Home Dưỡng Linh Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 11: Nuôi Dưỡng Con Người Bề Trong

Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 11: Nuôi Dưỡng Con Người Bề Trong

by AdrianChua
30 đọc

2 Cô-rinh-tô 4:8-16 – “Chúng tôi bị chèn ép mọi cách, nhưng không bị nghiền nát; bị bối rối, nhưng không tuyệt vọng; bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt… dù con người bên ngoài bị suy mòn dần nhưng con người bên trong ngày càng đổi mới hơn.” 

Một trong những khía cạnh quan trọng của công tác môn đồ hóa là giúp các môn đồ của chúng ta có một con người bề trong mạnh mẽ và lành mạnh. “Con người bề trong” là gì? Phần bên trong của chúng ta không bao giờ già đi mà thay vào đó phát triển mạnh mẽ hơn khi chúng ta được Thánh Linh của Đức Chúa Trời nuôi dưỡng và đổi mới mỗi ngày. Giống như các sứ đồ ngày xưa, nếu con người bề trong của chúng ta mạnh mẽ, thì hoàn cảnh bên ngoài không thể đè bẹp hoặc đánh bại được chúng ta.

Tuy nhiên, rất khó để xác định một cách đầy đủ con người bên trong của chúng ta vì nó rất phức tạp và có nhiều tầng nhiều lớp. Nhưng chúng ta có thể thu thập một số hiểu biết từ việc chia nhỏ nó thành năm phần hay chiều kích khác nhau.

1) Khả năng chịu cảm thúc của chúng ta

Mọi người đều chịu tác động ở một mức độ nào đó, và tất cả chúng ta đều được làm cho cảm động bởi một lý do nào đó. Nói chung, việc chúng ta được cảm thúc để có một hành động thường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm xúc của chúng ta, và cảm xúc của chúng ta thì chịu ảnh hưởng bởi những trải nghiệm tích cực hoặc tiêu cực trong những năm tháng trưởng thành của mình. Do đó, những năm tháng tuổi thơ đầy đau đớn, những san chấn tâm lý và sự bất an có thể có những tác động rất lớn đến chúng ta. Chúng ta thường tự chữa trị cơn đau của mình bằng nỗi đau (thói quen tự hủy hoại bản thân) hoặc sự khoái lạc, sự nhượng bộ trước những điều đang thôi thúc bên trong chúng ta.

Những tác động mang tính tiêu cực, không được kiểm soát và bất kham, có thể dẫn đến nỗi ám ảnh, nghiện ngập và các hành vi tự hủy hoại bản thân. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiềm chế những điều đang thôi thúc mình bằng quyền năng của Đức Thánh Linh và học cách đáp ứng lại các nhu cầu của chúng ta một cách thích hợp bằng cách thực hiện các quyết định và hành vi bày tỏ sự tôn kính dành cho Đức Chúa Trời. Khả năng chịu cảm thúc của chúng ta có thể được phục hồi và phục hồi bởi tình yêu của Đức Chúa Trời.

2 Cô-rinh-tô 5:14 –  “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi…

2) Sự xác tín của chúng ta

Mặc dù từ “sự xác tín” và “niềm tin” đôi khi có nghĩa giống nhau, nhưng có một chút khác biệt giữa hai từ này. Niềm tin là thứ mà chúng ta cho là đúng và có thật. Ví dụ, chúng ta có thể tin vào sự tiến hóa, số phận, sự sống ngoài hành tinh, v.v. Vì vậy, một niềm tin có thể chỉ là một ý kiến cá nhân về một vấn đề nào đó.

Tuy nhiên, sự xác tín là một cái gì đó mạnh mẽ hơn và sâu sắc hơn. Đó là khi chúng ta trở nên bị thuyết phục về một điều gì đó sau khi có kiến thức và hiểu biết cặn kẽ về tất cả các thông tin sẵn có. Sự xác tín đó được tạo ra và xây dựng dựa trên cơ sở của những thông tin đó. Và một khi sự xác tín được hình thành, nó định hình thế giới quan của chúng ta, và chúng ta bắt đầu nhìn mọi thứ theo sự xác tín của mình. Là Cơ-đốc nhân, Lời Chúa là nền tảng cho sự xác tín của chúng ta.

Sự xác tín hay niềm tin cốt lõi của chúng ta phản ánh giá trị cốt lõi của chúng ta. Những gì chúng ta coi là quan trọng hàng đầu, những gì chúng ta dành thời gian và sự quan tâm, phản ánh những giá trị cốt lõi của chúng ta. Bên cạnh những điều có thể cảm thúc chúng ta, thì sự xác tín của chúng ta cũng thúc đẩy và định hướng chúng ta. Trong khi khả năng chịu cảm thúc của chúng ta thường là vô thức và mang tính bản năng, thì sự xác tín của chúng ta lại là kết quả của suy nghĩ và lý luận có ý thức. Nhưng đây mới là vấn đề. Đôi khi, sự xác tín bên trong và những điều đang cảm thúc chúng ta xung đột với nhau, đặc biệt là khi sự xác tín của chúng ta dựa trên những nguyên tắc Cơ-đốc giáo chống lại những lực cảm thúc đen tối từ bên trong chúng ta. Do đó, để nuôi dưỡng khả năng chịu cảm thúc một cách đúng đắn, cảm xúc của chúng ta cần phải được điều khiển và giám sát bởi sự xác tín trong Kinh Thánh.

3) Lương tâm của chúng ta

1 Ti-mô-thê 4:1-2 – “Thánh Linh phán rõ ràng rằng trong thời kỳ cuối cùng sẽ có một số người chối bỏ đức tin, chạy theo các thần lừa dối và giáo lý của ma quỷ, bởi luận điệu đạo đức giả của những kẻ nói dối mà lương tâm đã chai lì…

Lương tâm của chúng ta là một phần của khả năng bên trong do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, một nhận thức nội tâm quan trọng làm chứng giữa điều đúng và điều sai về mặt đạo đức – “lương tâm họ cũng làm chứng cho điều đó, vì những tư tưởng của họ cứ xung đột nhau bên trong, khi thì cáo trách, khi thì binh vực họ” (Rô -ma 2:15, BD2011). Lương tâm con người có chức năng vừa là người hướng dẫn vừa là một thẩm phán. Nó đóng vai trò như một người hướng dẫn trước khi chúng ta hành động bằng cách thúc giục chúng ta làm những gì đúng và cấm chúng ta làm những gì sai. Khi tuân theo các giá trị của lương tâm, chúng ta sẽ có cảm giác bình yên hoặc nhẹ nhõm. Lương tâm hoạt động như một thẩm phán cả trong và sau khi chúng ta hành động bằng cách đánh giá tính đúng hay sai của các hành động và động cơ của chúng ta. Nó giống như một hệ thống cảnh báo được tích hợp sẵn để báo hiệu cho chúng ta biết khi chúng ta đã làm sai điều gì đó. Lương tâm tác động tới linh hồn vốn là bộ phận cảm biến đau đớn đối với cơ thể của chúng ta; khi chúng ta làm việc gì đó trái với lương tâm của mình, nó cho chúng ta cảm giác đau khổ hoặc tội lỗi.

Tít 1:15 – “Với người trong sạch, mọi sự đều trong sạch; nhưng với những kẻ bại hoại và vô tín thì không điều gì là trong sạch cả. Trái lại, cả tâm trí và lương tâm họ đều đã bị băng hoại.

Tội lỗi có thể đàn áp lương tâm của chúng ta khiến lương tâm trở nên “chai sạn” và “bại hoại”, và hoàn toàn không đáng tin cậy. Thông qua những tội lỗi không được xưng nhận và không được ăn năn, chúng ta có thể bước vào một thế giới ảo tưởng, trong đó nhiều niềm tin xác quyết của chúng ta có thể bị thỏa hiệp và sự cảm thúc đen tối có thể chiếm thế thượng phong.

Lương tâm của chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi văn hóa, môi trường và giáo dục. Những gì chúng ta đọc, những gì chúng ta nghe và những gì chúng ta thấy ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay, nhiều người tin rằng không có chân lý đạo đức thực sự, không có đúng sai tuyệt đối. Sự thật luân lý về đúng và sai được xem như những khái niệm tương đối đơn thuần và những khái niệm này thay đổi theo thời gian, địa điểm và văn hóa. Những điều này có thể ảnh hưởng đến sự nhạy bén của lương tâm chúng ta.

Sự ăn năn chân chính có thể kích hoạt lại và làm sống lại lương tâm mềm mại của chúng ta.  

Hê-bơ-rơ 10:22 – “Chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.

Lương tâm của chúng ta bị ràng buộc vào Lời Chúa; nó dựa trên sự hiểu biết về điều thiện và điều ác mà Đức Chúa Trời ban trong Lời Thánh của Ngài. Nó bị ràng buộc bởi những gì Kinh Thánh ra lệnh hoặc cấm đoán. Tác giả Thi-thiên viết: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, ánh sáng cho đường lối con” (Thi-thiên 119:105). Khi con người xa rời ánh sáng của Lời Chúa, người đó bước đi trong tối tăm, không biết mình sẽ đi về đâu. Sa-lô-môn viết, “Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người; Nhưng cuối cùng nó thành ra cái nẻo sự chết” (Châm-ngôn 16:25). Và Phao-lô đã cảnh báo trong thư tín của ông viết cho người Rô-ma rằng khi loài người chối bỏ Đức Chúa Trời, “…lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối…, Vì thế, Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho những tham dục của lòng mình…” (Rô-ma 1:18–32).

Một khi chúng ta đã phạm tội, lương tâm của chúng ta – nếu nó vẫn đang hoạt động bình thường – sẽ buộc tội chúng ta, khiển trách chúng ta và thúc giục chúng ta ăn năn. Nếu chúng ta nghe theo lương tâm của mình, chúng ta sẽ duy trì “lương tâm tốt”. Nhưng nếu chúng ta biện minh cho tội lỗi của mình, phớt lờ sự thúc giục của lương tâm, nó sẽ dần cứng lại và không còn hoạt động bình thường nữa. Sự hiểu biết của chúng ta về đúng và sai sẽ sớm trở nên mờ mịt, và cảm giác xấu hổ của chúng ta bắt đầu biến mất. Nếu điều này tiếp tục, có thể dẫn đến cái chết thuộc linh, đức tin của chúng ta có thể bị “hoàn toàn sụp đổ”, và cuối cùng chúng ta có thể rời bỏ đức tin. Chính vì lý do này mà Phao-lô đã thúc giục Ti-mô-thê hãy  giữ “đức tin và lương tâm tốt”. Do đó, điều tối quan trọng là chúng ta phải ngừng dây dưa với tội lỗi.

4) La bàn của chúng ta

Truyền-đạo 3:11 – “Ngài đã làm mọi sự tốt đẹp đúng vào thời điểm của chúng. Ngoài ra, Ngài còn đặt vào tâm trí con người khái niệm về cõi đời đời…

Chúng ta có một kim chỉ nam, một chiếc la bàn được cài đặt bên trong cho chúng ta cảm giác về vận mệnh của mình. Nó định hướng và chỉ cho chúng ta những kế hoạch cùng mục đích của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Nhưng khi sự xác tín của chúng ta bị thỏa hiệp và những điều xấu xa đang cảm thúc chúng ta cứ tiếp diễn, thì chiếc la bàn đó sẽ không còn hoạt động bình thường nữa.

Thỉnh thoảng chúng ta cần điều chỉnh lại la bàn của mình, hãy dừng lại một chút và tự hỏi tại sao chúng ta lại làm những điều này. Và để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần chú ý đến điều gì là quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Mục đích rõ ràng là rất quan trọng – nó sẽ củng cố và tạo thêm sức mạnh cho chúng ta để bước đi theo thiên mệnh của mình.

5) Một đời sống không được tra xét

1 Giăng 5:19 – “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều ở dưới quyền ma quỷ.

Theo nghĩa bóng, Giăng cảnh báo chúng ta rằng thế gian này có một “từ trường” được điều khiển bởi cái ác. Và từ trường này sẽ làm cho la bàn bên trong chúng ta bị rối loạn chức năng và mất đi khả năng định hướng chính xác nếu chúng ta không kiểm tra nó liên tục. Do đó, la bàn của chúng ta cần được bảo trì và chỉnh lại thường xuyên. Nhiều Cơ-đốc nhân cũng vậy. Họ không đảm bảo rằng họ đang đi đúng hướng cũng như không đảm bảo rằng chiếc la bàn thuộc linh của họ cho kết quả chính xác và vẫn đang hoạt động tốt.

Một cuộc hành trình có thể bắt đầu đầy hứa hẹn; nhưng vì mất tập trung và bất cẩn, mà một người có thể đi lạc và kết thúc hành trình một cách bi thảm. Chúng ta có thể sống một cuộc đời không có mục đích hoặc đi sai hướng do lười biếng hoặc bận rộn không ngừng. Chúng ta thường quá mải mê chạy theo đám đông mà quên kiểm tra hướng đi của mình. Nền văn hóa hiện đại của chúng ta dường như bị ám ảnh bởi tốc độ hơn là phương hướng, với hiệu quả hơn là vận mệnh.

Một la bàn được sử dụng tốt nhất kèm với một bản đồ. Đó là lý do tại sao đọc Kinh Thánh và suy ngẫm là một hình thức kỷ luật thuộc linh quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta có xu hướng dành thời gian tĩnh nguyện mà không điều chỉnh lại phương thức phù hợp. Một Cơ-đốc nhân không có la bàn hoạt động tốt và bản đồ sẽ hư mất một cách thảm hại. Giống như những con chim di cư luôn đi đến đúng điểm đến, nguyện chúng ta cũng có một hành trình tốt đẹp và tìm thấy vận mệnh thực sự của mình ở trong cõi đời đời.

6) Sự bình tĩnh của chúng ta

Phi-líp 4:6-7 – “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Giê-xu.

Thật sự mà nói, nhiều Cơ-đốc nhân đang phải vật lộn với nỗi sợ hãi, lo lắng và bất an bên trong. Không có sự yên nghỉ trong tâm linh của chúng ta. Nếu được an nghỉ trong Chúa, chúng ta sẽ đón nhận tất cả những gì xảy ra xung quanh mình thay vì phản ứng lại. Chúng ta có thể giải quyết những thất vọng, chỉ trích, thất bại và những thách thức trong cuộc sống bằng một sự bình tĩnh đúng đắn.

Sự trưởng thành thuộc linh là sự yên nghỉ trong tâm linh của chúng ta, sự ổn định và tĩnh lặng trong tâm hồn giúp chúng ta có khả năng đón nhận thay vì phản ứng lại những hoàn cảnh mà chúng ta phải đối mặt. Khi bị áp đảo bởi căng thẳng, khủng hoảng, nghi ngờ và bất an, chúng ta có thể đáp lại bằng sự bình an và vui vẻ bên trong mình. Chúng ta không bị thúc đẩy bởi cái tôi hay sự bất an mà an nghỉ trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, không còn tìm kiếm những tiếng vỗ tay của loài người mà là sự chấp thuận của Đức Chúa Trời. Chúng ta học cách tăng trưởng con người bề trong bằng cách cố gắng hướng lên Chúa để được trao cho sức mạnh thể hiện ra con người bên ngoài và tiếp tục tiến về phía trước.

Chúng ta cần chủ tâm trau dồi và nuôi dưỡng con người bề trong của mình trong Chúa. Nếu con người bên trong yếu đuối, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho môi trường xung quanh. Chúng ta chỉ có thể trở nên một phước lành cho người khác khi chúng ta sống chiến thắng bản thân mình.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like