Home Chuyên Đề Ý Nghĩa Của Từ Nô-en Và Bài Hát Nô-en Đầu Tiên

Ý Nghĩa Của Từ Nô-en Và Bài Hát Nô-en Đầu Tiên

by Crosswalk.com
30 đọc

Nô-en là một từ thường được hiểu là đồng nghĩa với Giáng Sinh. Trong những bài hát và những tấm thiệp chúc mừng thường có từ Nô-en này chẳng hạn như bài “Nô-en đầu tiên”; nhưng Nô-en thực sự có nghĩa là gì?

Ý nghĩa và nguồn gốc của từ Nô-en

“Nô-en” bắt nguồn từ nhiều từ gốc khác nhau. Từ chữ “nouvelles” trong tiếng Pháp, có nghĩa là “tin tức”. Gốc tiếng Anh của từ này bắt nguồn từ chữ nowel, có nghĩa là “tiếng reo vui”. Điều này có thể được thấy trong câu hát nổi tiếng “Nô-en đầu tiên thiên sứ rao truyền cho kẻ chăn nghèo đang thức quanh miền…” có nghĩa đây là “tin tức” tốt lành. Tiếng La-tinh, được cho là mẹ đẻ của các ngôn ngữ lãng mạn, cũng có một từ gốc cho chữ này, “natalis”, có nghĩa là, “sự ra đời”. Ý nghĩa chính xác hơn của từ Nô-en gắn liền với các ghi chép đầu thế kỷ thứ 4 về sự kiện Chúa giáng sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12.

Những ngôn ngữ này sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc xoay quanh bối cảnh mà ngày nay từ Nô-en được sử dụng rất phổ biến.

Từ Nô-en này lần đầu tiên được sử dụng phổ biến là ở châu Âu vào thời Trung-cổ. Các bài hát mừng tiếng Pháp và tiếng Anh bắt đầu sử dụng từ này trong ngữ cảnh đề cập đến sự ra đời của Chúa Giê-xu. Người ta cho rằng giai điệu Giáng Sinh nổi tiếng đã bắt đầu ở Pháp vào những năm 1200, nhưng phải đến những năm 1800, khi giai điệu đó trở thành một bài hát có ca từ thì mới trở nên nổi tiếng như vậy.

“Nô-en đầu tiên”

Bài hát “Nô-en đầu tiên” (The First Noel) được xuất bản lần đầu vào năm 1823 bởi William B. Sandys trong tập sách Christmas Carols Ancient and Modern của ông (tạm dịch là ‘Những Ca Khúc Cho Đêm Giáng Sinh Xưa Và Nay’). Thời đó, người dân địa phương thường tụ tập vào thời điểm Giáng Sinh rồi hát những bài hát mừng như vậy để thờ phượng và kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-xu. Trong thời kỳ này, nhiều câu chuyện, bài hát và truyền thống đã được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc máy in được phát minh vào những năm 1400 và Kinh Thánh được in ra nhiều ngôn ngữ cho phép nhiều người được tiếp cận với Kinh Thánh để những lẽ thật này được truyền lại. Lời bài hát được thêm vào theo thời gian dẫn đến việc bài hát kinh điển này vẫn được hát cho đến ngày nay.

Lời bài hát phản ánh câu chuyện được kể trong Lu-ca 2:8-14, đoạn các thiên sứ đến báo tin mừng về sự ra đời của Đấng Christ cho những người chăn chiên:

Cũng trong vùng ấy, có mấy người chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa hiện đến với họ, vinh quang của Chúa chói rạng chung quanh nên họ rất sợ hãi. Nhưng thiên sứ bảo họ: “Đừng sợ! Nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, đây sẽ là niềm vui lớn cho mọi người. Vì hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi. Đây là dấu hiệu để các ngươi nhận ra Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ.” Bỗng nhiên, có muôn vàn thiên binh cùng với thiên sứ ấy ngợi ca Đức Chúa Trời rằng:“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới đất, ân ban cho người!”” (Lu-ca 2:8-14).

Ý nghĩa của các từ gốc và các biến thể của từ Nô-en đều phù hợp với bối cảnh và lời bài hát. “Nô-en đầu tiên thiên sứ rao truyền cho kẻ chăn nghèo đang thức quanh miền.” Ý nghĩa về sự ra đời trong từ gốc La-tinh, tiếng reo vui vì sự Ngài giáng thế trong từ gốc tiếng Anh, và hàm ý về tin tức được loan báo trong tiếng Pháp, tất cả đều phù hợp với nhau và hòa hợp cùng nhau tạo nên một âm thanh ca ngợi Chúa.

Phần điệp khúc được lặp đi lặp lại xuyên suốt bài hát, “Nô-en, Nô-en, Nô-en, Nô-en, chính đêm sanh Vua Y-sơ-ra-ên!” vang lên như một lời kêu gọi hãy lan truyền tin lành đầy phước hạnh này về sự giáng sinh của Đấng Mê-si trong lời hứa và hãy cứ tiếp tục nói về điều này.

Đoạn cuối của bài hát là lời nhắc nhở về sự hy sinh của Đấng Christ:

Nay mừng nô-en ta hát một bài,
Cung kính khen ngợi Chân Chúa thiên đài,
Muôn vật được nên do Chúa phán tuyên,
Tuôn huyết tha tội ơn cứu linh huyền.

Biết rằng Đấng Christ giáng sinh để chết cho chúng ta, khích lệ chúng ta cùng hát lên một bài về sự ra đời, sự chết và sự phục sinh của Ngài.

Tia hào quang kia soi khắp sơn hà,
Không cứ đêm ngày soi sáng muôn nhà.

Từ Nô-en này cũng có thể hiểu là một cách sống chứ không phải chỉ được dùng cho một mùa lễ trong năm. Chúa Giê-xu kêu gọi trong Ma-thi-ơ 28:19-20,

Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.

Việc tái hiện lại niềm vui Nô-en trong suốt mùa Giáng Sinh phản ánh một lời kêu gọi như vậy. Điều quan trọng là không chỉ hát về Chúa và chia sẻ Tin Lành trong mùa Giáng Sinh này mà thôi, nhưng bởi ân điển tấm lòng chúng ta hãy mặc lấy lẽ thật và môi miệng chúng ta hãy xưng ra sự vui mừng. Nô-en tượng trưng cho Tin Lành của Chúa Giê-xu rằng Ngài đã đến thế gian để tha thứ và cứu chuộc tất cả chúng ta.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like