Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 217: Lệnh Ân Xá

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 217: Lệnh Ân Xá

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 27:15-19

15 Phàm đến ngày lễ Vượt qua, quan tổng đốc thường có lệ tha một tên tù tùy ý dân muốn. 16 Đang lúc ấy, có một tên phạm nổi tiếng, tên là Ba-ra-ba. 17 Khi chúng đã nhóm lại, thì Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ? 18 Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài.  19 Quan tổng đốc đương ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao.

Lời ngỏ:

Lệnh ân xá, về mặt pháp lý, là đặc ân của chính phủ một quốc gia trong việc miễn giảm trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt đối với người phạm tội. Lệnh này không hẳn là người phạm pháp được xóa bỏ án tích nhưng có thể tha tội hoặc giảm án cho phạm nhân. Lệnh ân xá có thể được ban hành bởi một vị đứng đầu quốc gia như là một biện pháp khoan hồng cho tội phạm. Ngoài những trường hợp đặc biệt, lệnh ân xá thường thực hiện trong những dịp lễ lớn. Đây là điều mà vị tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát, viên toàn quyền đế quốc La-mã tại xứ Do Thái đã thực hiện đối với Chúa Giê-xu.

Phi-lát vốn không được lòng người Giu-đa vì đã nhiều lần cố tình vi phạm luật pháp Do Thái và kích động dân chúng. Ông sẵn sàng giết hại dân Do Thái để thực hiện các mục tiêu cai trị của mình. Vì thế, quan hệ giữa ông với dân chúng địa phương trở nên xấu đi và địa vị của Phi-lát tại xứ Do Thái không ổn chút nào. Giờ đây ông lại bị giới lãnh đạo Do Thái lôi vào cuộc xét xử một vụ án tôn giáo, bị can là Chúa Giê-xu – người mà dân Do Thái tố cáo là phạm thượng đến Đức Chúa Trời. Do Tòa Công Luận không được quyền tuyên án tử hình nên họ đã giải Chúa Giê-xu qua tổng đốc Phi-lát. Tại phiên tòa này, Phi-lát biết rõ Tòa Công Luận kiện Chúa chỉ vì lòng ganh ghét mà thôi (câu 18). Lúc họ tố cáo Chúa nhiều điều, Phi-lát nhắc Chúa phát biểu để biện hộ cho mình nhưng Chúa vẫn yên lặng đến độ ông vô cùng ngạc nhiên.

Phi-lát xét thấy những người tố cáo này không có đủ cáo trạng căn bản để yêu cầu án tử hình đối với Chúa Giê-xu. Ông cũng không thấy Chúa Giê-xu có hành động xúi giục cuộc bạo động nào để chống lại La-mã. Vì thế, Phi-lát gặp khó xử trong vấn đề này, ông muốn làm vui lòng các lãnh đạo của tôn giáo để duy trì sự an ninh trong thành Giê-ru-sa-lem, nhưng ông cảm thấy ông không thể tự ý kết án tử hình Chúa Giê-xu được. Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, Phi-lát muốn tìm một lối thoát an toàn để ra khỏi trò chơi nguy hiểm này. Đó là theo lệ thường, trong ngày lễ Vượt qua, chính quyền La mã có thể ban hành luật ân xá một tù nhân người Giu-đa do dân chọn lựa. Phi-lát nắm lấy cơ hội này. Chúng ta thấy Phi-lát thật lòng muốn họ tha cho Chúa Giê-xu vì ông biết Chúa Giê-xu vô tội, nhưng vì sợ dân chúng làm loạn nên ông không trực tiếp tha cho Chúa, và ông tìm một lối thoát an toàn cho địa vị của ông, vừa để xoa dịu lòng dân, hầu dễ dàng trong việc cai trị. Phi-lát đưa cho dân chúng chọn lựa một trong hai người: đó là sẽ tha Chúa Giê-xu hay là Ba-ra-ba. Hiển nhiên lúc bấy giờ ai cũng biết tù nhân Ba-ra-ba, là người cướp của, giết người, trộm cắp, phản loạn chống lại chính quyền. Trong cái nhìn của Phi-lát, Ba-ra-ba là một kẻ thù của La Mã. Thật là trùng hợp, Ba-ra-ba lại phạm đúng cái tội mà Chúa Giê-xu bị tố cáo. Phi-lát nghĩ rằng, dân chúng sẽ xin tha cho Chúa Giê-xu, bởi vì rõ ràng có sự trái ngược giữa Chúa Giê-xu và Ba-ra-ba. Ông đưa sự lựa chọn như thế với hy vọng dân Do Thái chọn tha Chúa Giê-xu, vì ông nghĩ không ai muốn sống chung với một tên trộm cướp giết người bao giờ. Thế nhưng, ông đã lầm.

Có một lý do mà Phi-lát muốn tha cho Chúa Giê-xu. Đó là vì vợ của ông có can thiệp vào vụ án này. Chỉ trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chúng ta mới có chi tiết về vợ của Phi-lát. Theo lịch sử cho biết, bà tên là Claudia Procla và sau này bà đã quy đạo theo Cơ đốc giáo. Câu 19 cho biết, bà đã cho người đưa tin cho Phi-lát khi ông đang ngồi trên tòa án, nghĩa là đang giữa lúc vụ xử án. Điều này cho thấy tính cách khẩn cấp của vấn đề. Vợ của tổng đốc Phi-lát có lẽ đã nghe nhiều về Chúa Giê-xu, có theo dõi sự giảng dạy cùng phép lạ Chúa làm nên bà biết Chúa Giê-xu là người công chính. Yêu cầu của bà là “Đừng làm gì đến người công bình đó” hàm ý bảo Phi-lát không nên có quyết định gì làm hại đến Chúa Giê-xu, bà nhận biết Chúa Giê-xu là “người vô tội”. Ngay trong đêm Chúa Giê-xu bị các thầy tế lễ và các trưởng lão bắt nộp cho Phi-lát, bà đã có một giấc mơ. Chúng ta không rõ chi tiết giấc mơ của vợ Phi-lát là gì, nhưng chỉ biết “bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao” tức là bà đã bị dằn vặt nhiều và phải chịu đau đớn nhiều trong giấc chiêm bao đêm qua. Phúc Âm Ma-thi-ơ nhiều lần nói đến chiêm bao (1:20; 2:12, 13, 19, 22) cho nên chúng ta có thể hiểu chiêm bao này đến từ Đức Chúa Trời.

Trong cương vị lãnh đạo có nhiệm vụ cầm cán cân công lý nhưng Phi-lát lại nhu nhược trong việc xét xử công bình. Phi-lát gỡ rối và tìm cách thoát thân: làm sao một mặt vừa để trấn an, làm hài lòng những người tố cáo quá khích; mặt khác lại vừa không kết án bất công người vô tội. Để không mất lòng dân chúng cũng như không bị dằn vặt trong lương tâm thì ông đưa ra luật ân xá phạm nhân. Lương tâm ông ta đã bảo với ông ta rằng Chúa Giê-xu vô tội. Luật La Mã bảo rằng không thể kết án tử hình một người vô tội. Ngay cả vợ ông cũng cho người đến nhắc ông đừng đụng đến người công chính đó. Phi-lát chẳng có lý do chính đáng nào để buộc tội Chúa Giê-xu cả, nhưng ông đã nhu nhược để đám đông điều khiển, ông quan tâm đến địa vị chính trị của mình hơn là phải làm điều công bình dù ông có những cơ hội để đưa ra một quyết định đúng.

Bài học áp dụng

Là con cái Chúa, nhưng nếu chúng ta biết điều đúng mà không dám làm, biết điều sai nhưng lại cứ nhắm mắt thực hiện, run sợ trước áp lực của số đông, cố bảo vệ chức vị, quyền lợi của mình để hùa theo số đông làm điều sai trái, đó là biểu hiện của người nhu nhược, không dám sống cho Chúa. Người không dám sống cho Chúa thì chắc chắn cũng không dám chết cho Chúa. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:8). Vậy, có một câu hỏi đặt ta cho tôi và bạn: Chúng ta có sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để dám sống cho Chúa và chết cho Chúa không?

Quý vị thân mến, dù lệnh ân xá do Phi-lát muốn áp dụng đối với cho Chúa Giê-xu nhưng Đức Chúa Trời đã cho phép lệnh ân xá đó được thực thi cho tên tội phạm Ba-ra-ba khỏi án tử hình. Mỗi chúng ta cũng giống như bản thân tên cướp kia, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Nhưng bởi sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá mà Ngài đã đặt chính mình Ngài dưới sự rủa sả của thập tự giá vì chúng ta, từ đó Ngài mới có thể ban lệnh ân xá cứu chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của tội lỗi và sự chết đời đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Cảm tạ ơn Ngài, Chúa là Con của Đức Chúa Trời, là Đấng vô tội, nhưng lại bị kết án và xử tử như một phạm nhân mắc tội trọng. Cảm tạ Chúa, Ngài đã chấp nhận tất cả những sự vu cáo vì yêu chúng con và muốn cứu chúng con ra khỏi sự rủa sả của tội lỗi. Xin cho con sống xứng đáng với tình yêu và sự hy sinh của Ngài, và nhờ sức Chúa để sống nhu mì chứ không nhu nhược trong bước đường theo Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Grace Ngo

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like