1 Giăng 4:18 – “Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi. Vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu thương.”
Được “trọn vẹn trong tình yêu thương” có nghĩa là gì?
Nó có nghĩa là chúng ta sẽ giống hệt như Ngài trong vinh quang và bản chất. Khi chúng ta được trọn vẹn trong tình yêu thương, trái tim của chúng ta có cùng nhịp đập với trái tim của Chúa, tâm trí chúng ta được hòa làm một với tâm trí của Đấng Christ, và linh hồn chúng ta cộng hưởng với lòng trắc ẩn của Ngài. Không còn sợ hãi nữa vì chúng ta hoàn toàn là một trong Ngài. Không phải tình yêu của chúng ta mà chính tình yêu hay sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mới là thứ biến đổi chúng ta.
2 Cô-rinh-tô 3:18 – “Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh.”
Giăng 1:16 – “Và từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đều nhận được ân điển càng thêm ân điển.”
Tình yêu thương và sự vinh hiển chỉ có thể nhận được từng phần tương ứng với sự biến đổi của tâm hồn bên trong chúng ta. Chúng ta nên học cách phục vụ và bước đi trong mức độ của sự sáng và tình yêu thương mà chúng ta đã nhận được. Cơ bắp của chúng ta có thể bị quá sức nếu chúng ta vận động quá mức. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có thể vận động quá mức các cơ bắp thuộc linh và tâm hồn của mình qua việc bước đi xa hơn mức độ đức tin và tình yêu mà ta có. Vì lý do đó, nhiều người với lòng sốt sắng phục vụ đã bị kiệt sức trong chức vụ.
Hãy hiểu rằng chúng ta tăng trưởng trong tình yêu thương và sự vinh hiển theo từng giai đoạn, chúng ta không nên nản lòng nếu thấy mình không phải lúc nào cũng bước đi trọn vẹn trong tình yêu thương. Hãy kiên nhẫn với chính mình và những người khác như Chúa cũng kiên nhẫn với chúng ta và những người khác vậy. Rồi chúng ta sẽ ngày càng tăng trưởng ơn càng thêm ơn và từ vinh hiển này đến vinh hiển khác!
Chúng ta phải bắt đầu từ đâu trong hành trình của tình yêu thương trọn vẹn này?
Chúng ta bắt đầu bằng cách yêu thương người khác, kể cả kẻ thù của mình, như Chúa Giê-xu đã làm. Rồi chúng ta sẽ được trọn vẹn trong lòng thương xót như Cha Thiên Thượng của chúng ta là trọn vẹn.
Ma-thi-ơ 5:48 – “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”
Những Cơ-đốc nhân không sẵn lòng lớn lên và bước đi trong tình yêu thương chỉ đơn thuần là những người tin Chúa, chứ không phải môn đồ của Ngài.
Giăng 13:34-35 – “Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta.”
Có nhiều tín hữu nhưng rất ít môn đồ. Dấu hiệu duy nhất của việc trở thành môn đồ Đấng Christ là tình yêu thương. Dấu hiệu duy nhất mà Chúa Giê-xu đã nói là sẽ phân biệt các môn đồ của Ngài với những người chỉ tin vào Ngài là dấu hiệu của tình yêu thương. Nếu chúng ta không dành thời gian để phát triển tình yêu, chúng ta đã bỏ lỡ phần quan trọng nhất của cuộc đời này. Lớn lên trong tình yêu thương và lớn lên trong sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là điều cơ bản nhất trong đời sống của chúng ta. Chúng ta sẽ luôn dành thời gian cho những gì chúng ta cho là quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Hãy hiểu rằng Chúa Giê-xu đã để lại cho chúng ta một điều răn lớn, và đó là điều răn hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu. Hãy dành thời gian để trau dồi điều đó trong đời sống của mình.
Chúng ta được tạo dựng bởi Tình Yêu, qua Tình Yêu & vì Tình Yêu
Cô-lô-se 1:16 – “Vì trong Ngài mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng. Hoặc ngôi vua, hoặc quyền thống trị, hoặc các lãnh tụ, hoặc giới cầm quyền đều được tạo dựng bởi Ngài và vì Ngài.”
Trong câu Kinh Thánh này, từ “Ngài” rõ ràng là ám chỉ về Đấng Christ. Chúa Giê-xu là hiện thân của Tình Yêu. Vậy, chúng ta cũng có thể giải thích câu Kinh Thánh này như sau, chúng ta được dựng nên bởi tình yêu, qua tình yêu và vì tình yêu. Do đó, cho đến chừng nào chúng ta được đầy dẫy tình yêu thương, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được tiềm năng cao nhất của mình.
Nhã-ca 2:4 – “Chàng đưa tôi vào phòng yến tiệc, ngọn cờ tình yêu phất phới trên tôi…”
Vào thời cổ đại, khi một vị vua giương cờ của mình trên một pháo đài, người đang tuyên bố rằng sẽ quyết tâm bảo vệ nơi đó. Khi lá cờ đó bay trong gió, nó biểu thị một lời cam kết rằng mọi quyền lực và tài nguyên của vua sẽ được sử dụng để bảo vệ và che chở cho pháo đài đó. Và đây là điều mà Chúa Giê-xu muốn nói khi Kinh Thánh nói rằng ‘ngọn cờ tình yêu của Ngài phất phới trên linh hồn của những người tin.’ Mọi tài nguyên của Đấng Toàn Năng–tất cả những gì hoàn hảo của một Đức Chúa Trời vô hạn đều được mang ra sử dụng vì sự an toàn của linh hồn đó.
Khi dân Y-sơ-ra-ên chiến đấu với dân A-ma-léc tại Rê-phi-đim, Môi-se đã giơ tay lên, tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời để giúp dân Ngài chiến thắng (Xuất 17:8-16). Sau trận chiến, Môi-se xây một bàn thờ và gọi nó là “Giê-hô-va Ni-si” (Chúa là ngọn cờ của tôi).
Nhã-ca 6:4 – “Người yêu dấu ơi, em đẹp như thành Tiệt-sa, duyên dáng như Giê-ru-sa-lem, oai phong như đạo quân giương cờ xung trận.”
Nhã ca 6:10 – “Người nữ kia là ai mà xuất hiện như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai phong như đạo quân giương cờ xung trận?”
Trong Nhã-ca 6:4; 10, Nàng Dâu được so sánh với một đạo quân giương cờ xung trận. Ba nghìn năm trước, Sa-lô-môn đã nhìn thấy và nói tiên tri về một cô dâu như vậy, một đội quân sẵn sàng chiến đấu và chết vì Phúc Âm của tình yêu. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp nhận và hoàn toàn yên nghỉ dưới ngọn cờ tình yêu của Ngài trước khi chúng ta có thể trưởng thành để trở thành một đạo quân giương cờ xung trận cho Ngài!
Nguyện tình yêu đời đời và vô điều kiện của Chúa là Cha chúng ta và của Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta là kinh nghiệm hàng ngày của tất cả anh chị em.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com