Link bài đọc: https://youtu.be/lGUFh4WgzBM
Ăn năn là cảm thấy hối hận về một điều gì đó mà chúng ta đã làm và lương tâm cắn rứt đến mức chúng ta quyết định không làm điều đó nữa.
Khía cạnh bị lãng quên của sự ăn năn
Ê-phê-sô 4:28 – “Kẻ quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa; nhưng thà chịu khó, tự tay mình làm việc lương thiện để có thể giúp đỡ người thiếu thốn thì hơn.”
Nếu một người chuyên trộm cắp không còn trộm cắp nữa mà bắt đầu làm việc chăm chỉ để có được những gì mình muốn, thì người đó chỉ thay đổi hành động và tâm trí của mình, nhưng lòng tư dục của người đó vẫn không thay đổi. Tấm lòng của người vẫn bị thế gian thu phục. Chúa vẫn không phải là Đấng duy nhất khiến người thỏa lòng và Ngài vẫn không phải là tất cả của người. Tuy nhiên, điều răn lớn được kêu gọi là hãy thay đổi điều mà lòng ta yêu mến.
Ma-thi-ơ 22:37-38 – “Đức Chúa Giê-xu đáp: “‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.’ Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn hết.”
Điều răn lớn này nhằm nhắc nhở chúng ta về khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là thờ thần tượng. Thần tượng là một cái gì đó hoặc một người nào đó không phải là Chúa Giê-xu Christ trở thành nguồn hạnh phúc hoặc sự viên mãn của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng “tập trung vào bản thân”, một giá trị và mục tiêu cuối cùng mà chúng ta theo đuổi. Đối với một số người trong chúng ta, đó có thể là lợi nhuận, danh tiếng, địa vị xã hội hoặc thành công vật chất. Đối với những người khác, đó có thể là sự thoải mái, niềm vui, tiền bạc hoặc một mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự muốn trải nghiệm sự sống dư dật mà Chúa Giê-xu hứa, chúng ta phải học cách sống lấy Đấng Christ làm trung tâm. Sự sống dư dật chỉ có thể được trải nghiệm qua một đời sống trong Đấng Christ. Khi chúng ta để Đấng Christ là trung tâm của những điều mà lòng chúng ta yêu mến, thì điều đó sẽ giúp chúng ta có thể điều hướng một cách hiệu quả những ngọn núi và thung lũng trong kinh nghiệm sống của mình.
Vì vậy, sự ăn năn không nên chỉ đơn thuần là thay đổi hành vi bên ngoài mà chủ yếu là tấm lòng của chúng ta phải sẵn sàng rời xa sự yêu mến và tin tưởng vào những thần tượng. Khi Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta ăn năn, Ngài không chỉ kêu gọi chúng ta dọn dẹp đời sống của mình, mà quan trọng nhất, Ngài muốn tấm lòng của chúng ta phải được thay đổi hoàn toàn. Vấn đề gốc rễ của chúng ta trong bất kỳ khía cạnh nào của đời sống không phải là vấn đề hành vi bên ngoài mà là vấn đề của tấm lòng. Vì lý do đó, nhiều biện pháp khắc phục không mang lại kết quả gì khiến chúng ta không thích nghi được hoặc cảm thấy tuyệt vọng, bởi vì tất cả những biện pháp đó đều bỏ qua vấn đề tấm lòng. Ăn năn về những điều sai trái mà lòng chúng ta yêu mến là điều cần thiết để chúng ta có một đời sống thuộc linh lành mạnh.
Kinh Thánh nói chúng ta nên “… vâng lời Chúa … hết lòng và hết linh hồn quay về với Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta” (Phục-truyền 30:10). Hướng lòng về Chúa đòi hỏi chúng ta phải sắp xếp lại lòng mình với tình yêu và lòng yêu mến dành cho Chúa. Để sống một đời sống mới triệt để cho Chúa Giê-xu, trước hết chúng ta phải ăn năn về những điều không tin kính mà lòng chúng ta ưa thích.
Giê-rê-mi 17:9-10 – “Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, và rất là xấu xa. Ai có thể biết được?”
Lý do khiến tấm lòng chúng ta không được biến đổi nhiều hơn nữa là vì chúng ta đã để tấm lòng mình bị những thần tượng chiếm lấy tình cảm vốn nên thuộc về Đức Chúa Trời. Chúa đã tạo ra con người để trở thành những người thờ phượng Ngài, do đó, chúng ta luôn tôn thờ một điều gì đó, cho dù chúng ta có ý thức về điều đó hay không. Căn nguyên tội lỗi của chúng ta luôn luôn là tấm lòng thờ thần tượng.
Chúng ta dễ bị cám dỗ bởi những điều mà lòng chúng ta yêu mến
Gia-cơ 1:13-15 – “Đang lúc bị cám dỗ đừng ai nói: “Tôi bị Đức Chúa Trời cám dỗ”; vì Đức Chúa Trời không thể nào bị điều ác cám dỗ, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ bởi chính dục vọng mình lôi cuốn và quyến dụ. Rồi khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi; tội lỗi đã trưởng thành thì sinh ra sự chết.”
Khi chúng ta sống cho điều gì thì điều đó sẽ có quyền năng to lớn trên chúng ta. Nếu thần tượng của chúng ta bị đe dọa, chúng ta có thể bị tê liệt vì sợ hãi. Nếu đánh mất thần tượng của mình, chúng ta có thể rơi vào tình trạng tuyệt vọng tột độ. Điều này là do các thần tượng mà chúng ta tôn thờ cho chúng ta cảm giác về giá trị hoặc sự công bình của mình. Khi chúng ta để cho những tình cảm trong lòng bị thần tượng chiếm đoạt, chúng sẽ cản trở quyền năng biến đổi và sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Trên thực tế, một trong những lý do khiến nhiều người không cảm nghiệm được nhiều hơn về quyền năng biến đổi và sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ là vì họ chưa đóng đinh hết các hình tượng trong lòng mình.
Hướng lòng về Chúa Giê-xu Christ và đặt tình cảm của chúng ta vào Ngài
Cô-lô-se 3:1 – “Vậy nếu anh em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời.”
Ga-la-ti 6:14 – “Còn với tôi, tôi chẳng khoe về điều gì ngoài thập tự giá của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhờ thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy.”
Chúng ta cần phải ăn năn và hướng lòng yêu mến của chúng ta về Chúa Giê-xu để chúng ta có thể được biến đổi thành những người thờ phượng Đức Chúa Trời chân thật và biết yêu thương con người. Một người có thể đang phải vật lộn với căng thẳng hoặc lo âu, cố gắng ăn năn và phó thác sự lo lắng của mình trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng họ vẫn không thắng hơn được điều đó. Lý do cốt lõi có thể là tội thờ hình tượng bên trong vẫn còn đó.
Chúng ta cần bị thu hút bởi Chúa Giê-xu để trải nghiệm quyền năng biến đổi của Phúc Âm, chính quyền năng này sẽ đóng đinh bản chất tội lỗi đang cai trị chúng ta và sức hấp dẫn của sự sùng bái thần tượng trên thế gian. Chỉ khi Chúa Giê-xu Christ trở nên hấp dẫn hơn đối với chúng ta thì những thú vui tội lỗi trong lòng chúng ta mới có thể được giải phóng. Quyền lực nô dịch của tội lỗi sẽ không bao giờ tiêu tan cho đến khi tấm lòng chúng ta có tình cảm với một điều lớn hơn thay thế nó. Do đó, thường chính sự tư dục trong lòng đang cướp đi quyền năng thống trị của sự sống trên chúng ta.
Giô-ên 2:13 – “Hãy xé lòng các con và đừng xé áo. Hãy trở về với Giê-hô-va Đức Chúa Trời các con, vì Ngài nhân từ, thương xót, chậm giận và giàu tình thương; Đổi ý không giáng tai họa.”
Thi-thiên 139:23-24 – “Đức Chúa Trời ôi! Xin tra xét con và biết lòng con; Xin thử nghiệm con và biết tư tưởng con; Thử xem con có lối ác nào không, và dẫn con vào con đường đời đời.”
Chúa không quan tâm đến sự ăn năn bề ngoài; chúng ta cần sự ăn năn bề trong thực sự xuất phát từ tấm lòng. Vua Đa-vít thường dành thời gian để yên lặng trước mặt Đức Chúa Trời và chờ đợi Ngài. Ông cầu nguyện để Chúa tra xét tấm lòng mình và bày tỏ cho ông thấy tội lỗi trong mình và cầu xin Chúa dẫn ông đi trong con đường đúng đắn. Giống như Đa-vít, chúng ta cần phải biến thời gian tự suy ngẫm, xưng tội và ăn năn trở thành một thói quen diễn ra liên tục.
Thi-thiên 51:10 – “Đức Chúa Trời ôi! Xin dựng nên trong con một lòng trong sạch và làm mới lại trong con một tâm linh ngay thẳng.”
Chúng ta thường ăn năn về những việc làm, hành vi và thái độ sai trái của mình; tuy nhiên, chúng ta không ăn năn về những tình cảm thầm kín trong lòng mình. Phải có sự thay đổi của tấm lòng, thứ mà lòng chúng ta yêu thích. Hãy để tâm đến điều này, thế gian luôn hứa hẹn sự trọn vẹn nhưng mang lại sự trống rỗng.
Chúng ta có thể là người tin Chúa nhưng vẫn yêu thế gian và cách thức của người thế gian. Những gì chiếm được trái tim của chúng ta có thể làm hư hoại chúng ta hoặc cũng có thể khiến chúng ta nên thánh. Vì lý do đó, chúng ta được khích lệ là “Hãy cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” (Châm-ngôn 4: 23). Đây không chỉ là một lời cảnh báo hay một lời khuyên nhủ, mà còn là một mệnh lệnh!
Có người đã nói, “Cần có dũng khí để làm theo tâm trí của mình. Nhưng việc làm theo trái tim mình sẽ lấy đi của chúng ta tất cả mọi thứ. ”
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com