Thế nào là một Cơ-đốc nhân được tái sinh?
Trong khi toàn bộ Kinh Thánh nhấn mạnh đến sự chắc chắn và đảm bảo cho những Cơ-đốc nhân được tái sinh, thì có một phần Kinh Thánh lấy chủ đề này làm trọng tâm—thư 1 Giăng.
Khi đọc kỹ 1 Giăng, chúng ta nhận thấy lập luận năm phần về tính chắc chắn của sự cứu rỗi—năm dấu ấn của Cơ-đốc nhân. Đây là những đặc điểm và tính cách của một người được sinh lại nhờ đức tin vào Chúa Giê-xu Christ.
“Nói về lời sự sống, là điều đã có từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến. Sự sống nầy đã được bày tỏ; chúng tôi đã thấy và làm chứng, nên chúng tôi công bố cho anh em sự sống đời đời vốn ở với Đức Chúa Cha, và đã được bày tỏ cho chúng tôi. Chúng tôi lấy điều đã thấy, đã nghe mà công bố cho anh em để anh em có được sự tương giao với chúng tôi; còn chúng tôi vẫn có sự tương giao với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ. Chúng tôi viết điều nầy cho anh em để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.” 1 Giăng 1:1-4
Hãy cùng xem xét 5 dấu hiệu để nhận biết những Cơ-đốc nhân đã được tái sinh
1. Dấu ấn của sự xưng nhận
Đầu tiên là dấu ấn của sự xưng nhận, được mô tả trong 1 Giăng 5:1: “Ai tin Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ thì sinh bởi Đức Chúa Trời.” Trước khi bạn có thể có được sự đảm bảo về sự cứu rỗi, bạn phải tin và được cứu. Bạn phải xưng nhận Chúa Giê-xu Christ là Chúa. Một số người cho rằng họ được cứu bởi vì họ lớn lên trong nền văn hóa Cơ-đốc, hoặc họ đã đi nhà thờ cả đời, hoặc họ đã được rửa tội, hoặc họ đã cố gắng sống một cuộc đời tốt đẹp. Tuy nhiên, cá nhân họ chưa bao giờ xưng nhận rõ ràng rằng Chúa Giê-xu Christ là Chúa và Cứu Chúa của mình.
Kinh Thánh dạy rằng chúng ta là tội nhân, bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời bởi bản chất tội lỗi. Chúng ta không bao giờ có thể kiếm hoặc mua được vé hay có thể bằng cách nào đó leo lên thiên đàng. Bằng những nỗ lực hay lòng tốt của chính mình, chúng ta không bao giờ có thể được cứu. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời phải trở thành một con người để sống một cuộc đời hoàn toàn công bình, sau đó chịu chết trên thập tự giá, đổ huyết Ngài ra cho chúng ta và sống lại từ kẻ chết. Ngài đã trả hình phạt cho chúng ta, mang lấy sự phán xét của chúng ta trên chính mình Ngài, và Ngài cho chúng ta cơ hội được sinh lại.
2. Dấu ấn của sự thay đổi
Nếu dấu ấn đầu tiên là lời xưng nhận Đấng Christ là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta, thì dấu ấn thứ hai là một đời sống được biến đổi, như chúng ta thấy trong 1 Giăng 2:29, “…người nào làm điều công chính đều ra từ Ngài.” Khi Chúa Giê-xu thực sự là Cứu Chúa của chúng ta, thì điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt trong cách mà chúng ta suy nghĩ, hành động, ăn nói và ứng xử. Kinh Thánh nói, “Nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17).
Khi chúng ta bắt đầu học cách làm điều công chính, thói quen của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không hoàn hảo theo kiểu không có tội lỗi chi hết khi chúng ta vẫn còn ở trên hành tinh này; nhưng nếu là Cơ-đốc nhân, chúng ta cần cư xử như Cơ-đốc nhân. Nếu chúng ta nói rằng chúng ta đã được cứu nhưng bản thân lại không có gì thay đổi cả, thì có điều gì đó không ổn. Chúng ta không được cứu bởi những việc lành mà chúng ta đã làm, nhưng chúng ta được cứu để làm việc lành, và Phúc Âm là tác nhân gây biến đổi trong đời sống của chúng ta.
3. Dấu ấn của lòng trắc ẩn
Những người thực sự được cứu cũng mang dấu ấn của lòng trắc ẩn. Làm thế nào bạn có thể biết rằng bạn là một Cơ-đốc nhân? Bởi những gì bạn tin, bởi cách bạn sống và bởi người bạn yêu. Tình yêu thương là chủ đề được lặp đi lặp lại trong 1 Giăng, và vị sứ đồ của tình yêu này không nghi ngờ gì về cách mà tình yêu thương thấm nhuần trong đời sống của những Cơ-đốc nhân chân chính. “Thưa anh em yêu dấu,” ông viết, “chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Ai yêu thương thì sinh bởi Đức Chúa Trời và nhận biết Đức Chúa Trời… Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết mà đến sự sống, vì chúng ta yêu thương anh em…”(1 Giăng 4: 7; 3:14).
Bạn có yêu thương anh chị em của mình trong gia đình Đức Chúa Trời không? Những người thực sự được cứu là những người được phước và trở thành nguồn phước cho gia đình đức tin của mình, tức là gia đình của Đức Chúa Trời.
4. Dấu ấn của sự xung đột nội tâm
Dấu ấn thứ tư của việc được cứu thực sự là sự xung đột bên trong mỗi người. Theo 1 Giăng 5:4, “Vì ai sinh bởi Đức Chúa Trời thì chiến thắng thế gian; điều làm cho chúng ta chiến thắng thế gian chính là đức tin của chúng ta.” Từ chiến thắng ở đây bao hàm một sự tranh chiến. Chúng ta đang phải đối mặt với một kẻ thù mà chúng ta phải vượt qua. Kẻ thù của chúng ta được xác định trong 1 Giăng 2:14 chính là ma quỷ, “Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho các bạn vì các bạn mạnh mẽ, lời Đức Chúa Trời ở trong các bạn, và các bạn đã chiến thắng ma quỷ.” Giăng tiếp tục trong những câu tiếp theo: “Chớ yêu thế gian cùng những gì trong thế gian…. Vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của xác thịt, ham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo về cuộc sống, đều không đến từ Đức Chúa Cha mà đến từ thế gian”(1 Giăng 2: 15-17).
Khi bạn thực sự được sinh bởi Đức Chúa Trời, bạn sẽ trở thành một người chiến thắng khi đối mặt với những cám dỗ xung quanh mình—thế gian, xác thịt và ma quỷ. Bạn có thể không phải lúc nào cũng chiến thắng được mọi cám dỗ, nhưng bạn sẽ tiến bộ hơn mỗi ngày trong việc giành được nhiều chiến thắng hơn và thua ít trận chiến hơn khi bạn lớn mạnh hơn trong Đấng Christ và trong quyền năng của Lời Đức Chúa Trời.
5. Dấu ấn của đạo đức
Điều này dẫn chúng ta đến luận điểm cuối cùng: Chúng ta có thể thấy bằng chứng về giá trị của sự cứu rỗi khi chúng ta mong muốn hành xử theo cách làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Theo 1 Giăng 3:9, “Ai do Đức Chúa Trời sinh ra thì không phạm tội, vì hạt giống của Đức Chúa Trời ở trong người ấy; người ấy không thể cứ phạm tội, vì đã được Đức Chúa Trời sinh ra.”
Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể diễn giải câu này theo kiểu bất cứ ai do Đức Chúa Trời sinh ra đều không bao giờ phạm tội. Điều đó sẽ mâu thuẫn với những đoạn khác trong Kinh Thánh mô tả con người chúng ta là những tạo vật dễ phạm tội và thường xuyên phạm tội.
Trong 1 Giăng 3:9, từ tội lỗi được chia nguyên mẫu ở thì hiện tại và nó diễn tả một hành động diễn ra thường xuyên. Giăng không nói rằng ai phạm tội một lần thì không phải do Đức Chúa Trời sinh ra. Điều đó sẽ khiến tất cả chúng ta bị loại. Nhưng trên thực tế, Giăng đang nói rằng, “Bất cứ ai cố ý phạm tội, vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời với sự coi thường và ngoan cố tiếp tục hành vi gian ác của mình hết lần này đến lần khác, thì không thể có được sự đảm bảo về sự cứu rỗi.”
Nếu chúng ta thực sự được cứu, chúng ta sẽ đau buồn về tội lỗi của mình, xưng nhận tội lỗi và tìm kiếm ân điển của Đức Chúa Trời để có thể sống tốt hơn.
Bạn có thể có được sự đảm bảo về sự cứu rỗi ngay hôm nay.
Ân điển của Ngài là vô tận. Hãy chắc chắn rằng bạn đã xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa và Cứu Chúa của đời mình, và sau đó tin cậy Ngài với tương lai của bạn trong cõi đời đời. Ngài sẽ không bao giờ lìa bạn hay bỏ bạn. Lời của Ngài đã được ban cho để bạn có thể biết Chúa Giê-xu Christ là Cứu Chúa của mình và bạn có thể biết rằng bạn có sự sống đời đời.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com