Home Chuyên Đề 4 Bài Học Từ Sự Thành Công Phi Thường Của Các Hội Thánh Châu Phi

4 Bài Học Từ Sự Thành Công Phi Thường Của Các Hội Thánh Châu Phi

by ChristianToday
30 đọc

Tại sao đức tin ở Châu Phi nở rộ đẹp đẽ, trong khi Cơ-đốc giáo phương Tây lại đang suy tàn? Dưới đây là 4 thói quen chúng ta nên học hỏi từ những người anh chị em châu Phi của mình.

Người ta đã nói nhiều về sự phát triển nhanh chóng của Cơ-đốc giáo ở Châu Phi chỉ trong một thế kỷ. Có nhiều số liệu thống kê minh họa cho sự thay đổi mạnh mẽ này. Chẳng hạn, Trung-tâm Nghiên-cứu Cơ-đốc giáo Toàn-cầu báo cáo rằng năm 2018, lần đầu tiên Châu Phi có nhiều Cơ-đốc nhân hơn bất kỳ châu lục nào khác (631 triệu), trong khi năm 1900 chỉ có 9.6 triệu Cơ-đốc nhân, và năm 2000 có 384 triệu.

Tất nhiên, Châu Phi là một trong những ngôi nhà đầu tiên của đức tin trong những ngày đầu của lịch sử Hội-thánh. Một trong những nhà thần học vĩ đại nhất của chúng ta, Thánh Augustine thành Hippo, xuất thân từ Cơ-đốc giáo châu Phi thời kỳ đầu, cũng như các giáo phụ quan trọng khác của Hội-thánh. Tuy nhiên, những khu vực này hầu hết đã bị chinh phạt bởi người Hồi Giáo vào đầu thế kỷ 20, ngoại trừ Ethiopia và các nhóm thiểu số kiên cường như Giáo-hội Chính Thống Giáo Coptic ở Ai Cập. Người dân ở các khu vực Châu Phi khác hầu hết đều theo các niềm tin tâm linh bản xứ. Gần đây, các công tác truyền giáo Cơ-đốc đã dẫn tới sự lan truyền phi thường trên khắp lục địa.

Có lẽ số liệu thống kê quan trọng nhất không chỉ là ở con số những người nhận mình là Cơ-đốc nhân đang ngày càng gia tăng – mà còn có sự khác biệt rất lớn về mức độ cam kết theo Chúa. Một nghiên cứu năm 2018 bởi Pew Research Center cho thấy người Châu Phi nằm trong số những Cơ-đốc nhân theo Chúa tận tâm nhất trên thế giới (thấp nhất là người Châu Âu). Người Châu Phi cầu nguyện thường xuyên hơn, đi nhóm đều đặn hơn, và xem đức tin là điều quan trọng trong đời sống mình hơn những Cơ-đốc nhân ở nơi khác. “Cuộc khảo sát cho thấy có ít nhất 4 trong số 5 Cơ-đốc nhân ở Nigeria, Liberia, Senegal, Cameroon, và Chad cầu nguyện mỗi ngày… Ở mỗi nước châu Phi được khảo sát, hơn 60% Cơ-đốc nhân nói họ đi nhóm ở hội thánh ít nhất hàng tuần”, báo cáo của Pew cho biết.

Gần đây tôi có phỏng vấn Mục-sư Agu Irukwu sinh ở Nigeria, người đang lãnh đạo một trong những hội thánh lớn nhất ở Anh, Hội-thánh Jesus House for All Nations. Ông sinh trưởng và đến với đức tin ở quê nhà, nhưng đã làm công tác mục vụ ở London trong nhiều năm, nên có hiểu biết sâu sắc về những khác biệt trong văn hóa hội thánh. Ông đưa ra một số gợi ý về sự thành công của các hội thánh châu Phi:

1. Cầu Nguyện

Một điều mà tôi có thể khuyến khích bất kỳ Cơ-đốc nhân nào, đó là hãy phát triển một đời sống cầu nguyện mạnh mẽ”, mục sư Agu nói. “Cũng có rất nhiều điều đáng học hỏi từ những khu vực đang phát triển trên thế giới, nơi hội thánh đang tăng trưởng, không chỉ ở châu Phi. Sự kết ước trong việc cầu nguyện và niềm tin rằng Đức Chúa Trời có đáp lời cầu nguyện – đã ăn sâu vào văn hóa hội thánh ở châu Phi.

Vài năm trước, tôi có tham dự một khóa bồi linh cuối tuần ở hội thánh đa văn hóa tại một trung tâm Cơ-đốc lớn. Chúng tôi chia sẻ khuôn viên rộng lớn này với một hội thánh đa số là người da đen. Tôi có một ký ức sống động khi đi ăn sáng lúc 8g30 cùng với những tín hữu còn buồn ngủ của hội thánh mình, và cảm thấy xấu hổ khi đi qua căn phòng nhỏ là nơi ở của các anh chị em hội thánh người da đen. Họ đang cùng nhau nhiệt tình cầu nguyện trong căn phòng nhỏ, nhiệt tình cầu thay theo nhóm, và họ đã hăng hái làm điều này từ sớm, khi chúng tôi còn đang ngủ.

2. Kiêng Ăn

Trong văn hóa Châu Phi, kiêng ăn được xem là rất quan trọng, không chỉ trong Mùa Chay. “Bạn không thể trốn tránh việc Kinh Thánh khuyến khích chúng ta kiêng ăn, điều gần như không tồn tại trong nhiều hội thánh phương Tây,” Mục-sư Agu nói. Khi gặp một nan đề hay cần tìm kiếm Chúa, các hội thánh Châu Phi sẽ kiêng ăn. Ví dụ, việc khởi xướng cho sự hiệp nhất ở Nigeria năm ngoái đã được hỗ trợ bởi 40 ngày kiêng ăn.

Hiểu theo Kinh Thánh, sự kiêng ăn là tăng cường cầu nguyện”, Oyewole Akande, một chấp sự ở Hội-thánh Sovereign Grace Bible Church ở Nigeria viết cho báo The Gospel Coalition Africa. “Đó là quyết định dành ra một khoảng thời gian để tập trung dâng trình một vấn đề cụ thể lên trước Chúa trong sự cầu nguyện. Việc kiêng ăn loại bỏ mọi thứ gây phân tâm, kể cả những thú vui cần thiết như ăn và uống, để tìm kiếm mặt Chúa với một lời cầu xin cụ thể.

Nhiều người trong chúng ta quá thoải mái trong thế giới sa ngã này, cảm thấy không có áp lực nào để phải ngắt kết nối với nó. Vậy nên chúng ta phải vất vả đấu tranh với ý nghĩ sự thiếu thoải mái của mình là đang theo ý Chúa.

3. Đức Tin Và Suy Nghĩ Tích Cực

Một đức tính tốt đẹp khác mà tôi thường thấy ở Cơ-đốc nhân Châu Phi là cái nhìn tích cực, lạc quan, gắn liền với niềm tin rằng Đức Chúa Trời có thể biến bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào trở nên tốt hơn. “Tin rằng không có gì Chúa không thể làm, và tràn đầy hy vọng về ngày mai, dù hôm nay có tệ thế nào đi nữa – [hội thánh châu Phi] rất lạc quan về mặt này,” Mục-sư Agu nói. Tin theo lời Kinh Thánh và tin tưởng vào tình yêu thương cũng như lời hứa của Đức Chúa Trời là những đặc tính rất đáng khen ngợi của Cơ-đốc nhân Châu Phi.

4. Sống Đơn Giản

Ấn tượng tiêu cực khi nghĩ đến Châu Phi là cho rằng đó là một nơi nghèo đói: ở Châu Phi vẫn có những người giàu, và vài bộ phận trong nền kinh tế của họ đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, cũng công bằng khi nói rằng có nhiều dòng tiền đang chảy vào những nước phương Tây phát triển hơn. Phải chăng đây là lý do cho sự khô hạn trong tâm linh của chúng ta?

Hồng-y Robert Sarah, một linh mục Công-giáo có ảnh hưởng, đã viết những lời gây kinh ngạc trong cuốn sách “God or Nothing: A Conversation on Faith” (tạm dịch là “Có Chúa Hay Không Có Gì Cả: Một Cuộc Đối Thoại Về Đức Tin”). Ông có những nhận định tích cực về sự nghèo khó – phân biệt nghèo khó với sự cùng quẫn, là điều ta cần phải loại trừ. “Nghèo khó là một giá trị Cơ-đốc”, ông nói. “Người nghèo là người biết rằng họ không thể sống chỉ dựa vào mình. Họ cần Đức Chúa Trời và những người khác để tồn tại, thịnh vượng, và phát triển. Ngược lại, người giàu là người chẳng cần gì từ bất cứ ai. Họ có thể tự chu cấp mọi nhu cầu của mình mà không cần nhờ cậy người lân cận hay Đức Chúa Trời. Theo nghĩa này, sự giàu có có thể dẫn tới nỗi buồn lớn và sự cô đơn thực sự của con người hay sự nghèo nàn khủng khiếp về tâm linh.

Có lẽ hội thánh phương Tây cần phải hạ mình và học lắng nghe nhiều hơn từ những người anh chị em Châu Phi, xem họ đang thực hành đức tin của mình thế nào? Mục-sư Agu cũng nhấn mạnh rằng hội thánh phương Tây cũng có thể truyền lại sự khôn ngoan của mình. Ông nói: “Điều đẹp đẽ là khi hai nền văn hóa mài dũa nhau, những gì được tạo ra sau đó thật đẹp đẽ.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: christiantoday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like