Home Chuyên Đề 4 Dấu Hiệu Của Sự Chống Nghịch Đức Thánh Linh

4 Dấu Hiệu Của Sự Chống Nghịch Đức Thánh Linh

by Crosswalk.com
30 đọc

Khi các con tôi cãi lại sự nhắc nhở, dẫn dắt và dạy dỗ của tôi, chúng biết rằng chúng luôn có thể quay trở lại và tôi lúc nào cũng dang rộng vòng tay đón nhận chúng một cách đầy ân điển. Tôi luôn cố gắng trở thành một người mẹ nhân ái, đầy ơn và chân thật, nhưng bạn nên biết rằng khi hoàn cảnh bắt buộc, tôi sẽ hỏi các con tôi câu hỏi: “Nếu trước đó con chịu vâng lời mẹ, thì chuyện này liệu có xảy ra không?”; bạn biết đấy, những câu đại loại như “Thấy chưa, mẹ biết ngay mà!” hay “Mẹ đã nói rồi mà!”… làm như vậy có vẻ không phải là cách nuôi dạy con cái ở cấp độ chuyên gia. Tuy nhiên, khi con cái chọn đi ngược lại những định hướng rõ ràng mà cha mẹ đã đưa ra để rồi đột nhiên thấy mình choáng ngợp trước những hậu quả do tính cứng đầu của mình mang lại, tôi tin rằng điều quan trọng là các con phải suy ngẫm làm thế nào mình lại trượt dài đến mức đó. Tôi đã được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc suy ngẫm về cách bản thân tôi làm sao lại rơi vào những tình huống khó xử và đã học được một số bài học đắt giá. Thành thật mà nói, đã nhiều lần Thánh Linh của Đức Chúa Trời cảnh báo tôi phải lắng nghe và vâng lời, nhưng tôi chỉ phớt lờ, chống cự hoặc thẳng thừng nói với Chúa: “Con không muốn làm như vậy.” Nhờ ân điển của Chúa, tôi vẫn sống để nhìn thấy hậu quả từ việc bất tuân của mình và có cơ hội sửa sai.

Tại sao chúng ta lại nghịch cùng Thánh Linh của Đức Chúa Trời?

Chúng ta thường phớt lờ quyền năng của Thánh Linh được ban cho chúng ta qua Đấng Christ. Hãy nhớ rằng đây chính là Đức Thánh Linh đã khiến Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết! Chúng ta không thiếu người hướng dẫn khi cuộc sống khiến chúng ta lạc lối. Ê-sai 11:2 mô tả Thánh Linh ngự trên Chúa Giê-xu, “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, là Thần Khôn Ngoan và Thông Sáng, Thần Mưu Lược và Quyền Năng, Thần Tri Thức và Kính Sợ Đức Giê-hô-va”; và chính Đức Thánh Linh này cũng được ban cho chúng ta,

Khi chúng ta có sẵn sự khôn ngoan, thông sáng, mưu lược và quyền năng dường ấy, tại sao chúng ta lại nghịch cùng sự dẫn dắt của Thánh Linh? Phần lớn là do xác thịt chúng ta đang cố ru chúng ta chìm vào những giấc ngủ sâu mụ mị để không nhạy bén với sự thúc giục của Thánh Linh. Xác thịt thì thầm những lời dối trá rằng chúng ta đang bỏ lỡ nhiều thứ hay ho và thật là ngu ngốc khi việc gì cũng vâng theo Đức Chúa Trời, và chúng ta bắt đầu để cho những suy nghĩ của mình dẫn mình quay trở lại đường lối của thế gian và ngày càng xa rời Đức Chúa Trời thánh khiết. Việc tìm kiếm sự hài lòng ngay lập tức là điều mà xác thịt chúng ta thực hiện hàng ngày và nó tìm cách đưa chúng ta đi cùng với tư cách là người bạn đồng hành trung thành của nó. Tin vui là thay vào đó chúng ta có thể chọn bước đi theo Thánh Linh, bởi vì dù xác thịt có dối trá và cố chấp nhưng Thánh Linh là Đấng có quyền năng trên xác thịt. Xác thịt một ngày nào đó sẽ hư mất, nhưng Thánh Linh tồn tại đời đời.

Mỗi ngày, không nhiều thì ít, chúng ta đều tìm cách nghịch lại Thánh Linh vì hiếm khi chúng ta có thể vâng phục hoàn toàn. Xin lưu ý rằng những dấu hiệu sau đây có thể do những nguyên nhân khác gây ra (sức khỏe thuộc thể, rối loạn giấc ngủ, môi trường sống thay đổi đột ngột hoặc những mất mát trong cuộc sống) nhưng đây cũng có thể là những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy chúng ta nên tra xét lại đời sống và tấm lòng mình để tìm xem có bất kỳ lĩnh vực nào mà chúng ta đang nghịch lại Thánh Linh chăng.

1. Kiệt sức

Nếu chúng ta vượt qua những ranh giới của những khả năng mà Chúa đã ban cho mình, chúng ta sẽ thắm thía câu nói sức người có hạn. Những điều chúng ta yêu thích sẽ không còn là niềm vui nữa. Những gì từng được thực hiện một cách dễ dàng sẽ giống như một công việc vặt vãnh trong nhà, và chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy mình kiệt sức vì những công việc đó. Chúng ta có thể có hy vọng và ước mơ, nhưng đừng bao giờ cho rằng mình biết cách đạt được những điều đó tốt hơn Chúa.

Chúng ta cầu xin sự dẫn dắt của Ngài và chúng ta lắng nghe tiếng phán của Ngài, nếu không, những giấc mơ và chức vụ của chúng ta có thể nhanh chóng biến thành những thần tượng đòi hỏi chúng ta phải hy sinh vắt kiệt thời gian và sức lực của mình để rồi tự mình hại mình. Nếu chúng ta chạy theo sự ca ngợi của người đời, quyền lực trong thế gian hoặc tình yêu xác thịt là những điều mà Chúa không ban ân điển hoặc không được ơn trước mặt Ngài, chúng ta sẽ chỉ làm hao mòn tâm linh của mình đến mức không còn gì cả. Khi chúng ta phớt lờ sự hướng dẫn của Thánh Linh, chúng ta sẽ thấy phía sau mình là một con đường u ám không có lối quay đầu, và cuối cùng thấy mình kiệt sức trong đống tro tàn của cuộc đời từng tận hiến cho Chúa.

2. Lo lắng

Khi chúng ta rời xa sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, sự lo lắng sẽ gia tăng, bởi vì nếu chúng ta là những người theo Chúa Giê-xu thực sự, mong muốn sâu sắc nhất của chúng ta là được ở gần Ngài. Khi chúng ta bắt đầu đi chệch ra ngoài kế hoạch của Ngài, ngay cả khi chúng ta không ý thức được điều đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình đang xa rời sự bình an. Hãy nhìn vào sự lo lắng nổi lên nơi Phi-e-rơ khi ông chối Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 26:70-75:

Nhưng Phi-e-rơ chối ngay trước mặt mọi người rằng: “Tôi không biết cô nói gì.” Khi ra hiên cửa, một đầy tớ gái khác thấy Phi-e-rơ thì nói với những người đứng gần đó rằng: “Ông nầy ở với Giê-xu, người Na-xa-rét.” Nhưng Phi-e-rơ lại chối và thề rằng: “Tôi không hề biết người ấy.” Một lúc sau, những người đứng gần đó nói với Phi-e-rơ rằng: “Chắc chắn ông cũng là một người trong bọn họ, vì giọng nói của ông đã tố cáo ông.” Nhưng Phi-e-rơ nguyền rủa mà thề rằng: “Tôi không biết người đó.” Ngay lúc ấy, gà gáy. Phi-e-rơ nhớ lại lời Đức Chúa Giê-xu đã nói: “Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối Ta ba lần.” Rồi ông đi ra và khóc lóc đắng cay.

Chúng ta có thể thấy thần kinh của Phi-e-rơ luôn căng thẳng mỗi lần chối bỏ Đấng Christ. Khi ông nhất quyết chống lại sự thật, ông muốn bỏ chạy thoát thân hay nếu bức quá có thể dẫn đến một cuộc ẩu đả; “Phi-e-rơ nguyền rủa mà thề…”. Chúng ta có thể thấy sự hoảng loạn bắt đầu kiểm soát ông cho đến khi ông nhớ lại những lời của Chúa Giê-xu, đối mặt với sự thật và sự căng thẳng khiến ông khóc lóc cách đắng cay. Khi chúng ta chối bỏ Thánh Linh của Chúa Giê-xu, chúng ta chối bỏ chính Chúa Giê-xu, và điều này tự nhiên khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi hơn.

3. Cảm giác sợ hãi

Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã qua giai đoạn lo lắng trước đó và giờ đây cảm giác lo lắng đang tiến hóa thành sợ hãi vì nhìn đâu chúng ta cũng thấy điềm báo điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra. Tệ hơn là khi cảm giác sợ hãi này hiện diện trong đời sống của chúng ta vì chúng ta từ chối lắng nghe Đức Thánh Linh, thì đó là vì chúng ta đã tự áp đặt nỗi sợ hãi đó lên chính mình. Chúng ta có cảm giác đó bởi vì chúng ta biết mình đang làm trái ý Chúa, hoặc cảm giác sợ hãi này có thể là lời cảnh báo từ Đức Thánh Linh—đó giống như lời cảnh tỉnh cuối cùng để chúng ta quay trở lại con đường đúng trước khi gánh chịu những hậu quả sẽ xảy đến vì sự bất tuân của mình.

Chúng ta không dám đối xử với Thánh Linh như cách dân Y-sơ-ra-ên đã đối xử với Giê-rê-mi và các đấng tiên tri,

Mặc dù Đức Giê-hô-va đã liên tục sai các đầy tớ Ngài, tức là các nhà tiên tri, đến với các người nhưng các người không chịu nghe, không lắng tai nghe. Họ nói: ‘Hãy trở lại, mỗi người trong các ngươi hãy từ bỏ đường lối gian ác và những hành vi sai trái của mình, rồi các ngươi sẽ được ở trong đất mà Đức Giê-hô-va đã ban cho các ngươi và tổ phụ các ngươi từ nghìn xưa cho đến đời đời. Đừng theo các thần khác mà phục vụ và thờ lạy chúng; đừng lấy việc tay mình làm ra mà chọc giận Ta nữa, thì Ta sẽ không giáng họa trên các ngươi.’ Đức Giê-hô-va phán: ‘Nhưng các ngươi chẳng nghe Ta, cứ lấy công việc của tay mình chọc giận Ta mà chuốc họa vào thân.’” (Giê-rê-mi 25:4-7)

Đúng, có thể là do hoàn cảnh vô vọng đã mang đến sự sợ hãi; nhưng hãy cẩn thận, đừng bỏ lỡ những cơ hội được lắng nghe tiếng Chúa nhiều lần trước khi thảm họa ập đến với bạn.

4. Chán nản

Có thể không phải là nỗi sợ hãi đang hành hạ chúng ta, mà là một nỗi buồn sâu sắc đang dần dần bào mòn ý chí của bạn thậm chí là ý muốn quay trở lại cùng Chúa. Đây là tình trạng bị sự chán nản hành hạ. Bạn có thể xác định được điều gì là sai nhưng lại bị thuyết phục bởi lời nói dối rằng bạn không đủ mạnh mẽ để làm bất cứ điều gì để thay đổi tình trạng của mình. Tin lành là ngay cả khi bạn không còn ý chí để bước tiếp, thì Thánh Linh bên trong bạn sẽ vực bạn dậy để bước tiếp, ngay cả khi bạn đã chống nghịch Ngài. Nếu bạn tôn trọng quyền tể trị của Thánh Linh, Ngài sẽ chỉ cho bạn con đường mà bạn nên bước đi để một lần nữa tìm thấy niềm hy vọng và sự sống sung mãn.

Ở trong sự hiện diện của Cứu Chúa chúng ta có niềm hy vọng lớn lao. Các tác giả thi thiên đã tự nhắc nhở mình về điều này khi họ rao giảng cho chính linh hồn mình.

Hằng ngày, người ta cứ hỏi con:“Đức Chúa Trời ngươi đâu?” Thì con nuốt nước mắt thay cho thức ăn suốt đêm ngày. Xưa con đi cùng đoàn dân, dẫn họ đến nhà Đức Chúa Trời với tiếng reo mừng và ca ngợi, giữa đoàn dân đông dự lễ. Bây giờ nhớ lại những điều ấy lòng con buồn thảm, xót xa. Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời; Ta sẽ còn ca ngợi Ngài nữa, vì nhờ gặp mặt Ngài mà ta được giải cứu…” (Thi-thiên 42:3-6)

Ở đây, tác giả thi thiên, ngay cả trong bữa tiệc đầy nước mắt của mình, vẫn tìm cách tưởng nhớ đến Chúa. Một chút thay đổi trong tâm trí, một sự định hướng trong lối suy nghĩ là tất cả những gì xảy ra ở đây, nhưng cũng đủ để đưa người từ tuyệt vọng đến hy vọng. Khi chúng ta nhớ lại những gì Chúa đã phán với chúng ta và bắt đầu hy vọng rằng chúng ta có thể ăn năn và quay trở lại với Ngài đặng làm theo ý muốn của Ngài, chúng ta sẽ bắt đầu cảm nghiệm được năng lượng siêu nhiên đến từ việc vâng theo Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

Hãy nhớ rằng “nếu Thánh Linh của Đấng đã khiến Đức Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết ở trong anh em, thì Đấng đã khiến Đấng Christ sống lại từ cõi chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài đang ở trong anh em mà ban sự sống cho thân thể hay chết của anh em” (Rô-ma 8:11). Thánh Linh là một món quà Chúa ban cho chúng ta. Chính Chúa Giê-xu đã phán, “Ta nói thật với các con: Ta đi là ích lợi cho các con. Vì nếu Ta không đi thì Đấng An Ủi [Thánh Linh] sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến” (Giăng 16:7).

Ai nghịch lại Thánh linh sẽ có kết cục bi thảm. Sự bất tuân không chỉ (rất có thể) dẫn đến sự hủy diệt, mà còn khiến chúng ta bị giam cầm và cản trở sự phát triển của chúng ta với tư cách là những người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Chúng ta được tự do khi chúng ta chọn đầu phục Thánh Linh và Thánh Linh sẽ dẫn đưa chúng ta từ vinh hiển đến vinh hiển trong Đấng Christ (2 Cô-rinh-tô 3:17-18).

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like