Home Chuyên Đề Tại Sao Các Mục Sư Lại Từ Bỏ Chức Vụ – Và Hội Chúng Có Thể Làm Gì Để Giúp Mục Sư Của Mình?

Tại Sao Các Mục Sư Lại Từ Bỏ Chức Vụ – Và Hội Chúng Có Thể Làm Gì Để Giúp Mục Sư Của Mình?

by Crosswalk.com
30 đọc

Ngày 10 tháng 7 năm 2019. Đó là ngày mà LifeWay Research đã cho đăng một bài báo có tựa đề “Pastors Are Not Quitting in Droves” (tạm dịch là “Không Có Chuyện Các Mục Sư Lần Lượt Từ Bỏ Chứa Vụ”). Hai năm trước, họ không bỏ cuộc. Nghiên cứu của họ cho thấy rằng thống kê trước đây về việc 1500 mục sư bỏ việc mỗi tháng là hoang đường so với thực tế. Nhưng sau năm 2020 tàn khốc, điều đó có thể trở thành hiện thực thay vì chỉ là truyền thuyết. Theo hiểu biết của tôi, vẫn chưa có dữ liệu chính thức về số mục sư đã từ chức, bị sa thải hoặc chuyển đi từ năm 2019-2021. Nhưng với tư cách là một mục sư và là một người có thâm niên trong chức vụ, tôi có thể nói với bạn rằng hiện nay có nhiều mục sư bỏ việc hơn so với năm 2019.

Hầu việc Chúa luôn là một công việc khó khăn—mặc dù nhiều hội thánh có cả một bộ phận chuyên giúp đỡ những người đang kiệt sức trong chức vụ—nhưng hai năm qua là khoảng thời gian hoàn toàn khó khăn cho các mục sư. Hãy xem xét phân tích của Jeramie Rinne trong cuốn At-Risk Pastors (Những Mục Sư Đang Gặp Rủi Ro). Được viết vào năm 2018, tác phẩm của Rinne có thể được tóm tắt với năm đối tượng là mục sư đang gặp rủi ro: mục sư làm việc một mình, người cảm thấy như thể mình chỉ đang giảng Lời Chúa cho những cỗ máy, người làm đủ thứ việc, mục sư không có mục tiêu nhất định mà chỉ làm bất kỳ việc gì khi được thôi thúc, và cuối cùng là mục sư đang vướng vào xung đột. Vào năm 2020, hầu hết mọi mục sư đều vướng phải một trong những vấn đề này.

Khó khăn của việc chăn dắt Hội-thánh trong những thời điểm thử thách như thế này

Ngay cả khi một mục sư chia sẻ gánh nặng chức vụ với các nhân sự khác trong hội thánh, thì thời gian này vẫn có nhiều gánh nặng mà họ phải lo toan. Tất cả chúng ta đều cảm nhận được sự cô đơn. Nhưng có một điều gì đó đặc biệt khó khăn khi các mục sư phải thuyết giảng cho những hàng ghế trống và đưa ra quyết định trong bối cảnh không được gặp gỡ các thành viên một cách trực tiếp. Chỉ riêng sự cô đơn thôi cũng đủ khiến một mục sư gặp rủi ro nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa đã xảy ra trong hai năm qua.

Một trong những vấn đề gây mệt mõi nhất đối với bất kỳ mục sư nào là phải chịu đựng sự xung đột. Các vấn đề khác nhau của năm 2020 cảm thấy như thể mỗi ngày đều phát sinh một lĩnh vực mới để mục sư phải điều chỉnh. Nói đơn giản như việc có cần thiết phải mang khẩu trang hay không thôi cũng đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người khi đọc tới đây có thể cảm thấy chột dạ—và một số thậm chí có thể kích động bởi việc tôi sử dụng từ chột dạ. “Tại sao chúng ta không được yêu cầu phải đeo khẩu trang? Khẩu trang có thể giúp hạn chế lây nhiễm, việc không đeo khẩu trang hoặc yêu cầu không đeo khẩu trang là một hành động không có tình yêu thương và chống lại những gì Chúa Giê-xu yêu cầu chúng ta làm. Nếu mục sư không bảo mọi người đeo khẩu trang vào, tôi sẽ không đi nhóm nữa,” một người trong hội chúng nói. Một người khác đáp lại, “Khẩu trang là biểu tượng của sự áp bức của chính phủ. Nếu chúng ta thỏa hiệp với điều này, chúng ta đang từ bỏ các quyền tự do tôn giáo mà chúng ta có thể sẽ không bao giờ lấy lại được. Nếu mục sư bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi nhóm, tôi sẽ không quay lại hội thánh này nữa.” Vậy, mục sư phải làm gì?

Đây chỉ là một trong số nhiều vấn đề mà các mục sư phải đối mặt hầu như hàng ngày. Một mục sư mà tôi phỏng vấn đã chia sẻ việc một phần năm hội thánh của ông đã rời đi vì ông quyết định phải tuân theo các quy định của nhà nước. Họ rời đi vì “mục sư của họ là một kẻ hèn nhát”. Tuy nhiên, một mục sư khác, người không yêu cầu đeo khẩu trang, cũng đã có một số gia đình bỏ đi vì họ cảm thấy như thể mục sư không coi trọng sức khỏe của họ.

Khó khăn trong việc duy trì sự hiệp nhất

Trải qua đại dịch là một vấn đề khó khăn đối với các nhóm người có nhiều ý kiến khác nhau; vấn đề càng được phóng đại khi có những người kiên quyết giữ chính kiến của mình mà không tôn trọng ý kiến chung của cả nhóm. Các mục sư đã quen với việc điều hướng các ý kiến khác nhau. Đôi khi, những xung đột này xoay quanh các cuộc thảo luận thần học và giải thích Kinh Thánh. Những xung đột này sẽ ít kéo dài hơn so với tranh cãi về những điều không cần thiết. Một mục sư chia sẻ sự mệt mỏi của mình:

Nhiều lần, tôi chắc chắn đã cảm thấy muốn từ bỏ. Tôi chán nản và mệt mỏi khi nghe những lời phàn nàn tương tự đến từ sở thích của mọi người hơn là các vấn đề thần học hoặc liên quan đến hội thánh. Một số người đã yêu cầu được chú ý nhiều hơn bình thường và khi họ không nhận được điều đó, họ đã sử dụng hành vi thao túng để khiến chúng tôi làm mọi việc theo cách của họ. Thật là mệt mỏi.

Khi vị mục sư này nói về những người “muốn được chú ý nhiều hơn”, ông không nói đến những người bị bệnh, cô đơn hoặc có nhu cầu phát sinh từ dịch COVID. Những người muốn “thao túng chúng tôi làm mọi việc theo cách của họ” đang cố gắng chèo lái hội thánh theo những hướng nhất định về mặt chính trị. Một mục sư đã chia sẻ sự thất vọng của anh ấy lên đến đỉnh điểm như thế nào khi ngay lúc anh ấy đang cố gắng chăm sóc cho một gia đình vừa mất người thân, thì điện thoại của anh ấy liên tục thông báo những tin nhắn từ một thành viên khác. Những tin nhắn đó là một loạt các thuyết âm mưu đến từ một thành viên trong hội thánh với hy vọng tranh thủ sự giúp đỡ của mục sư để thông báo cho hội chúng biết sự thật thực sự về một “loại vi-rút mới được tạo ra”.

Các mục sư có lẽ được trang bị tốt hơn để duy trì sự hiệp nhất khi hội thánh đang có dấu hiệu rạn nứt liên quan các vấn đề giải nghĩa Kinh Thánh. Nhưng mục sư phải làm gì với các vấn đề mà hội thánh ít đối mặt hơn liên quan đến sở thích, quan điểm cá nhân hoặc các đảng phái chính trị? Kinh Thánh không im lặng về những vấn đề này. Ngay cả các hội thánh đầu tiên thời Tân Ước cũng đấu đá nhau về những vấn đề không mấy cần thiết này (hãy đọc các thư tín của Phao-lô gửi cho người Cô-rinh-tô để thấy rõ hơn). Câu trả lời của Kinh Thánh cho những thời điềm thử thách như thế này là cách mà chúng ta trả lời những câu hỏi mang tính bức xúc này rất có thể sẽ là mối lo ngại lớn hơn những gì chúng ta nói.

Tuy nhiên, điều mà nhiều mục sư nhận thấy là các giáo đoàn của họ thường trung thành với sở thích cá nhân và đảng phái chính trị hơn là với cộng đồng đức tin của họ. Điều này khiến một số mục sư cảm thấy như thể họ chỉ đơn giản là đang nuôi dưỡng những cỗ máy thay vì tác động đến vương quốc của Đức Chúa Trời. Tại sao phải đi xuyên qua một cánh đồng đầy mìn, suy nghĩ về tất cả các quan điểm khác nhau, lao khổ để thuyết giảng các bài học trong Kinh Thánh, trao tấm lòng của bạn cho những người bị tổn thương và bối rối, để rồi tất cả đều bị gạt đi bởi vì phần lớn hội thánh đều là môn đồ của các chuyên gia chính trị, những người có thể ít quan tâm đến sự hiệp nhất của Phúc Âm? Đây là lý do tại sao các mục sư từ bỏ.

Kết quả là: nhiều mục sư từ bỏ chức vụ

Nhưng tôi có thể thành thật ở đây không? Tôi thực sự không nghĩ rằng từ bỏ là một thuật ngữ thích hợp. Nhiều mục sư mà tôi biết không từ bỏ chức vụ hoàn toàn—họ từ bỏ chức vụ toàn thời gian bởi vì họ tin rằng họ có thể hầu việc Chúa hiệu quả hơn bên ngoài tổ chức nhà thờ. Như một mục sư mà tôi phỏng vấn đã nói thế này:

Nếu cách thức của hội thánh mà tôi đang phục vụ là cách mà dân sự phản ứng lại với các mục sư đang cố gắng hướng dẫn họ vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, thì tôi không muốn trở thành một phần của hội thánh đó. Hơn nữa, nếu có quan điểm cho rằng các mục sư nên thúc đẩy các đảng phái chính trị cụ thể hoặc kích động đảo lộn các cuộc bầu cử và rằng chúng tôi không yêu Chúa Giê-xu nếu chúng tôi không đấu tranh cho một chính trị gia nào đó, thì tôi cũng không muốn dự phần trong số đó.

Nhiều người trong số những mục sư này vẫn có tấm lòng cho việc chăn dắt, rao giảng, và thậm chí vẫn đang dẫn dắt nhiều người đến với sự sâu nhiệm của Đấng Christ. Tuy nhiên, cũng chính những mục sư này bắt đầu cảm thấy như thể những ân tứ Chúa ban cho họ có thể sẽ được sử dụng tốt hơn bên ngoài chức vụ giảng dạy trong nhà thờ. Đây là lý do tại sao một số mục sư không hoàn toàn rời bỏ chức vụ của mình, nhưng thay vào đó họ đang theo đuổi các cơ hội để vừa hầu việc Chúa vừa đi làm. Nếu bạn có thể sử dụng các ân tứ chăn bầy của mình và truyền bá phúc âm về vương quốc Đức Chúa Trời hiệu quả hơn bằng cách “may trại”, vậy tại sao không theo đuổi điều này? Một số mục sư đang tự hỏi liệu lời kêu gọi hầu việc Chúa của họ có cần thiết phải là chức vụ trọn thời gian hay không.

Hội chúng có thể làm gì?

Khoảng một năm trước, Thom Rainer, người vẫn đang làm việc để kiếm sống khi nhìn vào thực trạng này, đã nói như sau:

Phần lớn các mục sư mà nhóm của chúng tôi tiếp xúc đều nói rằng họ đang cân nhắc việc rời bỏ nhà thờ của mình. Đó là xu hướng mà tôi chưa từng thấy trong cuộc đời mình. Một số chỉ còn vài tuần nữa là đưa ra thông báo. Họ đang tìm kiếm việc làm trong thế giới thế tục. Một số sẽ chuyển sang hầu việc Chúa bán thời gian. Một số sẽ chuyển sang mục vụ thị trường.

Khi đó anh ấy đã đúng, và tình trạng này vẫn đang diễn ra ngày nay. Mặc dù, tôi hy vọng rằng điều này có thể chậm lại một chút, nhưng tôi thực sự phải nói rằng những con số này sẽ tăng lên. Tôi nói điều này bởi vì đại dịch không phải là vấn đề — đại dịch chỉ đơn thuần là phơi bày các vấn đề. Và một khi nguồn năng lượng mà chúng ta nhận được từ việc “mở cửa trở lại” tan biến, thì toàn bộ sự chán nản sẽ chực chờ. Mặc dù động cơ của chúng ta không chỉ đơn giản là để giữ cho các mục sư của mình không bỏ việc, nhưng các hội chúng vẫn có thể giúp đỡ các mục sư của họ về mặt tinh thần trong thời điểm này.

Có thể mục sư của bạn nằm trong số những người đang nghĩ đến việc rời bỏ chức vụ toàn thời gian. Bạn có thể đang đọc bài viết này và tự hỏi bạn có thể làm được gì. Dưới đây là một vài lời khuyên. Tôi sẽ nói những điều này theo cách của riêng tôi, nhưng những cách sau đây phù hợp với nhiều mục sư mà tôi đã trò chuyện cùng:

5 điều hội thánh có thể làm để giúp mục sư của mình

1. Hãy xem xét cơ cấu lãnh đạo của hội thánh bạn. Những mục sư dường như được khích lệ nhiều nhất là những người được bao quanh bởi một đội ngũ lãnh đạo. Những hội thánh do các trưởng lão lãnh đạo dường như điều hướng những thời điểm khó khăn như thế này này tốt hơn những hội thánh không có người dẫn dắt. Nếu mục sư của bạn phải đưa ra quyết định một mình, thì rất có thể sẽ bị kiệt sức.

2. Hãy dừng lại việc theo dõi các tin tức trên mạng xã hội. Tách mình khỏi các thuyết âm mưu. Và để cho các quan điểm chính trị ngủ yên. Nghiêm túc mà nói, những thứ này đang phá hủy các nhà thờ của chúng ta. Tôi sẽ thẳng thắn ở đây. Nếu bạn đang nhìn mục sư của mình qua lăng kính bác học chính trị, thì mục sư của bạn không phải là vấn đề — mà vấn đề chính là bạn. Bạn đã rời xa Phúc Âm. Điều chính yếu không còn là điều chính trong đời sống của bạn nữa, và bạn cần phải xem xét liệu bạn có còn theo Chúa hay không. Nếu mục sư của bạn vẫn đang rao giảng về Chúa Giê-xu và giảng dạy Kinh Thánh một cách trung tín, thì bạn nên lắng nghe và định hình thế giới quan của mình theo cách đó. Nếu bạn đang đọc nhiều tin tức hơn Kinh Thánh, nếu mối quan tâm chính của bạn là ai đang nắm quyền thay vì Ai là Đấng đang ngự trên ngôi, thì bạn có vấn đề với tư cách là một môn đồ theo Chúa. Nếu mối quan tâm lớn nhất của bạn đối với người hàng xóm của mình là đảng phái chính trị của họ chứ không phải mối quan hệ của họ với Chúa Giê-xu, thì bạn có vấn đề với sứ mạng truyền giáo. Và điều này có thể khiến mục sư của bạn vô cùng đau buồn. Đây là một phần lý do tại sao mục sư của bạn muốn từ bỏ—bởi vì ông ấy nhận ra rằng nhiều người trong hội thánh của mình chú ý đến tin tức trên truyền hình cáp hơn là Phúc Âm của Chúa Giê-xu. Nếu bạn muốn khích lệ mục sư của mình, hãy rút phích cắm khỏi thứ đang đánh cắp tình cảm của bạn.

3. Hãy cân nhắc về một kỳ nghỉ cho mục sư của bạn. Chúng tôi (những mục sư) thường không có thời gian nghỉ ngơi kéo dài trong một vài năm. Hãy bắt đầu nhận một món quà ngay bây giờ và cân nhắc cho một kỳ nghỉ mát tuyệt vời được trả lương trong tháng tri ân dành cho các mục sư. Hãy để mục sư của bạn được nghỉ ngơi. Hoàn toàn. Dường như mục sư của bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn bình thường khi trải qua đại dịch này, nhưng điều đó đơn giản là không đúng. Chúng tôi chỉ phải học cách làm việc tại nhà mà thôi. Thời gian suy nghĩ, ra quyết định, thời gian chuẩn bị, v.v. của chúng tôi thực sự tăng lên khi chúng tôi phải học nhiều điều mới hàng ngày.

4. Hãy nói lên sự ủng hộ của bạn. Chúng tôi (những mục sư) hiếm khi nghe ai nói gì khi chúng tôi đưa ra quyết định đúng đắn. Chúng tôi thường chỉ nghe từ những người tin rằng chúng tôi đã nhầm lẫn ở đâu đó. Thành thật mà nói, ngay cả khi bạn không đồng ý với một quyết định, hãy cứ xem đó là một quan điểm. Hãy hiểu và thông cảm rằng mục sư (hoặc nhóm mục vụ) của bạn đã cân nhắc tất cả các lựa chọn và đưa ra quyết định tốt nhất có thể.

5. Hãy yêu thương mục sư của bạn. Hãy nghiên cứu 1 Cô-rinh-tô 13 và suy ngẫm về cách mà bạn sẽ đối đãi với những người đang cố gắng dẫn dắt bạn trong những thời điểm khó khăn như thế này.

Tóm lại là…

Công việc chăn dắt hội thánh thật sự rất khó khăn trong mùa này. Nhưng cũng có nhiều lý do để được khích lệ. Chúa vẫn đang hành động. Có những phước lành ở giữa những ngày đen tối này. Đấng Christ thường chiếu sáng nhất trong những nơi tăm tối nhất. Ngài làm cho sự hiện diện của Ngài được biết đến khi mọi thứ xung quanh chúng ta dường như đang sụp đổ. Hỡi các mục sư, hãy bám chặt lấy Chúa Giê-xu. Điều này có thể giúp bạn suy nghĩ lại về việc tiếp tục hầu việc Chúa trọn thời gian. Không sao đâu. Bạn không tự quyết định được sự kêu gọi của bạn. Bạn có thể hỏi Ngài những câu hỏi hóc búa đó.

Chúa Giê-xu là Đấng thành tín. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những khoảng thời gian thử thách này ngay cả khi dầu trong cỗ máy lãnh đạo của chúng ta dường như đang cạn kiệt.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like