Home Chuyên Đề Năm Bước Để Nuôi Dạy Em Bé Siêu Nhạy Cảm

Năm Bước Để Nuôi Dạy Em Bé Siêu Nhạy Cảm

by Hongan Doan
30 đọc

Mẹ: Kai dọn dẹp đi con

Kai: không phản ứng

Mẹ: Mẹ nói là con dọn dẹp đi

Kai: vẫn không phản ứng

Mẹ: Kai, mẹ nói đây là lần thứ ba rồi. Nếu con không dọn dẹp mẹ sẽ dọn hết đồ chơi của con.

Kai: Nhưng con vẫn đang chơi.

Mẹ: Nhưng đã đến giờ dọn dẹp, mẹ không muốn thấy nhà bừa bộn. Nếu con không dọn mẹ sẽ dọn. (bỏ vào thùng và không được chơi những đồ trong thùng trong vòng một tuần)

Kai: ( bùng nổ và cáu giận) tại sao mẹ dọn đồ của con?

Mình đã từng gặp khó khăn trong việc yêu cầu con làm một việc gì đó, dọn dẹp, đi tắm, đi ngủ, chuẩn bị ra khỏi nhà v.v… hầu hết hai mẹ con sẽ có một màn xung kích trước khi điều đó được thực hiện. Phương án cuối cùng của mình là hăm doạ con: “nếu con không làm điều… (gì đó), mẹ sẽ lấy …(tước đoạt một lợi ích nào đó) của con. (Nếu con không thay đồ và mang giày trước khi mẹ xong mẹ sẽ cho con ở nhà. Nếu con không đi tắm, con sẽ không được tắm trong vòng hai ngày….) Dần dần mình nhận ra con trở nên cáu gắt hơn, bản thân mình cũng mệt mỏi, mình ghét việc phải hét vào mặt con như là việc mình dạy con bằng kiểu hăm doạ như thế này. Nhưng mình thật sự bất lực, mình không biết phải như thế nào để con vâng lời, dù đã thử nhiều phương cách (nói lời khích lệ, khen thưởng hay hình phạt).

Cảm ơn Chúa, sau khi nhận biết Kai là một em bé siêu nhạy cảm (mình có viết về dấu hiệu nhận biết trong bài “Nuôi Dạy Một Em Bé Siêu Nhạy Cảm”). Mình đã tìm hiểu và biết về cấu trúc bộ não của con. Sau cùng mình đã rút ra được năm bước để nuôi dạy một em bé siêu nhạy cảm.

1- Tự nhắc nhở bản thân “trẻ sẽ làm tốt nếu trẻ có khả năng thể làm” để không phát cáu khi đối diện với cảm xúc của con.

Những em bé siêu nhạy cảm, thường gặp khó khăn trong vấn đề chuyển đổi. (Ví dụ như đoạn hội thoại ở trên, việc chuyển đổi giữa đang chơi sang dọn dẹp, đang tập trung việc gì sang đi tắm, đang ở trong nhà sang cần chuẩn bị ra khỏi nhà.v.v..) Khi con không thực hiện những yêu cầu chuyển đổi đó, cha mẹ thường nghĩ / hoặc mặc định rằng trẻ đang thách thức hoặc đang chống đối, nhưng thực tế vì bộ não siêu nhạy cảm và chưa phát triển hoàn toàn nên trẻ đang gặp khó khăn trong vấn đề chuyển đổi. Mình tin rằng nếu có khả năng trẻ sẽ làm rất tốt vì bản thân trẻ cũng không muốn làm cho cha mẹ khó chịu với mình. Nhưng nan đề là trong khi trẻ đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi thì cha mẹ lại khăng khăng đòi hỏi trẻ phải chuyển đổi ngay lập tức. 

Hiểu được điều này mình đã không thể tức giận với con, nhưng thay vào đó chính bản thân mình phải thay đổi phương pháp để giúp con vượt qua khó khăn này bằng cách hướng dẫn con và trau dồi cho con những kỹ năng như tính linh động, khả năng thích nghi, kiểm soát cơn giận và giải quyết vấn đề…

2- Cho con thời gian để chuyển đổi

Mẹ: Kai, mẹ thấy nhà hơi bề bộn và chúng ta sắp đến giờ đi tắm rồi, con nghĩ mình cần làm gì?

Kai: Con sẽ dọn dẹp sau khi chơi xong.

Mẹ: khoảng bao lâu nữa là con chơi xong?

Kai: con không biết

Mẹ: mẹ thấy sắp đến giờ đi tắm rồi, con có thể chơi xong và dọn dẹp trước giờ mình đi tắm không nhỉ?

Kai: khi nào thì đến giờ đi tắm mẹ?

Mẹ: khoảng mười lăm phút nữa.

Kai: được ạ

Mẹ: vậy mẹ đặt đồng hồ cát mười lăm phút ở đây nhé. Mẹ hy vọng con có thể chơi xong và dọn dẹp trước khi đồng hồ cát kết thúc.

Kai: không phản ứng nữa.

Nhưng Kai đã hoàn thành mọi việc trước khi đồng hồ cát chảy hết. Vì Kai chưa biết định lượng thời gian nên mình dùng đồng hồ cát để con có thể ước lượng được thời gian. Việc cho con thời gian để chuyển đổi yêu cầu chúng ta phải sắp xếp đẩy thời gian lên trước ít nhất mười phút (tuỳ mức độ của con) Ví dụ chúng ta cần ra ngoài lúc sáu giờ, ta cần thông báo với con trước ít nhất mười phút, và cho con thời gian để chuyển đổi, đừng thúc ép hay bắt con phải chuyển đổi ngay lập tức. Có thể lúc đầu tốc độ của con hơi chậm, ta cần kiên trì và nhẫn nại hơn với con, nếu được trang bị và luyện tập chắc chắn con sẽ có đủ khả năng để linh hoạt hơn trong cuộc sống sau này. 

3- Thấu hiểu con

Với những em bé siêu nhạy cảm thường thì cảm xúc sẽ rất mãnh liệt. Nếu ta gạt bỏ cảm xúc của trẻ qua một bên thì ta có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn về tâm lý trong trẻ sau này và những cơn bùng nổ ngay tức thì.

Những em bé siêu nhạy cảm thường gặp khó khăn trong việc xử lý tình huống linh hoạt và thích ứng. Trẻ sẽ rất bực tức khi sự việc không diễn ra theo cách mà chúng đã biết từ trước, vì những đứa trẻ này chỉ thích và cảm thấy an toàn với những việc có thể đoán định trước, những việc quen thuộc lặp đi lặp lại hơn là những việc bất ngờ. 

Kai: (bùng bổ) tại sao mẹ nói chiều nay đi siêu thị nhưng mẹ không giữ lời hứa?

Mẹ: Nhưng chiều nay em lại bị sốt, khi nào em hết sốt mẹ sẽ dẫn đi siêu thị được không?

Kai: ( gào thét) KHÔNG, con muốn đi bây giờ, mẹ đã hứa rồi, mẹ không giữ lời hứa.

Mẹ: Nhưng bây giờ em đang sốt cao, và mình không thể đem một em bé đang bị sốt đi siêu thị được, mẹ cũng không thể dẫn con đi và bỏ em ở nhà không chăm sóc được.

Với những lúc như vậy thì mình chỉ muốn đánh cho một trận để tỉnh ngộ hoặc mình sẽ rơi vào căng thẳng và tự trách bản thân, rồi lo lắng thái quá để rồi gắng mắc cho con ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân, thiếu sự thấu hiểu và cảm thông cho người khác, vô tâm đến mức không lo lắng cho em đang bệnh sốt. Mình đã từng vật lộn trong những căng thẳng đó đến khi mình nhận ra rằng Kai là một em bé siêu nhạy cảm, nên quay lại bước một để mình nhớ rằng: Kai đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận một việc khác ngoài dự tính lúc ban đầu, và mình sẽ không thể dạy con về sự thấu cảm nếu mình không cho con cảm nhận được sự thấu hiểu của người khác đối với con. 

Mẹ: mẹ biết là con đang hụt hẫn vì mẹ đã hứa hôm nay đi siêu thị nhưng không thể đi được. Mẹ xin lỗi vì không thực hiện được lời hứa đó với con. Nhưng có cách nào để mẹ có thể thực hiện lời hứa với con mà vẫn có thể chăm sóc được em không?

Kai: con không biết. (Kai đã xuống giọng và mình đã giải quyết được vấn đề cảm xúc của con được lắng nghe, việc chăm sóc em và giữ lời hứa với Kai đều có giá trị như nhau.)

Mẹ: Vậy mình để thời gian suy nghĩ thêm nhé, nếu con có ý gì hay thì nói với mẹ ngay nhé.

Kai: con nghĩ mình có thể ở nhà nhưng mẹ đặt hàng trên shoppe.

Mẹ: ồ mẹ nghĩ đó là một ý kiến khá hay. vậy sau khi em ngủ, mẹ con mình sẽ lên shoppe chọn đồ nhé.

Kai: ok ạ.

Mẹ: con muốn mua gì trên shoppe nhỉ?

Kai: thao thao bất tuyệt….

Thật ra không phải trẻ ích kỷ và đòi hỏi cho bản thân chỉ suy nghĩ cho bản thân hơn là lợi ích của người khác, nhưng đơn giản là trẻ chưa kịp tiếp nhận điều mới và hơn hết trẻ cảm thấy cảm xúc của mình không quan trọng bằng những ưu tiên khác của mẹ. Cho đến khi ta cho trẻ có thời gian để chuyển đổi và bày tỏ sự thấu hiểu đồng cảm với trẻ, trẻ cảm thấy đủ an toàn để tiếp nhận điều mới. 

4- Chấp nhận con.

Việc Kai là một em bé siêu nhạy cảm đó không phải là lỗi của con, cũng phải do cách giáo dục của cha mẹ và “siêu nhạy cảm” đó cũng không có nghĩa là con bị khiếm khuyết gì. Đơn giản vì con được tạo nên như vậy. Cũng giống như một số em bé được tạo nên là những người hướng ngoại sẽ giao tiếp tốt, như nắng xuân đem đến sự vui vẻ cho những người trẻ tiếp xúc nhưng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì và nhanh chán và dễ nản lòng. Một số em bé được tạo nên là những người hướng nội, dù khó giao tiếp, nhưng chắc chắn sẽ vô cùng nhạy bén và sâu sắc. Mỗi người được tạo nên sẽ có những ưu và khuyết điểm riêng, nhưng một điều chắc chắn rằng, tất cả đều là những tạo vật tốt lành của Đấng tạo hoá. 

5- Để bông trái Thánh Linh được nở rộ trong con

Chín trái Thánh Linh chính là kết quả của sự nuôi dưỡng tâm linh và dẫn dắt cảm xúc tốt. Bông trái của sự tự chủ chính là bí quyết giúp con kiểm soát được cảm xúc, điều chỉnh được sự nhạy cảm của mình. Bông trái nhẫn nại, mềm mại, hiền lành, trung tín sẽ trang bị cho trẻ các kỹ năng để ứng phó, thích nghi, linh hoạt và có khả năng tiếp nhận những sự chuyển đổi  trong cuộc sống mà con không thể thích ứng được trước đó. Bông trái của yêu thương, vui mừng, bình an là sức mạnh bên trong để con trở nên mạnh mẽ có đủ dũng khí để đón nhận những sự thay đổi đột ngột, là nội lực bên trong con để đối diện với những khó khăn thử thách trước mắt mà không sợ hãi hay lung lay. Chín trái Thánh Linh chính là chìa khoá để làm trọn vẹn những sự thiếu xót của một đứa trẻ nhạy cảm.

Mình mong rằng với những trải nghiệm khi nuôi dạy Kai, một em bé siêu nhạy cảm, sẽ giúp những bậc cha mẹ đang nuôi dạy những em bé nhạy cảm như vậy giải toả được những căng thẳng không đáng có và có phương cách để giao tiếp cũng như nuôi dạy trẻ một cách hiệu quả. Nguyện xin những bông trái thánh linh nảy nở trong mỗi cha mẹ để cha mẹ trở thành những người dẫn dắt tâm linh con trẻ, để hành trình nuôi dạy cảm xúc con và nuôi dưỡng tâm linh con là một hành trình phước hạnh. 

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like