Home Dưỡng Linh Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 9: Phước Của Sự Sửa Dạy

Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 9: Phước Của Sự Sửa Dạy

by AdrianChua
30 đọc

Làm cách nào để sự sửa dạy có thể trở thành một phước lành?

Sự quở trách và la rầy dường như đang nói rằng có một số khiếm khuyết trong kiến thức, hành vi hoặc tính cách của chúng ta và chúng ta cần phải thay đổi. Hầu hết con người ta thường không thích sự thay đổi; do đó, chúng ta có xu hướng chống lại sự sửa dạy. Tuy nhiên, nếu Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự hướng dẫn để sửa dạy người khác và về cách mà chúng ta nên phản ứng lại với sự sửa dạy của người khác, thì Đức Chúa Trời coi việc khiển trách, la rầy, quở phạt và sửa dạy là điều cần thiết trong sự trưởng thành của Cơ-đốc nhân chúng ta. 

Câu hỏi đặt ra là, mức độ sẵn sàng gạt bỏ những ý tưởng, quan điểm và niềm tin sai trật sang một bên của chúng ta là bao nhiêu nếu chúng ta được một người nào đó chỉ cho một cách tốt hơn và sự thật rõ ràng hơn? Liệu chúng ta có đủ khiêm nhường để sẵn sàng từ bỏ một việc gì đó (sai trật) và học lại (điều đúng) không?

Sợ vấp phạm

Nhiều người làm công tác đào tạo môn đồ sợ làm phật lòng người khác, sợ bị nói rằng mình không có tình yêu thương. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự yêu thương, chúng ta nên tạo ra một nền văn hóa cho phép chúng ta nói chuyện với nhau một cách thẳng thắng, cho đi và sửa dạy một cách nhẹ nhàng mà không làm ai vấp phạm.

Rô-ma 15:14 – “Thưa anh em, chính tôi tin chắc rằng anh em vốn giàu lòng nhân ái, đầy sự hiểu biết, và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau.

Lời khuyên dạy là điều cần thiết để phát triển tâm linh. Đôi khi mọi người cần được đánh thức về nhu cầu thuộc linh và hiểu biết về kế hoạch của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh thường nhấn mạnh đến lợi ích của việc nhận được sự cố vấn và lời khuyên từ người khác.

Châm-ngôn 27:5-6 – “Một lời quở trách tỏ tường hơn là yêu thương kín đáo. Bạn bè gây thương tích do lòng yêu thương chân thật, còn hơn kẻ thù hôn hít cách giả tạo.”

Câu này nói rằng sự quở trách thường xuất phát từ tình yêu thương và cũng như thương thì cho roi cho vọt. Đúng, lời quở trách chân thành từ bạn bè có thể gây cho chúng ta một “vết thương lòng” nhưng kết quả nó mang lại có thể là tích cực.

Thi-thiên 141:5 – “Nguyện người công chính đánh con vì lòng nhân từ, và sự sửa dạy của họ là dầu tốt nhất xức cho con, đầu con sẽ không từ chối…

Trong trường hợp này, lời quở trách được ví như roi vọt nhưng kết quả là sự tươi mới và tích cực. Chúng ta nên đánh giá cao khi một người bạn sẵn lòng chỉ ra những sai sót và thất bại của chúng ta theo cách yêu thương.

Châm-ngôn 28:23 – “Ai quở trách một người, về sau sẽ được biết ơn hơn là kẻ dùng lưỡi xu nịnh.

Truyền-đạo 7:5 – “Nghe lời quở trách của người khôn ngoan tốt hơn nghe lời ca khen của những kẻ ngu dại.” 

Nếu chúng ta coi trọng lẽ thật và chân thành mong muốn sự thay đổi theo hướng ngày càng nên thánh, chúng ta chắc chắn sẽ khao khát sự sửa dạy này hơn là một người bạn giả dối nịnh bợ chúng ta một cách đạo đức giả.

Châm-ngôn 17:10 – “Lời quở trách thấm sâu vào người hiểu biết hơn là trăm roi đánh vào kẻ ngu dại.

Giê-rê-mi 17:9 – “Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, và rất là xấu xa. Ai có thể biết được?

Châm-ngôn 28:26 – “Kẻ nào tin cậy nơi lòng mình là kẻ ngu muội; Còn ai ăn ở cách khôn ngoan sẽ được cứu rỗi.

Không ai là không mắc sai lầm. Vì chúng ta không thể biết một cách đầy đủ về bản thân mình, nên khôn ngoan là đủ cởi mở để cân nhắc những hiểu biết và lời khuyên chân thành từ người khác và áp dụng chúng cho cuộc sống của chúng ta.

Châm-ngôn 15:5, 31-32 – “…ai nghe lời quở trách trở nên khôn khéo.…Người nào lắng nghe lời quở trách của sự sống sẽ được ở giữa những người khôn ngoan. Ai khước từ lời khuyên dạy là khinh bỉ linh hồn mình, nhưng ai nghe lời quở trách đạt được sự thông sáng.

Nếu chúng ta là một người khôn khéo và hiểu biết, chúng ta sẽ đáp lại lời quở trách với một thái độ đúng đắn và tốt cho sự phát triển của chúng ta hoặc chúng ta có thể phản ứng lại những lời quở trách và khuyên nhủ theo cách mà thể hiện sự ngu dốt và dại dột của mình.

Đưa ra lời góp ý cho người khác và nhận lại lời khiển trách từ người khác có thể là những vấn đề nhạy cảm và khó khăn. Nhưng chúng ta hãy tiếp cận cả hai điều này với sự quan tâm nghiêm túc đến ý muốn của Đức Chúa Trời, lẽ thật của Đức Chúa Trời, sự công bình của Đức Chúa Trời và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Nói lên lẽ thật trong tình yêu thương để gây dựng nhau

Ê-phê-sô 4:15 – “… Ngài muốn chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương, để chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện hướng đến Đấng Christ, là đầu; nhờ Ngài mà cả thân thể kết hợp và gắn chặt với nhau bởi những dây liên kết hỗ trợ. Khi mỗi phần hoạt động một cách thích hợp thì thân thể được tăng trưởng, và tự gây dựng trong tình yêu thương.

Nói chung, câu này thường được dùng để nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc phải chia sẻ những lẽ thật khó chấp nhận một cách nhẹ nhàng, tử tế và không gây khó chịu. Còn nếu cần phải quở trách, thì cần phải dịu dàng, khiêm nhu và tế nhị, không bao giờ được tỏ ra kiêu ngạo và thô lỗ. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát bối cảnh một cách cẩn thận, câu này cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc “nói ra sự thật trong tình yêu thương”.

Trong những câu trước mệnh lệnh này, Phao-lô viết về sự hợp nhất trong thân thể Đấng Christ và ông thúc giục chúng ta “hãy sống một đời sống xứng đáng với sự kêu gọi” mà chúng ta đã nhận được (Ê-phê-sô 4:1).

Sau đó, ông nói về việc Đấng Christ ban cho Hội-thánh các sứ đồ, nhà tiên tri, nhà truyền giáo, mục sư và giáo sư  để dân sự của Ngài “được trang bị cho công tác phục vụ và xây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4: 11–13).

Sự hướng dẫn của Phao-lô trong toàn bộ chương này xoay quanh các vấn đề về giáo lý và có thể áp dụng trực tiếp vào việc trưởng thành và gây dựng các anh em đồng đạo (câu 16). Vì vậy, vấn đề mà ông đang giải quyết là tuân thủ giáo lý chân chính, để chúng ta không bị lừa gạt bởi giáo lý sai trật. Do đó, chính trong bối cảnh Hội-thánh hiệp nhất và sự trưởng thành thuộc linh này, Phao-lô đã khuyến khích chúng ta nói lên lẽ thật trong tình yêu thương.

Do đó, lời kêu gọi nói ra lẽ thật trong tình yêu thương của chúng ta ở đây là theo định hướng Phúc Âm. Chúng ta phải nói sự thật, điều này trái ngược với sự giả dối của những giáo lý sai lạc, thế giới quan phi Kinh Thánh và những triết lý trần tục; và chúng ta phải làm như vậy trong tình yêu thương nhằm mục đích xây dựng thân thể của Đấng Christ. Chúng ta cần phân biệt giữa chân lý giáo điều và chân lý không khoan nhượng. Nếu không, nhiều học thuyết sai lầm và tà giáo sẽ không dễ bị bác bỏ.

Châm-ngôn 10:17 – “Người tuân giữ lời khuyên dạy, đi trong đường sự sống; Kẻ từ chối sự quở trách hẳn phải lạc lầm.

Châm-ngôn 12:1 – “Ai yêu sự sửa phạt là yêu tri thức, ai ghét sự quở trách là kẻ ngu dại.

Châm-ngôn 29:1 – “Người thường xuyên bị quở trách mà lại cứng cổ, sẽ bị sụp đổ thình lình, không phương cứu chữa.

Khi Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị nhau, đó được coi là một hành động của tình yêu thương lớn lao, với ý định ngăn không để cho anh chị em chúng ta tiếp tục con đường hủy diệt. Tuy nhiên, động cơ của chúng ta khi làm như vậy phải được đặc trưng bởi tình yêu thương chứ không phải là kiêu ngạo (rằng chúng ta biết nhiều hơn và tốt hơn người khác).

Điều quan trọng cần lưu ý là “nói ra sự thật trong tình yêu thương” khác với “yêu thích việc nói ra sự thật”. Một người ban đầu có thể được thúc đẩy bởi tình yêu thương nhưng sau đó có thể được thúc đẩy bởi sự tự cho mình là đúng. Mọi người đều muốn được yêu thương và do đó việc sửa dạy phải đi kèm với lòng trắc ẩn thay vì thái độ trịch thượng. Tất cả chúng ta cần học kỹ năng thể hiện tình yêu thương. Đó không chỉ đơn thuần là về “cái gì” cần sửa; mà “làm thế nào” để sửa.

Cố vấn thuộc linh cũng như cha như mẹ

Là một người đi môn đồ hóa người khác, chúng ta có một vai trò tương tự như những bậc cha mẹ (tất nhiên chúng ta có thể là cha mẹ thuộc linh). Nếu chúng ta không sửa dạy những người mà chúng ta môn đồ hóa, chúng ta không yêu thương họ. Nếu chúng ta thực sự yêu họ, chúng ta sẽ nói cho họ biết sự thật.

1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:10-11 – “Anh em làm chứng, và Đức Chúa Trời cũng chứng giám rằng đối với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử cách thanh sạch, công chính và không có gì đáng trách. Anh em cũng biết, chúng tôi đã đối xử với từng người trong anh em như cha đối với con…

2 Ti-mô-thê 3:16-17 – “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.

2 Ti-mô-thê 4:2 – “Hãy truyền giảng lời Chúa, hãy kiên trì dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, hãy thuyết phục, khiển trách, khích lệ với tất cả lòng nhẫn nhục và tinh thần dạy dỗ.” 

Là môn đồ của Chúa Giê-xu Christ, chúng ta phải giữ vững lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời đã được mặc khải cho chúng ta. Điều đó có nghĩa là sẽ có lúc chúng ta phải chỉ ra những sai trật khi chúng ta tranh đấu cho đức tin. Tình yêu thương trong Kinh Thánh “không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật” (1 Cô-rinh-tô 13:6).  Thế giới hậu hiện đại của chúng ta đánh đồng tình yêu thương với sự bao dung mọi niềm tin và hành động. Nhưng khoan dung với giáo lý sai trật hoặc tội lỗi không được ăn năn thì không phải là yêu thương thực sự. Tình yêu và sự thật song hành cùng nhau. Nếu chúng ta thực sự yêu, chúng ta sẽ muốn gây dựng lẫn nhau trong sự thật. Đôi khi, nói ra sự thật (mặc dù có thể gây mất lòng) có thể là hành động mạnh mẽ nhất của tình yêu thương mà chúng ta có thể làm được (bởi vì thuốc đắng thì dã tật).

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like