Kinh Thánh : LUCA 1: 26 – 35 ; 46 – 56
Giới Thiệu :
Truyền thống cho biết nguồn gốc của ngày lễ mẹ đã bắt đầu cách đây trên 100 năm từ 1 người phụ nữ tên “Anna Jarvis” sinh sống tại tiểu bang W. Virginia phiá Bắc nước Mỹ. Sau khi mẹ của cô qua đời 3 năm – vì nhớ thương mẹ & muốn nhớ ơn người, Cô Anna đã gởi thư đến nhà thờ Methodist là nơi mà mẹ mình đã nhóm trong nhiều năm khi còn sống & xin đặc biệt tổ chức 1 buổi lễ để tưởng nhớ đến người mẹ của mình
Đến tháng 5, ngày 10, 1908 – Buổi nhóm đầu tiên được tổ chức tại nhà thờ này thuộc thành phố Grafton W. Virginia với câu gốc của bài giảng hôm đó mà vị MSư giảng , dựa trên Kinh thánh Giăng 19:26-27 & cũng trong buổi nhóm hôm đó , cô Anna cũng đến tặng hoa “carnation” là loại hoa mà mẹ mình xưa thích nhất cho mỗi bà mẹ ở trong nhà thờ đó.
Từ đó phong trào lễ Mẹ được cổ động & lan rộng ra , nhưng cho đến 1914 thì mới được Thượng nghị viện & Tổng Thống Hoa kỳ Woodrow Wilson mới chấp thuận ngày lễ “Mother’s Day”, người Việt chúng ta gọi là Lễ “ Mẫu Thân”, là 1 trong những lễ chính thức của quốc gia
Từ đó, ngày lễ Mẫu Thân đã ảnh hưởng rộng rãi khắp nơi , đến các nước khác : Anh quốc, Âu châu & nay ảnh hưởng đến cả Á châu & cho đến ngày hôm nay , ng ta vẫn còn giữ truyền thống mừng ngày lễ Mẹ này. Đây là 1 truyền thống lâu đời và rất quí giá mà c/ta nên giữ kỹ vì giúp nhắc nhở con cái về sự hiếu kính, biết ơn cha mẹ mình và cùng 1 lúc nhắc nhở “vai trò của người mẹ” trong gia đình .
Nhân ngày Mẫu Thân hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng Hội Thánh về 1 người phụ nữ đã được ơn của Thiên Chúa sinh ra Chúa Jesus về phần xác. Đó là một người mẹ có tên là Mary, 1 tấm gương vĩ đại trong cuộc đời làm mẹ với 1 đức tin trong sáng và lòng trung tín cao độ. Chúng ta có thể học được điều gì từ Mẹ Mary để chúng ta có thể nhận ra những yếu tố góp phần vào sự thành công của bà khi làm mẹ.
I. CHÚA ĐÃ CHỌN MARY CHO 1 SỨ MỆNH (1: 26 – 35 ) :
Bởi quyền phép của Đức Chúa Trời, Mary đã thọ thai sinh ra Chúa Jesus trong khi cô còn là con gái đồng trinh. Chúa Jesus đã có 1 người mẹ về phần xác thịt nhưng không có 1 người cha về phần các thịt.
Vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, nên Chúa đã chọn thịt và huyết và để làm điều này, Chúa đến trong hình hài của 1 em bé, sinh ra bởi phép lạ của 1 người nữ đồng trinh. Cô Mary ngoài đặc điểm độc nhất là nữ đồng trinh, cô còn những phẩm hạnh tuyệt vời để trở thành mẹ của Chúa Jesus.
- Mary là 1 người có 1 tâm trí, tấm lòng và 1 thân thể thánh khiết.
- Mary khiêm nhường, ý thức mình thuộc về Chúa.
Mary vâng lời ý muốn của Chúa.
– Mary sẵn sàng làm những gì Chúa muốn. ( C. 38 )
– Mary có 1 thái độ biết ơn. Cô cảm tạ Chúa đã dùng cô để công việc Chúa được tiến xa hơn.
- Mary kiên trì và tự chủ.
Đây là những đức tính rất cần cho những người mẹ ngày nay cũng như Mary đã có ngày xưa.
II. CHÚA CHỌN MARY ĐỂ LÀM GƯƠNG :
Mary không những được chọn vì 1 sứ mệnh nhưng cô cũng được chọn để làm gương cho những người mẹ khác.
– Mary đã đáp ứng tích cực chương trình của Đức Chúa Trời trên đời sống của cô. Ngay khi cô biết ý muốn của Chúa, cô đã khao khát dự phần vào chương trình của Chúa.
– Mary đã hát tôn vinh Chúa về lòng nhân từ và thương xót của Chúa. Đức Chúa Trời đã đặt lời ca vào lòng những người tin cậy Chúa. ( C.46 )
– Mary đã thờ phượng 1 Đức Chúa Trời toàn năng của Israel (Luca 1: 49). Đức Chúa Trời của Mary là 1 Đức Chúa Trời vĩ đại, Đấng Tạo ra vũ trụ. Ngài là Đức Chúa Trời trên ngôi cao sang và Mary đã thuần phục uy quyền của Chúa.
– Mary đã thờ phượng 1 Đức Chúa Trời hay thương xót (Luca 1: 50). Nhân loại cần sự thương xót nhiều hơn sự công bình. Đức Chúa Trời sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ cho những nguời không xứng đáng.
– Mary đã thờ phượng 1 Đức Chúa Trời hay cứu giúp (Luca 1: 54). Tình yêu của Đức Chúa Trời bày tỏ qua lòng nhân từ, sự chăm sóc kiên trì cho dân sự của Chúa. Tác giả Thi Thiên đã mô tả Đức Chúa Trời của Israel là “Đấng sẵn sàng giúp đỡ trong cơn gian truân” (Thi 46:1). Mary đã cảm nhận được sự trợ giúp của Chúa và cô đã trở thành người Đức Chúa Trời dùng để giúp đỡ nhựng người khác.
III.MARY PHẢI CHỊU ĐỰNG NHỮNG VẾT ĐAU KHI LÀM MẸ :
Người mẹ nào cũng kinh nghiệm sự đau đớn khi sinh con và họ tiếp tục trải qua biết bao đớn đau khác trong cuộc đời làm mẹ của mình. Trong đời sống làm mẹ, bà Mary cũng đã chịu đựng những vết đau đáng ghi nhận sau :
– Khi Chúa Jesus 12 tuổi, bà Mary thấy rất khó mà hiểu con trai của mình (Luca 2: 49 – 50). Bà có lẽ thông cảm với những người mẹ trong thế giới hiện đại ngày nay.
– Sau này, các con của bà Mary rất bàng quang về nhân cách thật của Chúa Jesus. Họ không tin Chúa là người như Chúa nói và làm cho đến sau khi Chúa Jesus sống lại từ kẻ chết.
– Chắc chắn, Mary đã đau đớn nhiều khi dân chúng tại quê nhà Naxarét khước từ Chúa (Luca 4: 28 – 29).
– Mary đau khổ và xấu hổ kinh khủng khi thấy con trai mình bị bắt, bị vu oan, bị kết án, bị rủa sả và bị đóng đinh. “Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Jesus, có mẹ Ngài đứng đó” (Giăng 29: 25), chúng ta có thể hiểu đầy đủ sự đau thương trong lòng của bà Mary suốt những giờ Chúa Jesus bị khổ hình.
IV. BÀ MARY ĐÃ THỜ PHƯỢNG MỘT ĐẤNG CỨU THẾ SỐNG VÀ ĐANG TỂ TRỊ MỌI ĐIỀU :
Sau sự sống lại của Chúa Jesus từ kẻ chết, chúng ta thấy bà Mary có mặt với những người đã ăn mừng sự đắc thắng của Chúa Jesus trên thần chết. Bà ở cùng với họ, cầu nguyện chờ đợi Đức Thánh Linh giáng lâm (Công vụ 1: 14).
KẾT LUẬN :
Bà Mary là một người mẹ mẫu mực tuyệt vời cho những người mẹ đương thời.
Đời sống của bà , một đời sống đầy dẫy đức tin, được bày tỏ qua bài hát ngợi khen Chúa trong Luca 1: 46 – 56. Tấm lòng của bà Mary hòa nhịp với Chúa vì bà luôn vâng theo ý muốn của Chúa. Sự cầu nguyện của bà đối với Chúa là đối thoại hơn là độc thoại.
Bà Mary tin rằng ý chỉ của Chúa luôn tốt lành mà bà hằng khao khát hơn là tránh né. Bà Mary, một tấm gương mẫu mực cho các bà mẹ ở khắp nơi trong đời sống thánh khiết, cầu nguyện ngợi khen và dự phần vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Amen !
Ngày Mẫu Thân 08-05-2011
Mục sư Dương Quang Vinh
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com