Home Chuyên Đề Các Chuyên Gia Xác Nhận Sự Thật Trong Sáng Thế Ký  19, Thành Phố Trong Kinh Thánh Bị Phá Hủy Bởi Vụ Nổ Lớn Gấp 1.000 Lần So Với Bom Nguyên Tử

Các Chuyên Gia Xác Nhận Sự Thật Trong Sáng Thế Ký  19, Thành Phố Trong Kinh Thánh Bị Phá Hủy Bởi Vụ Nổ Lớn Gấp 1.000 Lần So Với Bom Nguyên Tử

by Cbn.com
30 đọc

Các nhà khảo cổ và nhà thần học đang làm việc cùng nhau để phân tích những khám phá gần đây và giải thích những gì đã xảy ra với thành phố cổ Sô-đôm được tìm thấy trong sách Sáng-thế Ký của Kinh Thánh.

Tiến-sĩ John Bergsma, giáo sư thần học tại Steubenville, Đại-học Franciscan ở Ohio, cho rằng bằng chứng được phát hiện tại Tall el-Hammam nằm ở phía nam Thung-lũng Jordan có thể là do một vụ nổ rất lớn từ một thiên thạch ngoài vũ trụ, theo tạp chí Relevant.

Sự biến mất đột ngột của Tall el-Hammam khoảng 3.600 năm trước là bí ẩn đối với các nhà khảo cổ trong nhiều năm. Trong đống đổ nát của thành phố, không có dấu hiệu nào về một cuộc bao vây hay xung đột quân sự kéo dài. Tuy nhiên, các dấu hiệu khác chỉ ra một nguyên nhân thảm khốc khác, tờ báo đưa tin.

Một điều khiến Bergsma quan tâm là dấu vết của nhiệt độ cực cao để lại trên các mảnh gốm, xương người và các hiện vật khác, Relevant đưa tin. Loại thiệt hại do nhiệt này có thể là do một tiểu hành tinh khổng lồ phát nổ phía trên thành phố tương tự như những gì Sáng-thế Ký 19:24-25 mô tả trong Cựu Ước.

Đoạn, Đức Giê-hô-va giáng mưa diêm sanh và lửa từ nơi Ngài trên trời sa xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy diệt hai thành nầy, cả đồng bằng, hết thảy dân sự cùng các cây cỏ ở nơi đất đó.

Bằng chứng chỉ ra một sự kiện tàn phá bởi nhiệt độ cao, đã xảy ra cách đột ngột. Tạp chí Smithsonian đưa tin rằng các mảnh gốm ở địa điểm này có phần bên ngoài bị tan chảy nhưng bên trong vẫn còn nguyên.

Ngoài ra, các mảnh gốm được tìm thấy tại địa điểm Tall el-Hammam cũng được bao phủ bởi Trinitite (chất thủy tinh phóng xạ). Đó là cặn thủy tinh còn sót lại trên sàn sa mạc sau vụ thử bom hạt nhân Trinity vào ngày 16 tháng 7 năm 1945, gần Alamogordo, New Mexico. Thủy tinh chủ yếu bao gồm cát arkosic (sa thạch), thạch anh và fenspat (tràng thạch) đã bị tan chảy bởi một vụ nổ nguyên tử.

Theo Relevant, sự hiện diện của chất thủy tinh phóng xạ Trinitite làm tăng thêm sức thuyết phục cho giả thuyết rằng một sự kiện năng lượng cao, như vụ nổ/va chạm với tiểu hành tinh, đã xảy ra trong khu vực.

Bergsma cũng nói với hãng tin này về tình trạng kỳ lạ đặc biệt của hài cốt con người tại địa điểm khai quật.

 “Những bộ xương người hoàn chỉnh cho đến khoảng giữa đường xương sống trở lên trên, sau đó chỉ còn một vết cháy sém và không có gì ở phần trên cơ thể,” Ông mô tả. “Họ tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy một luồng nhiệt khổng lồ từ trời đã thiêu rụi hai thành phố này ở phía bờ sông Jordan.

Lực hủy diệt lớn hơn nhiều lần vụ nổ ở Siberia

Steven Collins, trưởng khoa Khảo-cổ học tại Đại-học Trinity Southwest, đồng thời là nhà khảo cổ học hàng đầu tại Tall el-Hammam đã đưa ra giả thuyết về vụ nổ trên không phía trên thành phố có thể còn lớn hơn Sự-kiện Tunguska năm 1908, một vụ nổ tiểu hành tinh trên vùng Siberia xa xôi gây ra sự tàn phá lớn, theo Relevant. Nó thậm chí còn tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cả khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945.

Theo NASA, vào ngày 30 tháng 6 năm 1908, một tiểu hành tinh đã lao vào bầu khí quyển trái đất và phát nổ trên bầu trời Siberia. Các nhân chứng địa phương ở khu vực dân cư thưa thớt cho biết đã nhìn thấy một quả cầu lửa và nghe thấy một vụ nổ lớn. Họ cũng báo cáo các vụ cháy rừng lớn và cây cối bị thổi bay hàng dặm. Vì địa điểm ở xa nên sự kiện này ít được chú ý. Chuyến thám hiểm khoa học đầu tiên đã không đến được khu vực này cho đến năm 1927, nhưng vẫn tìm thấy nhiều bằng chứng về sự tàn phá của tiểu hành tinh do sóng xung kích và vụ nổ nhiệt từ trên không.

Như CBN News đã đưa tin, Collins là đồng tác giả của một bài báo xác nhận thành phố đã bị phá hủy bởi “một sự kiện nhiệt có sức phá hủy cực cao”.

Ông lưu ý, “Đám cháy dữ dội chấm dứt sự sống tại Tall el-Hammam đã làm tan chảy đồ gốm, đá nền, tạo nên lớp bụi dày vài thước và những mảnh vụn từ vụ hủy diệt biến thành một lớp đất nền màu xám đen như thể bên trong một máy xay cà phê.

Trong một bài báo đồng tác giả khác, các nhà khảo cổ học Phillip J. Silvia và Collins viết, “Bằng chứng vật lý từ Tall el-Hammam và các địa điểm lân cận cho thấy dấu hiệu của một sự kiện nhiệt chấn động có sức tàn phá cao mà người ta có thể mong đợi từ những gì được mô tả trong Sáng-thế Ký 19.

Trong bài báo đó, họ kết luận rằng Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã bị phá hủy bởi một vụ nổ thiên thạch.

Một bài báo ban đầu được xuất bản trên tạp chí Báo-cáo Khoa-học Tự-nhiên vào năm 2021, nhưng được cập nhật vào tháng 5 vừa qua, ủng hộ lý thuyết của Collins rằng sự kiện xảy ra ở thành phố cổ “có lực hủy diệt lớn hơn nhiều so với sự kiện Tunguska”.

Quả bom rơi xuống Hiroshima có năng lượng đo được là 15 kiloton, vụ nổ tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT. Theo tờ báo, thiệt hại tại Tunguska được đo ở mức 5 megaton hoặc 5 triệu tấn TNT.

Sử dụng siêu máy tính để phân tích dữ liệu tại hiện trường, các tác giả của bài báo đưa ra giả thuyết sức tàn phá ở Tall el-Hammam ước tính ít nhất ở mức 15 megaton, có sức công phá tương đương 15 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Sáng-thế Ký 19:27-28 mô tả hậu quả của vụ nổ.

Áp-ra-ham dậy sớm, đi đến nơi mà người đã đứng chầu Đức Giê-hô-va, ngó về hướng Sô-đôm và Gô-mô-rơ, cùng khắp xứ ở đồng bằng, thì thấy từ dưới đất bay lên một luồng khói, như khói của một lò lửa lớn.

Tác động của vụ nổ tạo ra lượng muối lớn, một sự kiện lịch sử

Vụ nổ lớn trên không dường như cũng đã tạo ra một lượng lớn muối gợi nhớ đến câu chuyện trong Sáng-thế Ký 19 về việc vợ của Lot bị biến thành một cột muối, Relevant đưa tin.

Vả, khi hai thiên sứ dẫn họ ra khỏi rồi, một trong hai vị nói rằng: ‘Hãy chạy trốn cứu lấy mạng, đừng ngó lại sau và cũng đừng dừng bước lại nơi nào ngoài đồng bằng; hãy chạy trốn lên núi, kẻo phải bỏ mình chăng’… Nhưng vợ của Lót ngoảnh nhìn lại đằng sau nên biến thành một tượng muối.” (Sáng-thế Ký 19:17, 26)

James Kennett, giáo sư danh dự về khoa học trái đất tại Đại-học California, cho biết, “Muối bị văng lên do áp suất va chạm cao. Và có thể cú va chạm một phần đã tác động tới Biển Chết, nơi có lượng muối rất lớn.

Bergsma nói với Relevant ông tin rằng những gì các nhà khảo cổ tìm thấy giải thích được điều gì đã xảy ra với các thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ trong Kinh Thánh.

Ông nói, “Điều đó thực sự đã thay đổi quan điểm của tôi về bản đồ Cựu Ước bởi vì những gì các bằng chứng chỉ ra cho tôi là những điều nghe có vẻ quá kỳ lạ để có thể coi là lịch sử… nhưng thực ra lại được chứng minh là một sự kiện lịch sử.

Các nhà khảo cổ đã sử dụng bản ký thuật trong Sáng-thế Ký để xác định vị trí của các thành phố

Như CBN News đưa tin vào tháng 7, Collins đã nói với Joel. C Rosenberg trong một tập của chương trình The Rosenberg Report về cách ông và nhóm của mình tìm thấy các thành phố trong Kinh Thánh ở khu vực Jordan.

Collins cho biết ông đã sử dụng Kinh Thánh làm manh mối để tìm ra vị trí của các thành phố, tập trung tìm kiếm tại Thung-lũng Sông Jordan.

Ông sử dụng những manh mối từ Kinh Thánh, bao gồm cả tài liệu tham khảo trong Sáng-thế Ký 13:10 có nội dung:

Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy.

Câu hỏi thích hợp để hỏi về vị trí của Sô-đôm là, ‘Lót đã đứng ở đâu khi ngước mắt lên và thấy toàn bộ vùng đồng bằng sông Giô-đanh là nơi chỗ nào cũng có nước?’ Đó là Bethel và Ai,” Collins giải thích.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: cbn.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like