Home Dưỡng Linh Nhận Biết Chúa – Phần 11: Thực Hành Ở Trong Sự Hiện Diện Của Đức Chúa Trời

Nhận Biết Chúa – Phần 11: Thực Hành Ở Trong Sự Hiện Diện Của Đức Chúa Trời

by AdrianChua
30 đọc

Thi-thiên 139:7-10 – “Con sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Con sẽ trốn đâu khỏi sự hiện diện của Ngài? Nếu con lên trời, Chúa ở tại đó, nếu con nằm dưới âm phủ, kìa Chúa cũng có ở đó. Nếu con chắp cánh hừng đông bay qua tận cùng biển cả, tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt con, tay phải Chúa sẽ nắm giữ con.

Chánh niệm giúp chúng ta trau dồi một tâm trí thánh, một tâm trí có ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong các hoạt động hàng ngày của mình. Giống như tác giả thi thiên, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vân tay của Chúa trong mọi sự và điều đó giúp nâng cao trải nghiệm của những hoạt động tầm thường nhất trong đời sống. Khi chúng ta hít thở bầu không khí trong lành; tận hưởng cảnh đẹp; ánh hoàng hôn, cảm nhận những giọt mưa hay khi ôm những người thân yêu trong vòng tay,… trong những khoảnh khắc đơn giản như thế, chúng ta vẫn có thể ý thức và tận hưởng được những thú vui đơn giản của cuộc sống và tạ ơn Chúa vì những món quà tuyệt vời của sự sống mà Ngài đã ban cho chúng ta.

 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17-18 – “…cầu nguyện không thôi…”

Từ “không thôi” ở đây không có nghĩa là “không ngừng” mà là “liên tục lặp đi lăp lại”. Nói cách khác, chúng ta được khích lệ là hãy tổng kết lại cuộc sống hàng ngày của mình bằng những khoảng thời gian cầu nguyện. Chúng ta có thể suy ra điều này giống như việc sống từng giây từng phút một cách có ý thức về việc sự hiện diện của Đức Chúa Trời đang ở với chúng ta.

Tâm trí và tấm lòng của con người chúng ta có xu hướng đi lang thang. Nhiều người trong chúng ta xây dựng những thói quen tốt và kỷ luật thuộc linh vào khoảng thời gian tĩnh nguyện buổi sáng, nhưng lại thường cảm thấy như thể chúng ta đang quá cảnh sang một thế giới khác khi đi làm. Thật dễ dàng để chúng ta bị cuốn đi bởi tất cả những phiền nhiễu về công nghệ, nỗi lo về thời gian và tính cấp bách của những email cũng như áp lực từ những sự kỳ vọng. Chỉ biết Chúa kêu gọi chúng ta làm một việc gì đó thôi thì chưa đủ; chúng ta cần có những thói quen để tin rằng chúng ta được kêu gọi làm những việc đó cùng với Ngài. Vì lý do đó, Kinh Thánh đã nhiều lần nhắc chúng ta nhớ đến Chúa trong mọi hoàn cảnh. Dưới đây là một vài ví dụ:

Phục-truyền 8:2 – “Hãy nhớ lại suốt chặng đường trong hoang mạc mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dẫn anh em đi trong bốn mươi năm nay, Ngài hạ anh em xuống và thử thách anh em để biết rõ lòng anh em thế nào, có tuân giữ điều răn của Ngài hay không.

Phục-truyền 8:18 –  “Phải tưởng nhớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, vì chính Ngài là Đấng ban cho anh em sức lực tạo dựng cơ đồ nầy, để thực hiện giao ước mà Ngài đã thề với tổ phụ anh em, như Ngài đang làm ngày nay.

Phục-truyền 15:15 – “Hãy nhớ rằng anh em đã từng làm nô lệ trong đất Ai Cập và Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã cứu chuộc anh em. Vì thế mà hôm nay tôi truyền đạt cho anh em điều nầy.

Chúa không chỉ yêu cầu chúng ta hoài niệm, mà còn thành tâm để ý đến sự tốt lành và quyền năng của Ngài. Ngài yêu cầu chúng ta luôn lưu tâm đến Ngài, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn để chúng ta có thể nhận được sức mạnh từ Ngài. Chúa là Đấng toàn tại, do đó, Ngài hiện diện bên trong chúng ta, cũng như xung quanh chúng ta để ban sức cho chúng ta. Tuy nhiên, không phải tất cả chúng ta đều cảm thấy và nhận thức được sự hiện diện của Ngài trong đời sống mình.

Dưới đây là một đoạn trích từ cuốn sách của Brother Lawrence về “việc thực hành ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời”:

Tất cả những gì chúng ta phải làm là nhận ra Chúa đang hiện diện một cách mật thiết trong chúng ta. Sau đó, chúng ta có thể nói chuyện trực tiếp với Ngài mỗi khi chúng ta cần sự giúp đỡ, để biết ý muốn của Ngài trong những thời khắc không chắc chắn, và làm bất cứ điều gì Ngài muốn chúng ta làm theo cách đẹp lòng Ngài. Chúng ta nên dâng công việc của mình lên cho Ngài trước khi bắt đầu, và cảm tạ Ngài sau đó về đặc ân được làm điều đó vì cớ danh Ngài. Cuộc trò chuyện liên tục này cũng sẽ bao gồm hành động ngợi khen và yêu mến Chúa không ngừng vì sự tốt lành và toàn hảo vô hạn của Ngài.

Chúng ta có thể là trở ngại lớn nhất khiến ân điển của Đức Chúa Trời không còn tiếp tục hành động trong đời sống của chúng ta do chúng ta không quan tâm đến sự hiện diện của Ngài. Giống như Brother Lawrence, chúng ta nên lưu tâm đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời đang ngự bên trong chúng ta và tình yêu không bao giờ phai nhạt của Ngài dành cho chúng ta.

Để tâm đến sự hiện diện của Ngài

Thi-thiên 16:8 – “Con hằng để Đức Giê-hô-va đứng trước mặt con; Con chẳng hề bị rúng động vì Ngài ở bên phải con.

Để Chúa ở trước mặt chúng ta có nghĩa là gì? Điều đó đơn giản có nghĩa là chúng ta chọn liên hệ mọi thứ mà chúng ta gặp phải với lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Trong mắt Đa-vít, Đức Chúa Trời không phải là một nhân vật trừu tượng, mà là một Thân-vị ở bên cạnh ông. Giống như Đa-vít, nếu chúng ta muốn nền tảng đức tin của mình không dễ bị lung lay, chúng ta cần để tâm đến sự hiện diện thường xuyên của Đức Chúa Trời.

Chúng ta chọn tập trung vào điều gì thì điều đó thường trở thành thứ chi phối đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể là con cái Chúa, nhưng nếu chúng ta luôn tập trung vào các nan đề của mình, thì nan đề của chúng ta sẽ quyết định hướng đi của cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta tập trung vào sự tán thành và chấp nhận của mọi người, thì nỗi sợ hãi con người sẽ quyết định những gì chúng ta nghĩ và làm.

Chúa Giê-xu phán, “ngoài Ta các con không làm gì được” (Giăng 15:5). Sự tăng trưởng của chúng ta trong ân điển, niềm vui, sự kết quả của chúng ta, tất cả đều phụ thuộc vào sự hiệp nhất của chúng ta với Đấng Christ. Chính nhờ hiệp thông với Ngài, hàng ngày, hàng giờ, bằng cách ở trong Ngài mà chúng ta được lớn lên trong ân điển. Ngài không chỉ là Tác-giả, mà còn là Đấng làm trọn đức tin của chúng ta. Ngài không chỉ có mặt ở đầu và cuối chặng đường chúng ta đi, mà còn dìu dắt chúng ta từng bước trên hành trình này. Bằng cách thường xuyên lưu tâm đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống mình, chúng ta sẽ có được những hiểu biết sâu sắc giúp đưa ra quyết định đúng đắn và sống theo cách mà Chúa mong muốn. Quan trọng hơn, bằng cách giữ cho mình tỉnh táo để luôn ý thức về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống, chúng ta có thể khiến lòng vui mừng, thắp sáng hy vọng trong đời, mang lại ý nghĩa cho mọi hoàn cảnh và cũng là một biện pháp ngăn chặn tội lỗi.

Thực hành ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời đơn giản có nghĩa là giữ cho tâm trí của mình tập trung vào sự hiện diện thánh của Ngài và để sự hiện diện này thấm nhuần mọi khoảnh khắc và mọi chi tiết trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Sự kỷ luật thuộc linh đơn giản này không xảy ra một cách tự động hay mặc nhiên mà có được mặc dù chúng ta ở trong Đấng Christ với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời. Điều này cần được nuôi dưỡng và trau dồi một cách có chủ đích cho đến khi nó trở thành bản chất thứ hai của chúng ta.

Đây không phải là làm nhiều việc cùng một lúc, mà là vượt ra ngoài “sự tĩnh nguyện buổi sáng”, và lưu tâm đến sự hiện diện của Ngài ở cùng chúng ta suốt một ngày dài. Đây cũng không phải là nhấn mạnh cõi thuộc linh hơn thuộc thể hay những điều thiêng liêng hơn thế tục mà là kết hợp cả hai cõi này lại với nhau trong trải nghiệm hàng ngày của chúng ta để chúng ta lớn lên trong cuộc sống và đầy dẫy sự bình an cũng như niềm vui của Ngài liên tục thay vì chỉ tồn tại và cố gắng phấn đấu với sự căng thẳng và thất vọng.

Nhiều người trong chúng ta sống một đời sống Cơ-đốc được sắp xếp ngăn nắp một cách vô thức. Mặc dù chúng ta có kỷ luật trong việc chuyên tâm cầu nguyện và đọc Kinh Thánh vào buổi sáng, nhưng chúng ta thường để đời sống tâm linh của mình và Chúa Giê-xu ở nhà. Thay vào đó, chúng ta nên dành cuộc đời mình cho Chúa và giữ ý thức đó suốt ngày, hàng ngày. Thông qua sự kỷ luật của chánh niệm Cơ-đốc, chúng ta có thể biến mọi hoạt động trần tục thành khoảnh khắc thánh và sử dụng sự buồn chán như một chất xúc tác để thờ phượng và cầu nguyện.

Nguyện Chúa ở cùng và giúp đỡ chúng ta.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like