Nhã-ca 1:6 – “[Các con trai của mẹ tôi] Đã giao tôi chăm sóc các vườn nho; Còn vườn nho riêng của tôi, tôi lại không chăm sóc!”
Hầu việc Chúa cách sốt sắng là một điều đáng khen, nhưng chúng ta lại dễ dàng bỏ bê đời sống nội tâm của mình, sự hiệp thông cá nhân của mình với Chúa, việc học Lời Ngài và sự thông công của chúng ta trong nơi kín nhiệm! Chúng ta không bao giờ có thể nâng người khác lên trên mức trải nghiệm thuộc linh của chính mình. Chức vụ là sự thể hiện ra bên ngoài của tâm hồn bên trong, là sự tuôn chảy của đời sống chúng ta khi ở trong Đấng Christ. Chất lượng cuộc sống và trạng thái tâm hồn của chúng ta quyết định chất lượng chức vụ của chúng ta.
Hãy coi chừng sự son sẻ của một đời sống bận rộn!
Trong xã hội hiện đại với nhịp sống xô bồ như ngày nay, mọi người thường sống một cách hời hợt và thiếu suy xét. Chứng mệt mỏi kinh niên được chấp nhận như một cách sống, và sự bận rộn kinh niên thậm chí còn được coi như biểu hiện của người có địa vị. Đáng buồn thay, chúng ta thường nhầm lẫn giữa thành tích với tính xác thực, bằng cấp chứng chỉ với sự đáng tin cậy và tiếng vỗ tay của con người với sự tán thành của Đức Chúa Trời.
Lý luận viển vông cho rằng một người quan trọng chắc chắn là một người bận rộn; do đó, nếu tôi bận, tôi phải là người quan trọng lắm. Và tôi càng bận rộn, tôi càng cảm thấy mình quan trọng hơn. Kiểu suy nghĩ này đã khiến nhiều người rơi vào trạng thái bồn chồn, không mục đích và mệt mỏi, với tâm hồn suy dinh dưỡng.
Nhiều người sống cuộc sống được định hướng quá mức, bị mắc kẹt trong đà theo đuổi thành công và quên mất ý nghĩa thật sự của thành công là gì. Giê-rê-mi mô tả những linh hồn như thế “Đi theo sự hư không, và trở thành những kẻ vô giá trị” (Giê-rê-mi 2:5). Nếu chúng ta không cẩn thận, sự bận rộn của đời này sẽ đi kèm với việc chúng ta bỏ bê đời sống cá nhân với gia đình và đời sống nội tâm của mình với Chúa. Chúng ta cần đề phòng sự son sẽ bởi một đời sống quá bận rộn và đừng bị mắc kẹt trong việc chạy theo sự trống rỗng khi chúng ta đang cảm thấy trống trãi.
Vườn Nho của đời sống cá nhân
1 Ti-mô-thê 3:2-5 – “Vậy, giám mục cần phải không chỗ trách được, chỉ một chồng một vợ, tiết chế, sáng suốt, khả kính, hiếu khách, có tài dạy dỗ, không nghiện rượu, không thô bạo nhưng hòa nhã, không gây gổ, và không tham tiền. Người ấy phải khéo quản trị gia đình mình, dạy dỗ con cái luôn biết thuận phục và lễ phép; vì người nào không biết quản trị gia đình mình thì làm sao chăm sóc Hội Thánh của Đức Chúa Trời được? ”
Đức Chúa Trời đã chỉ định chúng ta chịu trách nhiệm về chính những người thân gần gũi nhất trong nhà mình trước khi chúng ta chăm sóc dân sự của Ngài. Gia đình là vườn nho mà chúng ta nên chăm sóc trước tiên. Nhưng như câu nói “con của thợ đóng giày thường đi chân đất.” Đáng buồn thay, người ta thường bỏ bê những người thân thiết nhất với mình.
Một người cha cố ý, chủ động và hay cầu nguyện sẽ không thể bị đổ trách nhiệm về việc để cho con trai mình nổi loạn nếu người cha đó đã cố gắng hết sức để dạy bảo con của mình. Không thể đổ lỗi cho một người mẹ tận tụy và kính sợ Chúa nếu con gái của người mẹ ấy ngỗ ngược, miễn là bà đã cố gắng hết sức để nuôi dưỡng con theo cách đúng đắn. Nhưng nếu cha mẹ lơ là trách nhiệm nuôi dạy con cái và để cho con cái đi chệch hướng thì thật đáng trách.
Làm sao chúng ta có thể trở thành người quản gia tốt trong gia đình lớn của Chúa khi mà chúng ta thậm chí không thể cai trị chính ngôi nhà của mình? Điều này giống như một giáo viên dạy trường Chúa Nhật, dạy con của người khác nhưng không bao giờ cầu nguyện với con của mình. Hoặc một mục sư thanh niên chưa bao giờ dành thời gian để dạy dỗ những con trai và con gái của chính mình!
Chúng ta đã rất sốt sắng hầu việc Chúa trong đời sống cộng đồng, nhưng chúng ta đã để cho gai bụi mọc tự do trong đời sống riêng tư và cá nhân của mình, để cho cỏ dại mọc đầy. Một vườn nho nhếch nhác tượng trưng cho việc bỏ bê một ưu tiên quan trọng trong đời sống. Lý do cho việc bỏ bê có thể là do các giá trị và ưu tiên của chúng ta được sắp xếp sai thứ tự. Chúng ta có thể trở nên bận rộn đến mức không dành thời gian cho những việc quan trọng đối với chúng ta. Hoặc cũng có thể là do mất đi tính cấp bách trước những việc quan trọng trong cuộc sống. Khi việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện không còn cấp thiết đối với chúng ta nữa, chúng ta sẽ miễn nhiễm với sự khô khan về thuộc linh trong tâm hồn mình.
Vườn Nho của đời sống nội tâm
1 Ti-mô-thê 4:16 – “Hãy cẩn trọng với chính con và sự giảng dạy của con; phải kiên trì trong mọi việc đó, vì làm như vậy, thì con và những người nghe con đều được cứu.”
Một người có thể là giáo sư dạy Lời Chúa nhưng lại không thực hiện sự dạy dỗ đó trong đời sống cá nhân và riêng tư của mình, bỏ qua việc trau dồi đời sống nội tâm của mình để hiệp thông với Chúa.
Tâm hồn chúng ta được nuôi dưỡng thông qua việc nghiên cứu kỹ càng, đặc biệt là nghiên cứu Kinh Thánh. Trong thế giới bận rộn của chúng ta, chúng ta nên dành thời gian cân nhắc cho những kỷ luật như vậy. Khi tâm trí được đổi mới và phong phú, tấm lòng được khai sáng và làm mới, sẽ mang lại sự tích cực; quan điểm sống và khả năng sống một cách có ý nghĩa.
Dành thời gian để ở một mình một cách có chủ ý vì điều này trau dồi nhận thức và giúp điều chỉnh lại la bàn bên trong của chúng ta. Hãy dành thời gian để tạo ra không gian trong đời sống nội tâm của chúng ta để tiếp xúc với Chúa, một không gian tĩnh lặng sảng khoái để trở thành nơi “vực thẳm gọi nhau” (Thi-thiên 42:7).
Ngôn ngữ của Thi-thiên 42 là thi ca và ẩn dụ. Tác giả thi thiên đã đặt ra cụm từ “vực thẳm gọi nhau” để miêu tả niềm khao khát sâu sắc của ông đối với sự hiện diện sâu sắc của Đức Chúa Trời. Ông đang bày tỏ nhu cầu cấp thiết của mình về sự hiện diện đầy đủ của Đức Chúa Trời. Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, ông đã kêu cầu đến Thần của Đức Chúa Trời. Có một nơi mà con người có thể kinh nghiệm được mối quan hệ mật thiết sâu sắc với Đức Chúa Trời Toàn năng, nơi mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời gặp gỡ với tâm linh con người điều mà chỉ được tìm thấy trong lĩnh vực thuộc linh và quá trình này bao gồm sự mong chờ, niềm khao khát và tìm kiếm Chúa hết lòng.
Bất cứ khi nào công việc tại ‘các vườn nho’ trở nên quá nặng nề, chúng ta nên dành thời gian chăm sóc cho vườn nho của chính mình, để được làm tươi mới và thêm sức nhờ sự hiện diện sâu sắc của Ngài. Để trải nghiệm một chiều kích sâu xa hơn về sự hiện diện của Đức Chúa Trời, linh hồn chúng ta phải đói khát Đức Chúa Trời như con nai cái thèm khát khe nước (Thi -thiên 42:1).
Hãy học cách trau dồi khoảng thời gian ở một mình với Chúa. Hãy coi mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời là quan trọng hàng đầu. Chất lượng của việc chúng ta có thời gian riêng tư với Chúa có thể nâng cao chất lượng của thời gian chúng ta làm việc trong vườn nho của Ngài.
Tội lỗi của sự lơ là
Gia-cơ 4:17 – “Vậy, ai biết điều tốt cần phải làm mà không làm, thì phạm tội.”
Lơ là cũng là một tội. Đó thường là một tội lỗi dẫn đến các tội lỗi khác. Chúng ta cần thiết lập lại các ưu tiên một cách có chủ ý để các kỷ luật hàng ngày của chúng ta tập trung vào những thứ thực sự quan trọng. Trước hết hãy sống để làm đẹp lòng Chúa, và đừng sống chỉ để làm đẹp lòng con người. Hãy là một người làm vườn thông thái. Tự chăm sóc vườn nho của mình, bón phân và tưới nước hàng ngày. Chúng ta thường chăm chăm coi sóc những vườn nho khác trong khi bỏ bê vườn nho của mình. Hãy dành thời gian để đọc lời Chúa và cầu nguyện. Hai ưu tiên này trong đời sống là những nguồn lực Chúa ban cho sức sống tâm linh.
Chúng ta cần phải là người yêu Chúa trước khi chúng ta có thể làm việc cho Chúa!
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com