Home Lời Chứng Tin Lành Cho Những Người Công Nhân Tha Hương

Tin Lành Cho Những Người Công Nhân Tha Hương

by Richard Huỳnh
30 đọc

Chuyện 40 công nhân Việt Nam bỏ chạy khỏi sòng bạc ở Campuchia làm tôi nhớ đến những bạn công nhân tha hương tôi gặp ở các mục vụ Tin Lành ở Singapore và Malaysia. Đời người làm thuê xa xứ thật cực khổ và cô đơn, còn thêm rất nhiều áp lực và cám dỗ, khác hẳn với đời sống một du học sinh như tôi. Nhưng ở nơi tăm tối nhất cũng là nơi ánh sáng chói lọi nhất. Tại đó, tôi được thấy các mục vụ Tin Lành đã tỏa ra cho họ tình yêu thương của Chúa, dạy cho họ đường lối sống tốt đẹp của Ngài, và cho họ một gia đình trong Ngài. Sau đây là chia sẻ của tôi về mục vụ Gia Đình Việt Nam làm công tác này ở Malaysia.

Nếu được chọn, chắc hẳn không ai muốn lìa xa gia đình, rời bỏ quê hương để đến một nơi xa lạ mình chẳng biết tiếng để đi làm công. Nhiều em sang đây khi chỉ vừa học xong cấp 3, mới 18-19 tuổi, chưa bao giờ rời xa vòng tay ba mẹ mà đã phải sống một mình giữa xứ lạ quê người. Ai cũng vì cuộc sống khó khăn vất vả nơi quê nhà, mong muốn kiếm chút tiền để xây dựng cuộc sống gia đình đỡ hơn một chút. Ai cũng chí hướng sẽ làm ăn chăm chỉ, không chơi bời, tránh xa các tệ nạn cám dỗ và tích lũy chút vốn để sau này về quê làm ăn buôn bán, xây dựng cuộc đời.

Nhưng mấy ai lường hết được chuyện ở nơi xa. Làm công nhân tha hương lương bổng có cao hơn nhưng cực khổ cũng hơn nhiều lần. Những công việc tốt thì người bản xứ đã làm, chỉ những gì vất vả, độc hại, nguy hiểm họ mới để lại cho người tha hương. Công việc làm từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, còn hay phải tăng ca nên rất mệt mỏi. Thỉnh thoảng lại nghe chuyện có người đi làm về khuya, đã mệt mỏi lại tắm khuya, nên khi ngủ bị suy tim chết. Môi trường làm thì nhiều nơi máy móc chạy ầm ĩ suốt ngày đêm, đinh tai nhức óc. Nhiều nơi không khí đầy mùi hóa chất, hay nơi chế biến thức ăn thì mùi tanh hôi từ thịt cá cứ xộc lên, gây viêm mũi, viêm xoang, nhức đầu khó thở. Nhiều công việc phải tiếp xúc với gai nhọn, cạnh sắc khiến ngón tay hay bị đâm cắt, nhiễm trùng sưng lên, đau đớn vô cùng… 

Mà dù có cực khổ thế nào người công nhân tha hương cũng phải ráng sức chịu. Để đóng tiền môi giới khi đi, nhiều người nhà nghèo phải vay mượn nhiều nơi mới đủ, nên về là gia đình sẽ chìm trong nợ, mất đất mất nhà. Đã vậy có người bị công ty phá sản nên phải trốn ra ngoài làm chui. Có khi bần cùng sinh đạo tặc, ở Malaysia mà sợ nhất là cướp người Việt Nam. Cướp đường đã nhiều, mà có khi cướp vào cả khu trọ, lục lọi từng phòng lấy hết tiền bạc và điện thoại của mọi người. Tôi từng thấy một bạn đi nhóm với một tay bị băng, hỏi ra là bị cướp chém!

Sống trong điều kiện vất vả áp lực như vậy, cộng với nỗi buồn chán, cô đơn do xa nhà xa quê nên dễ phát sinh tệ nạn. Để giải tỏa áp lực, nhiều người tìm đến với rượu chè, thuốc lá, rồi chìm trong chúng. Để đỡ nỗi cô đơn hiu quạnh, nhiều người ở quê đã có chồng, có vợ rồi mà ở nơi đất khách quê người vẫn tìm đến nhau, cơm chung, ở chung, rồi tình dục luông tuồng. Vì đời sống áp lực và nhiều tội lỗi lên nên lòng người nguội lạnh, dễ có những suy nghĩ không tốt về người khác, suy nghĩ bậy bạ, nói xấu, nói tục, rồi đôi co, cãi vã, đánh nhau. Có người vì say xỉn, nóng giận, ghen tuông mà lỡ tay đánh trọng thương người, phải chịu tù tội, rồi lại ra bần cùng…

Cảm ơn Chúa, như hình ảnh trong Ma-thi-ơ 4:16Dân ngồi trong bóng tối, đã thấy ánh sáng lớn; Và những người ngồi nơi bóng sự chết bao phủ, Đã thấy ánh sáng bừng lên”, tỏa sáng giữa đời sống cực khổ của những người công nhân tha hương là những mục vụ Tin Lành. Các mục vụ đã đem đến cho họ tình yêu thương của Chúa, một gia đình trong Ngài, sự chữa lành màu nhiệm cùng đường lối công chính tốt đẹp của Ngài. Qua đó, đời sống họ được biến đổi, từ sống trong bóng tối được đi trong ánh sáng, từ chỉ thấy khổ cực đã thấy phước hạnh, và từ tâm linh hư mất đã được sự sống đời đời trong Ngài.

Có rất nhiều mục vụ rao giảng Tin Lành cho người Việt Nam tha hương ở Malaysia, Singapore, Indonesia và các nơi trên thế giới, nhưng tôi xin kể về mục vụ Gia Đình Việt Nam của ba Đức mẹ Lang mà tôi có nhiều lần ghé thăm. Ba Đức mẹ Lang (theo cách gọi thân mật của các bạn công nhân ở đây) vốn người Đồng Tháp, làm nghề buôn bán quần áo ở chợ rất khấm khá. Lẽ ra ba mẹ đã có thể vui vẻ làm ăn ở quê nhà, sống cuộc sống thoải mái khá giả, nhưng vì Chúa kêu gọi, ba mẹ đã bỏ tất cả sang Malaysia để chia sẻ Tin Lành cho người Việt Nam tha hương ở đây. Ba mẹ sống ngay tại điểm nhóm, giữa các bạn công nhân, ngày ngày xoay vòng với các công tác mục vụ: chuẩn bị chương trình, soạn bài giảng, tổ chức các buổi nhóm, nấu ăn thông công, đi chứng đạo, thăm viếng, thăm tù, v.v… Trong một lần đến thăm, mẹ Lang nhờ tôi làm chút việc để mẹ tranh thủ chợp mắt một chút trước khi các bạn công nhân đến nhóm vì mẹ làm từ sáng đến giờ mệt quá. Việc này giúp tôi cảm nhận độ vất vả của công tác mục vụ ở đây. Công việc và tấm lòng của ba mẹ là một trong những điều tác động và cảm hóa tấm lòng của các bạn công nhân. Một bạn công nhân đã chia sẻ trong lời chứng của mình (xem [1] – Tạp chí xuân Gia Đình Việt Nam – 2015):

“… chính con nhìn thấy bằng mắt của mình ba mẹ là người già cả, tóc đã bạc nhưng mỗi đêm vẫn cặm cụi mang từng phong bì thư có lời Chúa đưa tặng cho công nhân chúng con, để mong chúng con sớm nhận ra tình yêu của Chúa và được sự cứu chuộc của Ngài. Và con cũng nhìn thấy ba mẹ vất vả mỗi lần đi thăm những người con trong tù, mang theo những chiếc quần áo cũ hay là chia một ít tiền ba mẹ có cho các anh chị em trong tù ăn tạm… đó chính là lời khích lệ cho anh chị em đang sống trong tù sớm nhận ra tội lỗi và thay đổi sống tốt hơn.  Và ba mẹ cũng đã giúp cho nhiều người trong tù sớm được tự do và quay về với con đường chân chính, trở về với người thân gia đình. Con cũng nhìn thấy ba mẹ cầu nguyện cho người nghèo, cho những người bệnh tật, khó khăn… Và chính tai con cũng nghe lời khuyên của ba mẹ khi con yếu đuối và cả khi con cần sự giúp đỡ, ba mẹ là người luôn sẵn sàng. Rồi con cảm nhận được những gì ba mẹ làm là vì Danh của Chúa, vì tình yêu của Ngài chứ không vì điều gì khác hơn nữa. Con thật lòng cám ơn Chúa vì đã cho con biết được ba mẹ. Qua Chúa ba mẹ giúp con sống tốt, vui vẻ và thỏa lòng hơn với cuộc sống này khi con được làm con cái Chúa…”

Gia Đình Việt Nam, đúng như tên gọi của nó, không chỉ là một Hội Thánh mà thật sự còn như là một gia đình dành cho những người Việt tha hương. Đến với Gia Đình Việt Nam, các công nhân không chỉ được nhóm, ngợi khen thờ phượng, học lời Chúa, cầu thay cho nhau, mà các bạn còn có rất nhiều thời gian để thông công, ăn uống, trò chuyện với nhau như trong gia đình. Trước mỗi buổi nhóm tại nhà, mẹ Lang và những bạn đến sớm sẽ nấu cơm chiều, và tất cả sẽ cùng ăn uống thông công nói chuyện trong không khí gia đình vui vẻ thân mật. Rồi mọi người sẽ vào nhóm, cùng hát thánh ca, thờ phượng Chúa, được nghe giảng lời Chúa, được động viên sống theo đường lối Chúa. Nếu là tối thứ bảy thì mọi người còn có thể ngủ lại rồi sáng Chúa Nhật lại tiếp tục thông công, thờ phượng, nghe giảng và học Kinh Thánh đến trưa chiều mới về. Tôi nghĩ nhiều thời gian thông công, ăn uống, trò chuyện đã giúp Gia Đình Việt Nam thực sự là một gia đình trong Chúa cho những người công nhân tha hương. Tại đây, họ không chỉ đến để thờ phượng, mà còn để gặp gỡ anh chị em thân quen, để nghỉ ngơi trong tình yêu thương, để nuôi dưỡng linh hồn giữa nơi khổ cực, cô đơn, nhiều tội lỗi cám dỗ này. Đến thăm Gia Đình Việt Nam, cảnh tha hương của người công nhân khiến tôi nghĩ đến cảnh tha hương của Cơ Đốc nhân trên thế gian này, còn mục vụ cho tôi thấy hình ảnh của hội thánh trên đất, một gia đình yêu thương cho những người nhà Đức Chúa Trời đang lưu lạc trên đất (Ê-phê-sô 2:19).

Với tôi, chứng cớ rõ ràng nhất rằng Đức Chúa Trời có thật là những phép màu và biến đổi Ngài làm trên đời sống những ai tin nhận Ngài thật lòng. Và tôi luôn thấy vui khi đọc lời chứng của họ (xem [1] – Tạp chí xuân Gia Đình Việt Nam – 2015):

“…Bước chân sang lao động ở Malaysia, cuộc sống của tôi luôn cảm thấy bất an, lúc đi làm ở công ty hay đi bất cứ đâu cũng luôn cảm thấy sợ hãi. Con người tôi luôn có những suy nghĩ và hành động không tốt, thường hay suy nghĩ bậy bạ, ăn nói tục tằng và hay cãi vã đôi co với mọi người. Tôi thích sống cho riêng mình, ích kỷ với anh em, bạn bè xung quanh tôi… Khi được làm con của Chúa, Ngài đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi biết sống hòa hợp, yêu thương với những người xung quanh tôi. Chúa đã đổi mới đời sống tôi, khiến tôi không còn ích kỷ hay ganh ghét mọi người. Ngược lại Chúa đã giúp tôi biết nhịn nhục, biết chịu đựng, biết tha thứ cho người làm tổn thương tôi. Tôi nghĩ rằng giá như tất cả mọi người ở trên thế gian này đều được sống trong tình yêu thương của Chúa thì sẽ không còn sự ích kỷ hay ganh ghét lẫn nhau nữa…”

“…Trước đây, tính tình tôi rất nóng nảy, kiêu ngạo, tự đắc, nhưng từ khi được làm con của Chúa tôi luôn thầm cầu nguyện xin Chúa sửa đổi tôi. Dần dần nhiều thói hư tật xấu của tôi biến mất. Các bạn ơi! Tôi muốn chia sẻ cuộc đời tôi đã được Chúa thay đổi thể nào để giờ đây tôi có một cuộc sống bình an và vui vẻ, vì tôi biết rằng có một Đấng luôn yêu mến tôi và giúp đỡ tôi khi tôi kêu cầu cùng Ngài…”

“… Từ đó, hằng tuần Ánh đi nhà thờ sinh hoạt cùng ba Đức, mẹ Lang với nhiều anh chị em khác. Ánh thấy cuộc sống của Ánh đang dần được thay đổi. Anh biết mềm mại, nhịn nhục, quan tâm, giúp đỡ đến những người xung quanh hơn. Ánh dần từ bỏ nói bậy, chửi bậy, nóng giận, ích kỷ và xa rời lối sống tội lỗi của Ánh trước đây…”

Đó là những cuộc đời tăm tối đã được ánh sáng, những con người khổ cực đã được phước hạnh, những linh hồn hư mất đã được sự sống đời đời với Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao tôi luôn thích đóng góp cho công tác chia sẻ Tin Lành. Tôi chẳng thể giúp được gì cho họ, chỉ có thể chia sẻ với họ về Đức Chúa Trời là đấng yêu thương dẫn dắt ai thành tâm đến với Ngài. Chỉ có Chúa mới biển đổi được đời sống của họ trên đất này, và cho họ cuộc sống phước hạnh đời đời nơi nước Ngài về sau

Nhưng Phi-e-rơ nói với anh: “Tôi không có vàng bạc gì cả, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ người Na-xa-rét, hãy đứng dậy và bước đi!” – Công vụ 3:6 

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài tham khảo

[1] Tạp chí xuân Gia Đình Việt Nam – 2015
https://www.facebook.com/media/set/?set=a.10153260802663519&type=3 

Bình Luận:

You may also like