Bạn có bao giờ tự hỏi làm thế nào để nhận ra tiếng Chúa không? Có thể bạn đang thắc mắc liệu đó có phải là suy nghĩ của mình hay đúng là Chúa đang phán với bạn? Tôi thường mong Chúa phán với chúng ta như cách Ngài đã làm trong Cựu Ước (tiếng phán trực tiếp từ trời, từ bụi gai cháy, trong giấc mơ sống động, hoặc xuyên qua những đám mây…). Có vẻ như chúng ta luôn gặp khó khăn trong việc phân biệt tiếng Chúa với suy nghĩ của chính mình, hay tệ hơn nữa là tiếng nói của kẻ thù. Nhưng, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Chúa là Cha yêu thương, Đấng muốn trò chuyện với tất cả chúng ta. Đôi khi Ngài phán theo những cách mà chúng ta không ngờ tới vì chúng ta có xu hướng tưởng tượng ra những cách cao siêu hơn thế.
Thử nghĩ mà xem, nếu Chúa phán với chúng ta qua bụi gai cháy, tiếng sấm truyền hoặc một con vật biết nói (như Ngài đã làm với con lừa của Ba-la-am trong Kinh Thánh), bạn tưởng tượng chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Không còn nghi ngờ gì nữa, đường dây liên lạc của Chúa thực sự là không có giới hạn. Nhưng vấn đề là Chúa biết cách chạm đến tấm lòng của mỗi một người trong chúng ta và bày tỏ chính mình Ngài theo những cách mà chúng ta có thể cảm nhận được. Chẳng phải thật ấm lòng khi biết rằng Chúa quan tâm và yêu thương chúng ta sâu sắc đến nỗi Ngài cung cấp những cách riêng để chúng ta giao tiếp với Ngài, chứ không phải là kiểu trò chuyện một chiều?
Mặc dù vậy, việc lắng nghe tiếng Chúa đòi hỏi phải thực hành sự kiên nhẫn và học được nghệ thuật tĩnh lặng. Chúng ta cũng phải lưu tâm đến “tiếng nói” mà chúng ta đang giao tiếp: tiếng nói của chính bạn, của kẻ thù hoặc tiếng Chúa. Mặc dù tiếng nói bên trong chúng ta thường điều chỉnh theo ý thích và mong muốn của chúng ta, nhưng đôi khi nó có thể không phù hợp với ý Chúa và Lời Ngài do bản chất tội lỗi của chúng ta. Tiếng nói của kẻ thù thường trịch thượng, có tính lên án, chỉ trích, mang đến sự trách móc, cay đắng. Tiếng Chúa sẽ chỉ ra tội lỗi của bạn một cách đầy thuyết phục, nhưng sẽ luôn dẫn bạn trở về với lẽ thật, ban cho bạn sự tự do được bao bọc trong sự tha thứ. Những lời của Ngài được nói ra với tình yêu thương và lòng trắc ẩn, được bao phủ bởi sự khôn ngoan, mang đến niềm hy vọng và sự chữa lành.
Vậy, làm thế nào chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa mà không bị bối rối giữa những âm thanh khác?
1. Bắt đầu với một nỗ lực đơn giản
“Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta.” (Giăng 10:27)
Phần lớn, “thì giờ tĩnh nguyện” của chúng ta thường là một khoảng thời gian cố định. Và mặc dù Chúa xứng đáng nhận được sự quan tâm trọn vẹn của chúng ta, nhưng chúng ta phải hiểu rằng có những giai đoạn trong cuộc sống mà việc tìm kiếm một nơi yên tĩnh trong mười hoặc mười lăm phút là điều gần như không thể.
Điều tuyệt vời về Chúa của chúng ta là Ngài luôn hiện diện và gặp gỡ chúng ta dù chúng ta đang ở đâu. Đó có thể là khi chúng ta đang vật lộn với đống quần áo cần được giặt hoặc đang ngồi trong bãi đậu xe của cửa hàng tạp hóa, Ngài kêu gọi chúng ta dừng lại một chút và chú ý đến Ngài dù chỉ trong chốc lát. Vì vậy, hãy dành một hoặc hai phút yên lặng và suy ngẫm về Ngài. Nhịp sống vội vã thường không cho phép chúng ta dừng lại và nghỉ ngơi, nhưng khi chúng ta học được nghệ thuật tĩnh lặng, chúng ta sẽ có thể mở lòng để bước vào sự hiện diện của Ngài ở bất cứ đâu.
Xã hội của chúng ta đã thành thạo nghệ thuật bận rộn, hướng tới nhiều phiền nhiễu, đặc biệt là với các thiết bị cầm tay và để cho tâm trí mình lang thang đây đó khi chúng ta không có việc gì cụ thể để làm. Mặc dù về bản chất, những điều đó không hẳn là xấu, nhưng chúng ta phải nhận ra rằng kẻ thù sử dụng những khoảng trống đó làm công cụ để kéo chúng ta rời xa Chúa. Chúng ta phải tránh cho mình không bị hòa tan vào nền văn hóa hiện tại.
Bạn ơi, thời gian chúng ta ở với Chúa, ngồi trong sự hiện diện của Ngài và cố gắng lắng nghe tiếng Ngài cần phải được thực hành—thực hành rất nhiều. Hãy dành một chút thời gian mỗi ngày để ở trong sự tĩnh lặng. Bắt đầu từ một hai phút rồi tăng dần lên. Hãy trò chuyện với Chúa và xin Ngài bày tỏ cách Ngài đang vận hành trong đời sống bạn.
2. Cầu nguyện với lòng xác tín
“Vì vậy Ta bảo các con, bất cứ điều gì các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin rằng mình đã nhận được rồi, thì các con sẽ được điều ấy.” (Mác 11:24)
Chúng ta rất dễ bị mắc kẹt trong lối mòn của đời sống cầu nguyện, đặc biệt nếu bạn có con nhỏ.
Về cơ bản, bạn biến việc cầu nguyện trở thành khuôn mẫu vào những thời điểm nhất định, chẳng hạn như trước bữa ăn và giờ đi ngủ. Trước khi chúng ta nhận ra điều đó, theo thời gian, những lời cầu nguyện của chúng ta trở nên khô khan và chứa đầy những câu nói thuộc lòng thay vì thể hiện tình cảm chân thành.
Chúa xứng đáng nhận được nhiều hơn thế. Ngài xứng đáng với những lời cầu nguyện chân thành nhất của chúng ta, và điều tuyệt vời nhất là Ngài mong muốn được giao tiếp với chúng ta! Vì vậy, nếu chúng ta thực sự muốn nghe và phân biệt được tiếng phán của Ngài, chúng ta cần biết cách cầu nguyện với lòng xác tín. Lần cuối cùng bạn dốc đổ tấm lòng mình cho Chúa là khi nào? Ý tôi là, chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn, nỗi đau, thực tế đau lòng sâu thẳm nhất của bạn và phơi bày toàn bộ tâm hồn bạn? Bởi vì đó chính xác là điều Chúa đang tìm kiếm.
Lời cầu nguyện của chúng ta nên bắt đầu bằng việc nhận biết Đức Chúa Trời là ai, tạ ơn Ngài vì những phước lành mà Ngài đã ban, tìm kiếm ý muốn của Ngài, chia sẻ những nhu cầu của chúng ta, cầu xin sự tha thứ tội lỗi và kết thúc bằng việc nhận ra quyền tể trị của Ngài.
3. Ngợi khen và thờ phượng
“Hãy đến cúi xuống mà thờ lạy Đức Giê-hô-va; Hãy quỳ gối xuống trước Đấng Tạo Hóa của chúng ta!” (Thi-thiên 95:6)
Có rất nhiều câu Kinh Thánh chứng thực giá trị và tầm quan trọng của việc ngợi khen và thờ phượng. Mục đích của sự ngợi khen và thờ phượng là tôn cao Đức Chúa Trời qua những lời hát của chúng ta đồng thời mở ra một con đường giúp chúng ta tiếp cận tấm lòng Ngài.
Bạn đã bao giờ hát trong hội thánh, nghe một bài hát thờ phượng trên radio rồi đột nhiên cảm thấy mình được đụng chạm chưa? Bạn nổi da gà, nước mắt trào ra và tấm lòng bạn cảm thấy nóng cháy cho Chúa..
Đúng vậy, có một sự tương tác tuyệt vời với Đức Chúa Trời toàn năng thành tín của bạn khi bạn mở miệng và hát ngợi khen Ngài!
Chúng ta có khả năng tuyệt vời và sự tự do để trải nghiệm sự hiện diện của Chúa qua sự ngợi khen và thờ phượng của mình, nhưng ngay cả trong khoảnh khắc đó, qua sức mạnh của bài hát, tiếng ca của chúng ta cũng có thể hòa cùng với tiếng phán của Ngài.
Chúa cũng có thể mạc khải hoặc phán với chúng ta, chạm đến tấm lòng chúng ta theo những cách nào đó qua lời ngợi khen của chúng ta. Lời Chúa nói rằng chúng ta cũng sẽ vui mừng và ngợi khen Chúa trên thiên đàng (Khải-huyền 5:13), vì vậy lời khen ngợi của chúng ta là vô giá đối với Ngài. Điều tuyệt vời nhất là khi chúng ta ca ngợi danh thánh của Ngài qua sự thờ phượng, ca hát và nhảy múa, chúng ta sẽ có được một cái nhìn thoáng qua về cõi đời đời.
4. Suy ngẫm Kinh Thánh
“Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12)
Tất cả chúng ta đều nghe nói rằng Chúa phán với chúng ta qua Lời Ngài (Kinh Thánh), nhưng có bao giờ bạn tra cứu Kinh Thánh và thất vọng vì không thể liên lạc được với Chúa chưa? Bạn muốn kết nối với Ngài, nhưng Ngài dường như đã đóng mọi đường dây liên lạc. Sự thật là chúng ta rất dễ bị phân tâm hoặc bị cản trở về mặt tinh thần và cuộc sống bận rộn vội vã của chúng ta cướp đi thời gian của chúng ta với Chúa đến nỗi tạo ra rào cản giữa chúng ta với ngài. Chưa kể, chúng ta chỉ là con người, và sự bất tuân, không thực sự lắng nghe, những kỳ vọng viển vông và tội lỗi rất dễ dàng cản trở chúng ta.
Vậy, làm thế nào chúng ta có thể đào sâu vào Lời Ngài đủ để nghe được tiếng Ngài? Hãy bắt đầu bằng việc cầu nguyện và mời Chúa bước vào khoảng thời gian ngọt ngào đó. Hãy cầu xin Ngài loại bỏ những phiền nhiễu và bày tỏ Lời Ngài cho bạn. Sau đó, hãy đọc và suy gẫm Lời Ngài. Đọc một đoạn Kinh Thánh ngắn và cố gắng hiểu ngữ cảnh. Hãy đánh dấu, khoanh tròn những từ mà bạn quan tâm. Hãy xin Chúa tiết lộ mục đích của Ngài trong phân đoạn đó, cầu xin Ngài làm cho Lời Ngài “trở nên sống động với bạn”. Sau đó hãy áp dụng lời ấy vào đời sống của bạn.
5. Ghi lại những suy nghĩ của bạn
“Đức Giê-hô-va trả lời và bảo tôi:“Hãy chép lấy khải tượng;và ghi nó rõ ràng trên một tấm bảng, để người đang chạy có thể đọc được.” (Ha-ba-cúc 2:2)
Tiên tri Ha-ba-cúc đã kêu cầu Chúa, tìm kiếm sự khôn ngoan của Ngài trong những thời điểm không chắc chắn. Giê-ru-sa-lem đầy dẫy tội ác đến nỗi ông đặt câu hỏi tại sao Chúa lại im lặng. Đức Chúa Trời đã tiết lộ rằng vào thời điểm đã định, kế hoạch của Ngài sẽ diễn ra. Đức Chúa Trời đang yêu cầu Ha-ba-cúc tin cậy Ngài và viết ra khải tượng của Ngài để bất cứ ai cũng có thể đọc được nó và chia sẻ với người khác.
Có thể lúc này Chúa dường như im lặng với bạn, mặc dù bạn đang nhiệt thành tìm kiếm Ngài. Có thể Ngài đang phán với bạn, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Có thể Chúa đang mời gọi bạn tin cậy Ngài như Ngài đã làm với Ha-ba-cúc. Bạn ơi, cho dù bạn đang ở đâu trong hành trình đức tin hay vẫn đang đồng bước đi với Chúa, bạn có thể ghi lại những suy nghĩ của mình và, theo thời gian, hãy xem lại để thấy Chúa tốt lành và thành tín biết bao!
Việc viết điều gì đó ra giấy cũng mang tính giải tỏa và chữa lành. Bằng cách viết ra những lời cầu nguyện, những khải tượng, những câu Kinh Thánh nổi bật và tất cả những tương tác của bạn với Ngài, bạn sẽ hiểu được tấm lòng mình và cũng bằng cách đó chạm đến tấm lòng của Chúa chúng ta. Tôi khuyên bạn nên ghi ngày tháng trong những lần tương tác của mình và xem lại chúng thường xuyên vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận biết được nhiều cách Chúa phán với chúng ta cho đến khi chúng ta nhìn lại. Đức tin chúng ta sẽ được củng cố khi đọc lại những lần Ngài đáp lời cầu nguyện hoặc ban cho chúng ta một số câu Kinh Thánh để chuẩn bị chúng ta cho những điều sắp đến. Chúa là Đấng thành tín như vậy, vậy nên hãy tin cậy Ngài và viết ra những điều Chúa đặt để trong lòng bạn.
Hãy rèn luyện tính kiên nhẫn và bạn sẽ lắng nghe tiếng Ngài
Hãy tìm kiếm Ngài trong thì giờ cầu nguyện, ngợi khen và thờ phượng. Hãy ngồi trong sự hiện diện của Ngài, đọc và suy ngẫm Lời Ngài, để Lời Ngài rửa sạch bạn và ghi lại những suy nghĩ của bạn. Theo thời gian, Chúa sẽ bày tỏ chính Ngài cho bạn, rất có thể theo những cách nhẹ nhàng, tinh tế. Chỉ cần yên lặng và lắng nghe; đến lúc nào đó, Ngài sẽ thu phục được trái tim bạn và bạn cũng hiểu được tấm lòng Ngài.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com