Kinh thánh: Ma-thi-ơ 23:8-12
8 Nhưng các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. 9 Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. 10 Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ. 11 Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi. 12 Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.
Lời ngỏ:
Nước có vai trò vô cùng quan trọng trong sự sống và sự phát triển của con người và vạn vật, nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể con người. Tuy nhiên, nếu cho rằng nước là ưu tiên nhất thì chưa chính xác. Bởi vì, con người có thể duy trì sự sống trong vòng 3-4 ngày nếu không cung cấp thêm nước. Trong khi đó, chỉ cần khoảng 5 phút nếu không cung cấp đủ dưỡng khí ô-xy cho cơ thể thì con người sẽ không còn hô hấp được. Bên cạnh đó, chỉ cần 1-2 phút tim ngừng đập cung cấp máu thì sự sống con người trên đất sẽ không có thể duy trì. Như vậy, những thành phần như nước, ô-xy, máu… hay những bộ phận như tim mạch, phổi, não… trong cơ thể con người đều quan trọng như nhau cả. Cho nên, chúng ta nên suy nghĩ đến vai trò của từng bộ phận, thành phần hơn là chỉ ưu tiên và coi trọng một thứ này mà xem thường cái khác.
Cũng vậy, trước mắt Chúa thì mỗi con người chúng ta đều được Ngài yêu thương và xem là quan trọng cả. Nên Chúa đặt mỗi người ở thứ bậc và vai trò khác nhau để hỗ tương cho nhau hơn là tạo ra giai cấp để chúng ta phân biệt đối xử với nhau. Qua bài học hôm nay chúng ta cùng học về điều đó.
Trong thời đại của Chúa Giê-xu, những thầy thông giáo và người Pha-ri-si có một lý tưởng và họ cố gắng theo đuổi lý tưởng đó. Thứ nhất, họ cho rằng mình là người giữ luật lệ của Chúa nên xứng đáng ngồi trên ngôi vị của Môi-se. Vì thế, mọi người phải tôn trọng họ như là con cháu thuộc dòng dõi Môi-se. Môi-se đã giảng dạy luật pháp như một vị thầy đáng kính, nên ai cũng phải gọi Môi-se là bậc thầy. Danh xưng này tương đương với từ Ra-bi là thầy dạy đạo, lo cho sự sống thuộc linh. Cho nên, họ rất thích thú và hãnh diện để được mọi người gọi họ là thầy, là Ra-bi. Và họ tìm nhiều cách để chứng tỏ ra bên ngoài những biểu hiện như đeo cái thẻ bài da rộng, tua áo dài, thích ngồi hay đứng ở nơi cao trong chỗ công cộng. Thế nhưng, trước mặt Chúa Giê-xu thì đó chỉ là giả hình, tức là chỉ kỉnh kiền, đạo mạo bên ngoài trong khi bên trong thuộc linh thì trống rỗng.
Thứ hai, họ luôn tự xưng mình là những người công bình, đang cầm cán cân công lý của cả dân tộc. Họ gọi Áp-ra-ham là tổ phụ của sự công bình; nên họ cũng tự mình là cha của sự công bình đối với những người dân thường. Vì họ cho rằng mình cầm giữ cán cân công bình mà Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp đã trao lại. Thế nhưng, đối với Chúa Giê-xu thì cha của họ không phải là Áp-ra-ham; mà cha của họ là Sa-tan. Bởi vì họ đã không sống theo sự công bình thật mà Đức Chúa Trời đã chỉ dạy; trái lại, họ luôn sống gian dối, sự công bình của họ chỉ là giả tạo mà thôi.
Thứ ba, đối với những thầy thông giáo và người Pha-ri-si thì luôn tự hào về vua Đa-vít là tổ phụ của họ. Cho dù dòng dõi và dân tộc họ phải chịu cảnh phu tù và chịu đi lưu lạc nhiều lần; nhưng tinh thần họ vẫn cho mình là chủ, là kẻ tự do chứ không phải kẻ phu tù hay là đầy tớ hèn mọn. Họ đã bắt người khác gọi họ là chủ và đối xử thật bất công, không có lòng thương xót đồng tộc mình. Giống như ví dụ mà Chúa kể về người đầy tớ mắc nợ chủ một vạn ta-lâng được chủ tha lại không tha cho người chỉ mắc nợ với một trăm đơ-ni-ê. Cho nên, trước mặt Chúa Giê-xu họ phải chịu trả món nợ của kẻ làm tôi bởi vì đã không có lòng thương xót như người chủ tốt lành chính là Đức Chúa Trời.
Nhiều người đã giải thích và áp dụng sai phân đoạn Kinh thánh này. Họ cho rằng Đức Chúa Giê-xu đã cấm Cơ đốc nhân là không gọi ai là Thầy, không gọi ai là Cha, và cũng không gọi ai là Chủ cả. Tương tự như vậy, ngay bản thân mình cũng không được cho ai gọi mình bằng Thầy, không cho ai gọi mình bằng Cha, và cũng không cho ai gọi mình là Chủ cả. Đối với họ việc xưng danh “Thầy”, “Cha”, “Chủ” là tạo nên giai cấp, thứ bậc theo hàng dọc. Những người theo nhóm này chủ trương phải gọi nhau là “anh em” mà thôi (Ma-thi-ơ 23:8).
Nhiều người cũng phê phán Công giáo đã sai lầm vì đã bắt giáo dân gọi linh mục là “Cha”, và người đứng đầu giáo hội là “Giáo Chủ, Giáo Hoàng”. Và nhiều người quá khích cũng phê phán các hệ phái Tin lành cải chính vì bắt tín hữu gọi người chăn bầy là “Ông mục sư, Thầy truyền đạo”. Và họ cho rằng cách đúng nhất thì chỉ gọi nhau là “anh em” theo dạng chiều ngang. Thế nhưng, họ ₫ã tôn những người thiết lập nhóm “anh em” là “Anh cả, Chị cả” hay “anh của các anh, chị của các chị” thì mặc nhiên đã thành lập cấp bậc khác tương tự, chỉ khác ngôn từ mà thôi.
Tuy nhiên, những phê bình này hông phải là vô căn cứ. Bởi vì thực tế trong lịch sử Giáo hội Cơ đốc cũng bị thế tục hoá mà vô tình tạo ra hệ thống tôn giáo mang màu sắc chính trị và tạo ra những cấp bậc đó. Đây là điều mà Giáo hội phải nhìn nhận sai lầm và sửa đổi. Thế nhưng, Cơ đốc nhân chúng ta cũng không nên trở nên quá khích và cực đoan để giải thích và áp dụng theo kiểu văn tự như thế. Bởi vì, sứ đồ Phao-lô từng tự ám chỉ ông là “cha thuộc linh” của Ti-mô-thê, Tít, Ô-nê-xim hay của cộng đồng là Hội thánh Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 4:15) vì chính ông đã giảng Phúc âm mà đem họ về cùng Chúa. Hiển nhiên, ông vì danh Chúa mà không đòi hay bắt họ gọi ông bằng những danh hiệu như “thầy, cha, chủ”.
Kết luận:
Nói tóm lại, phân đoạn Kinh thánh này Chúa Giê-xu muốn nhấn mạnh đến hai điều quan trọng.
Thứ nhất, Đức Chúa Giê-xu đã bày tỏ cho chúng ta những vai trò quan trọng trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Trong đó, Đức Thánh Linh là Đấng giữ vai trò chuẩn mực của một người Thầy. Bởi Ngài là Đấng dẫn dắt, dạy dỗ con dân Chúa hiểu và tuân theo mọi lẽ thật. Bởi sự xức dầu của Ngài mà lời hằng sống của Chúa dành cho chúng ta luôn được tươi mới và sống động. Kế đến, Giê-hô-va Đức Chúa Trời giữ vai trò là Đức Chúa Cha, là Cha thiên thượng. Ngài hoạch định mọi kế hoạch tốt đẹp cho con người và thế giới. Chúng ta phải thờ phượng Ngài và ngợi khen Ngài. Và chính mình Chúa Giê-xu đã tự bày tỏ Ngài là Đấng Christ, và Ngài cũng là Chúa, là Chủ trong đời sống của người tin và mời Ngài ngự vào trong tâm linh mình. Như vậy, vai trò Thầy, Cha, Chúa là vai trò cần phải quy về cho Đức Chúa Trời.
Thứ hai là tất cả con dân Chúa dù ở địa vị nào trong ân tứ và tiếng gọi của Chúa thì cần phải hạ mình xuống trước mặt Chúa, phải biết khiêm nhường trước mặt Ngài. Trong nhà Chúa có đa dạng các chức vụ và chức năng bởi ân tứ và tiếng gọi của Thánh Linh Chúa. Chẳng hạn, có nhiều chức vụ khác nhau như sứ đồ, đấng tiên tri, thầy giáo… cùng nhiều chức phận cũng khác nhau như làm phép lạ, được ơn chữa bệnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng, thông giải các thứ tiếng… (I Cô-rinh-tô 12:27-30). Thế nhưng, đó chỉ là vai trò được giao phó như chi thể trong thân thể; cần tương tác và hỗ trợ nhau chứ không phải là ₫ể phân giai cấp cao trọng hay thấp hèn (I Cô-rinh-tô 12:12-26).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa!
Nguyện xin Chúa Thánh Linh là Thầy, là Giáo sư lớn ngự đến để dạy bảo chúng con về mọi lẽ thật và mở mắt tâm linh để thấy được sứ điệp mầu nhiệm mà Ngài muốn chúng con thấu hiểu. Nguyện xin Thiên Phụ từ ái bày tỏ cho chúng con chương trình và kế hoạch tốt lành đã giấu trong Chúa Giê-xu; để chúng con biết mà vâng phục, làm theo ý Chúa được thành trên đất cũng như trên trời. Nguyện xin Chúa Giê-xu là Vua là Chúa ngự trị tấm lòng con để giải phóng chúng con khỏi thân phận nô lệ tội lỗi mà trở nên người tự do để được làm con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời.
Cầu xin Chúa cho chúng con luôn khiêm nhường, hạ mình, yêu thương và sống kính Chúa yêu người. Nhất là qua đời sống chúng con mà dẫn đưa nhiều bạn hữu, người thân vào trong Nước Đức Chúa Trời, và sống làm vinh hiển danh Ngài.
Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Viết bởi Thiên Gia Vĩnh
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com