30 đọc

Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu.(Công-vụ 4:12)

Gần khuôn viên trường Đại Học Northwestern ở ngoại ô Chicago có một ngôi đền rộng lớn được xây dựng theo tín ngưỡng Bahá’í. Đó là một công trình kiến ​​trúc tráng lệ, với chín cổng vòm—tượng trưng cho chín tôn giáo lớn trên thế giới—tất cả đều dẫn đến một khán phòng trung tâm. Kiến trúc này nhằm biểu thị nhiều con đường dẫn đến “chân lý”.

Tư duy này không khác nhiều so với môi trường văn hóa nơi Sứ-đồ Phao-lô từng sống. Đế Chế La Mã rất cởi mở, suy nghĩ thoáng và sẵn sàng tiếp thu mọi tôn giáo. Thật vậy, La Mã đã có một bộ sưu tập khổng lồ các thần tượng và các vị thần trong đền thờ của mình, bày tỏ lòng tôn kính đối với niềm tin vào nhiều con đường dẫn đến chân lý.

Vậy thì làm sao một nền văn hóa đa thần, cởi mở như vậy lại khiến những Cơ Đốc nhân làm mồi cho sư tử ở đấu trường La Mã? Tại sao Hoàng Đế Nero lại nhắm vào các tín đồ Cơ Đốc giáo, thậm chí còn đi xa đến mức sử dụng thân thể họ như những ngọn đuốc sống để thắp sáng các bữa tiệc của mình?

Câu trả lời nằm ở một thực tế đơn giản: Văn hóa La Mã không thể và sẽ không chấp nhận Cơ Đốc giáo bởi vì những Cơ Đốc nhân không sẵn sàng đặt Đấng Christ ngang hàng với các thần tượng trong đền thờ. Đúng hơn, họ bám chặt vào lẽ thật rằng không có sự cứu rỗi nào khác ngoài danh Chúa Giê-xu; như Phi-e-rơ và Giăng đã can đảm nói với tòa án Do Thái đã kết án tử hình Chúa Giê-xu. Trong văn hóa La Mã thế kỷ thứ nhất, ngay khi người ta tuyên xưng niềm tin này, họ đã bị khinh miệt, chế nhạo, thậm chí đôi khi còn bị kết án tử hình.

Trên thực tế, chủ nghĩa đa nguyên không dễ chấp nhận và thường không khoan dung đối với những người bác bỏ quan điểm của nó rằng mọi con đường đều có giá trị như nhau. Khoảng 2.000 năm sau, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một môi trường không thể so sánh được với Đế Chế La Mã, mặc dù may mắn là các cuộc đàn áp có vẻ ít tàn bạo hơn. Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh, với một Đấng Christ sẽ tái lâm trong vinh quang, một quyển Kinh Thánh không sai sót, và một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là một sự xúc phạm đến một thế giới đa nguyên.

Tuy nhiên, bất chấp những gì thế giới xung quanh chúng ta có thể tin tưởng, Chúa Giê-xu không được đặt trên bệ thờ bên cạnh các thần giả hoặc các nhân vật tôn giáo khác. Ngài không phải là một trong số những cánh cổng dẫn đến chân lý mà Ngài là con đường duy nhất. Như thần Đa-gôn của người Phi-li-tin đã ngã xuống và bị vỡ tan trước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va (1 Sa-mu-ên 5:1-4), tất cả những thần khác sẽ chẳng là gì khi đem so với Ngài. Thông điệp đó không phổ biến, nhưng vẫn đúng—và thật tuyệt vời, vì nếu không có Chúa Cứu Thế bị đóng đinh thì sẽ không có con đường nào dẫn đến sự sống đời đời, vì mọi con đường khác chỉ dẫn đến sự chết.

Một ngày nào đó Đức Phật, Muhammad và mọi tiên tri giả khác sẽ cúi đầu dưới chân Chúa Giê-xu và tuyên bố rằng Ngài là Chúa, để tôn vinh Đức Chúa Cha. Cho đến khi ngày đó đến, hãy bám chặt vào lẽ thật và tìm cách hướng mọi người đến với Đấng là đường đi, lẽ thật và sự sống mà tất cả chúng ta cần (Giăng 14:6). Chính những người tin Chúa không bỏ cuộc và không giữ im lặng đã thay đổi Đế Chế La Mã; nhờ ân điển của Chúa, chúng ta cũng có thể biến đổi thế giới ngày nay khi chúng ta noi theo bước chân của họ.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: truthforlife.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like