Home Lời Chứng Hành Trình Theo Chúa – Phần 4: Tôi Sống Sót Sau Cuộc Chiến

Hành Trình Theo Chúa – Phần 4: Tôi Sống Sót Sau Cuộc Chiến

by Ban Biên Tập
30 đọc

TÔI SỐNG SÓT SAU CUỘC CHIẾN

Sống trong thời chiến tranh và sống sót sau chiến tranh là một vấn đề. Tôi có những người bạn cùng quê lớn lên với nhau từ thời niên thiếu. Vì chiến tranh mỗi người đi mỗi ngã. Tôi nhớ có mấy người bạn trẻ của tôi đã bỏ vào rừng làm lính du kích chống Mỹ, có mấy người bạn nhập ngũ làm sĩ quan hoặc hạ sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, còn tôi được miễn quân dịch nhờ muốn “làm người lính giỏi” của Đức Chúa Trời. Chiến tranh Việt Nam đã cướp đi mạng sống của nhiều nhân tài. Một sự mất mát lớn lao. Những người bạn thời niên thiếu của tôi đều mất tích hoặc tử trận, còn tôi thì sống sót và bị đi tù. Tôi có kinh nghiệm đi tù để không còn sợ hãi hay biếng nhác. Chúa đã gìn giữ tôi suốt những năm tháng đi tù, Chúa cũng sẽ gìn giữ tôi trong suốt cuộc đời còn lại của tôi. Ba tôi thường nhắc, “Nhân vi nan, nhân vi nan, tố nhân nan.” Câu nầy có nghĩa “làm người khó, làm người khó, khó làm người.” Tôi nghĩ làm người trai Việt lại rất khó khăn trong thời chiến tranh. Trong thời bình cũng vậy, nếu một người Việt không có Chúa trong lòng thì người ấy chẳng khác nào đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Tôi mừng vì tôi là một người Việt được Chúa cứu. Tôi biết cầu nguyện, “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Bóng cánh của Cha toàn năng trên trời đã che chỡ tôi và dẫn dắt tôi. Tôi đã có thể thầm nguyện những lời thơ thánh của Thánh Vịnh 23, “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng tôi.” Đức Chúa Trời thường cho phép chiến tranh hay thiên tai bão tố, hạn hán xảy ra để nhắc nhở người dân kính sợ Đức Chúa Trời. Để nhắc cho chúng ta biết ai đang điều khiển thế giới nầy. “Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng; và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.”

26 tuổi…

TÔI CÓ CƠ HỘI PHỤC VỤ CHÚA TỪ KHI CÒN TRẺ

Như một cuốn phim đang quay lại. Thời gian dài 45 năm.

Biến cố tháng Tư năm 1975 đã xảy đến. Lúc đó gia đình nhỏ của tôi đang sống ở Nha Trang. Nhờ được phục vụ cho Viện Thần Học, chúng tôi được cấp nhà ở gần khu nhà của các Giáo Sư. Những ngày cuối chiến tranh thật hỗn loạn, tang tác. Những người lính tìm đường về nhà, những người tị nạn tìm nơi tá túc, các sinh viên lên xe trở về quê, những người dân ở miền Trung vào Nam tìm đường lánh nạn, những người có tiền tìm đến bờ biển thuê ghe đi. Tôi thấy có mấy người cầm súng đi ăn cướp. Dân chúng lo sợ. Cứ đi vào Nam rồi sẽ tính nữa. Có nhiều người may mắn vượt biên. Có những người không may đã chết trên biển, có những phụ nữ bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp. Giống như những chiếc ghe mong manh trước biển lớn, dòng người vượt biên không dứt cho đến những năm sau nầy.

Tôi và gia đình không đi vượt biên được, đành ở lại Việt Nam không biết tương lai thể nào. Cả tháng trời hoang mang đi tới đi lui.

Ngay ngày 1 tháng Năm, năm 1975, tôi được Giáo Hạt Nam Trung Bộ thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam bổ nhiệm làm quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Đà Lạt. Thời ấy các tín đồ Tin Lành thường gọi chức Quản Nhiệm là Chủ Tọa Hội Thánh. Một người bạn đã lái chiếc xe Landrover chở gia đình tôi từ Nha Trang lên Đà Lạt. Đường rừng nguy hiểm. Chúng tôi lên đèo xuống dốc, rồi lên đèo. Từ đồng bằng lên cao nguyên. Chuyến đi bình yên. Chúng tôi đến nhà thờ Đà Lạt, không có ai đón, mọi người di tản xa đang lần lượt trở về.

Rồi những ngày hầu việc Chúa tại Đà Lạt thật tuyệt vời, chiến tranh đã hết, gian khổ vẫn còn, nhưng chúng tôi được các tín hữu trong Hội Thánh yêu thương dùm bọc và nâng đỡ. Hội Thánh Đà Lạt người Kinh đã trở thành chỗ dựa tinh thần và niềm hy vọng của hàng ngàn tín hữu người dân tộc Koho và các dân tộc thiểu số khác. Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi Hội Thánh đều có chỗ đứng trong chương trình của Chúa giữa thế gian. Ai hầu việc Chúa đều được Chúa tôn quý, nâng đỡ, bảo bọc.

Hội Thánh Tin Lành Đà Lạt đã xây dựng từ thời Pháp thuộc. Đây là ngôi nhà thờ có kiểu kiến trúc đẹp nhất Việt Nam nằm trên đồi, gần sát tòa Tỉnh, nhìn xuống thấy được một nửa thành phố mờ sương. Tôi cùng vợ con sống chung ngay tại tư thất Hội Thánh, sát cạnh nhà thờ. Lúc ấy tôi 26 tuổi và vợ chồng tôi có con gái đầu lòng là Vĩnh Ân sinh ở Nha Trang. Chúng tôi sinh thêm được hai con trai nữa ở Đà Lạt, Tuyên sinh năm 1976 và Minh sinh năm 1978. Chúng tôi sống chung với bà mẹ vợ, một bà Mục Sư góa chồng, ở vậy nuôi con, chịu thương chịu khó, yêu Chúa và hầu việc Chúa âm thầm trung tín trong nhiều năm.

Hằng tuần tôi giảng Kinh Thánh, lúc đó tôi chọn giảng sách Công Vụ Sứ Đồ. Tôi góp phần trấn an lòng dân và ổn định Hội Thánh. Chúng tôi sống đồng cam cộng khổ như các tín hữu khác. Thời kỳ bao cấp. Thiếu hụt. Đi lại khó khăn. Đời sống khổ cực. Thất nghiệp tràn lan. Nhiều người không biết làm gì để sống, có một bà tín hữu đau lòng tự tử. Tôi tham gia làm vườn. Đất xung quanh nhà thờ thích hợp với cây su-su. Tôi trồng cây su su thành giàn, chờ đến mùa mỗi tuần hái trái. Giàn cây su-su ra trái thật nhiều. Tôi ngần ngại khi nghe người ngoại chung quanh thấy tôi chở mấy bao su-su trên xe đạp đẩy ra chợ gần nhà để bán. Trên đường ra chợ, tôi nghe có người kêu lớn, “Thầy ơi, hôm nay su-su giá 5 hào.” Lúc đó gạo giá 3 đồng một ký. Tôi không nhớ bán được bao nhiêu ký trái su-su mới mua được mấy ký gạo?

Tôi cũng trồng các chậu hoa lan rừng để cắt hoa đem bán xuất khẩu. Có những người dân tộc hái rễ cây dớn trong rừng đem ra chợ bán. Tôi mua dớn. Các chậu lan trồng có hoa là nhờ rễ dớn. Sáng Chúa nhật người ta thu mua hoa lan, tôi đến giờ giảng ở nhà thờ, con trai tôi phải cắt hoa lan đem ra chợ giao hàng, về nhà trễ giờ nhóm. Tôi cũng đi làm thủ công mỹ nghệ với một số anh chị em trong Hội Thánh. Anh chị Châu Văn Nghiêm (bây giờ đang ở California) là nghệ nhân cưa cắt gỗ, chạm bút lửa, vẽ tranh trên gỗ, đã góp phần lớn để lập tổ hợp thủ công mỹ nghệ Đà Lạt, giúp có công ăn việc làm cho các tín hữu trong Hội Thánh. Càng khổ anh em càng thương nhau hơn. Anh chị em cùng chia sẻ hoàn cảnh như nhau, và càng khổ ai nấy càng trung tín, yêu mến Chúa, nhóm nhau lại gần hơn, nhiều lần hơn.

CHÚA DÙNG KHỔ NẠN ĐỂ ĐÀO TẠO TÔI…

Đọc Kinh Thánh tôi nhớ câu chuyện đời của ông Giô-sép, người con yêu của tổ phụ Gia-cốp, tức Israel. Ông Gia-cốp là người cha hay thiên vị, ông yêu Giô-sép hơn những đứa con khác vì Giô-sép là con ruột của người vợ mà ông yêu thương nhất. Ông có đến 4 bà vợ. Giô-sép đã bị các anh của mình ghen ghét, tìm cách giết chết nhưng sau cùng vì hám lợi và vì lương tâm cắn rứt, họ kéo anh lên khỏi hố và bán anh cho người Ích-ma-ên mang xuống Ai-cập làm nô lệ từ khi mới 17 tuổi. Cuộc đời Giô-sép vô cùng truân chuyên gian khổ, nhưng Đức Chúa Trời đã dùng khổ nạn để chuẩn bị Giô-sép trở thành người giải cứu gia đình và dân tộc thoát khỏi nạn đói có thể tiêu diệt cả dòng họ. Câu chuyện kết thúc thật có hậu:

Các anh Giô-sép thấy cha mình chết rồi, thì nói với nhau rằng: Có lẽ Giô-sép sẽ ganh ghét chúng ta, và trả thù việc ác chúng ta đã làm cho người chăng. 16 Các anh bèn sai người đến nói cùng Giô-sép rằng: Trước khi qua đời, cha em có trối rằng: 17 Hãy nói lại cho Giô-sép như vầy: Ôi! Xin hãy tha điều ác, tội phạm của các anh con đi, vì chúng nó đã lỗi cùng con đó; nhưng bây giờ cha xin con hãy tha tội kẻ tôi tớ của Đức Chúa Trời cha. Nghe qua mấy lời nầy, Giô-sép bèn khóc. 18 Chánh các anh người đến sấp mình xuống dưới chân mà nói rằng: Các anh đây thật là kẻ tôi tớ của em đó. 19 Giô-sép đáp rằng: Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao? 20 Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo. 21 Vậy, đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh. Đoạn, Giô-sép an ủi các anh, và lấy lời êm dịu mà nói cùng họ.

Giô-sép già và chết

22 Giô-sép cùng nhà cha mình kiều ngụ tại xứ Ê-díp-tô; người hưởng thọ được một trăm mười tuổi. 23 Người thấy được các con cháu Ép-ra-im đến đời thứ ba, và cũng có được nâng niu trên gối mình các con của Ma-ki, tức con trai của Ma-na-se, nữa. 24 Kế, Giô-sép nói cùng các anh em rằng: Em sẽ chết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. 25 Giô-sép biểu các con trai của Y-sơ-ra-ên thề mà rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em; xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ nầy. 26 Đoạn, Giô-sép qua đời, hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người ta xông thuốc thơm cho xác Giô-sép, và liệm trong một cái quan tài tại xứ Ê-díp-tô.

29 tuổi…

TÔI BỊ BẮT ĐI TÙ “CẢI TẠO”

Có mấy lần Hội Thánh Đà Lạt đã làm đơn xin chính quyền cho phép tôi được tấn phong chức vụ Mục Sư nhưng cả mấy lần đều bị từ chối. Tôi vẫn được mời đi họp với các đại biểu Mặt Trận Tổ Quốc địa phương, tôi được đại diện cho Hội Thánh Tin Lành Đà Lạt. Tôi được ngồi chung bàn với các thượng tọa, linh mục. Tôi nhớ đến Linh Mục Nguyễn Văn Nhơn ở nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt. Tôi gọi đó là nhà thờ con gà vì có con gà trên đỉnh tháp chuông. Có ai ngờ Linh mục Nhơn ngày đó bây giờ được phong làm Hồng Y và đang phục vụ ở Hà Nội? Chính sách kiểm soát chỗ đứng của người lãnh đạo tôn giáo vẫn còn nghiêm giữ ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đi theo đường lối toàn trị. Chức Mục Sư phải được chính quyền cho phép và chấp nhận. Ở Việt Nam có lẽ tôi sẽ không bao giờ được phong chức Mục Sư.

Đời sống không ngờ.

Ngày 14 tháng 7 năm 1978 tôi bị bắt giam. Thình lình. Sáng sớm. Cả nhà thờ, tư thất bị bao vây. Có khoảng 30 lính Công An tràn vào lục loại khắp nhà. Tra hỏi. Tịch thu sách vở…Tôi ngồi dưới họng súng, nghe đọc lệnh tam giam 4 tháng, “can tội hoạt động phản cách mạng.” Tôi khát nước, đói bụng, bối rối và được chở đến trại giam thành phố bằng chiếc xe vận tải có mang theo sách vở và đồ dùng bị tịch thu. Dân chúng ở nhà xung quanh dưới đồi đứng tụ tập ngước nhìn lên phía nhà thờ ngạc nhiên. Không ai dám đến gần. Bầu không khí băng giá. Nặng nề. Tôi thấy mình như con chiên bị đưa đến hàng làm thịt. Bất lực. Ngơ ngác. Lúc đó vợ tôi đang mang thai bụng lớn với đứa con út 6 tháng. Tội nghiệp bầy nhỏ vợ con. Những ngày gian khổ, đói khát, xa gia đình, bỗng nhiên xảy đến. Đà Lạt xứ lạnh, ở trong tù trời càng lạnh hơn.

Tôi bị tạm giam ở Đà lạt 2 năm và sau đó tôi được tập trung cải tạo ở trại tù Đại Bình (Bảo Lộc, Lâm Đồng) gần 4 năm. Tôi nhớ tất cả thời gian ở tù là 5 năm, 7 tháng 15 ngày. Những ngày lao động dưới họng súng. Những ngày không quên. Bây giờ ngẫm nghĩ, tôi lại thấy Chúa đã đứng đàng sau mọi việc xảy ra. Loài người chỉ là công cụ thi hành chương trình của Chúa. Ở trong tù bao nhiêu câu hỏi tôi đã đặt ra. Tại sao? Tại sao tôi?

Một hôm Chúa đã dạy tôi, “Đây là việc ta làm, bây giờ con chưa biết, nhưng về sau con sẽ biết.” Đó là lời Chúa nói rất rõ trong quyển sách Tin Lành Giăng mà tôi lén lút đọc được. Sự bình an lạ lùng tràn ngập lòng tôi. Chúa đã hiện ra nói với tôi. Ngay trong cảnh tù. Lời Chúa đã làm tôi sống lại, tươi tỉnh, yên tâm chờ đợi. Bây giờ tôi đã biết. Tôi biết Chúa yêu tôi, Chúa có chương trình cho đời sống của tôi. Chúa dùng mọi hoàn cảnh xảy ra để đào tạo tôi trở nên người Chúa muốn dùng. Chúa dùng thời gian dài khổ nạn để rèn luyện và dạy dỗ tôi, dạy dỗ gia đình tôi. Chúa chuẩn bị điều kiện cho tôi để nhờ đó có ngày tôi được tự do, tôi được đi Mỹ.

Khi được trả tự do từ trại tập trung, tôi trở về đoàn tụ với vợ con ở nhà thờ Tin Lành Đà Lạt. Tôi không được phép giảng dạy như trước. Tôi bị quản thúc tại gia. Tôi chịu đựng áp lực lớn để hiến nhà thờ cho chính quyền làm Cung Văn Hóa Thiếu Nhi. Có một thời khi mới ra khỏi tù tôi phải đi trình diện Công An mỗi tuần. 21 ngày liên tục. 21 ngày chỉ nghe một câu hỏi. “Anh có muốn ký tên hiến nhà thờ không?”

Tôi không chịu ký tên hiến nhà thờ. Nhà thờ đâu phải của tôi?

Tôi kiên nhẫn chịu đựng chờ đợi. Tôi giữ lòng trung tín và Chúa đã gìn giữ tôi cho đến ngày gia đình tôi được dọn ra khỏi nhà thờ, đến sống ở thành phố Sài Gòn, nơi cách Đà Lạt 300 cây số. Chúa đã thương xót dẫn tôi đi. Tôi muốn tự do và Chúa đã cho tôi được tự do.

Đầu năm 2019, khi Hội Thánh Tin Lành Đà Lạt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, vợ chồng tôi ở Dallas được Hội Thánh bỏ tiền mua vé mời về Đà Lạt dự lễ. Thật vui. Tôi nghĩ nếu ngày đó tôi không giữ được nhà thờ thì bây giờ đời sống tôi sẽ ra sao, Hội Thánh Đà Lạt sẽ ra sao?

Đời sống một người có thể ảnh hưởng đến đời sống nhiều người. Ảnh hưởng tốt hay ảnh hưởng xấu. Tôi đã thành người tự do. Tôi không hối tiếc những năm tháng trôi qua, tôi như con chim từ trong chuồng bay thoát ra ngoài bầu trời xanh lộng gió, tôi cảm ơn Chúa về những kinh nghiệm quý báu giúp tôi trưởng thành, dày dạn nắng mưa, cứng cáp đôi chân trên thiên lộ đi về nhà Cha. Tôi thích hai chữ HƯỚNG ĐI. Tôi đang đi lên. Chúa dẫn tôi đi. Tôi đi đúng hướng. Tôi kinh nghiệm đang sống những ngày trời trên đất.

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Hành Trình Theo Chúa – Phần 3: Tôi Ham Đi Học

Hành Trình Theo Chúa – Phần 5: Tôi Tin Ý Chúa Được Nên

Bình Luận:

You may also like