Home Chuyên Đề Những Nhu Cầu Của Thế Giới: Nền Của Người Khác

Những Nhu Cầu Của Thế Giới: Nền Của Người Khác

by thetravelingteam.org
30 đọc

Năm năm trước, tôi hầu như không biết đến sự tồn tại của các tôn giáo khác. Khi học qua về sự thương khó của Chúa trong Kinh Thánh, tôi đã bắt đầu hiểu được cách Ngài nhìn thế giới này như thế nào. Điều đó cũng đã thay đổi cách nhìn nhận của tôi. Tôi đã nhận ra rằng định nghĩa về sứ mạng truyền giáo của mình cần phải phù hợp với cách mà Chúa định nghĩa nó. Trong Khải-huyền 5:9, Chúa ban cho chúng ta định nghĩa của Ngài về công tác truyền giáo:  “Họ hát một bài ca mới rằng: “Ngài xứng đáng lấy quyển sách và mở các ấn ra, vì Ngài đã bị giết, lấy huyết mình chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, mọi nước” Mục tiêu tối thượng của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh và xuyên suốt lịch sử là Ngài phải được biết đến và thờ phượng bởi mọi quốc gia, chi phái, dân tộc, và ngôn ngữ. Sứ mạng truyền giáo là mở rộng sự thờ phượng đến những nơi chưa có sự thờ phượng. Nếu đây là mục tiêu tối thượng của Ngài, thì nó cũng phải là mục tiêu cuối cùng của chúng ta. Tất cả nguồn lực của chúng ta cần phải được sử dụng để biến điều này trở thành hiện thực.

Mỗi người trong chúng ta có thể bước xuống đường phố và nhìn thấy nhu cầu có thêm nhiều Cơ-đốc nhân trở nên những con gặt. Chúng ta cần giúp đỡ những người nghèo khó, giúp đỡ trong mục vụ thanh thiếu niên và mục vụ dành cho sinh viên. Nhu cầu ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, câu hỏi định hướng sự tập trung của chúng ta không nên là “Đâu là nơi có những nhu cầu?” Câu hỏi trọng tâm nên là “Đâu là nơi có nhu cầu lớn nhất?”

Một dân là gì?

Trong Ma-thi-ơ 28:19, Đức Chúa Giê-xu đã truyền mạng lệnh “môn đồ hóa muôn dân” cho các môn đồ của Ngài. Mặc dù bản dịch tiếng Anh dùng từ “nations”(nghĩa là các nước/quốc gia), nhưng từ này nên được hiểu là “chủng tộc hoặc chi phái” hay “những nhóm dân”. Trong ngôn ngữ của ngành dân tộc học, một nhóm dân được mô tả là một nhóm người có vẻ ngoài giống nhau, cách thức sinh hoạt giống nhau, và nói cùng một ngôn ngữ. Đó là nơi Phúc Âm có thể lan truyền xa nhất mà không gặp phải rào cản nào đáng kể.

Tính tới thời điểm này, có khoảng hơn 17.000 nhóm dân trên thế giới. Trong số những nhóm người này, gần 7000 nhóm không được tiếp cận với Phúc Âm. Một nhóm dân chưa được tiếp cận là một nhóm có rất ít hoặc không có cách nào để tiếp cận với Phúc Âm, và có dưới 2 phần trăm dân số là người tin Chúa. Hơn 2,8 tỉ người được xếp vào loại này. Phần lớn các nhóm dân chưa được tiếp cận (chiếm đến 85 phần trăm) sống trong Vùng Cửa-sổ 10/40. Cửa-sổ 10/40 (là một thuật ngữ) chỉ vùng đất nằm trong khung chữ nhật giới hạn bởi hai vĩ tuyến 10 độ và 40 độ phía bắc xích đạo, kéo dài từ Tây Phi đến Đông Nam Á (gồm các quốc gia nghèo đói, ít người theo Cơ-đốc giáo và khó có khả năng tiếp cận Tin lành).

Thật dễ trở nên lạc lỗi trong đời sống Cơ-đốc. Chúng ta phải có một ngôi sao Bắc Đẩu. Nó cho chúng ta hy vọng. Nó dẫn dắt cuộc hành trình của chúng ta. Một số thủy thủ lừng danh nhất trong lịch sử có thể xác định phương hướng để băng qua các đại dương chỉ bằng cách sử dụng các vì sao. Tôi vẫn gặp khó khăn trong việc tìm ra chòm sao Bắc Đẩu này. May mắn thay, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một ngôi sao Bắc Đẩu cực kỳ rõ ràng trong sách Khải-huyền, cho chúng ta thấy mọi quốc gia, chi phái, dân tộc, và ngôn ngữ sẽ thờ phượng Ngài (Khải-huyền 7:9). Tuy nhiên, vẫn còn đến hàng tỷ người đang không có Phúc Âm. Đáng buồn thay, có ít hơn 2.5 phần trăm những giáo sĩ nước ngoài đang làm việc giữa những nhóm dân chưa được chạm đến. Trong tổng số tiền mà các Cơ-đốc nhân tại Hoa Kỳ sử dụng cho các “hoạt động Cơ-đốc”, chỉ có 5.7 phần trăm được trích ra cho công tác truyền giáo. Chỉ 6 xu trong 100 đô-la được phân bổ đến những nơi chưa được tiếp cận với Tin Lành! Trong khi nhu cầu gây quỹ cho công tác truyền giáo là rất lớn, thì nhu cầu lớn hơn là những người tình nguyện đem Phúc Âm đến với những nhóm dân chưa được tiếp cận.

Mặc dù nhiều Cơ-đốc nhân có thể không bao giờ trở thành những nhà truyền giáo dài hạn, nhưng thực tế là Đức Chúa Trời đã ủy thác cho mỗi một người trong chúng ta sống một cuộc đời truyền giáo. Dù bạn đang sống ở Idaho hay Ireland, bạn đều có thể góp phần vào công tác này. Đối với một số người, đó có thể là sự thay đổi về mặt địa lý. Đối với những người khác, đó có thể là phân bổ lại về mặt tài chính. Đối với tất cả mọi người, chúng ta nên đóng góp bằng những lời cầu nguyện để thấy những nhóm dân này được tiếp cận với Phúc Âm.

Sứ-đồ Phao-lô đã thiết lập một nền cho Phúc Âm tại những khu vực có tầm ảnh hưởng lớn. Mục tiêu của ông là làm cho Tin Lành được biết đến. Phao-lô đã nói rằng, “Ước vọng của tôi là rao truyền Tin Lành ở những nơi mà danh Đấng Christ chưa được truyền đến, để khỏi xây trên nền của người khác, như có lời chép: ‘Những người chưa được loan báo về Ngài, sẽ thấy Ngài, những người chưa nghe về Ngài, sẽ hiểu biết Ngài.’” (Rô-ma 15:20-21) Mục tiêu là sự tiếp cận. Nếu họ được tiếp cận, họ có cơ hội để nghe và phản hồi lại với Tin Lành. Kế hoạch của Đức Chúa Trời bao gồm mọi dân tộc! Ngài khao khát nhìn thấy sứ mạng này được hoàn thành. Đây là nhịp tim của Hội-thánh và phải là nhịp tim của mọi tín hữu.

Dịch: NCMV

Nguồn: thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like