Home Chuyên Đề 10 Thói Quen Tội Lỗi Mà Con Cái Chúa Thường Tranh Chiến

10 Thói Quen Tội Lỗi Mà Con Cái Chúa Thường Tranh Chiến

by Crosswalk.com
30 đọc

Thảo luận về vấn đề tội lỗi thường có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, tuy nhiên chúng ta cần kiên định, hạ mình mời Đức Chúa Trời bước vào và tra xét tấm lòng của chúng ta để xem có bất cứ điều gì bên trong chúng ta mà có thể khiến Ngài phiền lòng chăng. Một khi chúng ta có thể nhìn thấy những điều đó, thì chúng ta có thể chiến đấu với chúng. Nhà thần học John Owen đã hướng dẫn những người tin Chúa trong cuốn The Mortification of Sin (tạm dịch là ‘Sự Dằng Vặt của Tội Lỗi’) thế này, “hãy giết chết tội lỗi, nếu không nó sẽ giết chết anh em.” Tội lỗi là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng tin tốt lành cho con cái Chúa là tội lỗi chúng ta đã được chuộc rồi. Ê-sai 1:18 minh họa cho điều này một cách tuyệt vời: “Đức Giê-hô-va phán: ‘Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.’

Cả nam và nữ đều được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và cả hai đều phải vật lộn với việc đưa ra những quyết định không tin kính. Nhưng vì đàn ông và phụ nữ được tạo ra theo cách khác nhau, nên những tội lỗi giống nhau có thể bộc lộ dưới nhiều sắc thái khác nhau. Chúng ta sẽ xem xét kỹ mười tội lỗi này — một khi chúng ta có thể nhìn ra chúng, chúng ta có thể chiến đấu với chúng.

1. Nghĩ rằng mình biết nhiều hơn Chúa

Nếu chúng ta thực sự hiểu được hàm ý lớn lao trong câu chuyện của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta vừa là những điều nhỏ bé vừa là những điều vĩ đại. Nhỏ bé theo nghĩa mỗi chúng ta đều là những cá nhân đơn lẻ trong câu chuyện mà Chúa đang kể; vĩ đại ở chỗ chúng ta đang sống một cuộc đời mà tất cả là về Đức Chúa Trời, chúng ta hân hạnh được dự phần trong việc xây dựng một vương quốc đời đời. Một vương quốc mà sẽ tồn tại lâu hơn cái ác, khổ đau và tội lỗi.

Đây là lý do tại sao có nhiều lúc chúng ta cảm thấy tự hào về bản thân quá đỗi khi nghĩ rằng chúng ta có thể biết nhiều thứ hơn Chúa, và càng điên rồ hơn khi bắt đầu chỉ biết sống cho chính mình. Khi tất cả những gì chúng ta làm trong cuộc sống là để phục vụ bản thân và cái tôi của mình, làm những việc mà mình thích vì bản thân mình với tư cách là chủ cuộc đời mình, và mắc sai lầm khi tin rằng công việc của Chúa là phải giúp đỡ mình. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, chăm sóc chúng ta, chu cấp cho chúng ta và Chúa Giê-xu đã đến với tư cách là tôi tớ.

Trong những giây phút tự xét lại mình như thế này, liệu chúng ta có nhận ra rằng không ít lần chúng ta đã thực sự nói với Chúa rằng, ‘con biết đường lối của Ngài rồi, nhưng con thấy cách của con tốt hơn.’ Các bạn có thể nói là, ‘không, đời nào tôi dám nói vậy với Chúa!’; nhưng sự thật là chúng ta đã làm điều này rất thường xuyên. Chúng ta làm điều đó trong công việc, trong các mối quan hệ, và thậm chí khi chúng ta tiếp cận những vấn đề thuộc linh. Nếu chúng ta muốn tôn vinh Đức Chúa Trời, chúng ta phải ghi nhớ những gì mà Ngài đã phán với chúng ta, “Đức Giê-hô-va phán: ‘Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.’” (Ê-sai 55:8-9)

2. Trì hoãn trong việc vâng lời

Có bao nhiêu lần chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta làm điều gì đó nhưng chúng ta vẫn trì hoãn không chịu vâng lời ngay lập tức? Có lẽ chúng ta sẽ không trơ trẽn đến mức nói thẳng với Ngài là ‘không thích làm!’, nhưng nhiều người sẽ nói, ‘để sau nha Chúa’. Chúng ta tự thuyết phục bản thân rằng có quá nhiều điều quan trọng khác cần chúng ta để tâm đến, và chắc chắn Chúa sẽ thông cảm tại sao chúng ta gác lại mạng lệnh của Ngài để… đi nói chuyện với người hàng xóm, giúp đỡ một người bạn nào đó hoặc thuyết phục hơn là làm một chức dịch gì đó trong nhà thờ.

Không làm việc quá sức là một điều khôn ngoan, nhưng rất nhiều lần sự khôn ngoan được sử dụng như một cái cớ để không thực hiện những gì Chúa đã phán. Điều này thường là do việc vâng lời Chúa để làm một điều gì đó mới mẻ đồng nghĩa với việc chúng ta phải dừng làm điều gì đó mà chúng ta cảm thấy chưa sẵn sàng để dừng lại. Chúng ta đang hạ thấp Chúa và lừa dối chính mình. Ngài sẽ sai những người khác làm những gì mà chúng ta không làm được. Nhưng chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để trở thành chứng nhân cho những điều lớn lao mà Chúa có thể làm khi chúng ta tin cậy nơi Ngài.

3. Dung túng cho tội lỗi

Nhân danh lòng bao dung và tình yêu thương, chúng ta (đặc biệt là phụ nữ) thường hết lần này đến lần khác sẵn sàng gọi tội lỗi bằng những cái tên nghe có vẻ dễ chịu hơn bản chất thật của chúng rất nhiều: sự yếu đuối, do hoàn cảnh, bản thân sinh ra đã như vậy rồi. Chúa không xem nhẹ tội lỗi vì nó ngăn cách chúng ta với Ngài. Ê-sai 59:2 nói, “Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.”  Điều đó nên khiến chúng ta khiếp sợ, vì việc cho phép tội lỗi tiếp diễn có thể khiến Chúa từ bỏ chúng ta. Tuy nhiên, Rô-ma 5:8 tiết lộ một phương cách khắc phục: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.

Chúng ta có thể ghét tội lỗi trong khi vẫn yêu thương mọi người, và phải loại bỏ ý nghĩ rằng yêu và ghét không thể cùng tồn tại. Trên thực tế, việc ghét cái cách mà tội lỗi đã lừa dối và hủy hoại con người ta như thế nào là một hành động mang tính cách mạng của tình yêu thương. Chúng ta có thể ghét những hành động giết người, ích kỷ, phân biệt chủng tộc và hung ác, đồng thời phải ghi nhớ rằng nếu chúng ta là con cái Chúa, chúng ta không thể chọn tội nào để ghét và tội nào là có thể chấp nhận được theo tiêu chuẩn của xã hội.

Chúng ta ghét tội lỗi bởi vì Cha của chúng ta ghét tội lỗi. Chúng ta không cho phép tội lỗi tiếp diễn bởi vì chúng ta không nghĩ rằng mình có thời gian để mà giao lưu với nó, hoặc chỉ cần nghĩ về nó thôi cũng đã đủ khiến chúng ta cảm thấy bản thân mình thật tồi tệ rồi. Đừng cho phép tội lỗi thì thầm vào tai bạn những lời giả dối. Trong Sáng-thế Ký 4:7 Chúa nói điều này với Ca-in trước khi ông trở thành kẻ sát nhân đầu tiên của nhân loại, “Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó.” Khi tội lỗi đang tìm cách nuốt chửng chúng ta, đừng vì tò mò mà cho nó cắn thử một miếng; chúng ta phải quản trị nó bằng sức mạnh của Đức Chúa Trời đang hành động bên trong chúng ta.

4. Sợ mất lòng người khác

Mọi người đều muốn có cảm giác phụ thuộc hay có thể dựa dẫm vào một ai đó và nhiều người đang tìm kiếm cảm giác đó một cách tuyệt vọng . Mong muốn đó, nếu không được kiểm soát, sẽ dẫn con người ta đi vào cái vòng lẩn quẩn của việc sợ làm phật lòng người khác và có xu hướng cố làm hài lòng người ta.  Khi tình yêu của chúng ta được định hướng đúng đắn, điều đó có nghĩa là đặt Chúa Giê-xu làm đầu, thì chúng ta sẽ sống với lòng kính sợ Chúa và tìm cách làm hài lòng Ngài trước tiên. Hãy sống giống như Phao-lô, ông đã nói thế này trong Ga-la-ti 1:10, “Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

5. Lập kế hoạch mà không cần đến Chúa

Chà, chúng ta muốn lập kế hoạch cho tương lai của mình thế nào đây—cân nhắc xem làm thế nào và khi nào thì chúng ta biến những điều mà lòng mình ao ước trở thành hiện thực, đó sẽ là một lời chứng đầy vinh hiển, miễn là chúng ta đang tìm kiếm Đức Chúa Trời để Ngài hướng dẫn chúng ta khi thực hiện những kế hoạch đó. Nhưng chúng ta có thường dựa vào sức riêng và sự hiểu biết của chính mình để tự đưa ra quyết định và phân biệt đâu là tốt không?

Chúng ta phải đi chậm lại để đảm bảo rằng chúng ta đã dẹp yên tham vọng của chính mình, và đừng chỉ tập trung vào “mình” để có thể lắng nghe được những gì Chúa phán. Người anh em của Chúa Giê-xu đã có một cách nói rất thẳng thắng về vấn đề này trong Gia-cơ 4: 13-15: “Bây giờ, hỡi anh em là những người đang nói: “Hôm nay hoặc ngày mai chúng ta sẽ đến thành phố kia, ở đó một năm, buôn bán và kiếm lời”. Nhưng anh em không biết ngày mai sẽ thế nào, sự sống của anh em là gì? Vì anh em chỉ như hơi nước, xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay. Đúng ra anh em phải nói: “Nếu Chúa muốn và chúng ta còn sống thì sẽ làm việc nọ việc kia.”

6. Mê ăn uống

Chúng ta có xu hướng nghĩ đến sự ăn uống vô độ khi nghe đến từ mê ăn uống, và đó chắc chắn là hai từ đồng nghĩa, nhưng từ gluttony mà được dịch là mê ăn uống ở đây có thể được áp dụng cho bất kỳ sự ham mê nào trên đất. Đối với một số người, đó có thể là trò chơi điện tử, đối với những người khác thì có thể là phim ảnh hoặc mua sắm trực tuyến. Phao-lô cảnh báo chúng ta rằng việc ham mê bất kỳ thú tiêu khiển hay thú vui trần tục nào cũng có thể gây hại cho chúng ta. Ông khuyên rằng những người chọn phó mình cho ham muốn của xác thịt thay vì ham muốn những sự thuộc linh thì kết cuộc của họ sẽ là diệt vong. “Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phi-lip 3:19)

7. Nắm giữ vinh hiển vốn thuộc về Chúa

Điều này diễn ra ở nơi công cộng và cả chốn riêng tư. Khi chúng ta kinh nghiệm sự thành công, chúng ta có thừa nhận rằng tất cả những ân tứ tốt đẹp đó đều đến từ Đức Chúa Trời không? Hay là chúng ta nhanh chóng giành lấy vinh quang về cho mình? Nếu chúng ta liên tục đăng tải những hình ảnh nhằm để cho người ta ngưỡng mộ sự thành công của mình hoặc khen ngợi mình thì có nhiều khả năng đó chính là tội lỗi. Cho dù đó là một bữa ăn ngon, một công việc được hoàn thành cách tốt đẹp hay một chức vụ kết quả, thì mọi vinh hiển chỉ thuộc về Đức Chúa Trời mà thôi.

Mặc dù đôi khi chính nhờ làm việc siêng năng mà chúng ta gặt hái được những điều tốt đẹp , nhưng tấm lòng của chúng ta vẫn nên thừa nhận rằng chúng ta chỉ có thể làm được như vậy bởi vì Chúa đã thêm sức, cũng như ban sự khôn ngoan và khả năng làm việc cho chúng ta. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là một chủ đề phổ biến trong Kinh Thánh và câu chuyện từ Công-vụ 12:21-23 là một lời nhắc nhở nghiêm túc về mối nguy hiểm của việc đắm mình trong sự vinh hiển không phải của mình, “Đến ngày đã định, Hê-rốt mặc triều phục ngồi trên ngai truyền phán cho họ. Dân chúng kêu lớn: “Đây là tiếng của một vị thần, không phải tiếng loài người đâu!” Lập tức, một thiên sứ của Chúa đánh Hê-rốt vì vua không nhường vinh quang cho Đức Chúa Trời. Vua bị trùng đục mà chết.

8. Hay cằn nhằn

Phi-líp 2:14-15 hướng dẫn chúng ta, “Hãy làm mọi việc không một tiếng cằn nhằn hay lưỡng lự, để anh em trở nên không chỗ trách được và thanh sạch, là con cái toàn hảo của Đức Chúa Trời giữa một thế hệ xảo quyệt và sa đọa; giữa thế hệ đó, anh em hãy chiếu rạng như ánh sáng trong thế gian.” Đó dường như là một yêu cầu bất khả thi, nhưng Đức Chúa Trời không ra lệnh cho chúng ta làm điều gì quá sức của chúng ta mà Ngài không thêm sức cho.

Chúng ta hẵn đã từng nghe ai đó nói câu này, ‘Tôi khổ quá mà!’ Nan đề trong cuộc sống là chuyện xảy ra hàng ngày nhưng việc thường xuyên phàn nàn và càu nhàu không phải là hành vi tin kính. Hai người cùng làm một công việc, có hoàn cảnh sống như nhau nhưng sự khác biệt ở đây là thái độ. Một người có thể cậy ân điển của Đức Chúa Trời mà làm tốt công việc của mình hay đổ thừa cho hoàn cảnh và không ngừng than vãn.

Chúng ta thường cầu nguyện và tìm kiếm phương hướng để giải quyết công việc của mình, hay chúng ta chỉ tìm cơ hội để than thở về hoàn cảnh khó khăn của mình với người khác để họ cảm thấy tội nghiệp cho chúng ta?

9. Đố kỵ

Ghen tuông và đố kỵ thường bị nhầm lẫn, nhưng tôi sẽ mạo mụi mà nói rằng sự đố kỵ thường phổ biến hơn ở phụ nữ. Tiến-sĩ Richard H. Smith đã phân tích trên tạp chí Psychology Today rằng, “Sự đố kỵ xảy ra khi chúng ta không có được thứ mà người khác có. Còn ghen tuông thì xảy ra khi thứ gì đó của chúng ta (thường là một mối quan hệ đặc biệt) bị kẻ thứ ba đe dọa. Vậy nên đố kỵ là một tình huống giữa hai người trong khi ghen tuông là một tình huống của ba người. Đố kỵ là một phản ứng khi không có được thứ mình muốn. Còn ghen tuông là phản ứng khi sắp mất đi thứ mà mình đang có (thường là một người nào đó).

Sự đố kỵ kéo theo sự không thỏa lòng và cả hai điều này cần phải được giải quyết bởi vì nếu không được kiểm soát, cả hai đều có sức mạnh hủy diệt. Thật là ngu xuẩn khi nuôi dưỡng sự lòng đố kỵ bên trong chúng ta, bởi vì không có tình yêu trong đó, chỉ có thù ghét và khinh bỉ. Như Tít 3:3 đã dạy, “Vì chính chúng ta trước đây cũng ngu muội, không vâng phục, bị lừa dối, nô dịch cho đủ thứ dục vọng và lạc thú, sống trong sự gian ác, ghen tị, đáng ghét và coi thường nhau.

10. Không thỏa lòng

Trong cuốn Stuck (tạm dịch là ‘Bị Mắc Kẹt’), tác giả Jennie Allen đã mô tả vấn đề này một cách hoàn hảo, “Sự không thỏa lòng đang gieo rắc vào tâm hồn của những người nữ. Nhà của chúng tôi quá nhỏ; không có cỡ quần áo nào vừa với chúng tôi; chúng tôi không thể mang thai; chúng tôi không thể kết hôn; chúng tôi không thể mua được chiếc quần jean phù hợp với mình. Chúng tôi cần những đứa con biết vâng lời và những ông chồng biết lắng nghe, và chúng tôi cần những công việc lương cao nhưng thoải mái giờ giấc và cần tiền để làm được tất cả những thứ mình muốn…” Cô ấy nói đúng! Dịch bệnh của sự không thỏa lòng đang làm suy yếu quá nhiều linh hồn và chúng ta phải làm cho nó dừng lại.

Lời Chúa ban cho chúng ta bí mật để có được sự thỏa lòng mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm. Phao-lô viết thư cho những người Phi-líp (trong khi ông đang bị quản thúc tại gia) để chia sẻ một lẽ thật rằng chúng ta có thể vui mừng, biết ơn và suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Ông cũng cho chúng ta sự khôn ngoan qua câu Kinh Thánh này, “Tôi nói vậy không phải do thiếu thốn đâu, vì tôi đã học sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Tôi biết thế nào là thiếu thốn, thế nào là dư dật. Trong mọi nơi, mọi tình huống tôi đã học bí quyết để sống, dù no hay đói, dù dư hay thiếu. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi.” (Phi-lip 4:11-13)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like