Home Dưỡng Linh Nhận Biết Chúa – Phần 12: Cầu Nguyện Suy Niệm

Nhận Biết Chúa – Phần 12: Cầu Nguyện Suy Niệm

by AdrianChua
30 đọc

Việc thực hành chánh niệm không phải là cầu nguyện, nhưng đó là một tình huống dẫn đến sự cầu nguyện; đó có thể là một cánh cửa rộng mở cho việc cầu nguyện suy niệm – thực hành nhận thức về sự hiện diện của Đức Chúa Trời và tập lắng nghe tiếng Chúa một cách có chủ đích. Khi chúng ta chủ tâm nhận thức về Chúa ở thời khắc hiện tại và bỏ đi những suy nghĩ lan man, thì sự hiện diện của Chúa với chúng ta trở nên dễ nhận biết và hữu hình hơn; không phải theo nghĩa nhận thức mà theo một nghĩa sâu xa, gắn kết, cho phép chúng ta kết nối nhiều hơn với Chúa Giê-xu và cảm nghiệm sự hiện diện tối cao của Đức Chúa Trời, Đấng đánh thức tâm linh chúng ta.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Ngài

Thi-thiên 27:4 – “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều và sẽ tìm kiếm điều ấy. Đó là tôi muốn trọn đời tôi được ở trong nhà Đức Giê-hô-va để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va và cầu hỏi trong đền của Ngài.

Trong Công-vụ 13:22, Đa-vít được biết đến là “người theo lòng Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng ông đã phạm tội giết người, gian dối, ngoại tình và bội tín. Vậy tại sao Đức Chúa Trời vẫn tôn vinh ông là một người theo lòng Ngài?

Câu Kinh Thánh trên cho chúng ta một phần câu trả lời. Nó tiết lộ cho chúng ta biết nơi mà Đa-vít đã đặt để tấm lòng của mình. Đức Chúa Trời đã làm tiêu hao ước muốn và hy vọng của ông… niềm khao khát sâu sắc nhất và cấp thiết nhất của linh hồn ông. Mong muốn chính của ông là được đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của Ngài. Ông đặt Đức Chúa Trời làm ưu tiên hàng đầu trong tình cảm và sự chú ý của mình.

‘Điều duy nhất’ mà Đa-vít xin và tìm kiếm trong đời không phải là chiến thắng kẻ thù hay hòa bình trong vương quốc của ông hoặc chấm dứt những rắc rối. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Đa-vít không phải là sức khỏe và sự giàu có hay quyền lực. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời Đa-vít là mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời.

Trên hết, ông muốn sống một đời sống lấy Chúa làm trung tâm; một cuộc đời hướng về Chúa và xoay quanh Chúa. Nhiều người trong chúng ta sống đời sống thiếu tập trung, không có trọng tâm và mục đích có ý nghĩa, lang thang không mục đích qua ngày và theo đuổi những điều ít quan trọng hơn, kém xa so với điều tốt nhất mà Đức Chúa Trời đã định. Đời sống của chúng ta sẽ chỉ phát triển đến mức độ của những điều mà lòng chúng ta mong muốn nhất. Việc thực hành chánh niệm và cầu nguyện suy niệm giúp chúng ta theo đuổi đời sống lấy Chúa làm trung tâm; một đời sống hướng về Đức Chúa Trời và xoay quanh Đức Chúa Trời, có Đức Chúa Trời là trung tâm của đời sống mình.

Trên tất cả mọi thứ, điều mà bạn mong muốn nhất là gì? Bạn muốn sống cho điều gì nhất? Chúng ta thường xem Chúa là một vị thần hữu ích, hay chúng ta nhận thấy Chúa là Đấng đẹp đẽ vô cùng?

Chờ đợi Chúa

Thi-thiên 46:10 – “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.

Một yếu tố nền tảng cho lời cầu nguyện suy niệm là khả năng tĩnh lặng nội tâm, khả năng duy trì sự hiện diện của Đức Chúa Trời vào thời điểm này – ở đây và bây giờ.

Nền văn hóa của chúng ta đã tạo cho chúng ta thói quen tập trung vào kết quả – không chỉ là kết quả mà còn là kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, kết quả hay bông trái của việc cầu nguyện suy niệm sẽ không xảy ra ngay tức thì, mà đúng hơn là, chúng diễn ra theo từng bước nhỏ. Nhưng nếu chúng ta kiên nhẫn và kiên trì, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra những thành quả của việc cầu nguyện suy niệm nơi chính mình. Chúng ta sẽ trải nghiệm sự bình an siêu nhiên vượt qua mọi sự hiểu biết dù chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào đi nữa.

Ê-sai 30:15 – “Nhờ quay trở lại và yên nghỉ, các ngươi sẽ được giải cứu; Nhờ yên lặng và tin cậy, các ngươi sẽ được sức mạnh.”  

Ngồi yên lặng trong sự tĩnh nguyện khiến chúng ta chậm lại đủ lâu để lắng nghe tốt hơn, nó đặt chúng ta vào tư thế sẵn sàng để nhận ra và đón nhận bất cứ điều gì Chúa dành cho chúng ta trong thời điểm đó. Nó cho phép chúng ta lùi lại một bước để tránh khỏi tình trạng nhai đi nhai lại những nan đề của mình, tạo ra sự minh mẫn về tinh thần và trở nên sẵn sàng hơn cho Chúa. Nó chuyển chúng ta ra khỏi việc suy nghĩ về cuộc đời của mình để bắt đầu sống cuộc đời của mình, như cách mà Chúa đã tạo ra chúng ta.

Giá trị của lời cầu nguyện suy niệm

Tất cả chúng ta đều khao khát được yêu, được thuộc về một ai đó, cảm thấy được chấp nhận và thấu hiểu. Trong sự cầu nguyện suy niệm, tâm trí của chúng sẽ được nghỉ yên, yên nghỉ trong sự hiện diện của Chúa, và đắm mình trong tình yêu của Ngài. Tư thế này cho chúng ta biết Chúa trong một chiều kích sâu sắc hơn và cảm nghiệm tình yêu vô điều kiện của Ngài cũng như được biến đổi bởi tình yêu đó. Điều này cũng cho phép chúng ta nhận ra tiếng phán của Đức Chúa Trời trong đời sống mình. Có nhiều tiếng nói bên trong cũng như tiếng nói bên ngoài đang tranh giành sự chú ý của chúng ta, và tệ hơn, nhiều tiếng nói trong số này là tiêu cực đối với cảm xúc của chúng ta – bởi vì chúng mang tính phán xét và lên án, buộc tội chúng ta là ‘không đủ tốt…’

Thật khó để nghe được tiếng Chúa khi mà lời tự nhủ của chúng ta và sự tấn công của những giọng nói từ bên ngoài đều làm nhiễu tất cả các tín hiệu. Thông qua việc thực hành chánh niệm và cầu nguyện suy niệm, chúng ta có thể phân biệt rõ hơn mong muốn của Đức Chúa Trời đối với cuộc đời của chúng ta – tình yêu của Ngài, ân điển của Ngài, lòng trắc ẩn của Ngài, lòng thương xót của Ngài, v.v. Sự yên lặng nội tại là điều kiện tiên quyết đầu tiên để lắng nghe. Vì chính trong sự tĩnh lặng từ nơi sâu thẳm tồn tại đằng sau những tiếng ồn ào của những suy nghĩ gây phân tán, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện sâu sắc của Đức Chúa Trời.

Đáng buồn thay, yên nghỉ trong sự tĩnh lặng có thể là điều khó khăn nhất trong tất cả các thực hành cầu nguyện đối với Cơ-đốc nhân thế kỷ XXI vì hầu hết chúng ta phải vật lộn với tâm trí bị phân tán, quá nhiều mối bận tâm và không yên ổn. Rất thường xuyên, chúng ta học Kinh Thánh một cách vô tâm và không thích sự hiện diện của Ngài cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Ngài như tác giả Thi-thiên ngày xưa. Chúng ta không chú tâm vào việc hiểu biết Đức Chúa Trời qua tiến trình, mà chỉ tập trung vào kiến thức vừa đủ để thỏa mãn linh hồn mình.

Rất thường xuyên, chúng ta có xu hướng dành cho Đức Chúa Trời sự chú ý rải rác trong thời gian tĩnh nguyện của mình. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng và thành tâm chú ý đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Chánh niệm Cơ-đốc nuôi dưỡng một tâm thế tốt đối với Đức Chúa Trời, nó giúp chúng ta đọc Kinh Thánh chậm lại một cách có chủ ý để tận hưởng sự hiện diện của Ngài trong quá trình này.

Sự biến đổi thuộc linh

2 Cô-rinh-tô 3:18 – “Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh.

Để được giống như Đấng Christ không phải chúng ta cứ nói cố gắng là được. Sự biến đổi dần dần diễn ra thông qua việc bám vào gốc nho. Từ nơi ngự, nơi yên nghỉ và chiêm ngưỡng này, chúng ta được biến đổi từ mức độ vinh quang này sang mức độ vinh quang khác.

Việc nói lên những nhu cầu của mình, cầu thay và cầu xin trong khi cầu nguyện là điều tốt và cần thiết, tuy nhiên, sự yên lặng và cầu nguyện suy niệm cũng quan trọng không kém. Đó không chỉ là một kỹ thuật cầu nguyện khác, mà còn là chiều sâu của tình yêu chúng ta như một sự đáp lại tình yêu bao la của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Chúng ta cần những giây phút yên lặng để cho sự dịu dàng của Đức Chúa Trời có thể chạm vào đời sống của chúng ta.

Lắm lúc, chính trong khoảng thời gian tĩnh nguyện, lời Chúa mới tìm được chỗ để ngự vào trong chúng ta. Sự yên lặng có khả năng bí ẩn để mở ra một không gian trong con người bề trong của chúng ta, một không gian mà Đức Chúa Trời có thể ngự vào và để lời Ngài ở lại trong chúng ta để tình yêu của Ngài bén rễ trong tâm trí và tấm lòng chúng ta, làm sống động đời sống của chúng ta. Trong sự yên tĩnh, lòng biết ơn có thể được cảm nhận sâu sắc hơn, và nó cũng giúp chúng ta đánh giá cao môi trường xung quanh và thiên nhiên nhiều hơn, và do đó, sự bình yên và niềm vui của chúng ta cũng được thêm lên.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like