Home Chuyên Đề Ý Nghĩa Ẩn Giấu Của Dòng Chữ Trên Tấm Bảng Được Treo Trên Thập Tự Giá “Giê-xu Người Na-xa-rét, Vua Dân Do Thái”

Ý Nghĩa Ẩn Giấu Của Dòng Chữ Trên Tấm Bảng Được Treo Trên Thập Tự Giá “Giê-xu Người Na-xa-rét, Vua Dân Do Thái”

by Sưu Tầm
30 đọc

Giăng 19:17-22

Đức Chúa Giê-xu vác thập tự giá đi đến một nơi gọi là Đồi Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha. Tại đó, họ đóng đinh Ngài. Có hai người khác cũng bị đóng đinh với Ngài, mỗi bên một người, còn Đức Chúa Giê-xu ở giữa. Phi-lát cũng sai viết một tấm bảng và treo trên thập tự giá. Trên tấm bảng có ghi rằng: “GIÊ-XU NGƯỜI NA-XA-RÉT, VUA DÂN DO THÁI.” Vì nơi Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh ở gần thành, và tấm bảng được ghi bằng tiếng Hê-bơ-rơ, La-tinh và Hy Lạp, nên có nhiều người Do Thái đọc. Các thầy tế lễ cả của người Do Thái nói với Phi-lát: “Xin đừng viết: ‘Vua dân Do Thái,’ nhưng hãy viết: ‘Người nầy nói: Ta là vua dân Do Thái.’ ” Phi-lát đáp: “Điều ta đã viết thì ta đã viết rồi.”

Tấm bảng được ghi bằng tiếng Hê-bơ-rơ, La-tinh và Hy Lạp

Khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh, Phi-lát đã cho viết một tấm bảng rồi treo lên cây thập tự. Cụm từ đặc biệt mà ông chọn để ghi lên tấm bảng khiến các nhà lãnh đạo Do Thái không hài lòng và họ yêu cầu ông thay đổi nó; nhưng ông từ chối.

Có một vài khía cạnh thú vị xung quanh sự việc này nhưng thật khó để có thể giải thích một cách rõ ràng nếu sử dụng bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt của chúng ta.

Cả bốn sách Phúc Âm đều ghi lại sự kiện này, chỉ khác nhau về nguyên văn của dòng chữ được viết trên tấm bảng:

Ma-thi-ơ 27:37, ĐÂY LÀ GIÊ-XU, VUA DÂN DO THÁI

Mác 15:26, VUA DÂN DO THÁI

Lu-ca 23:38, ĐÂY LÀ VUA DÂN DO THÁI

Giăng 19:19, GIÊ-XU NGƯỜI NA-XA-RÉT, VUA DÂN DO THÁI

Mác và Lu-ca không thuộc về 12 môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-xu; họ chưa bao giờ nhìn thấy hay gặp gỡ Chúa Giê-xu trong suốt thời gian thi hành chức vụ trên đất của Ngài. Do đó, họ chắc đã phải thu thập tài liệu cho các ghi chép của mình từ những câu chuyện mắt thấy tai nghe của những người khác.

Khi Chúa Giê-xu bị bắt, tất cả các môn đồ đã chạy trốn (bao gồm cả Phi-e-rơ và Ma-thi-ơ), và hầu hết những người trong số họ có thể đã tránh xa nơi Chúa bị đóng đinh vì sợ bị bắt.

Sứ đồ Giăng là người chứng kiến trực tiếp sự đóng đinh của Chúa Giê-xu. Ông đã ở đó với những người đàn bà khác khi Chúa Giê-xu chịu đóng đinh, chính mắt ông đã chứng kiến sự đóng đinh của Ngài; và ông có thể đã nhìn thấy chính xác những gì được viết trên tấm bảng treo trên cây thập tự.

Hãy xem xét điều này kỹ hơn trong tiếng Hê-bơ-rơ vì chúng ta không nắm bắt được ý nghĩa thực sự của những chữ này trong bản dịch tiếng Việt (hoặc tiếng Anh).

Hãy nhớ rằng tiếng Hê-bơ-rơ được đọc từ phải sang trái

Chữ cái đầu tiên của mỗi từ ghép lại thành một cái tên trong tiếng Hê-bơ-rơ  và danh đó là YHWH – Yahweh (Đức Chúa Trời / Đức Giê-hô-va).

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2, Đức Chúa Trời tỏ danh Ngài cho Môi-se: “Ta là CHÚA, Đức Chúa Trời của các ngươi, Ta đã đem các ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi đất nô lệ.

Hay trong Êsai 42:8, Đức Chúa Trời đã nói: “Ta là CHÚA, ấy là Danh Ta.

Từ ‘CHÚA’ ở đây được dịch là Đức Giê-hô-va hay Yahweh, danh này dân Do Thái không dám gọi, hoặc thậm chí không dám viết ra một cách đầy đủ (họ chỉ dám viết tắt bằng những chữ cái Y-H-W-H).

Điều đáng ngạc nhiên là người Do Thái yêu cầu Phi-lát thay đổi danh hiệu của Chúa Giê-xu vì họ nói rằng Chúa Giê-xu chỉ tuyên bố mình là Vua dân Do Thái thôi chứ thật ra Ngài không phải là Vua của họ. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó mà Phi-lát đã từ chối thay đổi nó!

Nếu Phi-lát viết lại theo cách mà người Do thái yêu cầu, thì câu này sẽ không chỉ ra danh của Đức Chúa Trời. Chúng ta không biết tại sao Phi-lát lại từ chối thay đổi dòng chữ ghi trên bảng; có thể chỉ là một sự trùng hợp hay Phi-lát thật sự đã nhận được một sự mặc khải từ Đức Chúa Trời sau khi ông được gặp gỡ Chúa Giê-xu. Cho dù đó là cố tình hay vô ý, thì Phi-lát đã gián tiếp tuyên bố rằng Chúa Giê-xu là Yahweh – Đức Giê-hô-va (Đức Chúa Trời) và là Vua của người Do Thái. Đây thật sự là kế hoạch hoàn hảo của Đức Chúa Trời và sự thật thì Ngài chính là Vua của họ.

Chính Ngài là Đấng mà Đa-vít đã nói rằng: “Chúa (Đức Chúa Cha) phán với Chúa tôi (Chúa Con): ‘Hãy ngồi bên phải Ta, cho đến khi Ta đặt các kẻ thù Con làm bệ dưới chân Con.’” (Thi-thiên 110:1). Câu này nói về Giê-xu sau khi Ngài thăng thiên và Đức Chúa Cha đã đặt Ngài tại bên hữu mình giống như  tiên tri Đa-ni-ên đã nhìn thấy Đấng mà ông gọi là Con Người đã được ban cho vương quốc của Đức Chúa Trời để cai trị (Ða-ni-ên 7:13-14); vì nơi đó chính là chỗ ban đầu mà Ngôi Lời đã ngự trước khi Ngài xuống thế gian (Giăng 17:5).

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, danh của Đức Chúa Trời (Yahweh) bao gồm bốn chữ cái: [Y]YOD – [H]HEY – [W]VAV – [H]HEY.

Để hiểu rõ hơn chúng ta hãy xem xét điều này trong tiếng Do Thái cổ. Chữ Do Thái cũng là chữ tượng hình. Mỗi chữ cái là một hình ảnh.

Chúng ta thấy có hai hình người trong danh của Chúa; Đây không ai khác hơn chính là Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.

Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-xu có cùng bản chất thiên thượng giống như Đức Chúa Cha.

Chữ YOD mô tả một cánh tay

Chữ HEY mô tả một người với hai cánh tay giơ lên, có nghĩa là hãy nhìn xem’ (2 lần)

Chữ VAV có hình giống như cây đinh

Vậy bốn chữ cái trong danh Chúa ghép lại thành một câu có nghĩa là  “Hãy nhìn bàn tay; Hãy nhìn cây đinh”

Danh của Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ hướng chúng ta đến bàn tay mang dấu đinh của Chúa Giê-xu.

Có thể những người Do Thái có mặt lúc đó cũng đã nhìn lên tấm bảng và nhận ra sứ điệp mà Yahweh dành cho họ. Nhưng vì tấm lòng cứng cỏi, họ đã không muốn tin vào sứ điệp đó. Sứ điệp ở đây rất đơn giản: Để được cứu, chúng ta phải nhìn xem bàn tay của Chúa và nhìn vào những cái đinh đóng trên tay Chúa Giê-xu – Ngài cũng chính là Ðức Chúa Trời của chúng ta, Ðức Giê-hô-va.

Giăng 5:39, “Các ngươi tra cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh làm chứng về Ta.

Biên tập: Eunice Tu

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=QKX_-x_CksQ

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like