Home Chuyên Đề Trực Giác: Một Thách Đố Vĩnh Cửu (3)

Trực Giác: Một Thách Đố Vĩnh Cửu (3)

by Viethungpham.com
30 đọc

Albert Einstein là nhà khoa học vĩ đại thường xuyên nhắc đến Chúa. Thậm chí ông nói: “Không ai có thể đọc Kinh Phúc Âm mà không cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Chúa Jesus”. Nhưng rốt cuộc ông vẫn không tin vào Chúa của tôn giáo, không tin vào sự sống đời sau. Tại sao? Vì ông không có trải nghiệm trực giác tâm linh – trực giác về thế giới siêu hình …

Trực giác về thế giới siêu hình

Dù bạn là người vô thần hay hữu thần, chúng ta đã nhất trí với nhau rằng TRỰC GIÁC LÀ MỘT HIỆN THỰC KHÔNG THỂ CHỐI CÃI.

Hơn ai hết, Albert Einstein là người khẳng định điều đó, như chúng ta đã thấy trong bài “Intuition: an eternal puzzle / Trực giác: một thách đố vĩnh cửu (2)”[1]. Nhưng vẫn có một ranh giới phân biệt người vô thần với người hữu thân, đó là trực giác tâm linh – trực giác về những thực thể và hiện tượng siêu hình. Thí dụ:

  • Trực giác về Chúa / Thượng Đế / Ông Trời!
  • Trực giác về những sự kiện quá khứ hoặc tương lai (tiên tri)
  • Trực giác về linh hồn và về những thế giới khác với thế giới của chúng ta
  • Trực giác ngoại cảm, thần giao cách cảm
  • Trực giác về bệnh tật, về phép chữa lành …

Mặc dù nền văn hóa hiện đại đề cao chủ nghĩa duy vật, coi toàn bộ thế giới hiện thực là vật chất và chỉ có vật chất, nhưng niềm tin vào sự hiện hữu của thế giới siêu hình vẫn tiếp tục tồn tại. Tại sao như thế? Vì phép lạ vẫn tiếp tục xuất hiện, vẫn có rất nhiều người đáng tin cậy nhận biết được thế giới siêu hình thông qua trực giác và kinh nghiệm cá nhân. Thậm chí Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử”, còn đề nghị các nhà khoa học nên kết hợp với những kinh nghiệm cá nhân này để phục vụ cho việc nghiên cứu.

Advertisement

Thật vậy, bất chấp sự phát triển của khoa học duy vật, các hình thức tôn giáo và thờ cúng vẫn tiếp tục tồn tại. Lý do vì vẫn có số đông tin vào trực giác tâm linh của bản thân họ, trong đó có những tu sĩ đắc đạo hoặc những nhà ngoại cảm trung thực làm chứng cho những gì họ nhận biết về thế giới siêu hình mà những người khác không nhận thấy. Các khoa học vật lý, hóa học … có tác dụng vô cùng to lớn trong việc mở mang hiểu biết và phục vụ đắc lực cho việc nâng cao đời sống vật chất, nhưng vô dụng trong việc khám phá thế giới siêu hình. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã và đang đạt được những thắng lợi vĩ đại đẩy nhận thức của con người tới giới hạn của khoa học vật chất, chạm vào những nguồn gốc siêu hình. Điển hình là:

 Lý thuyết Big Bang đẩy vật lý học và khoa học vũ trụ tới “nguyên tử nguyên thủy” (primeval atom) – điểm khởi đầu của vũ trụ, từ đó bùng nổ để giãn nở và phát triển dần dần thành vũ trụ ngày nay. Cơ sở của Lý thuyết Big Bang là Thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein, nên những người phản đối lý thuyết này chỉ có thể thành công nếu họ có thể lật đổ được lý thuyết của Einstein. Nhưng nếu họ làm được điều đó thì họ sẽ lật đổ luôn cả khoa học. Lúc đầu lý thuyết Big Bang bị phản đối bởi một số người không thích Thuyết Sáng tạo của Kinh Thánh, vì lý thuyết này phù hợp với Kinh Sáng Thế (Genesis) của Kinh Thánh. Điều ngờ vực này càng tăng lên khi người ta biết tác giả của Lý thuyết Big Bang là một linh mục Công giáo người Bỉ, Georges Lemaître. Chính Einstein lúc đầu cũng không thích lý thuyết của Lemaître, mặc dù ông thừa nhận tất cả những chứng minh toán học trong đó là đúng. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ thảo luận với Lemaître ở Pasadena, Einstein đã thay đổi quan điểm, quay sang ủng hộ lý thuyết này đến nỗi thốt lên rằng “Đây là lời giải thích hay nhất và thỏa đáng nhất về sự sáng tạo mà tôi từng được nghe”[2]. Những công trình của Gamow trong những năm 1950, và của Stephen Hawking và Roger Penrose trong nửa sau thế kỷ 20 càng chứng minh Lý thuyết Big Bang là đúng đắn. Oái oăm thay, lý thuyết này đã giáng một đòn chết người vào chủ nghĩa vô thần, vì nó đẩy chủ nghĩa này tới câu hỏi về “nguồn gốc của nguyên tử nguyên thủy” và “nguyên nhân của vụ nổ lớn”. Để cứu vãn tình thế, các nhà khoa học vô thần bịa ra lý thuyết đa vũ trụ (multiverse), với những phương trình toán học rắc rối nhằm trang sức cho lý thuyết của mình một cái vỏ khoa học, rồi tuyên bố với mọi người rằng họ đã thoát khỏi cái vòng kim cô do Lý thuyết Big Bang đội lên đầu họ. Nhưng họ chỉ đánh lừa được những kẻ ít học, hoặc đám khoa học sính hình thức, vì lý thuyết đa vũ trụ không thể kiểm chứng được. Trong khi đó, những người thông minh có bản lĩnh coi lý thuyết đa vũ trụ chỉ là một trò hề, một thứ ngụy khoa học vá víu y như Thuyết tiến hóa hoặc nhân chủng học.

● Sinh học di truyền cũng đẩy nhận thức về bản chất sự sống tới giới hạn của khoa học vật chất, đó là câu hỏi về “nguồn mã DNA” – ai viết ra chương trình kiến tạo và duy trì sự sống?

Chủ nghĩa vô thần hoàn toàn bế tắc không biết mã DNA từ đâu mà ra. Hiện nay họ đang lao vào những nghiên cứu được gọi là “tiến hóa hóa học” (chemical evolution) hòng khám phá ra sự hình thành thông tin của sự sống từ những tương tác hóa học phức tạp. Nỗ lực này chứng tỏ họ dốt nát không hiểu bản chất của thông tin là gì. Trước con mắt của những nhà sinh học giỏi nhất thì tham vọng tìm ra nguồn gốc vật chất của thông tin của sự sống là một ảo tưởng, nếu không phải một trò hề, nhằm cứu vãn Thuyết tiến hóa Darwin – một học thuyết thực chất đã bị sụp đổ về mặt triết học kể từ khi nhân loại tái khám phá ra Di truyền học Mendel.

Một chuyên gia về Công nghệ thông tin kiêm một nhà doanh nghiệp lớn ở Mỹ là Perry Marshall, cùng với một nhóm các nhà khoa học, đã thách thức giới sinh học vô thần trả lời câu hỏi về “nguồn mã DNA” bằng cách treo một Giải thưởng lớn chưa từng có, mang tên Evolution 2.0, trị giá 10 triệu USD (gấp 10 Giải Nobel), sẵn sàng trao cho ai trả lời được câu hỏi “mã DNA từ đâu mà ra?”. Mỉa mai thay, các nhà tiến hóa im phăng phắc trước giải thưởng này. Họ không có lựa chọn nào khác là đánh bài tảng lờ!

Trong khi đó, những người trung thực có ứng xử rất trung thực. Thí dụ:

Nhà triết học vô thần nổi tiếng là Antony Flew, khi chứng kiến sự kiện khám phá ra DNA và được biết mã DNA là chương trình kiến tạo và duy trì sự sống, ông đã từ bỏ cái triết học vô thần mà ông đã dâng hiến cả cuộc đời cho nó, để thay đổi lập trường 180 độ khi tuyên bố “Có Chúa!”, rằng mã DNA chính là bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện hữu của Nhà Thiết kế sự sống! Giới tiến hóa vô cùng thất vọng, thậm chí coi Flew là kẻ phản bội.

Một trường hợp khác là Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Bản đồ Gene Người, hiện là Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ/ Collins vốn là một nhà khoa học vô thần, nhưng đã trở thành một người hữu thần. Ông công khai tuyên bố: Mã DNA là “ngôn ngữ của Chúa!”. Có nghĩa là Collins và các nhà sinh học trung thực ngày nay đã đưa sinh học thuần túy vật chất tới giới hạn để chạm vào thực thế siêu hình vĩ đại nhất, đó là Chúa!

Muốn hiểu tại sao Collins đi tới giới hạn đó, hãy đọc cuốn “Ngôn ngữ của Chúa” (The Language of God) của ông. Tai nạn đau thương của con gái ông đã đánh thức phần trực giác nằm ngủ bấy lâu nay trong ông để ông nhận ra rằng bên ngoài thế giới hữu hình của chúng ta, còn có một thế giới siêu hình song song tồn tại. Mặc dù chúng ta không nhìn thấy thế giới siêu hình đó, nhưng nó có quan hệ mật thiết với thế giới của chúng ta. Trực giác ấy dẫn Collins đến với Chúa, một Đấng công bằng giải thoát cho những số phận đau khổ. Khi đó, ông bừng tỉnh để nhận ra rằng chính sinh học di truyền mà ông đang theo đuổi cũng dẫn ông đến với Nhà Thiết kế của sự sống. Ông tuyên bố một câu bất hủ:

Chúa của Kinh thánh cũng là Chúa của bộ gene. Chúa có thể được tìm thấy trong thánh đường hoặc trong phòng thí nghiệm.”[3].

Thế đấy! chính TRỰC GIÁC mách bảo cho các nhà khoa học biết sự thật, chứ không phải mấy cái bằng tiến sĩ hay chức danh giáo sư!

Vì thế Einstein mới nói: “Thứ duy nhất thực sự có giá trị là trực giác[4]. Ai không hiểu điều này sẽ không bao giờ hiểu tại sao có người có tài, có người bất tài, tại sao có người thất học mà trở thành thiên tài, điển hình như Thomas Edison. Vậy tài năng và thiên tài là gì?

Arthur Schopenhauer, một nhà triết học thâm thúy thế kỷ 19, từng nói:

Người tài năng là người bắn trúng mục tiêu không ai bắn trúng; Thiên tài là người bắn trúng mục tiêu không ai nhìn thấy[5].

Albert Einstein là một thiên tài, vì ông “nhìn thấy” vũ trụ cong trong khi không ai nhìn thấy. Ông nhìn vũ trụ bằng trực giác. Các phương trình toán học chỉ là công cụ để ông trình bày cho thiên hạ hiểu được cái mà ông nhìn thấy. Chính ông đã nhiều lần thú nhận rằng trực giác dẫn ông tới khám phá mà chính ông không biết tại sao. Tuy nhiên, nếu Einstein có trực giác thiên tài về thế giới vật chất thì ông lại không có trực giác tâm linh – trực giác về thế giới siêu hình.

Có hai bằng chứng để khẳng định điều này:

  • Một, ông không tin vào sự sống đời sau.
  • Hai, ông không tin vào “Chúa của các tôn giáo”, ông chỉ tin vào “Chúa của các nhà khoa học”.

Chúa của các nhà khoa học khác với Chúa của các tôn giáo như thế nào? Câu trả lời nằm trong câu chuyện sau đây.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ – “Lửa” của Pascal

Blaise Pascal (1623-1662) là một thần đồng toán học, cha đẻ của Lý thuyết xác suất, cha đẻ của chiếc máy tính cơ học đầu tiên, đồng thời là một nhà triết học thâm thúy bậc nhất, một nhà thần học đã có dịp thị kiến Chúa.

Năm 31 tuổi, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra trong đời Pascal, vĩnh viễn làm thay đổi con người ông: Pascal được thị kiến Chúa. Nói một cách dễ hiểu: Pascal đã có một cuộc gặp gỡ bất ngờ với Chúa!

Trải nghiệm tâm linh có một không hai ấy xẩy ra vào đêm ngày 23 tháng 11 năm 1654, kéo dài hai tiếng đồng hồ, từ 10 giờ 30 tối đến 12 giờ 30 đêm, và ông lập tức ghi chép lại những gì ông đã chứng kiến, để ghi nhớ cho chính mình. Trong bản ghi nhớ đó, ông mô tả những gì ông nhìn thấy như Lửa cháy, nhưng ông nhận biết rõ ràng đó là Chúa – Chúa có hình ảnh của con người và quan tâm tới con người (personal God), tức là Chúa quan phòng của Cơ-đốc giáo mà bản thân ông tôn thờ, thay vì chỉ là Đấng Sáng tạo mà khoa học và triết học thừa nhận. Ông kết thúc bản ghi nhớ đó bởi một câu trong Sách Thánh Vịnh của Cựu Ước: “Con sẽ không quên lời của Người. Amen”.

Bằng chứng về cái đêm kỳ lạ ấy – đêm Pascal được mặc khải thị kiến Chúa – đã được phát hiện một cách tình cờ. Số là một hôm, sau khi Pascal mất, một người đầy tớ trung thành trong khi xếp dọn quần áo và đồ dùng của ông, bỗng nhận thấy một chỗ cộm lên ở chiếc áo khoác của ông. Nhìn kỹ, người này nhận ra một vết khâu, bèn mở ra và thế là tìm thấy một mẩu ghi chép được viết trên giấy da, và một bản sao chép trên một mẩu giấy đã sờn nhưng được bảo quản rất cẩn thận. Toàn bộ ghi chép đều là chữ viết tay của Pascal, đánh dấu một sự kiện quan trọng nhất trong đời ông. Phát hiện này làm sáng tỏ lý do của một thói quen của Pascal khi còn sống, đó là việc ông đi đâu cũng mặc chiếc áo khoác này. Chỉ sau khi ông mất, khi bí mật về bản ghi nhớ được khám phá, người ta mới vỡ nhẽ ra rằng hóa ra ông thường xuyên mặc chiếc áo đó để tự nhắc nhở mình không một phút nào được quên lãng cuộc gặp gỡ kỳ diệu trong “Đêm Lửa”. Bản ghi nhớ được viết theo kiểu đánh dấu sự kiện, câu cú rất ngắn gọn, thậm chí chỉ một mình ông hiểu, cốt để khắc sâu những gì đã xảy ra và nói rõ ấn tượng của ông lúc đó như thế nào. Nguyên văn như sau:

Năm hồng ân Thiên Chúa 1654,

Thứ Hai, ngày 23 Tháng 11, Lễ Kính Thánh Clement, Đức Giáo hoàng và Thánh tử đạo, và các Thánh tử đạo khác,

Lễ Vọng Thánh Chrysogone, Thánh tử đạo, và các Thánh tử đạo khác.

Khoảng từ 10 giờ rưỡi tối cho tới khoảng 12 giờ rưỡi đêm.

LỬA

“Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Jacob”, không phải Chúa của các nhà triết học và bác học.

Chắc chắn. Xác thực. Cảm xúc. Vui mừng. Bình an.

Chúa của Giê-su Ki-tô (Jésus-Christ)

Chúa của anh và Chúa của tôi.

“Chúa của anh sẽ là Chúa của tôi”.

Quên hết thế gian và mọi thứ, trừ Chúa.

Chỉ có thể nhận biết Người theo những cách đã dạy trong Kinh Phúc Âm (Évangiles).

Sự vĩ đại của linh hồn con người.

“Cha công bằng, thế gian chẳng hề biết Cha, nhưng con đã biết Cha”

Vui, vui mừng, mừng vui, khóc lên vì vui.

Tôi đã tách khỏi Cha:

Nguồn nước hằng sống đã từ bỏ tôi

“Chúa của con, Người sẽ từ bỏ con ư?”

Xin cho tôi mãi mãi không tách khỏi Người.

“Đây là cuộc sống đời đời, mà họ biết chỉ có Cha là Thiên Chúa thật, và là Đấng mà Cha đã gửi xuống, Chúa Giê-su Ki-tô”.

Chúa Giê-su Ki-tô.

Chúa Giê-su Ki-tô.

Tôi đã rời bỏ Người; Tôi đã chạy trốn, chối bỏ, đóng đanh Người vào Thập giá.

Xin đừng bao giờ để tôi tách khỏi Người,

Người chỉ được gìn giữ chắc chắn bởi những cách đã dạy trong Kinh Phúc Âm: Hy sinh tất cả và nhẹ nhàng.

Vâng phục hoàn toàn với Chúa Giê-su Ki-tô và với Đấng chăn dắt tôi.

Mãi mãi trong niềm vui vì một ngày được rèn luyện thử thách trên thế gian.

Con sẽ không bao giờ quên lời của Người. Amen.

(Hết Lửa của Pascal)

Nếu bạn chưa hề đọc Kinh Thánh, có thể bạn không hiểu hết các ý tứ trong “Lửa” của Pascal. Đặc biệt, nếu bạn chưa từng có một trải nghiệm tâm linh nào để tin vào những hiện tượng siêu hình, có thể bạn cũng khó tin Pascal đã thực sự thị kiến Chúa.

Nhưng những người như Einstein, Pascal, … là những bậc đại trí, hãy lắng nghe và suy ngẫm những điều họ nói. Đừng vì cái “tôi” của mình mà thiếu sự lắng nghe, để vô tình đóng cái thế giới của mình lại trong một khuôn khổ chật hẹp. Đó là sự dại dột, thiếu khôn ngoan học hỏi.  

Để hiểu “Lửa”, tất nhiên bạn phải biết Kinh Thánh, ít nhất ở mức nắm được những khái niệm cơ bản. Và xin chú ý rằng ngay ở câu đầu tiên của bản ghi nhớ, Pascal đã khẳng định Chúa mà ông được thị kiến là “Chúa của Abraham, Isaac, Jacob”, tức Chúa của Do Thái giáo và Cơ-đốc giáo, hay nói gọn là “Chúa của tôn giáo”.

Thuật ngữ “Chúa của tôn giáo” nhằm mô tả một Đấng cao cả vừa là Đấng sáng tạo ra vũ trụ, vừa là Đấng sáng tạo ra loài người, quan tâm đến số phận con người và can thiệp vào cuộc sống của con người, thưởng phạt con người một cách công minh, mà Do Thái giáo và Cơ-đốc giáo gọi là “Chúa quan phòng” (Providential God / God’s Providence)[6]. Đó cũng chính là Chúa trong Kinh Thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Trong khi đó, khái niệm “Chúa của các nhà khoa học và các nhà thông thái” là một thuật ngữ dùng để chỉ một vị Chúa chỉ là Đấng Sáng tạo mà thôi, tức Đấng đã tạo ra vũ trụ rồi để cho vũ trụ tự vận hành theo những định luật mà Ngài đã ban hành, chứ không bận tâm đến số phận con người, không can thiệp vào đời sống của con người.

Tóm lại, Chúa của các nhà khoa học không phải là Chúa quan phòng. Nếu Chúa của Blaise Pascal là Chúa của Cơ đốc giáo, cụ thể là Chúa Jesus, thì Chúa của Einstein chỉ là Chúa của các nhà khoa học. Đây là điểm khác biệt lớn giữa Đức tin của Pascal và Đức tin của Einstein. Cái gì tạo nên sự khác biệt đó?

Câu trả lời là TRỰC GIÁC!

Pascal và Einstein giống nhau ở Đức tin vào Đấng Sáng tạo ra vũ trụ, vì cả hai ông đều có bộ não khoa học tài giỏi bậc nhất – càng nghiên cứu khoa học càng thấy rõ vai trò thiết yếu của Đấng Sáng tạo vũ trụ.

Nhưng Pascal có trực giác tâm linh – trực giác về thế giới siêu hình (thậm chí ông đã được thị kiến Chúa) – trong khi Einstein không có trực giác này, do đó Einstein chỉ dừng lại ở Đức tin vào Chúa như Đấng Sáng Tạo vũ trụ.

Nhưng chẳng phải Einstein tin rằng Sách Phúc Âm là lịch sử thật về Chúa Jesus đó sao?

Đức tin của Einstein

Không ai nghi ngờ việc Einstein tin vào Chúa. Trong lịch sử khoa học, Einstein là nhà khoa học nhắc đến Chúa nhiều nhất. Lý do không phải vì ông yêu Chúa như Pascal, mà vì Chúa là Tác Giả không thể thiếu của các định luật vũ trụ – những công thức toán học cân đối biểu lộ vẻ đẹp đáng kinh ngạc của thế giới tự nhiên mà khoa học đã và đang lần lượt khám phá. Những phát biểu của Einstein về tính tất yếu của Chúa có thể xem là những mẫu mực của triết học khoa học, đáng để cho muôn đời ghi nhớ. Trong cuộc tranh cãi với Niels Bohr về tính bất định lượng tử, Einstein nhiều lần nhắc đến Chúa để bảo vệ quan điểm xác định, bác bỏ quan điểm bất định, làm cho Bohr khó chịu đến nỗi phải gắt lên đề nghị ông đừng nhắc đến Chúa nữa.

Nhưng Chúa của Einstein chỉ là “Chúa của các nhà khoa học” – Ngài không quan tâm đến số phận của con người. Nhận định này dẫn tới thắc mắc sau đây:

Nếu Einstein không tin vào “Chúa của Cơ-đốc giáo”, tại sao ông lại tin sách Phúc Âm là một lịch sử có thật về cuộc đời của Chúa Jesus?  

Thật vậy, khi được phóng viên của Tạp chí TIME phỏng vấn, rằng “ông bị ảnh hưởng bởi Cơ-đốc giáo ở mức độ nào”, Einstein trả lời:

Khi còn nhỏ, tôi đã được dạy cả Kinh thánh lẫn Kinh Talmud. Tôi là người Do Thái, nhưng tôi bị mê hoặc bởi hình tượng chói sáng của người Na-za-rét[7] [Người Na-za-rét ở đây tức là Chúa Jesus, chú thích của PVH].

Xin độc giả đừng quên rằng người Do Thái ngày xưa đã đóng đanh Chúa Jesus trên Thập Giá. Dưới con mắt người Cơ-đốc giáo, người Do Thái ngày xưa rất tội lỗi. Nhưng Einstein là một người Do Thái hiện đại, có những hiểu biết của người Do Thái hiện đại, khác với người Do Thái cách đây hơn 2023 năm.

Phóng viên hỏi tiếp: “Liệu ông có chấp nhận sự tồn tại lịch sử của Chúa Jesus hay không?”, Einstein trả lời rất rõ ràng:

Không nghi ngờ gì nữa! Không ai có thể đọc Kinh Phúc Âm mà không cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Chúa Jesus. Nhân cách của Ngài rung động trong từng lời nói. Không có huyền thoại nào tràn ngập sự sống như vậy[8].

Vâng, sự thật là như thế đấy. Xin nhắc lại để nhấn mạnh, rằng đối với Einstein, sách Phúc Âm (Tin Mừng) của Cơ-đốc giáo là một sự thật lịch sử, không có huyền thoại nào có thể viết ra một câu chuyện sinh động như vậy được. Đây là một nhận xét vô giá đối với người Cơ-đốc giáo, vì Einstein là một nhân vật phi thường, uy tín của ông rất lớn. Dù bạn là người hữu thần hay vô thần, bạn không thể không kính trọng một trí tuệ như vậy. Nhưng tiếc thay, câu chuyện phỏng vấn dừng lại ở đó. Nếu tôi là phóng viên của TIME, tôi sẽ phỏng vấn Einstein tiếp:

  • Vậy ngài có tin vào các phép lạ mà Chúa Jesus đã làm không?

Nếu Einstein tin vào các phép lạ của Chúa Jesus thì câu hỏi tiếp theo sẽ là:

  • Vậy ngài có tin rằng Chúa Jesus là Con Một của Đức Chúa Trời, sinh ra làm người để chuộc tội cho nhân loại không?

Nhưng đó là những câu hỏi do tôi tưởng tượng. Chúng ta không bao giờ biết Einstein sẽ trả lời những câu hỏi ấy như thế nào. Vì vậy chúng ta buộc phải nhìn nhận Đức tin của Einstein theo những tài liệu khác. Một trong những tài liệu rất có giá trị là cuốn “Thế giới như tôi thấy” của Albert Einstein, do NXB tri Thức xuất bản Tháng 12/2005 (Năm Einstein), trong đó cho thấy Einstein có 3 quan niệm về tôn giáo như sau:

Một, “tôn giáo sợ hãi”, xuất phát từ nỗi sợ hãi của con người.

Hai, tôn giáo tôn thờ “Thượng đế quan phòng”, xuất phát từ nỗi khao khát của con người có một người Cha yêu thương, che chở cho mình, canh giữ linh hồn minh, kể cả khi sống lẫn khi chết.

Ba, “Đạo vũ trụ” – niềm tin vào những định luật do Chúa ban hành, nhằm điều hành và kiểm soát vũ trụ.

Trong ba thứ tôn giáo nói trên thì đối với Einstein, chỉ có Đạo Vũ trụ là cái “có thật”, và đó là tôn giáo thực sự xứng đáng để con người “tôn thờ”, còn hai thứ tôn giáo kia đều là sản phẩm tưởng tượng do con người nghĩ ra. Nói cách khác, hai tôn giáo đó tôn thờ những thứ không có thật.

Vậy Einstein đúng hay sai? Trước khi trả lời câu hỏi này, thử tìm hiểu xem những nhà khoa học khác – những người có tầm vóc trí tuệ và uy tín xã hội ngang với Einstein – có suy nghĩ giống Einstein không? Liệu họ tin vào Chúa của tôn giáo như Pascal hay chỉ tin vào Chúa của các nhà khoa học như Einstein?  

Gregor Mendel (1822 – 1884)

Gregor Mendel là một linh mục gương mẫu thánh thiện, Tu viện trưởng của Tu viện Thánh Thomas ở Brno, từng được thưởng Huân chương Thánh giá của Dòng Thánh Francisco Joseph, từng ví Chúa Jesus như một người làm vườn hết lòng vì mảnh vườn của mình – mảnh vườn nhân loại … Một người có Đức tin như thế lại là Cha đẻ của Di truyền học hiện đại, người châm ngòi cho cuộc cách mạng sinh học trong thế kỷ 20, dẫn tới một trong những khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử của nền văn minh – khám phá ra phân tử Di truyền và thông tin của sự sống! Vì thế Mendel là minh chứng hùng hồn nhất cho mối quan hệ tương hỗ bền chặt giữa khoa học với Đức tin tôn giáo, mạnh mẽ bác bỏ tư tưởng cho rằng tôn giáo và khoa học là hai lĩnh vực nhận thức xung đột loại trừ nhau. Một người như Mendel chắc chắn phải có trực giác rất mạnh về bí mật của sự sống – cả sự sống thể chất lẫn sự sống linh hồn.

Louis Pasteur (1822 – 1895)

Louis Pasteur không chỉ là Cha đẻ của vi sinh học, Cha đẻ của khoa học về vaccine và miễn nhiễm học, Cha đẻ của y khoa hiện đại, Cha đẻ của 2 Định luật Sinh học đầu tiên, … mà còn là “ân nhân của nhân loại” (The benefactor of humanity). Một người như thế mà vẫn chịu khó và kiên trì lần tràng hạt cầu nguyện ngay trong phòng thí nghiệm, khi phải chờ đợi kết quả thí nghiệm. Đối với ông, Chúa Jesus chính là Thượng Đế. Ông nói:

Tôi thấy ở khắp nơi sự biểu lộ rõ ràng của cái Vô hạn trong vũ trụ; qua đó cái Siêu Nhiên nằm ở đáy lòng con người. Tư tưởng về Chúa là một dạng ý tưởng về Cái vô hạn. Chừng nào sự huyền bí của cái Vô hạn còn đè nặng lên suy nghĩ của con người thì những ngôi đền sẽ được dựng lên để thờ phượng cái Vô hạn, cho dù Chúa được gọi là Brahma, Allah, Jehovah, hay Jesus; và trên vỉa hè của những ngôi đền ấy, ta sẽ thấy con người quỳ gối, phủ phục, bị phế bỏ bởi ý nghĩ về Đấng Vô hạn[9].

Với tư tưởng như thế, Pasteur coi chủ nghĩa duy vật là ngớ ngẩn. Ông nói:

“Một ngày nào đó hậu thế sẽ cười vào cái ngớ ngẩn của các nhà triết học duy vật hiện đại”[10].

Đối với Pasteur, Kinh Phúc Âm không chỉ là một sự thật lịch sử về cuộc đời của Chúa Jesus như Einstein nghĩ, mà còn là nền tảng của đức hạnh. Thật vậy, ông nói:   

“Phúc cho ai có Chúa ở trong lòng, một lý tưởng và vâng theo lý tưởng ấy – lý tưởng về nghệ thuật, lý tưởng về khoa học, lý tưởng về đức hạnh Phúc Âm, trong đó chứa đựng những suối nguồn của những tư tưởng và hành động vĩ đại; tất cả đều phản chiếu ánh sáng từ Cái Vô hạn (tức Chúa)”[11].

Với Đức tin tôn giáo như thế, Pasteur cùng với Mendel là những bằng chứng tiêu biểu cho thấy tư tưởng coi khoa học và tôn giáo xung đột với nhau thật là ấu trĩ, kém hiểu biết. Ngược lại, Pasteur và Mendel, hai nhân vật vĩ đại cùng sinh năm 1822, không hẹn mà cùng chứng minh cho thế gian thấy khoa học và Đức tin tôn giáo hỗ trợ và bổ sung cho nhau, làm nên một nhận thức đầy đủ về thế giới, về sự sống của con người, cả sự sống thể xác lẫn sự sống linh hồn.

Nicola Tesla (1856-1943)

Có những sách báo nói rằng có lần Einstein được hỏi ông nghĩ sao về việc thiên hạ coi ông là người thông minh nhất đang còn sống, Einstein trả lời: “Tôi không biết, hãy hỏi Tesla điều ấy”. Mặc dù lời đồn đại này không có đủ bằng chứng để xác nhận, nhưng có bằng chứng cho biết Einstein rất nể phục Tesla. Đó là lá thư Einstein viết ngày 01/06/1931 để chúc mừng sinh nhật Tesla lần thứ 75, trong đó Einstein ca ngợi Tesla là nhà tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tần số cao[12]

Nhưng Tesla có tầm vóc lớn hơn rất nhiều so với lời ca ngợi của Einstein. Không giống như các nhà khoa học cùng thời chạy theo mốt thời thượng – mốt chạy theo bệnh hình thức khoa trương các phương trình toán học trong các công trình nghiên cứu – Tesla chủ yếu sử dụng trực giác để khám phá phát minh. Thậm chí Tesla chế giễu bệnh sính phương trình ấy dẫn tới nhiều công trình chẳng có ý nghĩa thực tế gì cả. Điều này cho thấy Tesla là người khám phá phát minh chủ yếu bằng trực giác. Và điều thú vị để nói là ở chỗ Tesla không chỉ có trực giác về thế giới vật chất như Einstein, mà còn có những TRỰC GIÁC KỲ LẠ VỀ TÂM LINH, hoặc TRỰC GIÁC TIÊN TRI. Để biết những sự thật này, xin đọc 2 bài báo sau đây:

  • “The Biggest Puzzle in Science / Thách đố lớn nhất trong khoa học”[13]
  • “Nicola Tesla, A Super Man / Nicola Tesla, Một Siêu Nhân”[14]

Những sự thật kỳ lạ sau đây trích từ 2 bài báo đó:

● Một lần trong năm 1900 tại Philadelphia, ông đã rất khó khăn để ngăn cản bạn bè ra về trên một chuyến tàu hỏa, vì ông cảm nhận chuyến tàu đó sẽ có chuyện chẳng lành. Quả thật, chuyến tàu hôm ấy đã bị tai nạn, và bạn bè ông đã thoát nạn.

● Năm 1912, Tesla đã thuyết phục hai người bạn của ông từ bỏ chuyến du lịch trên con tàu Titanic vượt đại dương. Người thứ nhất là John Timman Morgan. Ông này tuyệt đối tin tưởng vào linh cảm của Tesla nên đã trả lại vé và thoát chết. Người thứ hai là John Jeff Baxter, một nhà bảo trợ và bạn lâu năm của Tesla. Ông này không nghe lời khuyên nên đã chết trong vụ đắm tàu đó.

● Trước đó vài năm Tesla tiên đoán: Thế Chiến I sẽ bùng nổ, kéo dài 4 năm và kết thúc vào Tháng 12/1918. Thực tế đã diễn ra đúng như thế, chỉ sai lệch thời điểm kết thúc khoảng 5-6 ngày. Thiết nghĩ tài tiên tri của Cụ Nostradamus ở Pháp hay Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Việt Nam cũng không hơn.

● Sau khi Thế Chiến I kết thúc, Tesla tiên đoán, hòa bình sẽ kéo dài khoảng 20 năm, sau đó sẽ xảy ra Thế Chiến II. Thực tế diễn ra đúng như dự đoán.

● Nhưng điều làm cho những người đương thời kinh ngạc nhất và không sao giải thích nổi là làm thế nào mà Tesla có thể dễ dàng có được một số lượng khổng lồ những ý tưởng phát minh độc đáo như ông đã có. Vậy mà ông thú nhận: “Tôi không phải tác giả của những ý tưởng đó”. Điều này làm cho mọi người thực sự bị sốc, vì như thế có nghĩa là những ý tưởng phát minh của ông xuất phát từ một “tác giả khác”, hoặc đến từ một “nguồn trí tuệ thông minh nào khác”! Vậy “tác giả ấy” là ai? Nguồn “trí tuệ thông minh ấy” là gì nếu không phải Chúa?

Chính Tesla cho biết ông có khả năng thâm nhập vào những thế giới siêu hình. Thật vậy, tiểu sử của Tesla cho biết:

Từ một đứa trẻ bình thường, mọi thứ đã đảo lộn kể từ khi Tesla bị chấn động tâm lý bởi cái chết của người anh trai trong một tai nạn. Kể từ đó, ý thức của Tesla đã tiếp cận tới những thế giới khác, mà ông cho biết, cũng hiện thực và quý giá như thế giới hiện thực thông thường của chúng ta. Nói cách khác, trực giác của Tesla cho phép ông tiếp xúc với 2 thế giới – thế giới hữu hình của chúng ta và thế giới siêu hình mà những người vô thần không tin.

Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Nina Sviderskaia giải thích về trạng thái sống trong 2 thế giới của Tesla:

“Đó là những trạng thái bị biến đổi đặc biệt của nhận thức. Con người có thể nhận thức được những cái nằm bên ngoài tầm nhìn của anh ta. Ý thức khi đó di chuyển đến những không gian khác, thời đại khác. Ngày nay những trạng thái như vậy được các thiết bị ghi nhận rõ ràng. Trong bộ não tồn tại trục siêu nhận thức”.

Không có gì để ngạc nhiên khi Tesla được người đương thời gọi là siêu nhân. Ông kể lại:

“Tôi có thể nghe thấy tiếng tic-tac của đồng hồ ở cách tôi 3 căn phòng, tiếng con ruồi đậu xuống bàn. Trong bóng tối tôi có được sự nhạy cảm của con dơi và có thể phân biệt được vị trí của các đồ vật nhờ giác quan đặc biệt… Một đốm lóe sáng xuất hiện như một mặt trời nhỏ. Chân lý mở ra trước mắt. Một trạng thái hạnh phúc tuyệt đối. Các ý nghĩ cứ tràn ra như một dòng chảy khiến tôi phải cố gắng lắm mới kịp ghi lại chúng…”.

Tesla đã dần dần học làm quen với trạng thái đó. Bất kể lúc nào Tesla cũng có thể thoát khỏi thế giới bên ngoài thông thường để thâm nhập vào cái thế giới riêng biệt đó của ông. Từ thế giới ấy, ông đã có thể đưa ra các mô hình phát minh của mình mà không cần đến toán học, không cần đến các phương trình.

Branko Kovachevich, Giáo sư Đại học Belgrade, nhận định về Tesla:

“Không sử dụng đến các thao tác tính toán như ngày nay vẫn được áp dụng, ông ấy không cần đến các phương trình vì ông hiểu bản chất của sự việc. Nguyên tắc đó đối với Tesla bao giờ cũng quan trọng hơn các chi tiết. Chính đó mới là cái Tesla chú mục vào khi ông đắm mình trong trạng thái bị biến đổi của nhận thức”.

Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Nina Sviderskaia nói:

“Chính bằng cách đó, khi ở trong trạng thái bị biến đổi của nhận thức, Tesla có thể thu nhận được những tri thức mà ở trong trạng thái bình thường không thể có được. Điều đó cho phép ông, thứ nhất, xác định các hiện tượng và các vật bất thường; thứ hai, nhìn thế giới với những lập trường và quan điểm khác so với những người bình thường. Nhờ khả năng dễ dàng trở lại trạng thái bình thường, ông có thể ghi lại tất cả và truyền đạt lại cho những người khác”.

Hoàn toàn không thể giải thích nổi nguồn kiến thức của Tesla về những hiện tượng lạ lùng chưa được ai nghiên cứu. Và đây là điều quan trọng nhất mà Tesla tiết lộ:

“Bộ não của tôi chỉ là một cỗ máy tiếp nhận, trong vũ trụ có một Trung tâm cốt lõi mà từ đó chúng ta nhận được tri thức, sức mạnh và niềm cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập được vào những bí mật của trung tâm này, nhưng tôi biết nó tồn tại”[15].

Vậy Trung tâm cốt lõi ấy là gì nếu không phải là Chúa – Trung tâm Thông tin Vũ trụ? Hãy nghe các nhà khoa học nói về điều này.

Dmitrii Strebkov, Tiến sĩ Khoa học, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, nói:

“Nhiều người tin vào Đấng Tối Cao. Đối với một số người thì đó là Chúa Jesus, hay đại loại như vậy. Đối với một số khác thì đó là một lực lượng nào đó biết tất cả mọi điều, hiểu tất cả mọi việc, giúp cho con người cố gắng sống trong công bằng, giúp đỡ con người trong những tình huống khó khăn và giúp đỡ cả trong khoa học”.

Yuri Mazurin, một Tiến sĩ Toán-Lý, nói:

“Phương pháp sáng tạo của Tesla buộc chúng ta phải nghĩ rằng có tồn tại một ngân hàng số liệu toàn cầu nào đó mà bây giờ được gọi là trường năng lượng thông tin vũ trụ. Và Tesla biết cách mở nguồn đó, rút ra từ nơi đó những thông tin cần thiết, và ông luôn mơ ước để mọi người đều có thể tiếp cận được với nó…”

Tesla thậm chí đã mơ ước chế tạo ra một thiết bị sao cho những người khác cũng có thể thâm nhập vào những thế giới siêu hình mà ông đã thâm nhập.

Tesla cho rằng những bí ẩn vĩ đại trong sự tồn tại của chúng ta còn cần phải được giải đoán, thậm chí cái chết cũng chưa phải là cái kết thúc. Một lần ông kể: “Tôi có mặt ở cách ngôi nhà người mẹ ốm đau của tôi hai dãy phố. Bỗng nhiên tôi trông thấy đám mây với những hình thiên thần. Một trong những hình bóng đó dần dần mang dáng dấp của mẹ tôi. Tâm trí sáng ra đột ngột, tôi bỗng hiểu rằng mẹ tôi vừa qua đời. Và điều đó đúng là sự thật”

Tesla tin rằng khi con người chết đi, thể chất linh hồn của người đó không chết, và ta có thể xác lập được sự tiếp xúc với nó. Thậm chí ông còn chế tạo ra một thiết bị đặc biệt cho việc này. Hiện vẫn còn lưu giữ những bức thư của một người bạn thân của Tesla, nhà vật lý nổi tiếng người Anh, ngài William Crooker. Trong một bức thư, Crooker cảm ơn Tesla vì đã tặng cho minh cuộn nam châm điện tần số cao. Việc này đã tạo điều kiện cho những người gọi hồn tiếp xúc dễ dàng hơn với các linh hồn cũng như cho phép điều chỉnh cân bằng trạng thái tâm lý của những người gọi hồn sau những cuộc gọi hồn đó.

Velimir Abramovich:

“Tesla cho rằng vũ trụ là một cơ thể thống nhất toàn vẹn, bao gồm rất nhiều phần giống nhau nhưng khác biệt ở tần số rung động, mỗi phần đó là một thế giới tồn tại song song. Khi bước vào sự cộng hưởng tần số của thế giới khác, chúng ta dường như mở được cửa sổ nhìn vào thế giới tồn tại song song đó …”.

Nhưng Tesla buồn phiền nhận xét: “Thế giới thiển cận lầm lạc của chúng ta đã cười nhạo những ý tưởng của tôi như thế nào. Hãy để thời gian phán xét…”.

Quả thật nhiều người đã cười nhạo Tesla. Đó là thói đời – thói thiển cận, tự phụ của chủ nghĩa duy khoa học (scientism), một chủ nghĩa cho rằng tất cả những hiện tượng không thể giải thích được bằng khoa học đều không đáng tin cậy. Chủ nghĩa này tự cho mình là khoa học, nhưng thực ra họ rất phản khoa học, bởi họ tự phơi bày sự thiếu hiểu biết về Định lý Gödel – một định lý toán học chỉ ra rằng tồn tại vô số thứ nằm ở phía bên kia tầm với của khoa học.

Thay lời kết

Liệu có thể có một lời kết cho cuộc thảo luận về trực giác tâm linh không?

KHÔNG!

Tesla chỉ là một ví dụ mà ngay cả giới khoa học vô thần cũng đành phải chấp nhận. Còn hàng trăm hàng ngàn ví dụ khác. Thí dụ hay nhất chính là những phép lạ mà Chúa Jesus đã làm, được kể rất rõ ràng trong Kinh Phúc Âm từ hai ngàn năm trước. Tại sao chúng ta không đề cập đến những phép lạ đó, khi thảo luận về trực giác tâm linh – trực giác về thế giới siêu hình?

Nhưng câu chuyện hôm nay đã quá dài, xin để dành cho bài kỳ sau.  

Hôm nay chúng ta chỉ có thể có một kết luận nhỏ:

Trực giác đóng vai trò quyết định trong khám phá sự thật, đặc biệt trong việc khám phá thế giới siêu hình.

Đức tin vào Chúa – thực thể siêu hình vĩ đại nhất – đòi hỏi trước hết phải có TRỰC GIÁC VỀ THẾ GIỚI SIÊU HÌNH, mà Pascal thường gọi là cảm nhận bằng trái tim. Khi ấy, lý trí là công cụ rất hữu ích trong việc kiểm tra, xác nhận và chứng minh khẳng định niềm tin đã hình thành từ trực giác.  

Albert Einstein có trực giác siêu việt về thế giới vật chất, nhưng không có trực giác tâm linh, nên ông không tin vào Chúa của Abraham, Isaac, Jacob, và ông cũng không tin vào sự sống đời sau. Khi được hỏi ông có tin vào sự sống đời sau không, ông trả lời:

“Không! Đối với tôi, một cuộc sống là đủ rồi”[16].

Thật tiếc khi chúng ta thấy thế giới của Einstein nhỏ hẹp hơn rất nhiều so với thế giới của những người như Blaise Pascal, Louis Pasteur, Gregor Mendel, …

Thật may mắn cho những ai có trực giác về thế giới siêu hình, bởi họ sẽ biết nhiều và biết rõ sự thật hơn chúng ta, và do đó, họ có thể có những quyết định hoặc lựa chọn đúng hơn chúng ta. Xin nhắc lại lời của Louis Pasteur thay cho lời tạm kết:

“Phúc cho ai có Chúa ở trong lòng”, để có TRỰC GIÁC NHẠY BÉN về mọi thế giới, mọi sự thật!

DJP, Sydney 30/12/2023

Bài viết này để tạm biệt năm 2023 chuẩn bị đón năm 2024, với lời cầu nguyện cho mọi đau khổ sớm qua đi và ân sủng của Thiên Chúa được ban xuống dồi dào cho tất cả những ai yêu kính Chúa!


[1] https://viethungpham.com/2023/12/19/intuition-an-eternal-puzzle-truc-giac-mot-thach-do-vinh-cuu-2/

[2] This is the most beautiful and satisfactory explanation of creation to which I have ever listened https://inters.org/einstein-lemaitre

[3] The God of the Bible is also the God of the genome. God can be found in the cathedral or in the laboratory https://quotefancy.com/quote/1483893/Francis-Collins-The-God-of-the-Bible-is-also-the-God-of-the-genome-He-can-be-worshipped

[4] The only real valuable thing is intuition https://www.goodreads.com/quotes/32672-the-only-real-valuable-thing-is-intuition

[5] Talent hits a target no one else can hit; Genius hits a target no one else can see. https://www.brainyquote.com/quotes/arthur_schopenhauer_385253

[6] God’s providence is God’s caring provision for his people as he guides them in their journey of faith through life, accomplishing his purpose in them. God’s mission is to save people and shape them to be more like Jesus. https://www.gcu.edu/blog/theology-ministry/theology-thursday-gods-providence

[7] Einstein was then asked to what extent he was influenced by Christianity. “As a child I received instruction both in the Bible and in the Talmud. I am a Jew, but I am enthralled by the luminous figure of the Nazarene” [Wikipedia > Religious and philosophical views of Albert Einstein > Jewish identity]

[8] Einstein was then asked if he accepted the historical existence of Jesus, to which he replied, “Unquestionably! No one can read the Gospels without feeling the actual presence of Jesus. His personality pulsates in every word. No myth is filled with such life” [Wikipedia > Religious and philosophical views of Albert Einstein > Jewish identity]

[9] The idea of God is a form of the idea of the Infinite. As long as the mystery of the infinite weighs on human thought, temples will be erected for the worship of the Infinite, whether God is called Brahma, Allah, Jehovah, or Jesus; and on the pavement of these temples, men will be seen kneeling, prostrated, annihilated by the thought of the Infinite. (Wikiquote > Louis Pasteur)

[10] Posterity will one day laugh at the foolishness of modern materialistic philosophers (Wikiquote > Louis Pasteur)

[11] Blessed is he who carries within himself a God, an ideal, and who obeys it: ideal of art, ideal of science, ideal of the gospel virtues, therein lie the springs of great thoughts and great actions; they all reflect light from the Infinite. (Wikiquote > Louis Pasteur).

[12] https://teslauniverse.com/nikola-tesla/letters/june-1st-1931-letter-albert-einstein-nikola-tesla

[13] https://viethungpham.com/2020/01/20/the-most-incomprehensible-thing-dieu-kho-hieu-nhat/

[14] https://viethungpham.com/2016/07/13/nicola-tesla-a-super-man-nicola-tesla-mot-sieu-nhan/

[15] My brain is only a receiver, in the Universe there is a core from which we obtain knowledge, strength and inspiration. I have not penetrated into the secrets of this core, but I know that it exists.

[16] “Einstein also stated he did not believe in life after death, adding “one life is enough for me” (Wikipedia > Religious and philosophical views of Albert Einstein)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like