Link bài đọc: https://youtu.be/2nEwRgkeoPg
Kinh thánh: Ma-thi-ơ 19:23-26
23 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm. 24 Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời. 25 Môn đồ nghe lời ấy, thì lấy làm lạ lắm mà nói rằng: Vậy thì ai được rỗi? 26 Đức Chúa Jêsus ngó môn đồ mà phán rằng: Điều đó loài người không thể làm được, song Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được.
Lời ngỏ:
Theo báo Sài-gòn giải phóng ra ngày 14 tháng 5 năm 2018 có bài viết với tựa đề: “Lạc đà chui lọt lỗ kim: tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.” Trong đó có đoạn: “Vài năm gần đây, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn, gây ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất và ảnh hưởng đến hiện trạng đất nông nghiệp. Mặc dù pháp luật nước ta đã có quy định chế tài đối với việc xây dựng trái phép, nhưng vẫn có nhiều người xem thường, vi phạm vẫn tràn lan. Tại các địa phương đã có nhiều vụ xây dựng trái phép biệt phủ, nhà vườn, nhà thờ tổ, khu ẩm thực, nhà xưởng… quy mô vài ngàn mét vuông trên đất nông nghiệp bị phát hiện.”
Nhìn chung, bài báo phản ánh tình trạng tham nhũng của quan chức trong nhiều ngành ở nhiều địa phương. Sự luồn lách của các doanh nghiệp bất động sản, lẫn của nhiều cá nhân đã cố tình nhét “con lạc đà” to tác với những cách lách qua những “luật lệ” nhỏ bằng những đồng tiền đút lót, và mánh khóe bằng những “cái gì không thể mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền”.
Quay lại với đoạn Kinh Thánh hôm nay, đây là một trong những phân đoạn Kinh thánh mà Cơ đốc nhân hay dẫn chứng trong lời làm chứng, nhưng đó cũng là phân đoạn có nhiều lời giải thích khác nhau và cũng không ít sự tranh cải quyết liệt. Chúng ta cùng xem xét hai điều sau:
1. “Lạc đà chui qua lỗ kim” được hiểu theo cách giải thích thông thường
Một số vị du lịch xứ thánh được các hướng dẫn viên du lịch giải thích rằng “lỗ kim” này thật ra là “cửa kim”, là cửa cổng nhỏ bên cạnh cửa chính vào thành Giê-ru-sa-lem cổ. Mỗi khi trời sập tối thì cửa cổng chính đóng lại cho đến khi mặt trời mọc ngày hôm sau. Những ai buôn bán ngoài thành trở về thì chỉ được vào cửa cổng nhỏ bên cạnh; vì cửa này nhỏ nên gọi là “cửa kim”. Lạc đà và những vật to lớn không thể vào cổng nhỏ này được. Như vậy, những vị này cho rằng Chúa Giê-xu muốn nói lạc đà phải khép mình và quỳ gối xuống thì mới lọt qua được “cửa kim” cũng giống như hình ảnh người giàu muốn vào Thiên đàng thì rất khó khăn, phải khiêm nhường, hạ mình xuống và bỏ mọi tham lam như những gói hàng hóa trên mình xuống thì mới có thể vào được bên trong thành. Giải thích này như một bức tranh đẹp được khá nhiều người Cơ đốc nhân ngày nay rất thích và dễ hiểu. Vì cách giải nghĩa bình dị và đầy thú vị.
Nhưng một số người phê bình rằng cách giải thích này đã bày tỏ lỗ hổng là “con người có thể dùng sự giàu có của mình để chen vào Thiên đàng, dù rất khó khăn”. Tức là con người có thể dùng nỗ lực ý chí cá nhân và dùng vật chất để mua chuộc thần thánh để có thể nhận lấy cứu rỗi linh hồn.
Vì thế, gần đây một số nhà giải kinh đã phát thảo ra một bức tranh mới dựa vào sự phân tích trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Theo nghiên cứu của những học giả này thì chữ “lạc đà” này có gốc từ tiếng A-ram là “gamla”. Thực tế là Chúa Giê-xu thỉnh thoảng cũng dùng tiếng A-ram là tiếng địa phương trong lúc bấy giờ. Theo những nhà giải kinh này thì trong tiếng A-ram cổ ngữ “gamla” có đến 3 nghĩa là “con lạc đà”, “sợi dây thừng” và “thanh gỗ”. Như vậy, những vị này đề xuất nên dịch lại câu Kinh thánh này với khái niệm số 2 “sợi dây thừng” hơn là số 1 “con lạc đà”, hay số 3 “thanh gỗ”. Theo họ thì “sợi dây thừng” này rất có thể được dùng làm như “sợi chỉ” được bện bằng nguyên liệu từ lông hay da của lạc đà, dùng để xỏ vào “lỗ kim” trong “cây kim to” của nghề “may trại”. Để kết những tấm da bò, da cừu, da lạc đà dày cần những cây kim to với những sợi chỉ thật to như là sợi dây thừng. Cách giải thích này này gần đây được một số người ủng hộ và cho rằng khi nhắc đến lỗ kim thì sợi dây thừng là điều phù hợp hơn.
Thế nhưng, trong phân đoạn Kinh thánh này, theo tiếng Hy-lạp, “con lạc đà” được viết là “kamelos” (κάμηλος), trong khi “sợi dây thừng” được viết là “kamilos” (κάμιλος). Nhìn tương tự như nhau, và cho dù khác nhau chỉ một ký tự ‘e’(η) và ‘i’(ι), nhưng đó là hai khái niệm rất khác nhau. Một số trường phái giải thích điểm này là lối nói “trại âm” thay vì lối “chơi chữ”, nhưng không được nhiều học giả đồng tình, giống như kiểu nói trại “bánh Tết” thành “bánh Tét”, hay “cây cuối” nói trại thành “cây chuối” trong lịch sử của người Việt.
Điều chúng ta cần suy xét là Đức Chúa Giê-xu không thể sử dụng lẫn lộn lớn như vậy trong phép chơi chữ, vì vấn đề này liên quan đến sự cứu rỗi. Vả lại, không thể cả 3 tác giả là Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca cũng lại bị nhầm lẫn lớn như thế khi sao chép lại lời dạy của Chúa Giê-xu liên quan đến sự cứu rỗi; ngay lúc đó họ lấy làm kinh ngạc để hỏi Chúa: “Vậy thì ai được rỗi?” Vậy thì chúng ta cần hiểu câu nói này như thế nào đúng với ý nghĩa nguyên thủy của Chúa Giê-xu muốn nói.
2. “Lỗ kim” với ý nghĩa là “Con đường hẹp” hay “Cái cửa hẹp”
Đức Chúa Giê-xu đang sử dụng một thành ngữ hay ngạn ngữ của những người trong thời bấy giờ. Đây là câu nói liên quan đến vấn đề cứu rỗi thuộc linh, hơn là vấn đề nghĩa đen của con lạc đà và lỗ kim. Chúa Giê-xu khẳng định “việc bước vào Nước Đức Chúa Trời” với tự ý riêng, tự khả năng riêng, nỗ lực riêng, ý chí riêng của con người là điều bất khả. Điều đó giống như việc “con lạc đà chui qua lỗ kim”, không thể nào con lạc đà to lớn có thể chui nổi qua lỗ kim được. Việc này giống như câu thành ngữ Việt Nam sử dụng khi chỉ về việc bất khả thi như câu nói “mò kim đáy bể (biển)” vậy.
Từ xưa đến nay cũng, có nhiều người tin và chạy theo điều gọi là “đồng tiền vạn năng”, “có tiền mua tiên cũng được”. Đó là tư tưởng cho rằng “tiền bạc, sự giàu có” vật chất có thể giải quyết mọi nan đề khó khăn từ cá nhân cho đến tập thể và cả vấn đề quốc gia đại sự. Đó là những điều đã được nhiều người giàu có áp dụng, và có người đã thành công. Thậm chí có người còn tuyên bố “cái nào không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng thật nhiều tiền”. Và thậm chí tư tưởng đó đã ăn sâu vào trong tôn giáo, trong lĩnh vực tâm linh. Nhiều người họ cho rằng có tiền thật nhiều để cúng kiến linh đình, dùng thật nhiều tiền với những “đồ sinh tế” kết sù thì có thể giải cứu linh hồn của mình và người thân khỏi địa ngục sau khi chết.
Vì vậy, Đức Chúa Giê-xu khẳng định việc cậy sự giàu có, quyền lực, danh vọng đời này để vào Nước Đức Chúa Trời là việc bất khả. Ngài đã nói rõ ràng như thế. Việc con người được sự cứu rỗi linh hồn, được vào Nước Đức Chúa Trời hoàn toàn không bởi khả năng, tài lực, công đức của con người mà vào. Thậm chí, người ta có thể tìm cách giúp cho con lạc đà qua được cửa cổng kim, hay dùng sợi dây thừng bằng lông lạc đà xỏ lọt qua lỗ kim may to đi nữa; thì việc cậy nhờ giàu có của người giàu, quyền lực của quan chức cao cấp, danh tiếng tốt của vĩ nhân, học vị cao siêu của học giả cũng không vì thế mà vào Nước Đức Chúa Trời được.
Kết luận:
“Lạc đà chui qua lỗ kim” là việc bất khả, vậy thì câu hỏi đặt ra là “ai sẽ được cứu rỗi?” Xin thưa, điều con người không thể làm thì Đức Chúa Trời có thể làm được. Nhưng cách Ngài làm không như cách con người làm. Con người có thể nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chỉ bởi đức tin vào ân điển của Ngài. Nói cách khác, phương cách duy nhất để con người được vào Nước Đức Chúa Trời không phải đến từ con người nhưng đến từ Đức Chúa Trời mà thôi. Đức Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời toàn năng và tự bày tỏ Ngài chính là Lỗ Kim, là Con đường hẹp, là Cái cửa hẹp ấy. Ai muốn vào Nước Đức Chúa Trời thì phải thông qua Đức Chúa Giê-xu. Ngài chính là Con đường duy nhất mà Đức Chúa Trời ban cho con người để được sự cứu rỗi. Đó là con đường không phải cậy sự giàu có với nhiều tiền bạc, không cậy quyền thế hay địa vị cao, cũng không cậy học cao hiểu rộng cách uyên bác. Chỉ với niềm tin vào Đức Chúa Giê-xu, dù nhỏ bé và đơn sơ như hạt cải nhưng chân thành thì nhờ đó mà được sự Cứu rỗi.
Bạn thật có niềm tin như thế nơi Cứu Chúa Giê-xu chưa?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Trong cuộc đời có vô số việc mà khả năng con người chúng con không thể nào làm được. Trong đó sự cứu rỗi linh hồn khỏi tội lỗi và sự chết đời đời là điều mà tất cả con người từ cổ chí kim đều bất khả. Tạ ơn Chúa! Vì Ngài ban cho Chúa Giê-xu là Con đường cứu rỗi bởi đức tin cho chúng con nhận được. Nguyện xin Chúa vùa giúp chúng con vững tin nơi Ngài và sống trong sự tạ ơn Chúa luôn luôn. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Viết bởi Thiên Gia Vĩnh.
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com