Home Chuyên Đề Cách Tiên Tri Ê-li Vượt Qua Trầm Cảm Và Bài Học Cho Cơ Đốc Nhân

Cách Tiên Tri Ê-li Vượt Qua Trầm Cảm Và Bài Học Cho Cơ Đốc Nhân

by Hongan Doan
30 đọc

Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc mà biểu hiện đặc trưng là buồn bã, chán nạn, kiệt sức, sợ hãi, cô đơn, tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực, cô lập bản thân. Đó là những dấu hiệu của kiệt quệ về cảm xúc. Một người có thể trải qua một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm khác nhau, có giai đoạn  dài, có giai đoạn ngắn, tuỳ theo mức độ của khủng hoảng và khả năng hồi phục của mỗi người. 

Trong Kinh Thánh cũng có rất nhiều nhân vật vĩ đại trải qua những giai đoạn khủng hoảng cảm xúc, vật lộn với sự chán nản như Môi se, Đa vít, Ê-li, Phao lô, hay ngay cả Chúa Jesus. Nên chúng ta cũng khó tránh khỏi việc rơi vào những giai đoạn của khủng hoảng cảm xúc. Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi và áp dụng những phương pháp vượt qua trầm cảm khi chúng ta xem xét cách mà Chúa đã giúp người của Ngài vượt qua giai đoạn khủng hoảng như thế nào.  

Tiên tri Ê-li được thuật tả lại trong sách I Các vua 19 là một ví dụ điển hình. Là một tiên tri đầy lửa và quyền năng nhưng lại có lúc trải qua nhũng khủng hoảng đến mức phải tháo chạy. 

Ê-li đã có đầy đủ các biểu hiện của trầm cảm:

  • Ê-li sợ hãi và chạy trốn (I Các vua 19:3)
  • Ê-li tự cô lập bản thân (bỏ đầy tớ lại và đi vào trong hoang mạc 19:4)
  • Tuyệt vọng và muốn chết (ông cầu xin Chúa cho ông được chết 19:4)
  • Kiệt sức: kiệt quệ sức lực ông nằm ngủ dưới cây giếng giêng 19:5
  • Suy nghĩ bi quan và tiêu cực: ông nghĩ mình thấp kém không hơn được tổ phụ của mình 9:4, ông nghĩ rằng mình là tiên tri duy nhất còn xót lại của Y-sơ-ra-ên và đang bị truy lùng để lấy mạng sống 19:10)

Lần theo mạch văn, ta có thể thấy Chúa đã giúp Ê-li vượt qua bảy bước sau đây:

Bước một: Ngài chăm sóc thể chất cho Ê-li

Chúa để cho Ê-li ngủ. Khi cơ thể con người quá kiệt sức, thì giấc ngủ có tác dụng rất lớn trong việc phục hồi. Đặc biệt đối với người trầm cảm, kiệt sức và mất ngủ sẽ khiến cho trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Trước khi muốn cảm xúc được phục hồi, thì cơ thể cần phải phục hồi trước nhất. 

Chúa chăm sóc sức khoẻ thể chất cho Ê-li, 19:6 Ngài chu cấp đồ ăn và nước uống cho ông. 19:7 Ngài gọi ông dậy và tiếp tục cho ông ăn và uống. Ngài chăm sóc Ê-li theo thể trạng của ông, chia nhỏ bữa ăn, cung cấp đủ dưỡng chất để ông có thể duy trì thể trạng trong một quãng đường dài ông sắp đi (19:8 nhờ lương thực ấy , ông có sức để đi thêm bốn mươi ngày và bốn mươi đêm…) Một số người trầm cảm sẽ rơi vào cảm giác biếng ăn, không có cảm giác thèm hay muốn ăn, dần dần sức khoẻ càng suy kiệt hơn, Việc chia nhỏ bữa ăn và bữa ăn cung cấp đầy đủ dưỡng chất là một phần quan trọng trong sự phục hồi sức khoẻ cho người trầm cảm.

Bước hai: Ngài đẩy Ê-li vào trong hành trình tìm kiếm Chúa 

Từ Bê-e Sê-ba đi đến núi Hô-rếp không quá ba hoặc bốn ngày, nhưng Ê-li đã đi tận bốn mươi ngày và bốn mươi đêm để đến nơi được gọi là ngọn núi của Chúa. Dường như ông đã phải lê lết từng bước chân trong một tâm trạng chán nạn và mệt mỏi, nhưng dù bốn ngày hay bốn mươi ngày thì Ê-li cũng đã đến đích. Đôi khi đối diện với những nan đề thử thách, những sự lo lắng sợ hãi trong cuộc sống khiến bạn chùn bước. Mệt mỏi về thể xác, yếu đuối về tâm linh khiến bạn không muốn đến gần Chúa, không thể đọc nỗi một phân đoạn Kinh Thánh hay bỏ ra năm phút để cầu nguyện. Ê-li cũng đã từng yếu đuối như vậy, nhưng ông vẫn cứ bước tới, cứ tiến vào trong sự tìm kiếm Chúa, dầu mệt mỏi, dầu lê lết từng bước, dầu chậm chạp bao lâu nhưng ông đã không dừng lại. Chỉ có bước vào sự tìm kiếm Chúa mới có thể tìm được giải pháp cho tình trạng trầm cảm. Nên dù có mệt mỏi hãy cứ đẩy mình trong sự tìm kiếm Chúa, chúng ta chỉ cần bước một bước về phía Ngài, Ngài sẽ bước ngàn bước về phía chúng ta.

 Ê-li đã kiêng ăn trong suốt hành trình đi, Ê-li đã phải đi lòng vòng trong đồng vắng để xử lý những cảm xúc của mình. Với năng lượng của một chút bánh và nước ít ỏi không thể duy trì thể lực trong bốn mươi ngày nếu Ê-li không nhờ cậy Chúa. Và khi Ê-li bước tới sức lực càng lần hơn. 

Đồng vắng là nơi để Đức Chúa Trời huấn luyện con người. Ngài đã đưa dân Y-sơ-ra-ên vào đồng vắng để xử lý tất cả những cá tính, những quan điểm sai lầm về họ và chính Ngài trước khi dẫn họ vào xứ hứa. Đồng vắng là nơi thử luyện của Chúa để xử lý con người của chúng ta, và sẽ có những trận chiến thuộc linh ở nơi đồng vắng. Chúa Jesus trước khi thi hành mục vụ đã đi vào đồng vắng và chiến thắng sa tan bằng Lời Chúa. Vậy nên bởi lời của Ngài chúng ta có thể chiến thắng những trận chiến trong suy nghĩ của mình. Trong đồng vắng, đức tin được tôi luyện sẽ lớn dần lên. Sự tin cậy Chúa chính là sức mạnh và năng lực mà một người trầm cảm cần đến. 

Như cách Chúa đã đẩy Ê-li vào trong hành trình tìm kiếm Chúa để xây dựng niềm tin cho Ê-li. Người trầm cảm cần bước vào trong hành trình này trước khi bước vào những bước kế tiếp để xử lý trầm cảm bên trong. 

Bước ba: Ngài lắng nghe Ê-li

Đức Chúa Trời hỏi Ê-li “Con làm gì ở đây?” 19:9 Chúa biết Ê-li đang chạy trốn với đầy sự sợ hãi, nhưng Ngài vẫn hỏi cách ân cần để Ê-li có thể nói ra được cảm xúc của mình, suy nghĩ của mình.  Và Ngài lắng nghe. 

Người trầm cảm thường chọn cách lẫn tránh xã hội vì họ luôn cảm thấy rằng mình quá nhỏ bé, mình không được lắng nghe, không ai hiểu mình, mình không xứng đáng, không ai để ý tới mình. Vì trầm cảm là những biểu hiện của khủng hoảng trong cảm xúc, ai đó lắng nghe, ai đó hiểu mình, ai đó sẽ giúp được mình chính là cách để giải toả những cơn khủng hoảng này. Nếu được một Đức Chúa Trời vĩ đại lắng nghe và quan tâm, Ê-li chắc chắn đã có thể giải toả được hàng ngàn cảm xúc sợ hãi bên trong ông. Vậy nên cách đơn giản để người trầm cảm có thể giải toả được cảm xúc của mình. Hãy chạy đến với Chúa, hãy giải bày mọi tâm sự mọi âu lo của mình ra trước mặt Ngài. Chúng ta có một Đức Chúa Trời vĩ đại đang lắng nghe. 

Bước bốn: Ngài bày tỏ chính Ngài

I Các vua 19:11-13 Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài cho Ê-li nhưng không theo cách mà ông mong đợi. Ông là nhà tiên tri đầy lửa và năng quyền, Đức Chúa Trời luôn bày tỏ với ông những quyền năng của Ngài. Giờ đây khi đối diện với nan đề, có lẽ ông cũng mong đợi Chúa giải quyết những nan đề của ông theo cách năng quyền như vậy, như cách mà ông tìm kiếm Chúa trong sức mạnh của gió, trong trận động đất, hay trong đám lửa, tất cả những sức mạnh đó đều không có Chúa, nhưng Ngài lại bày tỏ Ngài trong sự êm dịu nhỏ nhẹ. Khi đang đối diện với nan đề, ta thường tìm kiếm Chúa, cầu nguyện và mong muốn Chúa làm gì đó thật năng quyền để giúp ta xử lý mọi nan đề. Ta thường xin một phép màu, một điều gì đó vô cùng siêu nhiên, một phép lạ nào đó. Thật ra những mong muốn đó sẽ làm chúng ta càng căng thẳng hơn. Và tình trạng của trầm cảm sẽ càng nghiêm trọng hơn. Hãy để Chúa làm việc của Ngài, chúng ta hãy làm trọn bổn phận của mình là tin cậy Chúa. Ngài sẽ không làm theo cách mà chúng ta mong muốn, nhưng Ngài sẽ giải quyết mọi nan đề theo cách của Ngài. Tuỳ thuộc vào việc có đủ sự tin cậy và giao phó mọi việc cho Ngài hay không?

Bước năm: Sửa lại những nhận đinh sai lầm/ suy nghĩ tiêu cực của Ê-li

Ê-li đã nghĩ rằng mình là tiên tri duy nhất còn xót lại của Y-sơ-ra-ên, và đang còn bị truy đuổi. Ông cảm thấy mình nhỏ bé và bất tài “con không hơn gì các tổ phụ con.” Với những người trầm cảm, những suy nghĩ tiêu cực bủa vây tâm trí, đôi khi những suy nghĩ đó không đúng với thực tế, chỉ có lời Chúa định hình lại tâm trí tiêu cực như cách mà Chúa điều chỉnh lại suy nghĩ của Ê-li, về những nhận định sai lầm của ông rằng ông không phải một mình “Ta đã để cho bảy nghìn người chẳng hề quỳ gối trước thần Ba-anh, và môi họ chưa hôn nó.” 19:18

Hãy để cho lời Chúa định hình lại suy nghĩ của chúng ta. 

Bước sáu: Hướng dẫn Ê-li cách để tìm được sự hỗ trợ

Ê-li đã từng tuyên bố ngừng mưa trong ba năm thì trời ngừng mưa trong ba năm, từng kêu người chết sống lại, và từng đối diện với bốn trăm năm mươi tiên tri của Ba-anh không chút sợ hãi. Nhưng đã có lúc ông run sợ trước lời đe doạ của một người phụ nữ. Một vị tiên tri vĩ đại như ông cũng đã có lúc đầy sự sợ hãi, mệt mỏi và thối lui. Ông đã thi hành mục vụ đầy nhiệt thành, nhưng rồi ông rơi vào trạng thái trầm cảm vì kiệt sức. Lúc này, Chúa đã định hướng cho ông là ông cần người giúp đỡ và hỗ trợ ông trong chức vụ. Đó là lý do Ngài sai Ê-li đi xức dầu cho Ê-li-sê để trở thành một tiên tri kệ cận và hỗ trợ ông. 

Kinh Thánh Chúa chỉ dẫn rằng hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình. Nếu người này sa ngã thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa ngã, không có ai đỡ mình lên.” Truyền Đạo 4:9-10

Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta cùng làm việc với nhau và cùng hỗ trợ nhau. Khi chúng ta gặp nan đề, ngoài việc cần nhất là chạy đến với Chúa và tìm kiếm Ngài thì việc kêu gọi ai đó hỗ trợ và san sẻ gánh nặng cho chúng ta là một trong những bước giúp đỡ cho trạng thái trầm cảm. 

Bước bảy: Đức Chúa Trời giao cho Ê-li một sứ mạng mới

Để kết thúc những cơn khủng hoảng của Ê-li, Đức Chúa Trời giao cho Ê-li một sứ mạng mới, Ngài sai Ê-li đi xức dầu cho người Ngài chỉ định để làm vua. Nếu bạn muốn thoát khỏi trầm cảm, hãy khởi động để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, một sứ mạng mới, một chức vụ mới, một sự kêu gọi mới. Trầm cảm luôn mang lại cảm giác bất tài vô dụng nhưng một sứ mạng mới mang lại sự công nhận và tính lạc quan. 

Hành trình thoát khỏi trầm cảm của Ê-li không đơn giản nhưng chúng ta có thể thấy được một Đức Chúa Trời luôn quan tâm đến những điều nhỏ bé của chúng ta, Ngài thấu hiểu mọi cảm xúc chúng ta có, Ngài biết hết những nan đề chúng ta đang trải qua. Ngài chăm sóc và chính Ngài là giải pháp cho những khủng hoảng chúng ta đang trải qua. Ngài chính là phương thuốc hiệu quả nhất để trị liệu cho trầm cảm. 

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like