“Lòng chúng tôi không thối lại,
Bước chúng tôi cũng không trớ khỏi lối Chúa.” (Thi-thiên 44:18)
Thi-thiên 44 phản ánh sâu sắc mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài, đặc biệt trong những thời điểm nghịch cảnh. Khi được đặt trong bối cảnh của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ngày nay, Thi-thiên này nổi lên như một lời than thở sâu sắc, phản ánh tình cảm của một quốc gia đang bị bao vây bởi sự thù địch nhưng vẫn bám chặt vào đức tin.
“Hỡi Đức Chúa Trời, lỗ tai chúng tôi có nghe, tổ phụ chúng tôi đã thuật lại công việc Chúa đã làm trong đời họ, buổi ngày xưa.” (câu 1)
Những câu đầu tiên của Thi-thiên này gợi lại những chiến thắng thuở xưa, những câu chuyện về sự can thiệp của Đức Chúa Trời thay cho tuyển dân của Ngài. Những câu Kinh Thánh ca ngợi sức mạnh thiên thượng đã định hình vận mệnh của một quốc gia lồng vào câu chuyện lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên—một dân tộc tin tưởng sâu sắc vào sự quan phòng và can thiệp của Thiên Chúa. Giống như tổ tiên của Israel đã dựa vào sự can thiệp của Đức Chúa Trời trong các cuộc chiến của họ, nhà nước hiện tại cũng hy vọng vào sự bảo vệ và hướng dẫn tương tự.
Những câu tiếp theo trổi lên một giai điệu hoang tàn. Những lời thở than như, “Song nay Chúa đã từ bỏ chúng tôi, làm cho chúng tôi bị nhuốc nhơ, Chúa chẳng còn đi ra cùng đạo binh chúng tôi nữa.” và “Chúa khiến chúng tôi lui lại trước mặt cừu địch, và kẻ ghét chúng tôi cướp lấy của cho mình…” cộng hưởng với cảm giác bị bỏ rơi và dễ bị tổn thương mà nhiều người Israel có thể cảm thấy trong thời kỳ hỗn loạn này. Lời than thở của tác giả Thi-thiên gói gọn nỗi đau của một dân tộc bị bao vây, phản ánh tình trạng của một quốc gia đang bị tấn công từ nhiều phía, cố gắng dung hòa đức tin kiên định của mình trước sự im lặng từ Đấng Toàn Năng.
Tuy nhiên, ngay cả trong lúc tuyệt vọng, Thi-thiên này vẫn thể hiện đức tin kiên định của một dân tin kính. Những câu như, “Mọi điều ấy đã xảy đến cho chúng tôi; song chúng tôi nào quên Chúa, cũng không bội nghịch giao ước của Chúa…” phản ánh một tinh thần kiên cường, dù đối mặt với nghịch cảnh, vẫn không từ bỏ đức tin hoặc các giá trị của mình. Đây là tinh thần của dân Israel, những người dù thường xuyên phải đối mặt với các mối đe dọa vẫn giữ vững bản sắc và niềm tin của mình.
Ở phần cuối là lời kêu cầu của tác giả Thi-thiên, “Hỡi Chúa, hãy tỉnh thức! Nhân sao Chúa ngủ? Hãy chỗi dậy, chớ từ bỏ chúng tôi luôn luôn…” phản ánh niềm khao khát cháy bỏng về sự can thiệp và bảo vệ từ ngôi thiên thượng. Những câu Kinh Thánh này gióng lên tiếng kêu của một dân tộc khao khát hòa bình, an ninh và mong muốn chấm dứt sự thù địch.
Thi-thiên 44 đóng vai trò như một sự phản ánh sâu sắc về những thách thức mà một quốc gia và người dân ở đó phải đối mặt, tìm kiếm sự bảo vệ và can thiệp của Chúa giữa nghịch cảnh. Những điều này tương ứng với tình hình hiện tại của Israel. Đó là minh chứng cho mối quan hệ bền vững giữa một dân tộc và Đức Chúa Trời của họ; một mối quan hệ được đánh dấu bằng cả những khoảnh khắc được ơn trước mặt Chúa cũng như những thử thách đau đớn mà Chúa cho phép xảy ra để rèn cho Ngài một dân kiên định. Thi-thiên 44 là lời nhắc nhở về giao ước lâu dài giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: theisraelbible.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com