Link bài đọc: https://youtu.be/d_U_3HQFpM0
Kinh thánh: Ma-thi-ơ 21:18-22 18 Sáng mai, khi trở lại thành thì Ngài đói. 19 Thấy một cây vả ở bên đường, Ngài bèn lại gần, song chỉ thấy những lá mà thôi, thì Ngài phán cùng cây vả rằng: Mầy chẳng khi nào sanh ra trái nữa! Cây vả tức thì khô đi. 20 Môn đồ thấy điều đó, lấy làm kỳ, nói rằng: Cớ sao trong giây phút mà cây vả liền khô đi vậy? 21 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin, và không nghi ngờ chi hết, thì chẳng những các ngươi làm được điều đã làm cho cây vả mà thôi, song dầu các ngươi biểu hòn núi nầy rằng: Hãy cất mình lên và quăng xuống biển, điều đó cũng sẽ làm được. 22 Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả.
Lời ngỏ:
Tại xứ Palestine, cây vả là một trong những loại cây ăn trái được ưa thích nhất. Cây vả có thân to với đường kính đến 1 mét, chiều cao từ 5-7 mét, và cành nó vươn xa đến 10 mét nên có thể tạo ra bóng mát rộng. Nhiều người trồng cây vả trước cửa nhà hay dọc theo đường để người qua kẻ lại có thể nghỉ mát dưới bóng cây và những người đói có thể hái trái để ăn. Tại các bờ giếng nước công cộng người ta cũng trồng cây vả để dân trong vùng có thể vừa đợi lấy nước, vừa được nghỉ ngơi, trò chuyện với nhau. Người ta cũng có thể ngồi dưới bóng cây để suy ngẫm và cầu nguyện vào những buổi trưa thanh vắng. Cây vả thường ra trái một năm hai mùa; khoảng đầu năm thì cây vả ra những nụ xanh xuất hiện ở cuối cành, những nụ này thành quả vào đầu tháng 4 nhưng lại chua và chát nên ít người ăn. Sau đó lá vả, bông vả và trái vả bắt đầu mọc ra đầy đủ vào tháng 6. Chu trình này diễn ra một lần nữa vào đầu tháng 9 và ra trái vào tháng 10.
Câu chuyện được ký thuật ở đây là về cây vả bên đường không ra trái. Khi ấy Chúa Giê-xu đến hái trái để ăn vì Ngài đói. Ngài thấy cây vả ra lá thì chứng tỏ nó phải có trái trước đó. Cho dù lúc này là tháng 4, là thời kỳ mà sách Mác khẳng định là không phải mùa có trái vả. Nhưng điều lạ là cây này đã đầy lá mà không có trái nào; điều đó chứng tỏ là cây vả này không có thể ra trái được nữa, cho thấy cây này đã bị bệnh hay bị chứng bất thường; nên phải đốn bỏ. Cả ba sách Phúc âm cộng quan đều có đề cập đến câu chuyện cây vả bị khô. Nhưng trong Lu-ca (13:6-9) đề cập đến yếu tố cây vả trong vườn nên người người trồng vườn xin thêm thời hạn để chăm sóc để có thể ra trái trong năm sau. Sách Mác (11:12-14,20-21) thì đề cập việc cây vả bị khô ngay ngày hôm sau. Còn trong sách Ma-thi-ơ (21:18-20) thì cây vả bị khô ngay lập tức. Chúng ta nhìn nhận đã có sự tường thuật khác nhau nên có học giả cho rằng là có hai hay ba cây vả khác nhau, nhưng có người bày tỏ chỉ là một; nhưng tuỳ góc độ nhìn mà có sự quan sát khác nhau. Điều quan trọng là ý nghĩa thuộc linh mà Chúa Giê-xu bày tỏ thông qua sự kiện này. Thông thường, các ẩn dụ của Chúa Giê-xu về một khái niệm thuộc linh thì chỉ chứa đựng một ý nghĩa thuộc linh trong đó và Ngài sẽ giải thích rõ ràng ý nghĩa thuộc linh mà Ngài muốn dạy dỗ, chẳng hạn như ẩn dụ về Nước Đức Chúa Trời. Còn những hành động hoặc những lời nói Chúa dùng thiên nhiên hay thông qua thiên nhiên, vạn vật như là sự minh họa cho lời giảng dạy của Ngài thì có thể chứa đựng nhiều khía cạnh và có thể hiểu trong nhiều ý nghĩa thuộc linh. Qua câu chuyện tại đây “Cây vả khô” có thể tìm thấy được hai bài học thuộc linh sau:
1. Cây vả khô tượng trưng cho sự khô cằn ơn phước của Chúa
Hình ảnh cây vả cùng với các loại cây như cây nho, cây ô-li-ve biểu trưng cho vùng đất đượm sữa và mật. Trong thời Cựu ước hình ảnh gia đình hay cộng đồng được ngồi dưới cây nho, cây vả là hình ảnh bày tỏ về gia đình hạnh phúc, phồn vinh và được Chúa ban phước. Ngược lại, hình ảnh cây vả không ra trái, bị khô, hay bị diệt bày tỏ sự rủa sả, mất phước và hay bị rút lại ơn phước. Nếu liên kết với câu chuyện Chúa vào đền thờ dẹp sạch nơi thánh vì đã bị các thầy tế lễ làm ra nơi ô uế và buôn bán bất chính, gây ra sự bất bình và bất khiết cho đền thánh; thì câu chuyện cây vả bị rủa sả và khô đi cũng bày tỏ điều tương tự. Đền thờ là nhà cầu nguyện đã mất đi vai trò của nó vì các thầy tế lễ đã lạm dụng để thu lợi cá nhân. Còn cây vả, cây nho biểu trưng cho dân Do Thái, là tuyển dân của Ngài đã trở thành dân tộc hình thức bề ngoại, thậm chí là giả hình. Ngoài môi miệng thì tôn kính Chúa, nhưng trong lòng thì không còn kính sợ Chúa. Họ giống như cây vả đầy lá xanh tươi, nhưng đã không sinh ra trái nào như đáng phải có. Vì thế, cơ hội quý báu Chúa cho họ nhiều lần, nhiều cách mà đã không ăn năn; cho nên cuối cùng Ngài phải lấy lại. Cây vả khô đi nhanh chóng chứng tỏ ân điển và cơ hội cho họ đã bị mất; chính họ đã tự đánh mất phước hạnh Chúa ban. Cũng vậy, chúng ta là Cơ đốc nhân ngày nay cũng được cơ hội tháp vào cây vả, cây nho trong Chúa Giê-xu. Vì thế, chúng ta cần nhờ cậy Chúa và ân điển Ngài mà ra trái và ra sai trái càng hơn.
2. Cây vả khô chứng tỏ công việc không có kết quả thì cần phải từ bỏ
Bên cạnh đó Chúa Giê-xu cũng bày tỏ một ý nghĩa khác nữa đó là qua năng lực của sự cầu nguyện bởi đức tin thì có thể thấy trước điều nào có kết quả và không có kết quả. Đối với điều không có kết quả và chỉ để lại sự vô ích thì phải biết cắt bỏ, từ bỏ để có thể tập trung năng lực và cơ hội cho những điều sẽ có kết quả. Điều loè loẹt bên ngoài mà không có giá trị hay sự giả hình là điều Chúa không chấp nhận, nên cần phải nhanh chóng từ bỏ và ăn năn. Ngược lại, điều mang lại giá trị cứu rỗi và sự sống thì sẵn sàng chịu trả giá dù đó là thập tự giá thì cũng sẵn sang hy sinh, vì biết rằng đằng sau khổ nạn của thập tự giá là vinh hiển của sự phục sinh.
Kết luận
Bạn thân mến, cơ hội và ân điển Chúa ban cho chúng ta thật nhiều, nhưng không phải là mãi mãi. Vì vậy, trong thời kỳ Đức Chúa Trời còn ban ân điển cứu rỗi thì chúng ta cần nhanh chóng tận dụng, đừng trì hoãn hẹn nay hứa mai vì cơ hội có thể không đến lần nữa với chúng ta, biết đâu đó có thể là cơ hội cuối cùng Chúa dành cho chúng ta. Bên cạnh đó, có những việc chúng ta làm có thể đạt được những kết quả hào nhoáng bên ngoài thì chúng ta cần phải nhạy bén với ý Chúa để ăn năn chỗ nào còn sai trật để ra kết quả thực sự, có giá trị và ý nghĩa, và khi đã ăn năn thì phải ăn năn cách chân thành; đừng chỉ ‘vâng vâng, dạ dạ’ rồi không chịu thay đổi, thì sẽ có lúc sẽ tàn héo, khô đi và mọi công sức chúng ta làm sẽ hư không, chẳng còn lại gì cả. Vì vậy, nếu bạn đang làm công việc Chúa, cần phải xem xét lại mọi điều mình làm, nếu như cây vả chỉ có lá mà không có trái thì hãy ăn năn với Chúa, và cậy ơn Chúa mà làm lại. Đây là cơ hội cuối cùng để thay đổi và làm lại để có kết quả trước khi quá muộn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Tạ ơn Chúa vì Ngài đã cảnh báo chúng con về hình ảnh xảy ra ngay trước mắt để dạy chúng con về lòng tin chân thật nơi chính mình Ngài. Cảm tạ Chúa, đức tin không nghi ngờ nơi chính mình Ngài là con đường duy nhất để hồi phục và giải quyết nan giải cả về sự cứu rỗi linh hồn, lẫn cứu rỗi thế giới này. Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Viết bởi Thiên Gia Vĩnh.
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com